• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 230/1999/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 17 tháng 12 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý

hành chính đối với một số cơ quan thuộc thành phố Hồ Chí Minh

______________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 02 năm 1998 và Nghị định số 38/1998/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với một số cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hồ Chí Minh gồm:

1. Khối quận, huyện: các quận 1, 3, 5, 11; các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi.

Đối tượng áp dụng là các Phòng, Ban (trừ các tổ chức sự nghiệp có thu trực thuộc các quận, huyện).

2. Khối Sở: Sở Tư pháp, Sở Giao thông - Công chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ các tổ chức sự nghiệp có thu trực thuộc các Sở).

Điều 2. Việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan sử dụng biên chế và kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải bảo đảm mục đích, yêu cầu và nguyên tắc sau đây:

1. Mục đích, yêu cầu của việc thí điểm khoán:

a) Tạo động lực để các đơn vị nhận thí điểm khoán tích cực, chủ động sắp xếp bộ máy tinh gọn, tổ chức và phân công lại lao động hợp lý nhằm góp phần tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.

b) Khuyến khích và tăng cường ý thức sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí các khoản kinh phí hành chính của đơn vị.

c) Bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức khi thực hiện thí điểm khoán được nâng cao hơn trước do tinh giản biên chế và tiết kiệm chi phí hành chính của đơn vị.

d) Từ việc tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm thí điểm khoán để làm căn cứ mở rộng diện thí điểm khoán đối với các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương.

2. Nguyên tắc thực hiện thí điểm khoán:

a) Không làm tăng biên chế và tổng kinh phí hành chính so với trước khi thực hiện thí điểm khoán.

b) Bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền giao.

c) Bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ theo quy định của Nhà nước.

Điều 3. Nội dung thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính

1. Khoán biên chế:

a) Biên chế được khoán là số biên chế do cơ quan có thẩm quyền quản lý biên chế giao cho cơ quan thực hiện thí điểm khoán sau khi xem xét chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu cán bộ, công chức của cơ quan;

b) Số biên chế khoán được giao ổn định trong 3 năm.

2. Khoán kinh phí quản lý hành chính:

a) Tổng quỹ lương được xác định trên cơ sở số biên chế được khoán và ngạch, bậc lương của cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và các chế độ liên quan đến chính sách tiền lương của Nhà nước;

b) Kinh phí quản lý hành chính được xác định trên cơ sở hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong việc sử dụng các khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, có tính đến kinh phí thực tế sử dụng trong 3 năm liền kề trước khi thực hiện thí điểm khoán;

c) Mức khoán kinh phí quản lý hành chính được ổn định trong 3 năm và chỉ điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

- Nhà nước bổ sung, sửa đổi chính sách tiền lương;

- Nhà nước bổ sung, sửa đổi các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong việc sử dụng các khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước;

- Sáp nhập, chia, tách đơn vị thực hiện khoán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

3. Không thực hiện khoán chi đối với các khoản chi sau đây:

a) Chi sửa chữa theo chu kỳ, sửa chữa lớn trang thiết bị, phương tiện làm việc và trụ sở, nhà công vụ;

b) Chi mua sắm tài sản cố định, cải tạo, xây dựng trụ sở, nhà công vụ;

c) Chi đào tạo cán bộ, công chức.

Cơ quan thực hiện thí điểm khoán chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng các khoản không thực hiện khoán chi nói trên trong hạn mức được cấp, đúng mục đích, có hiệu quả và tiết kiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thực hiện thí điểm khoán

1. Quyền hạn:

a) Được sắp xếp lại tổ chức nội bộ cơ quan phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính và yêu cầu thực hiện thí điểm khoán gồm:

- Tổ chức lại bộ máy của cơ quan;

- Quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của các tổ chức trong nội bộ cơ quan phù hợp với quy định của pháp luật;

- Sắp xếp lại lao động, giảm biên chế trong cơ quan và quy định nhiệm vụ cho từng vị trí làm việc của cán bộ, công chức.

b) Được chủ động phân bổ, sử dụng các khoản kinh phí thường xuyên trong tổng mức kinh phí được giao khoán.

c) Được sử dụng kinh phí tiết kiệm từ các khoản chi nhận thí điểm khoán theo quy định tại Điều 3 Quyết định này cho các mục đích sau đây:

- Nâng tiền lương cho cán bộ, công chức trong cơ quan;

- Thực hiện các chế độ khen thưởng cho cán bộ, công chức;

- Phúc lợi của cơ quan (nếu còn).

Kinh phí tiết kiệm được nếu không sử dụng hết trong năm thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.

2. Trách nhiệm:

a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan theo quy định của pháp luật và cơ quan quản lý cấp trên giao;

b) Bảo đảm quyền lợi và chế độ của cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan theo quy định của pháp luật;

c) Xây dựng phương án thí điểm khoán và tổ chức thực hiện các biện pháp về tổ chức bộ máy, biên chế, sắp xếp lại lao động, sử dụng kinh phí, ngân sách Nhà nước; xây dựng quy chế sử dụng kinh phí tiết kiệm trên cơ sở bảo đảm dân chủ, công khai theo quy định của Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ và Quy chế công khai tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ;

d) Định kỳ 6 tháng một lần, tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động và kết quả thực hiện thí điểm khoán của cơ quan.

Điều 5. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm sau đây:

1. Hướng dẫn các cơ quan xây dựng phương án thí điểm khoán;

2. Duyệt phương án và chỉ đạo thực hiện đối với các cơ quan thực hiện thí điểm khoán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ;

3. Thực hiện cơ chế cấp phát và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước đối với cơ quan nhận thí điểm khoán theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

4. Giải quyết lao động thuộc diện dôi dư do sắp xếp lại lao động của cơ quan thực hiện thí điểm khoán theo hướng:

a) ưu tiên chuyển sang các tổ chức không sử dụng biên chế và không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước;

b) Giải quyết cho thôi việc theo quy định tại Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức;

c) Được sử dụng ngân sách của thành phố để giải quyết việc chi trả chế độ cho số cán bộ, công chức theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/1998/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức;

d) Không được sử dụng phần chỉ tiêu biên chế do cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán tiết kiệm được để làm nguồn bổ sung chỉ tiêu biên chế cho các tổ chức khác có sử dụng biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

5. Hàng năm chủ trì tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm việc chỉ đạo thực hiện thí điểm khoán; giải quyết các vướng mắc và khiếu nại liên quan đến việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan thực hiện khoán trên địa bàn thành phố để kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Điều 6. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với người đứng đầu tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố áp dụng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý đối với Văn phòng Thành ủy, cơ quan Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 7. Trách nhiệm của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tài chính:

1. Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phối hợp với Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh duyệt phương án thí điểm khoán đối với các cơ quan thực hiện thí điểm khoán của thành phố Hồ Chí Minh;

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về việc lập dự toán cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí quản lý hành chính thực hiện thí điểm khoán và các khoản kinh phí tiết kiệm từ quỹ lương, chi phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán để thực hiện các quy định của Quyết định này;

3. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi bằng tiền tiết kiệm được do thực hiện thí điểm khoán; chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo dõi, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện đối với các cơ quan được thí điểm khoán theo thẩm quyền, đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và tổ chức tổng kết việc thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 8. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Việc thí điểm khoán biên chế và kinh phí hành chính đối với một số cơ quan của thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2000.

Điều 9. Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.