• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 26/05/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 18/07/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 17/2000/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 11 tháng 5 năm 2000

NGHỊ ĐỊNH

Về tổ chức và hoạt động của Thanh tra chứng khoán

______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990;

Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Tổng Thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thanh tra chứng khoán là thanh tra nhà nước chuyên ngành về chứng khoán và thị trường chứng khoán, thuộc tổ chức bộ máy của ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có con dấu riêng.

Điều 2. Mục đích hoạt động của Thanh tra chứng khoán nhằm góp phần đảm bảo cho hoạt động của thị trường chứng khoán được an toàn, công bằng, công khai, có hiệu quả, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Điều 3. Đối tượng Thanh tra chứng khoán gồm:

1. Các tổ chức phát hành chứng khoán đưa vào giao dịch tại thị trường giao dịch tập trung;

2. Trung tâm giao dịch chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán;

3. Các công ty chứng khoán; Tổ chức bảo lãnh phát hành, Công ty quản lý quỹ đầu tư; Tổ chức đăng ký chứng khoán, lưu ký chứng khoán, thanh toán bù trừ chứng khoán; Ngân hàng giám sát;

4. Người hành nghề kinh doanh chứng khoán;

5. Các tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 4. Phạm vi hoạt động của Thanh tra chứng khoán gồm có:

1. Hoạt động phát hành chứng khoán;

2. Các giao dịch chứng khoán;

3. Các hoạt động kinh doanh, đăng ký, thanh toán bù trừ, lưu ký chứng khoán;

4. Việc công bố thông tin.

Điều 5. Hoạt động của Thanh tra chứng khoán chỉ tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; không một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Thanh tra chứng khoán.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA THANH TRA CHỨNG KHOÁN

Điều 6. Thanh tra chứng khoán có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; việc thực hiện các quy định trong giấy phép phát hành chứng khoán, giấy phép hoạt động chứng khoán, giấy phép hành nghề kinh doanh chứng khoán;

2. Phối hợp với các đơn vị thuộc ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc giám sát hoạt động phát hành, kinh doanh, giao dịch chứng khoán. Thực hiện các cuộc thanh tra các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành, kinh doanh, giao dịch chứng khoán nhằm phát hiện, ngăn chặn các vi phạm. Kiến nghị Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện các biện pháp đảm bảo thi hành pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

3. Phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán;

4. Xác minh, kết luận, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo. Tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong ngành chứng khoán;

5. Tham mưu giúp Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo công tác thanh tra đối với các đơn vị thuộc quyền quản lý của ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

6. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Pháp lệnh Thanh tra ngày 01 tháng 4 năm 1990 và các nhiệm vụ khác do Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao.

Điều 7. Khi tiến hành thanh tra, được quyền:

1. Yêu cầu đối tượng bị thanh tra và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

2. Lập biên bản thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;

3. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

4. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 8. Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra chứng khoán có trách nhiệm:

1. Xuất trình quyết định thanh tra và thẻ Thanh tra viên;

2. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, không gây phiền hà, sách nhiễu làm cản trở hoạt động phát hành, kinh doanh, giao dịch chứng khoán và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành, kinh doanh, giao dịch chứng khoán;

3. Báo cáo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết.

Điều 9. Thanh tra chứng khoán chỉ thành lập ở ủy ban Chứng khoán nhà nước. Quy chế làm việc của Thanh tra chứng khoán do Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định, sau khi thống nhất ý kiến với Tổng Thanh tra Nhà nước và Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Điều 10. Thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 11. Điều hành Thanh tra chứng khoán là Chánh Thanh tra, giúp việc Chánh Thanh tra có một số Phó Chánh Thanh tra.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra do Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị Tổng Thanh tra Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ khác và các ngạch Thanh tra viên chứng khoán thực hiện theo các quy định của pháp luật thanh tra hiện hành.

Chương III

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CHÁNH THANH TRA VÀ THANH TRA VIÊN CHỨNG KHOÁN

Điều 12. Chánh Thanh tra chứng khoán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra chứng khoán quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

2. Xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật;

3. Thực hiện các quyền khác quy định tại Điều 15, Pháp lệnh Thanh tra;

4. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giao.

Điều 13. Thanh tra viên chứng khoán phải đáp ứng tiêu chuẩn các ngạch, bậc công chức ngành thanh tra Nhà nước.

Điều 14. Thanh tra viên chứng khoán trong khi tiến hành thanh tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Pháp lệnh Thanh tra và các văn bản pháp luật khác có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra viên chứng khoán.

Điều 15. Thanh tra viên chứng khoán được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương IV

QUAN HỆ GIỮA THANH TRA CHỨNG KHOÁN VỚI CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

Điều 16. Thanh tra chứng khoán chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và nghiệp vụ thanh tra của Thanh tra Nhà nước và thực hiện mối quan hệ khác với Thanh tra Nhà nước theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 17. Thanh tra chứng khoán trong quá trình thanh tra hoạt động phát hành, kinh doanh và giao dịch chứng khoán, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khác thì Thanh tra chứng khoán có trách nhiệm thông báo cho tổ chức Thanh tra thuộc lĩnh vực đó để có biện pháp xử lý thích hợp.

Tổ chức Thanh tra của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức Thanh tra Nhà nước ở địa phương khi thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tổ chức Thanh tra đó có trách nhiệm thông báo cho Thanh tra chứng khoán.

Điều 18. Thanh tra chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân các cấp trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện các tổ chức và cá nhân có dấu hiệu cấu thành tội phạm, liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, Thanh tra chứng khoán phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Các cơ quan điều tra, khi cần thiết phải phối hợp với Thanh tra chứng khoán trong quá trình tiến hành điều tra các vấn đề liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Điều 19. Thanh tra chứng khoán được sử dụng cộng tác viên trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra hiện hành.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Công chức Thanh tra chứng khoán, cộng tác viên và tổ chức Thanh tra chứng khoán có thành tích trong hoạt động thanh tra được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Thanh tra viên chứng khoán có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ, có hành vi bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các quy định của Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 23. Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 24. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.