• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2015
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 39/2015/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 25 tháng 3 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

__________________

 

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Hiệp định thực hiện điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Đối tượng áp dụng: Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Các từ ngữ sử dụng trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Hợp đồng mua bán hàng hóa là thỏa thuận mua bán hàng hóa được xác lập bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm: điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu. Trong đó, người bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho người mua và nhận thanh toán; người mua có nghĩa vụ thanh toán cho người bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận; hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua, qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam hoặc từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa hoặc từ thị trường nội địa vào khu phi thuế quan.

Người bán bao gồm người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ.

2. Hoa hồng mua hàng là khoản tiền mà người mua trả cho đại lý đại diện của mình để mua hàng hóa nhập khẩu với mức giá hợp lý nhất.

3. Hoa hồng bán hàng là khoản tiền được trả cho đại lý đại diện cho người bán để bán hàng hóa xuất khẩu cho người mua.

4. Phí môi giới là khoản tiền người mua hoặc người bán hoặc cả người mua và người bán phải trả cho người môi giới để đảm nhận vai trò trung gian trong giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu.

5. Phần mềm là các dữ liệu, chương trình hoặc hướng dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác khi chuyển tải vào một thiết bị xử lý dữ liệu thì có khả năng làm thiết bị đó thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Các sản phẩm âm thanh, phim hoặc hình ảnh không được coi là phần mềm theo quy định này.

6. Phương tiện trung gian là đĩa mềm, đĩa CD, đĩa DVD, băng từ, thẻ từ, ổ cứng ngoài hoặc bất kỳ vật thể nào lưu giữ được thông tin, được sử dụng như một phương tiện lưu giữ tạm thời hoặc để chuyển tải phần mềm. Để sử dụng, phần mềm được chuyển, cài đặt hoặc tích hợp vào thiết bị xử lý dữ liệu. Phương tiện trung gian không bao gồm các mạch tích hợp, vi mạch, bán dẫn và các thiết bị tương tự hoặc các bộ phận gắn vào các bảng mạch hoặc thiết bị đó.

7. Hàng hóa có trị giá được coi là “xấp xỉ” với nhau nếu sự chênh lệch giữa chúng do các yếu tố khách quan sau đây tác động đến:

a) Bản chất của hàng hóa, tính chất của ngành sản xuất ra hàng hóa;

b) Tính thời vụ của hàng hóa;

c) Sự khác biệt không đáng kể về mặt thương mại.

Trong khi xem xét tính xấp xỉ của hai trị giá phải đưa chúng về cùng điều kiện mua bán.

8. Hàng hóa xuất khẩu giống hệt là những hàng hóa xuất khẩu giống nhau về mọi phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm vật chất gồm bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa;

b) Chất lượng sản phẩm;

c) Nhãn hiệu sản phẩm;

d) Được sản xuất tại Việt Nam, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất được ủy quyền, nhượng quyền.

9. Hàng hóa nhập khẩu giống hệt là những hàng hóa nhập khẩu giống nhau về mọi phương diện, bao gồm:

a) Đặc điểm vật chất gồm bề mặt sản phẩm, vật liệu cấu thành, phương pháp chế tạo, chức năng, mục đích sử dụng, tính chất cơ, lý, hóa, có cùng mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Chất lượng sản phẩm;

c) Nhãn hiệu sản phẩm;

d) Được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất được ủy quyền, nhượng quyền.

Hàng hóa nhập khẩu về cơ bản giống nhau mọi phương diện nhưng có những khác biệt không đáng kể về bề ngoài như màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng mà không làm ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa thì vẫn được coi là hàng hóa nhập khẩu giống hệt.

Hàng hóa nhập khẩu không được coi là giống hệt nếu như trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó có sử dụng các thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, kế hoạch triển khai, thiết kế mỹ thuật, bản vẽ thiết kế, các sơ đồ, phác đồ hay các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở Việt Nam do người mua cung cấp miễn phí cho người bán.

10. Hàng hóa xuất khẩu tương tự là những hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

a) Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo;

b) Có cùng chức năng, mục đích sử dụng;

c) Chất lượng sản phẩm tương đương nhau;

d) Có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại, tức là người mua chấp nhận thay thế hàng hóa này cho hàng hóa kia;

đ) Được sản xuất tại Việt Nam, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác được ủy quyền, nhượng quyền.

11. Hàng hóa nhập khẩu tương tự là những hàng hóa mặc dù không giống nhau về mọi phương diện nhưng có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm:

a) Được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương, có cùng phương pháp chế tạo;

b) Có cùng chức năng, mục đích sử dụng;

c) Chất lượng sản phẩm tương đương nhau;

d) Có thể hoán đổi cho nhau trong giao dịch thương mại, tức là người mua chấp nhận thay thế hàng hóa này cho hàng hóa kia;

đ) Được sản xuất ở cùng một nước, bởi cùng một nhà sản xuất hoặc nhà sản xuất khác được ủy quyền, nhượng quyền, được nhập khẩu vào Việt Nam.

Những hàng hóa nhập khẩu không được coi là tương tự, nếu như trong quá trình sản xuất ra một trong những hàng hóa đó có sử dụng các thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, thiết kế mỹ thuật, kế hoạch triển khai, bản vẽ thiết kế, các sơ đồ, phác đồ hay các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở Việt Nam do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá cho người bán.

12. Ngày xuất khẩu là ngày phát hành vận đơn. Trường hợp không có vận đơn, ngày xuất khẩu là ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa.

13. Hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại là những hàng hóa có cùng xuất xứ, nằm trong cùng một nhóm hoặc một tập hợp nhóm hàng hóa do cùng một ngành hay một lĩnh vực cụ thể sản xuất ra. Hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự là những hàng hóa cùng chủng loại.

Ví dụ: Chủng loại thép xây dựng như thép trơn tròn, thép xoắn, thép hình (chữ U, I, V) do ngành sản xuất thép sản xuất ra, là những hàng hóa cùng chủng loại.

a) Trong phương pháp xác định trị giá hải quan theo trị giá khấu trừ “hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại” là hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước vào Việt Nam, không phân biệt xuất xứ;

b) Trong phương pháp xác định trị giá hải quan theo trị giá tính toán “hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại” phải là những hàng hóa nhập khẩu có cùng xuất xứ với hàng hóa đang xác định trị giá hải quan.

14. Số liệu khách quan, định lượng được là số liệu cụ thể của các khoản điều chỉnh cộng, khoản điều chỉnh trừ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan được thể hiện trong thỏa thuận hoặc chứng từ, tài liệu của các bên tham gia giao dịch.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan

1. Người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung kê khai và kết quả tự xác định trị giá hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan hải quan, việc nộp các chứng từ, tài liệu thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; tham vấn để trao đổi, làm rõ nghi vấn của cơ quan hải quan liên quan đến trị giá khai báo; yêu cầu cơ quan hải quan thông báo bằng văn bản về trị giá tính thuế, cơ sở, phương pháp được sử dụng để xác định trị giá hải quan trong trường hợp trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định.

2. Khi kiểm tra việc khai báo và xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan, cơ quan hải quan có quyền yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu có liên quan đến phương pháp xác định trị giá khai báo theo quy định tại Thông tư này để chứng minh tính chính xác, tính trung thực của trị giá khai báo;

3. Cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan căn cứ nguyên tắc, các phương pháp xác định trị giá hải quan, cơ sở dữ liệu trị giá, các tài liệu, chứng từ có liên quan quy định tại Thông tư này trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Thông tư này;

b) Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 17 Thông tư này.

Chương II

XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Mục I

NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Điều 4. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu

1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F), được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phương pháp xác định:

a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất được xác định trên cơ sở giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại và các chứng từ liên quan phù hợp với hàng hóa thực xuất khẩu;

b) Trường hợp không xác định được trị giá hải quan theo quy định tại điểm a khoản này, trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trong cơ sở dữ liệu trị giá tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của hàng hóa đang xác định trị giá, sau khi quy đổi về giá bán tính đến cửa khẩu xuất. Trường hợp tại cùng thời điểm xác định được từ hai trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trở lên thì trị giá hải quan là trị giá của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự thấp nhất.

Điều 5. Nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu

1. Nguyên tắc: Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định theo các phương pháp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phương pháp xác định: Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư này và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan. Các phương pháp xác định trị giá hải quan bao gồm:

a) Phương pháp trị giá giao dịch;

b) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt;

c) Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự;

d) Phương pháp trị giá khấu trừ;

đ) Phương pháp trị giá tính toán;

e) Phương pháp suy luận.

Trường hợp người khai hải quan đề nghị bằng văn bản thì trình tự áp dụng phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán có thể hoán đổi cho nhau.

Điều 6. Phương pháp trị giá giao dịch

1. Trị giá giao dịch là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.

2. Giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, trực tiếp hoặc gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu. Bao gồm các khoản sau đây:

a) Giá mua ghi trên hóa đơn thương mại;

b) Các khoản điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này;

c) Các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại, bao gồm:

c.1) Tiền trả trước, tiền ứng trước, tiền đặt cọc cho việc sản xuất, mua bán, vận tải, bảo hiểm hàng hóa;

c.2) Các khoản thanh toán gián tiếp cho người bán (ví dụ như: khoản tiền mà người mua trả cho người thứ ba theo yêu cầu của người bán; khoản tiền được thanh toán bằng cách cấn trừ nợ).

3. Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau:

a) Người mua không bị hạn chế quyền định đoạt hoặc sử dụng hàng hóa sau khi nhập khẩu, trừ các hạn chế dưới đây:

a.1) Hạn chế do pháp luật Việt Nam quy định như: Các quy định về việc hàng hóa nhập khẩu phải dán nhãn mác bằng tiếng Việt, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hoặc hàng hóa nhập khẩu phải chịu một hình thức kiểm tra trước khi được thông quan;

a.2) Hạn chế về nơi tiêu thụ hàng hóa;

a.3) Hạn chế khác không ảnh hưởng đến trị giá của hàng hóa. Những hạn chế này là một hoặc nhiều yếu tố có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến hàng hóa nhập khẩu, nhưng không làm tăng hoặc giảm giá thực thanh toán cho hàng hóa đó.

Ví dụ: Người bán ô tô yêu cầu người mua ô tô không được bán hoặc trưng bày ô tô nhập khẩu trước thời điểm giới thiệu mẫu ô tô này ra thị trường.

b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan.

Ví dụ: Người bán định giá bán hàng hóa nhập khẩu với điều kiện là người mua cũng sẽ mua một số lượng nhất định các hàng hóa khác nữa; Giá cả của hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc vào giá của hàng hóa khác mà người nhập khẩu sẽ bán lại cho người xuất khẩu.

Trường hợp việc mua bán hàng hóa hay giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào một hay một số điều kiện, nhưng người mua có tài liệu khách quan để xác định mức độ ảnh hưởng bằng tiền của sự phụ thuộc đó thì vẫn được xem là đã đáp ứng điều kiện này; khi xác định trị giá hải quan phải cộng khoản tiền được giảm do ảnh hưởng của sự phụ thuộc đó vào trị giá giao dịch.

c) Sau khi bán lại, chuyển nhượng hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu, trừ khoản phải cộng quy định tại điểm e khoản 2 Điều 13 Thông tư này, người mua không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào từ số tiền thu được do việc định đoạt hàng hóa nhập khẩu mang lại;

d) Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

4. Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứa phần mềm

a) Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là phương tiện trung gian có chứa phần mềm là trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu, không bao gồm trị giá của phần mềm dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu mà nó chứa đựng nếu trên hóa đơn thương mại, trị giá của phần mềm được tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian;

b) Trị giá hải quan là trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả trị giá phần mềm và chi phí để ghi hoặc cài đặt phần mềm vào hàng hóa nhập khẩu, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.1) Trên hóa đơn thương mại, trị giá của phần mềm không được tách riêng với trị giá của phương tiện trung gian;

b.2) Trị giá thực thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho phần mềm có liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng theo quy định tại Điều 13 Thông tư này;

b.3) Phần mềm được ghi, cài đặt hoặc tích hợp trong các hàng hóa nhập khẩu không phải là phương tiện trung gian.

5. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá theo phương pháp này bao gồm:

a) Hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Chứng từ, tài liệu chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch (nếu khai có mối quan hệ đặc biệt nhưng mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch);

c) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hóa đơn thương mại (nếu có khoản tiền này);

d) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản, điều chỉnh cộng (nếu có khoản điều chỉnh cộng);

đ) Chứng từ, tài liệu chứng minh các khoản điều chỉnh trừ (nếu có khoản điều chỉnh trừ);

e) Chứng từ, tài liệu khác chứng minh việc xác định trị giá hải quan theo trị giá giao dịch do người khai hải quan khai báo.

Điều 7. Mối quan hệ đặc biệt

1. Người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cùng là nhân viên hoặc một người là nhân viên, người kia là giám đốc trong doanh nghiệp khác;

b) Cùng là những thành viên hợp danh góp vốn trong kinh doanh được pháp luật công nhận;

c) Là chủ và người làm thuê;

d) Người bán có quyền kiểm soát người mua hoặc ngược lại;

đ) Cùng bị một bên thứ ba kiểm soát;

e) Cùng kiểm soát một bên thứ ba;

Một người có quyền kiểm soát người khác quy định tại các điểm d, đ, e khoản này là người có thể hạn chế được hay chỉ đạo được một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người kia.

g) Có một trong các mối quan hệ gia đình: Vợ chồng, bố mẹ và con cái được pháp luật công nhận, ông bà và cháu có quan hệ huyết thống với nhau, cô chú bác và cháu ruột, anh chị em ruột, anh chị em dâu, rể;

h) Một người thứ ba sở hữu, kiểm soát hoặc nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của cả hai bên;

i) Các bên liên kết với nhau trong kinh doanh, trong đó một bên là đại lý độc quyền, nhà phân phối độc quyền hoặc nhà chuyển nhượng độc quyền của bên kia được coi là có mối quan hệ đặc biệt nếu như mối quan hệ đó phù hợp với quy định một trong các điểm từ điểm a đến điểm h trên đây.

2. Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch nếu thỏa mãn một trong hai điều kiện sau:

a) Giao dịch mua bán giữa người mua và người bán được tiến hành như giao dịch mua bán với những người mua không có mối quan hệ đặc biệt với người bán cùng nhập khẩu hàng hóa đó về Việt Nam. Cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra cách thức mà người mua và người bán thiết lập mối quan hệ mua bán và cách thức đàm phán để đạt được mức giá khai báo, từ đó đưa ra kết luận là trị giá khai báo có bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ đặc biệt hay không;

Ví dụ:

- Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu được đàm phán và thống nhất trong hợp đồng thương mại theo cách thức phù hợp với thông lệ đàm phán, thỏa thuận giá cả thông thường của ngành hàng đó hoặc theo cách mà người bán đưa ra giá mua bán hàng hóa cho những người mua không có quan hệ đặc biệt khác.

- Giá mua bán hàng hóa nhập khẩu bao gồm cả chi phí và lợi nhuận chung, tương ứng với chi phí và lợi nhuận chung của việc bán hàng hóa cùng phẩm cấp hay cùng chủng loại.

b) Trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu xấp xỉ với một trong những trị giá dưới đây của lô hàng được xuất khẩu đến Việt Nam trong cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu lô hàng đang chứng minh:

b.1) Trị giá hải quan được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được bán cho người nhập khẩu khác không có mối quan hệ đặc biệt với người xuất khẩu (người bán);

b.2) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ quy định tại Điều 10 Thông tư này;

b.3) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay tương tự được xác định theo phương pháp trị giá tính toán quy định tại Điều 11 Thông tư này.

3. Những trị giá hải quan quy định tại điểm b khoản 2 Điều này chỉ nhằm mục đích so sánh và phải điều chỉnh trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, hàng hóa nhập khẩu tương tự về cùng điều kiện mua bán với hàng hóa nhập khẩu đang chứng minh:

a) Điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán: Việc điều chỉnh trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt, tương tự về cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang chứng minh được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư này hoặc;

b) Điều chỉnh các khoản phải cộng, các khoản phải trừ theo quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này.

4. Thủ tục khai báo, kiểm tra:

a) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, trường hợp người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt nhưng không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch thì người khai hải quan phải khai trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu và tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

b) Trên cơ sở những thông tin có sẵn, trường hợp nghi vấn mối quan hệ đặc biệt có ảnh hưởng đến trị giá giao dịch, cơ quan hải quan thông báo và tổ chức đối thoại để người khai hải quan giải trình và cung cấp thêm thông tin có liên quan đến mối quan hệ đặc biệt đó, nhằm làm rõ mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 8. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch quy định tại Điều 6 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt.

2. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt được thực hiện như quy định tại Điều 9 Thông tư này, trong đó cụm từ “hàng hóa nhập khẩu tương tự” được thay thế bằng cụm từ “hàng hóa nhập khẩu giống hệt”.

Điều 9. Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6 và Điều 8 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, với điều kiện hàng hóa nhập khẩu tương tự đã được cơ quan hải quan chấp nhận xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch và có cùng các điều kiện mua bán, điều kiện về thời gian xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp không tìm được lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng điều kiện mua bán với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu tương tự khác về điều kiện mua bán, nhưng phải được điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán.

2. Điều kiện lựa chọn lô hàng nhập khẩu tương tự: Lô hàng nhập khẩu tương tự được lựa chọn nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Điều kiện về thời gian xuất khẩu:

Lô hàng nhập khẩu tương tự phải được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan.

b) Điều kiện mua bán:

b.1) Điều kiện về cấp độ thương mại và số lượng:

b.1.1) Lô hàng nhập khẩu tương tự phải có cùng điều kiện về cấp độ thương mại và số lượng với lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan;

b.1.2) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu có cùng cấp độ thương mại nhưng khác nhau về số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự về cùng số lượng với lô hàng đang xác định trị giá hải quan;

b.1.3) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1 và b.1.2 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu khác nhau về cấp độ thương mại nhưng cùng số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của lô hàng nhập khẩu tương tự về cùng cấp độ thương mại với lô hàng đang xác định trị giá hải quan;

b.1.4) Nếu không tìm được lô hàng nhập khẩu nêu tại điểm b.1.1, b.1.2 và b.1.3 khoản này thì lựa chọn lô hàng nhập khẩu khác nhau cả về cấp độ thương mại và số lượng, sau đó điều chỉnh trị giá giao dịch của lô hàng nhập khẩu tương tự về cùng cấp độ thương mại và số lượng với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

b.2) Điều kiện về quãng đường và phương thức vận tải, bảo hiểm:

Lô hàng nhập khẩu tương tự có cùng quãng đường và phương thức vận tải, hoặc đã được điều chỉnh về cùng quãng đường và phương thức vận tải với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

Nếu có sự chênh lệch đáng kể về phí bảo hiểm thì điều chỉnh về cùng điều kiện bảo hiểm với lô hàng đang xác định trị giá hải quan.

c) Khi áp dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự, nếu không tìm được hàng hóa nhập khẩu tương tự được sản xuất bởi cùng một người sản xuất hoặc người sản xuất khác được ủy quyền thì mới xét đến hàng hóa được sản xuất bởi người sản xuất khác và phải có cùng xuất xứ.

d) Khi xác định trị giá hải quan theo phương pháp này mà xác định được từ hai trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự trở lên thì sau khi đã điều chỉnh về cùng điều kiện mua bán với lô hàng đang xác định trị giá hải quan, trị giá hải quan là trị giá giao dịch thấp nhất.

Nếu trong thời gian làm thủ tục hải quan không đủ thông tin lựa chọn hàng nhập khẩu giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá hải quan thì không xác định trị giá hải quan cho hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 8 hoặc Điều 9 Thông tư này phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.

3. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này, mỗi chứng từ 01 bản chụp, bao gồm:

a) Tờ khai hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự;

b) Tờ khai trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự đối với trường hợp phải khai báo tờ khai trị giá hải quan;

c) Hợp đồng vận tải của hàng hóa nhập khẩu tương tự (nếu có sự điều chỉnh chi phí này);

d) Hợp đồng bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu tương tự (nếu có sự điều chỉnh chi phí này);

đ) Bảng giá bán hàng xuất khẩu của nhà sản xuất hoặc người bán hàng ở nước ngoài (nếu có sự điều chỉnh về số lượng, cấp độ thương mại);

e) Các hồ sơ, chứng từ khác liên quan đến việc xác định trị giá hải quan.

Điều 10. Phương pháp trị giá khấu trừ

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ, căn cứ vào đơn giá bán hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự trên thị trường nội địa Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều này và trừ (-) các chi phí hợp lý, lợi nhuận thu được sau khi bán hàng hóa nhập khẩu.

Không áp dụng phương pháp này nếu hàng hóa được lựa chọn để xác định đơn giá bán thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chưa được bán trên thị trường nội địa Việt Nam hoặc việc bán hàng hóa chưa được hạch toán trên chứng từ, sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam;

b) Có liên quan đến khoản trợ giúp do bất kỳ người nào cung cấp theo quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

2. Giá bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường Việt Nam được xác định theo những nguyên tắc sau:

a) Giá bán hàng hóa nhập khẩu là giá bán thực tế của hàng hóa đó tại thị trường Việt Nam. Trường hợp không có giá bán thực tế của hàng hóa nhập khẩu cần xác định trị giá hải quan thì lấy giá bán thực tế của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay hàng hóa nhập khẩu tương tự còn nguyên trạng như khi nhập khẩu được bán trên thị trường Việt Nam để xác định giá bán thực tế.

Hàng hóa nhập khẩu còn nguyên trạng như khi nhập khẩu là hàng hóa sau khi nhập khẩu không bị bất cứ một tác động nào làm thay đổi hình dạng, đặc điểm, tính chất, công dụng của hàng hóa hoặc làm tăng, giảm trị giá của hàng hóa nhập khẩu.

b) Người nhập khẩu và người mua hàng trong nước không có mối quan hệ đặc biệt theo quy định tại Điều 7 Thông tư này;

c) Mức giá bán tính trên số lượng bán ra lớn nhất và đủ để hình thành đơn giá. Mức giá bán ra tính trên số lượng bán ra lớn nhất là mức giá mà hàng hóa đã được bán với số lượng tổng cộng lớn nhất trong các giao dịch bán hàng hóa ở cấp độ thương mại đầu tiên ngay sau khi nhập khẩu;

d) Hàng hóa được bán ra (bán buôn hoặc bán lẻ) vào ngày sớm nhất ngay sau khi nhập khẩu, nhưng không chậm quá 90 ngày (ngày theo lịch) sau ngày nhập khẩu lô hàng đó. Ngày sớm nhất ngay sau khi nhập khẩu là ngày hàng hóa được bán với số lượng hàng hóa đủ để hình thành đơn giá (tối thiểu bằng 10% lượng hàng hóa của mặt hàng đó trong lô hàng nhập khẩu).

3. Điều kiện lựa chọn đơn giá bán trên thị trường Việt Nam:

a) Đơn giá bán trên thị trường Việt Nam phải là đơn giá bán của hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan, hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự, được bán nguyên trạng như khi nhập khẩu;

b) Đơn giá bán được lựa chọn là đơn giá tương ứng với lượng hàng hóa được bán ra với số lượng lũy kế lớn nhất ở mức đủ để hình thành đơn giá; hàng hóa được bán ra ngay sau khi nhập khẩu, nhưng không quá 90 ngày sau ngày nhập khẩu của hàng hóa đang được xác định trị giá hải quan; người mua hàng trong nước và người bán không có mối quan hệ đặc biệt.

Ví dụ: Lô hàng A gồm nhiều mặt hàng trong đó mặt hàng B phải xác định trị giá hải quan theo phương pháp khấu trừ. Lô hàng A được nhập khẩu vào ngày 1/1/2014. Một lô hàng trong đó có mặt hàng giống hệt với mặt hàng B nhập khẩu trước đó và được bán cho nhiều người mua trong nước theo các mức giá và thời điểm khác nhau như sau:

 

Đơn giá

Số lượng/lần bán

Thời gian bán

Số lũy kế

900 đồng/chiếc

50 chiếc

28/3/2014

100 chiếc

30 chiếc

15/1/2014

20 chiếc

3/3/2014

800 đồng/chiếc

200 chiếc

20/1/2014

450 chiếc

250 chiếc

12/2/2014

 

Tổng cộng:

 

550 chiếc

 

Trong ví dụ trên, đơn giá bán được lựa chọn để khấu trừ là 800 đồng/chiếc, tương ứng với số lượng bán ra lớn nhất (450 chiếc), ở mức đủ để hình thành đơn giá. Đơn giá này thỏa mãn các điều kiện về lựa chọn đơn giá bán, đó là:

- Có số lượng lũy kế lớn nhất (450 chiếc) trong số hàng hóa nhập khẩu được bán ra ngay sau khi nhập khẩu.

- Thời gian bán là trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập khẩu.

4. Nguyên tắc khấu trừ:

Việc xác định các khoản khấu trừ phải dựa trên cơ sở các số liệu kế toán, chứng từ hợp pháp, có sẵn và được ghi chép, phản ánh theo các quy định, chuẩn mực của kế toán Việt Nam. Các khoản được khấu trừ phải là những khoản được phép hạch toán vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp theo Luật kế toán Việt Nam.

5. Các khoản được khấu trừ khỏi đơn giá bán hàng:

Các khoản được khấu trừ khỏi đơn giá bán hàng là những chi phí hợp lý và lợi nhuận thu được sau khi bán hàng trên thị trường Việt Nam, bao gồm:

a) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và chi phí cho các hoạt động khác liên quan đến việc vận tải hàng hóa sau khi nhập khẩu, cụ thể:

a.1) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và các chi phí khác liên quan đến việc vận tải hàng hóa phát sinh từ cửa khẩu nhập đầu tiên đến kho hàng của người nhập khẩu hoặc địa điểm giao hàng trong nội địa Việt Nam;

a.2) Chi phí vận tải, phí bảo hiểm và các chi phí khác liên quan đến việc vận tải từ kho hàng của người nhập khẩu trong nội địa Việt Nam đến địa điểm bán hàng, nếu người nhập khẩu phải chịu các khoản này.

b) Các khoản thuế, phí và lệ phí phải nộp tại Việt Nam khi nhập khẩu và bán hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa Việt Nam;

c) Hoa hồng hoặc chi phí chung và lợi nhuận liên quan đến các hoạt động bán hàng hóa nhập khẩu tại Việt Nam:

c.1) Trường hợp người nhập khẩu là đại lý bán hàng cho thương nhân nước ngoài thì khấu trừ khoản hoa hồng. Nếu trong khoản hoa hồng đã bao gồm các chi phí nêu tại điểm a và b khoản này thì không được khấu trừ thêm các khoản này;

c.2) Trường hợp nhập khẩu theo phương thức mua đứt bán đoạn thì khấu trừ các khoản chi phí chung và lợi nhuận: Chi phí chung và lợi nhuận phải được xem xét một cách tổng thể khi xác định trị giá khấu trừ. Việc xác định và phân bổ chi phí chung và lợi nhuận cho lô hàng nhập khẩu phải được thực hiện theo các quy định và chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Chi phí chung bao gồm các chi phí trực tiếp, chi phí gián tiếp phục vụ cho việc nhập khẩu và bán hàng hóa trên thị trường nội địa, như: Chi phí về tiếp thị hàng hóa, chi phí về lưu giữ và bảo quản hàng hóa trước khi bán hàng, chi phí về các hoạt động quản lý phục vụ cho việc nhập khẩu và bán hàng.

Căn cứ để xác định các khoản khấu trừ là số liệu được ghi chép và phản ánh trên chứng từ, sổ sách kế toán của người nhập khẩu, phù hợp với quy định, chuẩn mực của kế toán Việt Nam. Số liệu này phải tương ứng với những số liệu thu được từ những hoạt động mua bán hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại tại Việt Nam.

6. Hàng hóa nhập khẩu qua quá trình gia công, chế biến thêm ở trong nước được xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trừ đi các chi phí gia công, chế biến làm tăng thêm trị giá của hàng hóa. Không áp dụng phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Điều này đối với các trường hợp:

a) Hàng hóa nhập khẩu sau khi gia công, chế biến không còn nguyên trạng như khi nhập khẩu và không xác định được chính xác giá trị tăng thêm do quá trình gia công, chế biến;

b) Hàng hóa nhập khẩu sau khi gia công, chế biến vẫn giữ nguyên đặc điểm, tính chất, công dụng như khi nhập khẩu nhưng chỉ còn là một bộ phận của hàng hóa được bán ra trên thị trường Việt Nam.

7. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này bao gồm:

a) Hóa đơn bán hàng hoặc hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định;

b) Hợp đồng đại lý bán hàng nếu người nhập khẩu là đại lý bán hàng của người xuất khẩu. Hợp đồng này phải quy định cụ thể khoản phí hoa hồng mà người đại lý được hưởng, các loại chi phí mà người đại lý phải trả;

c) Bản giải trình về doanh thu bán hàng và các chứng từ, sổ sách kế toán phản ánh các khoản chi phí nêu tại khoản 5 Điều này;

d) Tờ khai hải quan và tờ khai trị giá hải quan của lô hàng được lựa chọn để khấu trừ;

đ) Các tài liệu cần thiết khác để kiểm tra, xác định trị giá hải quan.

Điều 11. Phương pháp trị giá tính toán

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này thì trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp trị giá tính toán. Trị giá tính toán của hàng hóa nhập khẩu bao gồm:

a) Chi phí trực tiếp để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu: Giá thành hoặc trị giá của nguyên vật liệu, chi phí của quá trình sản xuất hoặc quá trình gia công khác được sử dụng vào sản xuất hàng nhập khẩu. Chi phí này bao hàm cả các khoản chi phí sau:

a.1) Chi phí quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư này;

a.2) Trị giá của các khoản trợ giúp theo quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này;

a.3) Chỉ tính vào trị giá hải quan trị giá của các khoản trợ giúp quy định tại điểm d.1 khoản 2 Điều 13 Thông tư này được thực hiện ở Việt Nam nếu người sản xuất chịu chi phí cho các sản phẩm trợ giúp đó.

b) Chi phí chung và lợi nhuận phát sinh trong hoạt động bán hàng hóa cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại với hàng hóa nhập khẩu đang xác định trị giá, được sản xuất ở nước xuất khẩu để bán hàng đến Việt Nam. Khoản lợi nhuận và chi phí chung phải được xem xét một cách tổng thể khi xác định trị giá tính toán.

Chi phí chung bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp hay gián tiếp của quá trình sản xuất và bán để xuất khẩu hàng hóa, nhưng chưa được tính toán theo quy định nêu tại điểm a khoản này.

c) Các chi phí vận tải, bảo hiểm và các chi phí có liên quan đến việc vận tải hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại điểm g, điểm h khoản 2 Điều 13 Thông tư này.

2. Căn cứ để xác định trị giá tính toán:

Là số liệu được ghi chép và phản ánh trên chứng từ, sổ sách kế toán của người sản xuất trừ khi các số liệu này không phù hợp các số liệu thu thập được tại Việt Nam. Số liệu này phải tương ứng với những số liệu thu được từ những hoạt động sản xuất, mua bán hàng hóa nhập khẩu cùng phẩm cấp hoặc cùng chủng loại do người sản xuất tại nước xuất khẩu sản xuất ra để xuất khẩu đến Việt Nam.

3. Không được tiến hành việc kiểm tra hoặc yêu cầu xuất trình để kiểm tra sổ sách kế toán hay bất kỳ hồ sơ nào khác của các đối tượng không cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm mục đích xác định trị giá tính toán quy định tại Điều này.

Việc thẩm tra các thông tin do người sản xuất hàng hóa cung cấp phục vụ xác định trị giá hải quan quy định tại Điều này có thể được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu được sự đồng ý của nhà sản xuất và phải được thông báo trước bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan và được cơ quan này chấp thuận cho phép tiến hành việc thẩm tra.

4. Chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp này bao gồm:

a) Bản giải trình của người sản xuất về các chi phí nêu tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này có xác nhận của người sản xuất về các chứng từ, số liệu kế toán phù hợp với bản giải trình này;

b) Hóa đơn bán hàng của người sản xuất;

c) Chứng từ về các chi phí nêu tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 12. Phương pháp suy luận

1. Trường hợp áp dụng: Nếu không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này thì trị giá hải quan được xác định theo phương pháp suy luận, căn cứ vào các tài liệu, số liệu khách quan, có sẵn tại thời điểm xác định trị giá hải quan.

Trị giá hải quan theo phương pháp suy luận được xác định bằng cách áp dụng tuần tự và linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này và dừng ngay tại phương pháp xác định được trị giá hải quan, với điều kiện việc áp dụng như vậy phù hợp với các quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khi xác định trị giá hải quan theo phương pháp này, người khai hải quan và cơ quan hải quan không được sử dụng các trị giá dưới đây để xác định trị giá hải quan:

a) Giá bán trên thị trường nội địa của mặt hàng cùng loại được sản xuất tại Việt Nam;

b) Giá bán hàng hóa ở thị trường nội địa nước xuất khẩu;

c) Giá bán hàng hóa để xuất khẩu đến nước khác;

d) Chi phí sản xuất hàng hóa, trừ các chi phí sản xuất hàng hóa được sử dụng trong phương pháp tính toán;

đ) Trị giá tính thuế tối thiểu;

e) Trị giá do cơ quan hải quan xác định không tuân theo nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này hoặc trị giá do người khai hải quan khai báo khi chưa có hoạt động mua bán hàng hóa để nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam;

g) Sử dụng trị giá cao hơn trong hai trị giá thay thế để làm trị giá hải quan.

3. Một số trường hợp áp dụng linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan:

a) Vận dụng phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự.

Nếu không có hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự được xuất khẩu đến Việt Nam vào cùng ngày hoặc trong khoảng thời gian 60 ngày trước hoặc 60 ngày sau ngày xuất khẩu của lô hàng nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan thì lựa chọn những hàng hóa nhập khẩu giống hệt hoặc hàng hóa nhập khẩu tương tự được xuất khẩu trong khoảng thời gian dài hơn, nhưng không quá 90 ngày trước hoặc 90 ngày sau ngày xuất khẩu của lô hàng đang được xác định trị giá hải quan.

b) Vận dụng phương pháp xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá khấu trừ bằng một trong các cách sau đây:

b.1) Trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập khẩu mà không xác định được đơn giá dùng để khấu trừ thì lựa chọn đơn giá được bán ra với số lượng lũy kế lớn nhất trong vòng 120 ngày kể từ ngày nhập khẩu của lô hàng được lựa chọn để khấu trừ;

b.2) Nếu không có đơn giá bán lại của chính hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu giống hệt hay hàng hóa nhập khẩu tương tự cho người không có quan hệ đặc biệt với người nhập khẩu thì lựa chọn đơn giá bán lại hàng hóa cho người mua có quan hệ đặc biệt, với điều kiện mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến giá cả trong giao dịch mua bán.

c) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định bằng trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu giống hệt đã được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ hoặc phương pháp trị giá tính toán.

d) Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định bằng trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu tương tự đã được xác định theo phương pháp trị giá khấu trừ hoặc phương pháp trị giá tính toán.

4. Ngoài các trường hợp nêu tại khoản 3 Điều này, việc áp dụng linh hoạt các phương pháp xác định trị giá hải quan được thực hiện dựa vào cơ sở dữ liệu giá, nhưng không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Chứng từ, tài liệu: các chứng từ, tài liệu có liên quan đến việc xác định trị giá hải quan theo phương pháp đã được áp dụng linh hoạt để xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 6, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11 Thông tư này.

Điều 13. Các khoản điều chỉnh cộng

1. Chỉ điều chỉnh cộng nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Do người mua thanh toán và chưa được tính trong trị giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;

b) Phải liên quan đến hàng hóa nhập khẩu;

c) Có số liệu khách quan, định lượng được, phù hợp với các chứng từ có liên quan.

Trường hợp lô hàng nhập khẩu có các khoản điều chỉnh cộng nhưng không có các số liệu khách quan, định lượng được để xác định trị giá hải quan thì không xác định theo phương pháp trị giá giao dịch và phải chuyển sang phương pháp tiếp theo.

2. Các khoản điều chỉnh cộng:

a) Chi phí hoa hồng bán hàng, phí môi giới. Trường hợp các chi phí này bao gồm các khoản thuế phải nộp ở Việt Nam thì không phải cộng các khoản thuế đó vào trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu.

b) Chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm: Giá mua bao bì, các chi phí khác liên quan đến việc mua bán và vận chuyển bao bì đến địa điểm đóng gói, bảo quản hàng hóa.

Các loại container, thùng chứa, giá đỡ được sử dụng như một phương tiện để đóng gói phục vụ chuyên chở hàng hóa và sử dụng nhiều lần thì không được coi là bao bì gắn liền với hàng hóa nên không phải là khoản phải cộng về chi phí bao bì gắn liền với hàng hóa.

c) Chi phí đóng gói hàng hóa, bao gồm:

c.1) Chi phí về vật liệu đóng gói bao gồm giá mua vật liệu đóng gói và các chi phí khác liên quan đến việc mua bán và vận chuyển vật liệu đóng gói đến địa điểm thực hiện việc đóng gói;

c.2) Chi phí về nhân công đóng gói, bao gồm tiền thuê nhân công và các chi phí liên quan đến việc thuê nhân công đóng gói hàng hóa đang được xác định trị giá hải quan.

Trường hợp người mua phải chịu các chi phí về ăn ở, đi lại cho công nhân trong thời gian thực hiện việc đóng gói thì các chi phí này cũng thuộc về chi phí nhân công đóng gói.

d) Khoản trợ giúp: Trị giá của hàng hóa, dịch vụ do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá, được chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp cho người sản xuất hoặc người bán hàng, để sản xuất và bán hàng hóa xuất khẩu đến Việt Nam.

d.1) Các khoản trợ giúp bao gồm:

d.1.1) Nguyên liệu, bộ phận cấu thành, phụ tùng và các sản phẩm tương tự hợp thành, được đưa vào hàng hóa nhập khẩu;

d.1.2) Nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu tiêu hao trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu;

d.1.3) Công cụ, dụng cụ, khuôn rập, khuôn đúc, khuôn mẫu và các sản phẩm tương tự được sử dụng để sản xuất hàng hóa nhập khẩu;

d.1.4) Bản vẽ thiết kế, bản vẽ kỹ thuật, thiết kế mỹ thuật, kế hoạch triển khai, thiết kế thi công, thiết kế mẫu, sơ đồ, phác thảo và các sản phẩm dịch vụ tương tự được làm ra ở nước ngoài và cần thiết cho quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu.

d.2) Xác định trị giá của khoản trợ giúp:

d.2.1) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được mua của một người không có quan hệ đặc biệt để cung cấp cho người bán thì trị giá của khoản trợ giúp là giá mua hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó;

d.2.2) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp do người nhập khẩu hoặc người có quan hệ đặc biệt với người nhập khẩu sản xuất ra để cung cấp cho người bán thì trị giá của khoản trợ giúp là giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó;

d.2.3) Nếu hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được làm ra bởi cơ sở sản xuất của người mua đặt ở nước ngoài nhưng không có tài liệu, chứng từ để hạch toán riêng cho hàng hóa, dịch vụ trợ giúp đó thì trị giá của khoản trợ giúp được xác định bằng cách phân bổ tổng chi phí sản xuất trong cùng kỳ của cơ sở đó cho lượng hàng hóa, dịch vụ trợ giúp được sản xuất ra;

d.2.4) Khoản trợ giúp do người mua thuê thì trị giá của khoản trợ giúp là chi phí thuê;

d.2.5) Khoản trợ giúp là hàng hóa đã qua sử dụng thì trị giá của khoản trợ giúp là trị giá còn lại của hàng hóa đó;

d.2.6) Hàng hóa trợ giúp được người mua gia công, chế biến trước khi chuyển cho người bán để sử dụng vào sản xuất hàng hóa nhập khẩu thì phải cộng thêm phần giá trị tăng thêm do gia công, chế biến vào trị giá của khoản trợ giúp;

d.2.7) Khoản trợ giúp được người mua, bán giảm giá cho người xuất khẩu thì phải cộng thêm phần trị giá được giảm vào trị giá hải quan;

d.2.8) Trường hợp sau khi sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu còn thu được nguyên, vật liệu thừa, phế liệu từ các hàng hóa trợ giúp thì phần trị giá thu hồi được từ nguyên vật liệu thừa và phế liệu này được trừ ra khỏi trị giá của khoản trợ giúp, nếu có số liệu thể hiện trị giá của phế liệu hoặc nguyên, vật liệu thừa.

Trị giá các khoản trợ giúp được xác định bao gồm cả các chi phí liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, bảo hiểm đến nơi sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu.

d.3) Phân bổ trị giá khoản trợ giúp cho hàng hóa nhập khẩu.

d.3.1) Nguyên tắc phân bổ trị giá khoản trợ giúp:

d.3.1.1) Trị giá các khoản trợ giúp phải được phân bổ hết cho hàng hóa nhập khẩu;

d.3.1.2) Việc phân bổ phải lập thành các chứng từ hợp pháp;

d.3.1.3) Việc phân bổ phải tuân thủ các quy định, chuẩn mực kế toán của Việt Nam.

d.3.2) Phương pháp phân bổ trị giá khoản trợ giúp:

Người khai hải quan tự phân bổ các khoản trợ giúp cho hàng hóa nhập khẩu theo một trong các phương pháp sau:

d.3.2.1) Phân bổ cho số hàng hóa nhập khẩu trong chuyến hàng nhập khẩu đầu tiên;

d.3.2.2) Phân bổ theo số lượng đơn vị hàng hóa đã được sản xuất tính đến thời điểm nhập khẩu chuyến hàng đầu tiên;

d.3.2.3) Phân bổ cho toàn bộ sản phẩm dự kiến được sản xuất ra theo thỏa thuận mua bán giữa người mua và người bán (hoặc người sản xuất);

d.3.2.4) Phân bổ theo nguyên tắc giảm dần hoặc tăng dần;

d.3.2.5) Ngoài các phương pháp trên, người mua có thể sử dụng các phương pháp phân bổ khác (ví dụ như: phân bổ theo tháng, quý, năm), với điều kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chế độ kế toán và phải được lập thành chứng từ.

đ) Phí bản quyền, phí giấy phép theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

e) Các khoản tiền mà người nhập khẩu phải trả từ số tiền thu được sau khi bán lại, định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu được chuyển trực tiếp hay gián tiếp cho người bán dưới mọi hình thức. Thủ tục khai báo, kiểm tra như sau:

e.1) Trường hợp khoản tiền này xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai:

e.1.1) Người khai hải quan tự khai báo tại tiêu thức tương ứng trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

e.1.2) Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

e.2) Trường hợp chưa xác định được khoản tiền này tại thời điểm đăng ký tờ khai do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu hay lý do khác được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc văn bản thỏa thuận riêng:

e.2.1) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan khai báo rõ lý do chưa khai báo được khoản tiền do người nhập khẩu phải trả từ số tiền thu được sau khi bán lại, định đoạt, sử dụng hàng hóa nhập khẩu trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thực trả, người khai hải quan thực hiện khai báo, tính số thuế phải nộp đối với khoản tiền thực tế đã trả trên tờ khai bổ sung sau thông quan, đồng thời nộp đủ tiền thuế theo quy định;

e.2.2) Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ có liên quan đến khoản tiền này và khai báo của người khai hải quan theo quy định nêu tại điểm e.2.1 khoản này và xử lý như sau:

e.2.2.1) Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc khai báo không đúng khoản tiền thực tế phải trả, ra quyết định xử phạt theo quy định, đồng thời yêu cầu người khai hải quan khai báo hoặc khai báo bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc không khai báo bổ sung theo yêu cầu, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định;

e.2.2.2) Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm e.2.1 khoản này, cơ quan hải quan thực hiện xử phạt theo quy định.

g) Chi phí vận tải và chi phí có liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên, không bao gồm chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên.

Trường hợp các chi phí bốc, dỡ, xếp hàng từ phương tiện vận tải xuống cửa khẩu nhập đầu tiên đã bao gồm trong chi phí vận tải quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.

g.1) Trị giá của khoản điều chỉnh này được xác định trên cơ sở hợp đồng vận tải, các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa;

g.2) Trường hợp giá mua chưa bao gồm chi phí vận tải nhưng người mua không có hợp đồng vận tải, các chứng từ tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa, hoặc có nhưng không hợp pháp, thì không được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch;

g.3) Trường hợp lô hàng có nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng hợp đồng vận tải hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận tải hàng hóa không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:

g.3.1) Phân bổ trên cơ sở biểu giá vận tải của người vận tải hàng hóa;

g.3.2) Phân bổ theo trọng lượng hoặc thể tích của hàng hóa;

g.3.3) Phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa trên tổng trị giá lô hàng.

h) Chi phí bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu đến cửa khẩu nhập đầu tiên.

h.1) Trường hợp người nhập khẩu không mua bảo hiểm cho hàng hóa thì không phải cộng thêm chi phí này vào trị giá hải quan;

h.2) Phí bảo hiểm mua cho cả lô hàng gồm nhiều loại hàng hóa khác nhau, nhưng chưa được ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa, thì phân bổ theo trị giá của từng loại hàng hóa.

i) Các chi phí nêu tại điểm g và điểm h khoản này không bao gồm thuế giá trị gia tăng phải nộp ở Việt Nam. Trường hợp khoản thuế này đã bao gồm trong chi phí vận tải, phí bảo hiểm quốc tế hoặc đã bao gồm trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì được trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nếu đáp đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này.

Điều 14. Phí bản quyền, phí giấy phép

1. Phí bản quyền là khoản tiền mà người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, để được chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ.

a) Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

a.1) Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu;

a.2) Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;

a.3) Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

a.4) Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Nội dung các quyền thực hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

b) Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ: Là chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ.

2. Phí giấy phép là khoản tiền mà người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ để được thực hiện một số hoạt động nằm trong các quyền thuộc quyền sở hữu công nghiệp.

3. Chỉ điều chỉnh cộng phí bản quyền, phí giấy phép vào hàng hóa nhập khẩu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Người mua phải trả phí bản quyền, phí giấy phép cho việc sử dụng, chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều này đang được xác định trị giá hải quan;

b) Phí bản quyền, phí giấy phép do người mua phải trả trực tiếp hoặc gián tiếp như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 6 Điều này đang được xác định trị giá hải quan thể hiện trên hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng cấp phép hoặc các thỏa thuận khác về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ;

c) Chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá hải quan.

4. Phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu khi:

a) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng nhãn hiệu hàng hóa phù hợp với bộ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thỏa thuận và thanh toán phí bản quyền, phí giấy phép, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a.1) Hàng hóa nhập khẩu được bán lại nguyên trạng tại thị trường Việt Nam hoặc được gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu theo quy định tại khoản 5 Điều này;

a.2) Hàng hóa nhập khẩu có gắn nhãn hiệu hàng hóa khi bán tại thị trường Việt Nam.

b) Phí bản quyền, phí giấy phép phải trả để được sử dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác thể hiện trên hợp đồng mua bán, hợp đồng cấp phép hoặc các thỏa thuận khác về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

b.1) Sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền sở hữu trí tuệ khác được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa nhập khẩu;

b.2) Hàng hóa nhập khẩu mang sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc các quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác;

b.3) Hàng hóa nhập khẩu là máy móc hoặc thiết bị được chế tạo hoặc sản xuất để ứng dụng sáng chế, bí quyết kỹ thuật hoặc quyền thuộc quyền sở hữu trí tuệ khác.

Ví dụ về phí bản quyền, phí giấy phép thỏa mãn điều kiện “liên quan đến hàng hóa nhập khẩu” nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

5. Gia công chế biến đơn giản sau nhập khẩu bao gồm:

a) Các công việc bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh hoặc rã đông, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự);

b) Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần;

c) Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác; các công việc đơn giản như xay, xát, nghiền, cắt, xé, uốn cong, cuộn, bóc vỏ;

d) Dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự;

đ) Việc trộn đơn giản hàng hóa nhập khẩu với các thành phần khác bao gồm cả việc pha loãng với nước hoặc các chất khác, nhưng không làm thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm;

g) Việc lắp, ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh;

Lắp ráp đơn giản là việc lắp ráp các chi tiết, linh kiện, bộ phận lại với nhau bằng các dụng cụ lắp ráp (vít, bulông, đai ốc, êcu), hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại, với điều kiện những hoạt động này chỉ đơn thuần là lắp ráp. Không tính đến sự phức tạp của phương pháp lắp ráp, các bộ phận cấu thành không phải trải qua bất cứ quá trình gia công nào khác để sản phẩm trở thành dạng hoàn thiện.

h) Kết hợp của hai hay nhiều công việc đã liệt kê từ điểm a đến điểm g khoản này;

i) Giết, mổ động vật nhưng không qua chế biến.

6. Phí bản quyền, phí giấy phép được coi như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người mua chỉ mua được hàng hóa nhập khẩu từ nhà cung cấp do chủ sở hữu trí tuệ chỉ định hoặc nhà cung cấp có liên quan đến chủ sở hữu trí tuệ; hoặc hàng hóa nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của chủ sở hữu trí tuệ;

b) Người mua chỉ được mua hàng hóa nhập khẩu khi trả phí bản quyền, phí giấy phép cho người bán hoặc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Một số ví dụ về hàng hóa nhập khẩu thỏa mãn điều kiện “như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu” nêu tại Phụ lục I Thông tư này.

7. Không phải cộng vào trị giá hải quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Các khoản tiền người mua phải trả cho quyền tái sản xuất hàng hóa nhập khẩu hoặc sao chép các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam (ví dụ: một mẫu hàng được nhập khẩu, sau đó được sử dụng để sản xuất ra bản sao chính xác như nguyên bản mẫu hàng được nhập khẩu thì khoản tiền phải trả để được sản xuất hàng hóa theo mẫu hàng nhập khẩu được hiểu là quyền tái sản xuất hàng hóa nhập khẩu);

b) Các khoản tiền người mua phải trả cho quyền phân phối hoặc bán lại hàng hóa nhập khẩu, nếu khoản tiền này không được coi như một điều kiện cho giao dịch mua bán hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp các khoản tiền người mua trả cho quyền tái sản xuất, quyền phân phối hoặc bán lại hàng hóa nhập khẩu đã được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán thì không được trừ ra khỏi trị giá hải quan khi xác định trị giá của hàng hóa nhập khẩu đó.

8. Thủ tục khai báo, kiểm tra:

a) Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai:

a.1) Người khai hải quan tự khai báo khoản phí bản quyền, phí giấy phép trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan;

a.2) Cơ quan hải quan kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

b) Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép không xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu hay lý do khác được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc văn bản thỏa thuận riêng về việc trả phí bản quyền, phí giấy phép, thủ tục khai báo, kiểm tra thực hiện như sau:

b.1) Tại thời điểm đăng ký tờ khai, người khai hải quan khai báo rõ lý do chưa khai báo được khoản phí bản quyền, phí giấy phép trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu hoặc tờ khai trị giá hải quan đối với trường hợp phải khai tờ khai trị giá hải quan. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thực trả, người khai hải quan thực hiện khai báo, tính số thuế phải nộp đối với khoản phí bản quyền, phí giấy phép thực tế đã trả trên tờ khai bổ sung sau thông quan, đồng thời nộp đủ tiền thuế theo quy định;

b.2) Cơ quan hải quan kiểm tra các chứng từ có liên quan đến khoản phí bản quyền, phí giấy phép và khai báo của người khai hải quan theo quy định nêu tại điểm b.1 khoản này và xử lý như sau:

b.2.1) Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc khai báo không đúng khoản phí bản quyền, phí giấy phép, ra quyết định xử phạt theo quy định, đồng thời yêu cầu người khai hải quan khai báo hoặc khai báo bổ sung. Trường hợp người khai hải quan không khai báo hoặc không khai báo bổ sung theo yêu cầu, cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định;

b.2.2) Trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm b.1 khoản này, cơ quan hải quan thực hiện xử phạt theo quy định.

9. Trường hợp phí bản quyền, phí giấy phép được tính một phần căn cứ vào hàng hóa nhập khẩu, một phần căn cứ vào các yếu tố khác không liên quan đến hàng hóa nhập khẩu:

a) Trường hợp có số liệu phân định, tách biệt được phần phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa nhập khẩu thì cộng vào trị giá giao dịch;

b) Trường hợp không phân định, tách biệt được phần phí bản quyền, phí giấy phép liên quan đến hàng hóa phập khẩu thì không xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch, chuyển sang phương pháp tiếp theo.

Điều 15. Các khoản điều chỉnh trừ

1. Chỉ được điều chỉnh trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ hợp pháp liên quan và có sẵn tại thời điểm xác định trị giá;

b) Đã được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán;

c) Phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán Việt Nam.

2. Các khoản điều chỉnh trừ:

a) Chi phí cho những hoạt động phát sinh sau khi nhập khẩu hàng hóa bao gồm các chi phí về xây dựng, kiến trúc, lắp đặt, bảo dưỡng hoặc trợ giúp kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật, chi phí giám sát và các chi phí tương tự;

b) Chi phí vận tải, bảo hiểm phát sinh sau khi hàng hóa đã được vận chuyển đến cửa khẩu nhập đầu tiên. Trường hợp các chi phí này liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau nhưng chưa được ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa thì phải phân bổ các chi phí theo nguyên tắc nêu tại điểm g và điểm h Điều 13 Thông tư này;

c) Các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp ở Việt Nam đã nằm trong giá mua hàng nhập khẩu. Trường hợp các khoản phí, lệ phí liên quan đến nhiều loại hàng hóa khác nhau mà không tách riêng cho từng loại hàng hóa thì phân bổ theo tỷ lệ trị giá mua của từng loại hàng hóa.

d) Khoản giảm giá:

d.1) Chỉ được điều chỉnh trừ khi có đủ các điều kiện sau:

d.1.1) Khoản giảm giá thuộc một trong các loại giảm giá sau đây:

d.1.1.1) Giảm giá theo cấp độ thương mại của giao dịch mua bán hàng hóa;

d.1.1.2) Giảm giá theo số lượng hàng hóa mua bán;

d.1.1.3) Giảm giá theo hình thức và thời gian thanh toán.

d.1.2) Khoản giảm giá được lập thành văn bản trước khi xếp hàng lên phương tiện vận tải ở nước xuất khẩu hàng hóa;

d.1.3) Có số liệu khách quan, định lượng được phù hợp với các chứng từ để tách khoản giảm giá này ra khỏi trị giá giao dịch. Các chứng từ này được nộp cùng với tờ khai hải quan;

d.1.4) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C hoặc TTR cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán.

d.1.5) Trị giá khai báo và thực tế về số lượng hàng hóa nhập khẩu, cấp độ thương mại, hình thức và thời gian thanh toán phải phù hợp với Bảng công bố giảm giá của người bán.

d.2) Hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá:

d.2.1) Văn bản đề nghị trừ khoản giảm giá sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng: 01 bản chính;

d.2.2) Hợp đồng mua bán hàng hóa: 01 bản chụp;

d.2.3) Bảng kê theo dõi thực tế việc nhập khẩu hàng hóa theo mẫu số 01/GG/2015 Phụ lục II Thông tư này đối với trường hợp hàng hóa trong cùng một hợp đồng được nhập khẩu theo nhiều chuyến (nhiều tờ khai) khác nhau: 01 bản chính;

d.2.4) Bảng công bố giảm giá của người bán: 01 bản chụp;

d.2.5) Chứng từ thanh toán của toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán: 01 bản chụp;

d.3) Thủ tục khai báo, kiểm tra khoản giảm giá, thẩm quyền xử lý:

d.3.1) Trách nhiệm của người khai hải quan:

d.3.1.1) Khai báo có khoản giảm giá tại tiêu chí “chi tiết khai trị giá” trên tờ khai nhập khẩu hoặc tại tiêu chí tương ứng trên tờ khai trị giá hải quan, nhưng chưa thực hiện điều chỉnh trừ khoản giảm giá trên tờ khai trị giá hải quan.

d.3.1.2) Tính, nộp thuế theo trị giá chưa được trừ khoản giảm giá;

d.3.1.3) Nộp hồ sơ đề nghị xét khoản giảm giá theo quy định tại điểm d.2 khoản này sau khi hoàn thành việc nhập khẩu và thanh toán cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán.

d.3.2) Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

Cơ quan hải quan nơi người khai hải quan nộp hồ sơ đề nghị xem xét điều chỉnh trừ khoản giảm giá thực hiện:

d.3.2.1) Kiểm tra hồ sơ, chứng từ và các tài liệu có liên quan kèm theo văn bản đề nghị của người khai hải quan;

d.3.2.2) Kiểm tra, đối chiếu trị giá khai báo và thực tế về số lượng; cấp độ thương mại; hình thức và thời gian thanh toán với Bảng công bố giảm giá của người bán;

d.3.2.3) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh trừ khoản giảm giá nếu có đầy đủ các điều kiện quy định tại điểm d.1 khoản này với trị giá của khoản giảm giá dưới 5% tổng trị giá lô hàng và trị giá khai báo không thấp hơn mức giá tham chiếu của hàng hóa giống hệt tại Danh mục hàng hóa nhập khẩu rủi ro về trị giá. Các trường hợp giảm giá khác, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét, quyết định;

d.3.2.4) Xử lý tiền thuế chênh lệch do khoản giảm giá được trừ thực hiện theo quy định.

đ) Các chi phí do người mua chịu liên quan đến tiếp thị hàng hóa nhập khẩu, bao gồm:

đ.1) Chi phí nghiên cứu, điều tra thị trường về sản phẩm sắp nhập khẩu;

đ.2) Chi phí quảng cáo nhãn hiệu, thương hiệu hàng nhập khẩu;

đ.3) Chi phí liên quan đến việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới nhập khẩu;

đ.4) Chi phí tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về sản phẩm mới;

e) Chi phí kiểm tra số lượng, chất lượng hàng trước khi nhập khẩu. Trường hợp các chi phí này là thỏa thuận giữa người mua, người bán và là một phần trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán do người mua trả cho người bán, sẽ không được trừ ra khỏi trị giá giao dịch;

g) Chi phí mở L/C, phí chuyển tiền để thanh toán cho lô hàng nhập khẩu, nếu chi phí này do người mua trả cho ngân hàng đại diện cho người mua thực hiện việc thanh toán tiền hàng.

h) Khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo thỏa thuận tài chính của người mua và có liên quan đến việc mua hàng hóa nhập khẩu: Chỉ được điều chỉnh trừ khoản tiền lãi ra khỏi trị giá giao dịch khi có đầy đủ các điều kiện sau:

h.1) Thỏa thuận tài chính được lập thành văn bản;

h.2) Người khai hải quan chứng minh được rằng tại thời điểm thỏa thuận tài chính được thực hiện, mức lãi suất khai báo không lớn hơn mức lãi suất tín dụng thông thường tại nước xuất khẩu, nhưng không vượt quá mức lãi suất trần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Điều 16. Phân bổ các khoản điều chỉnh

1. Trường hợp khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đủ điều kiện để cộng vào hoặc trừ ra khỏi trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu nhưng hợp đồng mua bán hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến khoản điều chỉnh cộng hoặc điều chỉnh trừ đó không ghi chi tiết cho từng loại hàng hóa, thì người khai hải quan lựa chọn phương pháp phân bổ quy định tại khoản 2 Điều này (trừ các khoản điều chỉnh có quy định phân bổ riêng quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này), để phân bổ các khoản điều chỉnh đó cho từng loại hàng hóa theo nguyên tắc trị giá khoản điều chỉnh phải được phân bổ hết cho hàng hóa nhập khẩu chịu khoản điều chỉnh đó.

2. Phương pháp phân bổ: Người khai hải quan lựa chọn một trong các phương pháp phân bổ sau:

a) Phân bổ theo số lượng;

b) Phân bổ theo trọng lượng;

c) Phân bổ theo thể tích;

d) Phân bổ theo trị giá hóa đơn.

Điều 17. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong một số trường hợp đặc biệt

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trị giá hải quan là giá tạm tính do người khai hải quan khai báo trên cơ sở các chứng từ, tài liệu liên quan và có sẵn tại thời điểm xác định trị giá. Khi có giá chính thức, trị giá hải quan được xác định theo phương pháp xác định trị giá quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 5 Thông tư này. Thủ tục xác định như sau:

a) Giá tạm tính:

a.1) Người khai hải quan: Khai giá tạm tính tại tiêu chí tương ứng trên tờ khai hải quan xuất khẩu, nhập khẩu khi đăng ký tờ khai, đồng thời khai báo thời điểm có giá chính thức tại tiêu chí “phần ghi chú”.

a.2) Cơ quan hải quan: Kiểm tra giá tạm tính và thời điểm có giá chính thức theo quy định tại Điều 25 Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; theo dõi, đôn đốc người khai hải quan khai giá chính thức đúng thời điểm có giá chính thức.

b) Giá chính thức:

b.1) Người khai hải quan: Khai giá chính thức trên tờ khai sửa đổi, bổ sung sau thông quan và nộp thuế chênh lệch (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm có giá chính thức.

b.2) Cơ quan hải quan: Kiểm tra khai báo của người khai hải quan, thời điểm có giá chính thức, điều kiện chấp nhận thời điểm có giá chính thức theo quy định tại điểm c khoản này và xử lý như sau:

b.2.1) Xác định trị giá hải quan, ấn định thuế, thu đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp (nếu có), ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người khai hải quan không khai báo, khai báo không đúng quy định về giá chính thức; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp người khai hải quan khai báo không đúng thời hạn theo quy định tại điểm b.1 khoản này;

b.2.2) Xử lý tiền thuế chênh lệch theo quy định về xử lý tiền thuế nộp thừa tại Luật Quản lý Thuế và các văn bản hướng dẫn đối với trường hợp số thuế tính theo giá chính thức thấp hơn số thuế đã nộp theo giá tạm tính;

c) Trường hợp thời điểm có giá chính thức vượt quá 90 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan kê khai và nộp hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại (01 bản chụp) chứng minh thời điểm có giá chính thức, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thời điểm có giá chính thức; giao Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ hồ sơ, chứng từ, thực tế lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu để kiểm tra, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định chấp nhận thời điểm có giá chính thức.

d) Điều kiện chấp nhận thời điểm có giá chính thức: Thời điểm có giá chính thức được chấp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

d.1) Hợp đồng mua bán hàng hóa có thỏa thuận về thời điểm có giá chính thức phù hợp với ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo thông lệ quốc tế;

d.2) Thời điểm có giá thực tế phù hợp với thời điểm có giá chính thức theo thỏa thuận ghi trên hợp đồng;

d.3) Giá chính thức phù hợp với giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo chứng từ thanh toán.

Trường hợp không đủ điều kiện để được chấp nhận thời điểm có giá chính thức, đồng thời số thuế tính theo giá chính thức cao hơn số thuế đã nộp theo giá tạm tính thì người khai hải quan phải nộp tiền chậm nộp đối với số thuế chênh lệch.

2. Hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế:

a) Hàng hóa nhập khẩu là ô tô, mô tô: Trị giá hải quan được xác định trên cơ sở giá trị sử dụng còn lại của hàng hóa, tính theo thời gian sử dụng tại Việt Nam (tính từ thời điểm nhập khẩu theo tờ khai hải quan đến thời điểm tính thuế) và được xác định cụ thể như sau:

 

Thời gian sử dụng tại Việt Nam

Trị giá hải quan = (%) trị giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu

Từ 6 tháng trở xuống (được tính tròn là 183 ngày)

90%

Từ trên 6 tháng đến 1 năm (được tính tròn là 365 ngày)

80%

Từ trên 1 năm đến 2 năm

70%

Từ trên 2 năm đến 3 năm

60%

Từ trên 3 năm đến 5 năm

50%

Từ trên 5 năm đến 7 năm

40%

Từ trên 7 năm đến 9 năm

30%

Từ trên 9 năm đến 10 năm

15%

Trên 10 năm

0%

 

Nếu mức giá khai báo tại thời điểm nhập khẩu của hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, hoặc được miễn thuế, xét miễn thuế thấp hơn mức giá trong cơ sở dữ liệu giá cùng thời điểm, thì lấy mức giá trong cơ sở dữ liệu giá và tỷ lệ quy định trên đây để xác định trị giá hải quan.

b) Hàng hóa nhập khẩu khác: Trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.

3. Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau khi thuê phía nước ngoài gia công là tiền thuê gia công và trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp thể hiện trên hợp đồng gia công và các khoản điều chỉnh quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này. Không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa đi gia công theo hợp đồng gia công.

4. Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng hóa đưa ra nước ngoài sửa chữa, khi nhập khẩu về Việt Nam thuộc đối tượng chịu thuế thì trị giá hải quan là chi phí thực trả để sửa chữa hàng hóa nhập khẩu phù hợp với các chứng từ liên quan đến việc sửa chữa hàng hóa.

5. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không có hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

6. Hàng hóa nhập khẩu thừa so với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại:

a) Hàng hóa nhập khẩu thừa là hàng hóa giống hệt hoặc tương tự với hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại: Trị giá hải quan của hàng nhập khẩu thừa theo phương pháp xác định trị giá hải quan của số hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Hàng hóa nhập khẩu thừa là hàng hóa khác với hàng hóa nhập khẩu ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại: Trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

7. Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc không phù hợp với hóa đơn thương mại:

a) Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp về quy cách: Trị giá hải quan theo trị giá thực thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu. Hàng hóa không phù hợp về quy cách được hiểu là hàng thực nhập có những khác biệt về màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng so với mô tả trong hợp đồng mua bán và những khác biệt đó không làm ảnh hưởng đến giá thực tế phải trả.

b) Hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại ngoài trường hợp quy định tại điểm a khoản này: Trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này.

8. Hàng hóa nhập khẩu thực tế có sự chênh lệch về số lượng so với hóa đơn thương mại do tính chất của hàng hóa, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn thương mại: Xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào hóa đơn thương mại và hợp đồng mua bán (điều kiện giao hàng, tỷ lệ dung sai, đặc tính tự nhiên của hàng hóa và điều kiện thanh toán). Trị giá hải quan không được thấp hơn trị giá thực thanh toán ghi trên hóa đơn thương mại và các chứng từ có liên quan.

9. Hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa, phù hợp với các chứng từ có liên quan đến việc đi thuê hàng hóa.

10. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong trường hợp đặc biệt khác: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo Tổng cục Hải quan để báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mục II

TỜ KHAI TRỊ GIÁ HẢI QUAN

Điều 18. Đối tượng khai tờ khai trị giá hải quan

Hàng hóa nhập khẩu phải khai trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan, trừ các trường hợp sau:

1. Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

2. Hàng hóa nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;

3. Hàng hóa đủ điều kiện áp dụng phương pháp trị giá giao dịch quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này, đồng thời đã khai đủ thông tin trị giá hải quan trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu của Hệ thống thông quan điện tử VNACCS và Hệ thống này tự động tính trị giá hải quan;

4. Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hoặc không có hóa đơn thương mại.

Điều 19. Mẫu tờ khai trị giá hải quan

1. Tờ khai trị giá hải quan để khai báo trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 6 Thông tư này: Mẫu tờ khai HQ/2015-TG1 và hướng dẫn khai báo theo Phụ lục III Thông tư này.

2. Tờ khai trị giá hải quan để khai báo trị giá hải quan theo các phương pháp xác định trị giá hải quan quy định từ Điều 8 đến Điều 12 Thông tư này: Mẫu tờ khai HQ/2015-TG2 và hướng dẫn khai báo theo Phụ lục III Thông tư này.

Điều 20. Nguyên tắc khai, nộp tờ khai trị giá hải quan

1. Khai báo chi tiết trị giá hải quan trên tờ khai trị giá hải quan cho từng mặt hàng tương ứng có trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu. Các mặt hàng khai báo trên tờ khai trị giá hải quan phải được đánh số thứ tự liên tục, thống nhất với số thứ tự của mặt hàng đó trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

2. Tờ khai trị giá hải quan là bộ phận không tách rời của tờ khai hàng hóa nhập khẩu và được nộp kèm theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan. Tờ khai trị giá hải quan phải lập thành 02 bản, một bản lưu cơ quan hải quan, một bản lưu chủ hàng và được lưu trữ cùng với tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Mục III

CƠ SỞ DỮ LIỆU TRỊ GIÁ

Điều 21. Cơ sở dữ liệu trị giá

1. Cơ sở dữ liệu trị giá là thông tin liên quan đến xác định trị giá hải quan của các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan được Tổng cục Hải quan xây dựng tập trung thống nhất và thường xuyên cập nhật. Bao gồm:

a) Hệ thống quản lý dữ liệu giá hải quan;

b) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.

2. Nguồn thông tin hình thành cơ sở dữ liệu trị giá:

a) Nguồn thông tin từ hồ sơ xuất khẩu, nhập khẩu: Là các nguồn thông tin có sẵn thể hiện trên hồ sơ xuất khẩu nhập khẩu do người khai hải quan khai báo hoặc do cơ quan Hải quan thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau khi hàng hóa đã thông quan.

b) Nguồn thông tin từ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại Thông tư này;

c) Nguồn thông tin về tình hình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp: Các nguồn thông tin liên quan đến tình hình chấp hành chính sách pháp luật của doanh nghiệp trong khai báo và xác định trị giá, số lần vi phạm và mức độ vi phạm do cơ quan Hải quan tổng hợp phân tích trên hệ thống quản lý rủi ro;

d) Nguồn thông tin từ nguồn khác: Là các nguồn thông tin do cơ quan Hải quan thu thập hoặc do các cơ quan có liên quan khác cung cấp đã được kiểm chứng mức độ tin cậy.

3. Cơ sở dữ liệu trị giá được sử dụng để:

a) Xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá;

b) Kiểm tra trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các lĩnh vực khác.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định chi tiết quy chế xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu trị giá.

Điều 22. Thẩm quyền xây dựng, bổ sung, sửa đổi; nguyên tắc sử dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tổ chức xây dựng, bổ sung, sửa đổi:

a) Mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro theo các tiêu chí quy định tại Điều 24 Thông tư này, thông tin nghiệp vụ, thông tin và dữ liệu hiện có trên hệ thống thông tin của ngành Hải quan tại thời điểm đánh giá. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá phải phản ánh được thông tin về hàng hóa như: Mã số, tên hàng hóa.

b) Mức giá tham chiếu của mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá trên cơ sở các nguồn thông tin được thu thập theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu là cơ sở để cơ quan hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định, không sử dụng để áp đặt trị giá hải quan, được lưu hành nội bộ và sử dụng thống nhất trong ngành Hải quan.

Điều 23. Thời hạn, trách nhiệm xây dựng, bổ sung, sửa đổi mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo

1. Thời hạn xây dựng, bổ sung, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo: Định kỳ tối thiểu sáu tháng một lần hoặc trong trường hợp cần thiết trên cơ sở xem xét:

a) Các kiến nghị của tổ chức, cá nhân;

b) Đề xuất của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện:

a) Cập nhật kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết quả tham vấn, xác định trị giá, kết quả kiểm tra sau thông quan, thanh tra, điều tra chống buôn lậu vào hệ thống cơ sở dữ liệu tương ứng.

b) Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết chống buôn lậu, tình hình kim ngạch, mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đề xuất, báo cáo Tổng cục Hải quan:

b.1) Bổ sung mức giá tham chiếu đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá nhưng chưa có mức giá tham chiếu theo Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá (mẫu số 02/DMBX/2015 Phụ lục II Thông tư này) trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này;

b.2) Sửa đổi mức giá tham chiếu đối với trường hợp mức giá khai báo và các thông tin thu thập được có biến động tăng hoặc giảm từ trên 10% so với mức giá tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo Báo cáo đề xuất sửa đổi danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá (mẫu số 03/DMSĐ/2015 Phụ lục II Thông tư này), trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này;

b.3) Bổ sung mặt hàng vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu này đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng một trong các tiêu chí quy định tại Điều 24 Thông tư này nhưng chưa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo Báo cáo đề xuất bổ sung Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, trên cơ sở thu thập các nguồn thông tin theo quy định tại Điều 25 (trừ điểm h khoản 1) Thông tư này.

3. Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý các nguồn thông tin quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư này thực hiện cập nhật vào hệ thống dữ liệu tương ứng của Tổng cục hải quan.

4. Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện việc cập nhật thông tin, Báo cáo đề xuất bổ sung, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 24. Tiêu chí xây dựng, bổ sung, sửa đổi mặt hàng trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu:

a) Hàng hóa có thuế xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu lớn;

b) Hàng hóa có tần suất vi phạm cao về trị giá hải quan trong khoảng thời gian đánh giá;

c) Hàng hóa có rủi ro khai không đúng trị giá giao dịch nhằm mục đích gian lận thuế, trốn thuế xuất khẩu, hoặc để hưởng hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu.

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu:

a) Hàng hóa có thuế suất thuế nhập khẩu cao;

b) Hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu;

c) Hàng hóa có tần suất vi phạm cao về trị giá hải quan trong khoảng thời gian đánh giá;

d) Hàng hóa có rủi ro khai không đúng trị giá giao dịch nhằm mục đích gian lận thuế, trốn thuế nhập khẩu;

đ) Hàng hóa có rủi ro khai giảm trị giá nhập khẩu để bán phá giá hàng hóa vào thị trường nội địa Việt Nam.

Điều 25. Nguồn thông tin, xây dựng, bổ sung, sửa đổi mức giá tham chiếu kèm theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá

1. Nguồn thông tin của cơ quan hải quan:

a) Nguồn thông tin về giá xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giống hệt, tương tự và đã được cơ quan hải quan chấp nhận trị giá hải quan do doanh nghiệp khai báo tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan;

b) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra hồ sơ, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa, kết quả tham vấn, kết quả điều chỉnh giá do Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan hàng ngày;

c) Nguồn thông tin về kết quả giải quyết khiếu nại về trị giá hải quan do Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan thực hiện, được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá hải quan;

d) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra sau thông quan về trị giá hải quan do lực lượng kiểm tra sau thông quan thực hiện trong quá trình kiểm tra sau thông quan và được cập nhật tại Hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp phục vụ kiểm tra sau thông quan và quản lý rủi ro;

đ) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra, xử lý đối với hành vi gian lận về trị giá hải quan do lực lượng chống buôn lậu thực hiện trong quá trình hoạt động kiểm soát, điều tra chống buôn lậu được cập nhật tại Hệ thống cơ sở dữ liệu thu thập thông tin;

e) Nguồn thông tin về tình hình gian lận thương mại, về kết quả xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện phân luồng tại Hệ thống thông tin quản lý rủi ro;

g) Nguồn thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra do Thanh tra hoặc các lực lượng khác của ngành hải quan thực hiện trước, trong, sau khi hàng hóa được thông quan;

h) Nguồn thông tin từ báo cáo đề xuất bổ sung, sửa đổi của Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư này.

2. Nguồn thông tin từ ngoài cơ quan hải quan:

a) Nguồn thông tin về giá giao dịch trên thị trường thế giới (đối với mặt hàng có giá giao dịch trên thị trường thế giới) được thể hiện trên trang tin điện tử của thị trường giao dịch mặt hàng đó;

b) Nguồn thông tin về giá kê khai do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ quản lý theo pháp luật chuyên ngành đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của các Bộ quản lý theo pháp luật chuyên ngành;

c) Nguồn thông tin từ báo, tạp chí, tài liệu chuyên ngành đối với ngành hàng như ôtô, xe máy, hàng điện tử, sắt thép do cơ quan hải quan thu thập định kỳ hàng tháng;

d) Nguồn thông tin giá chào bán trên mạng Internet từ những trang thông tin điện tử chính hãng hoặc có liên kết với trang thông tin điện tử chính hãng, giá giao dịch trên thị trường thế giới (đối với mặt hàng có giá giao dịch trên thị trường thế giới) được thể hiện trên trang tin điện tử của thị trường giao dịch mặt hàng đó;

đ) Nguồn thông tin về dấu hiệu gian lận thương mại trong khai báo trị giá do các cơ quan có liên quan như: cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an, ngân hàng thương mại hoặc do các Bộ, ngành, cơ quan thuế, Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp cho cơ quan hải quan;

g) Nguồn thông tin từ giá bán tại thị trường nội địa của hàng hóa giống hệt, hàng hóa tương tự với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, mối liên hệ giữa giá bán thị trường và giá bán hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan thu thập định kỳ hoặc cơ quan thuế cung cấp (nếu có);

h) Nguồn thông tin về giá bán hàng hóa để xuất khẩu đến Việt Nam do cơ quan hải quan các nước cung cấp theo thỏa thuận hợp tác hải quan song phương hoặc đa phương.

3. Các nguồn thông tin nêu trên được thu thập trong khoảng thời gian tối thiểu sáu tháng kể từ ngày ký ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá đang có hiệu lực áp dụng. Sau khi thu thập được, Cục Thuế xuất nhập khẩu thực hiện phân tích, quy đổi các nguồn thông tin trên về cùng điều kiện mua bán để trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2015.

Bãi bỏ các Thông tư, Quyết định:

a) Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 hướng dẫn Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành tờ khai trị giá hải quan tính thuế hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn khai báo;

d) Thông tư số 182/2012/TT-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục I Quyết định số 30/2008/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc ban hành tờ khai trị giá hải quan tính thuế hàng hóa nhập khẩu và hướng dẫn khai báo;

đ) Quyết định số 1102/QĐ-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2008 về việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu giá.

2. Việc xác định, kiểm tra trị giá hải quan đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày 01/01/2015 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15 tháng 12 năm 2010 và Thông tư số 29/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

3. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này và các phụ lục kèm theo Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

4. Xác định trước trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra trị giá hải quan trong quá trình làm thủ tục thông quan; kiểm tra trị giá sau khi hàng hóa đã thông quan được thực hiện theo quy định Thông tư quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 27. Trách nhiệm thực hiện

1. Tổng cục Hải quan phối hợp với các Bộ, các hiệp hội ngành hàng, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính để tổ chức thu thập, trao đổi thông tin giá phục vụ kiểm tra, xác định trị giá hải quan theo quy định tại Điều 25 Thông tư này.

2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thu thập, xử lý thông tin và báo cáo Tổng cục Hải quan xây dựng, sửa đổi Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư này.

3. Cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện việc xác định trị giá hải quan theo đúng quy định tại Thông tư này; Trường hợp phát sinh vướng mắc phản ánh về Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để được xem xét, hướng dẫn giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.