• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/02/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 28/06/2012
BỘ TƯ PHÁP-BỘ CÔNG AN
Số: 07/1999/TTLT-BTP-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 8 tháng 2 năm 1999

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp

____________

 

Căn cứ Nghị định số 38-CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 37/1998/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an;

Để đáp ứng yêu cầu của công dân về cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

Bộ Tư pháp và Bộ Công an quy định việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu lý lịch tư pháp là loại phiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm 5 mục I của Thông tư liên tịch này, cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án.

Mẫu Phiếu lý lịch tư pháp là mẫu số 01/TP-LLTP được ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.

2. Nguyên tắc xác nhận có hay không có tiền án

Một người chỉ bị coi là có tiền án khi có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Toà án tuyên người đó phạm tội và chưa được xoá án tích theo quy định của pháp luật.

3. Quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Công dân Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp để sử dụng trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

Người nước ngoài cũng có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam quy định tại điểm 5 mục I Thông tư liên tịch này cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án trong thời gian cư trứ tại Việt Nam.

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt mình làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

4. Không cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Những trường hợp sau đây không được cấp Phiếu lý lịch tư pháp:

a. Xin cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người khác mà không được uỷ quyền hợp thức;

b. Người đang là bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

5. Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Tư pháp).

Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Công an cấp tỉnh) và trong trường hợp cần thiết với Toà án, để xác minh lý lịch tư pháp của đương sự.

6. Lệ phí

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ CẤP PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP

1. Thủ tục nộp và tiếp nhận hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

a. Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải làm đơn theo mẫu số 02/TP- LLTP ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này; đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp phải được khai đầy đủ, rõ ràng và chính xác.

Kèm theo đơn yêu cầu phải có bản chụp Giấy chứng minh nhân dân và bản chụp Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ hợp lệ chứng minh nơi thường trú của đương sự; đối với người nước ngoài thì nộp bản chụp Hộ chiếu và bản chụp Giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam.

Trong trường hợp uỷ quyền làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì còn phải có văn bản uỷ quyền được Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, trị trấn nơi cư trú của người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chứng nhận; người uỷ quyền là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, văn bản uỷ quyền phải có chứng nhận của Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; nếu người uỷ quyền là người nước ngoài đã rời Việt Nam thì văn bản uỷ quyền phải có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân hoặc thường trú và phải được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp được lập thành 2 bộ.

b. Nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi thường trú; nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú cuối cùng trước khi xuất cảnh.

Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú; nếu đã rời Việt Nam, thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh.

c. Tiếp nhận hồ sơ

Khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp kiểm tra các nội dung khai trong đơn và sự hợp lệ của các giấy tờ kèm theo; nếu có điểm nào còn thiếu hoặc chưa rõ thì đề nghị người nộp đơn bổ sung hoặc làm rõ.

Nếu xét thấy hồ sơ đã hợp lệ, Sở Tư pháp tiếp nhận, thu lệ phí và cấp cho người nộp đơn Phiếu hẹn ngày trả kết quả.

Trong trường hợp xét thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, Sở Tư pháp hướng dẫn ngay cho đương sự nộp hồ sơ theo đúng địa chỉ.

Việc tiếp nhận hồ sơ phải được ghi vào Sổ cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Thủ tục tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp

a. Tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi Phiếu xác minh lý lịch tư pháp theo mẫu số 03/TP-LLTP ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và 01 bộ hồ sơ cho Công an cấp tỉnh để tra cứu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp. Công an cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện việc tra cứu, xác minh lý lịch tư pháp của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp Thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp (mặt sau của Phiếu xác minh lý lịch tư pháp). Đối với trường hợp phức tạp cần phải tra cứu hồ sơ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Bộ Công an thì thời hạn này được kéo dài thêm không quá 10 ngày; việc liên hệ với Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát do Công an cấp tỉnh chịu trách nhiệm.

b. Tra cứu hồ sơ của Toà án

Trong trường hợp qua kết quả tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an thấy có tình tiết nghi ngờ đương sự có án, nhưng chưa đủ căn cứ để kết luận hoặc phần ghi về tình trạng tiền án của đương sự có điểm chưa rõ ràng, đầy đủ thì Sở Tư pháp liên hệ với toà án đã xét xử vụ án liên quan đến đương sự để tra cứu hồ sơ án lưu, nhằm làm rõ đương sự có án hay không có án.

Việc tra cứu hồ sơ của Toà án (nếu có) phải được tiến hành ngay sau ngày nhận được thông báo kết quả xác minh lý lịch tư pháp của Công an cấp tỉnh; thời hạn tra cứu hồ sơ án lưu tại Toà án không quá 7 ngày.

3. Lập và cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày có kết quả tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an và Toà án (nếu có), Sở Tư pháp lập và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho đương sự.

a. Cách lập Phiếu lý lịch tư pháp

Đương sự không có tiền án (chưa can án hoặc có án nhưng đã được xoá án tích) thì ghi rõ là "Không có tiền án" vào dòng "Tình trạng tiền án" và gạch chéo các cột (1), (2), (3). (4) và (5) của Phiếu lý lịch tư pháp; nếu đương sự có tiền án thì ghi rõ tội danh, điều luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung (nếu có) và ngày, tháng, năm tuyên bản án đã có hiệu lực pháp luật; nếu có nhiều tiền án thì ghi thứ tự các tiền án theo thời gian.

Trong trường hợp đương sự có án, nhưng đủ điều kiện để được đương nhiên xoá án tích hoặc được xoá án tích có điều kiện theo quy định của pháp luật hình sự, thì Sở Tư pháp hướng dẫn cho đương sự làm thủ tục yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền xoá án tích theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

b. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Phiếu lý lịch tư pháp chỉ có một loại bản chính, không được phép sao. Tuỳ theo mục đích yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của đương sự, Sở Tư pháp cấp cho đương sự số lượng Phiếu cần thiết.

4. Lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp

Hồ sơ lý lịch tư pháp bao gồm Đơn yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, các giấy tờ kèm theo của đương sự và Phiếu xác minh lý lịch tư pháp có ghi kết quả tra cứu hồ sơ của cơ quan Công an, kết quả tra cứu hồ sơ của toà án (nếu có).

Hồ sơ lý lịch tư pháp phải được lưu trữ, bảo quản tại Sở Tư pháp theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thuộc ngành mình trong việc thực hiện Thông tư liên tịch này.

2. Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh bố trí cán bộ có chuyên môn phù hợp làm công tác lý lịch tư pháp; đối với các tỉnh, thành phố có nhiều yêu cầu về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, thì phải bố trí cán bộ chuyên trách công tác này.

3. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo về Bộ Tư pháp, Công an cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo về Bộ Công an tình hình thực hiện Thông tư liên tịch này.

4. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Giám đốc Sở tư pháp, Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Công an để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Hà Hùng Cường

Lê Thế Tiệm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.