• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 50/2012/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 19 tháng 12 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ

tàu biển tại cảng biển Việt Nam

________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Phụ lục I của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra 1973, được sửa đổi bằng Nghị định thư 1978 (Công ước Marpol 73/78);

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Môi trường;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về Quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển Việt Nam,

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển Việt Nam.

2. Việc quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển phải tuân thủ theo quy định của Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Thông tư này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển.

2. Chất thải lỏng có dầu từ tàu biển là chất thải lỏng có lẫn dầu tiếp nhận từ hệ thống la canh buồng máy, nước vệ sinh hầm hàng của tàu dầu, nước vệ sinh két dầu nhiên liệu, dầu thải, cặn dầu thải, dầu rò rỉ, nước từ két dằn lẫn dầu, nước la canh hầm hàng có lẫn dầu.

3. Phương tiện tiếp nhận là các phương tiện chuyên dùng để tiếp nhận chất thải lỏng có dầu từ tàu, bao gồm phương tiện thủy, xe ô tô bồn hoặc két chứa có thể tiếp nhận chất thải lỏng có dầu từ tàu, hệ thống đường ống có mặt bích nối tiêu chuẩn phù hợp theo mục 2.2.3 Chương 2 Phần 3 Quy phạm các hệ thống ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26:2010/BGTVT) và phù hợp quy định 13 Phụ lục I của Công ước Marpol 73/78.

4. Xử lý chất thải lỏng có dầu là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật nhằm biến đổi, loại bỏ, cách ly, tiêu hủy hoặc phá hủy tính chất, thành phần nguy hại của chất thải lỏng có dầu (kể cả việc tái chế, tận thu, thiêu đốt, đồng xử lý, cô lập, chôn lấp) với mục đích cuối cùng là không gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.

5. Quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển là các hoạt động liên quan đến việc tiếp nhận, lưu giữ tạm thời, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải lỏng có dầu từ hoạt động tàu biển tại cảng biển Việt Nam:

6. Hoạt động hàng/dằn là các hoạt động của tàu chở dầu khi chở hàng, hoặc khi chạy dằn tàu.

7. Dầu là dầu mỏ dưới bất kỳ dạng nào, kể cả dầu thô, dầu đốt, dầu cặn, dầu thải và các sản phẩm dầu mỏ đã được lọc và bao gồm cả các chất được hiện tại Phụ lục I của Thông tư này.

Chương 2

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI LỎNG VÀ DẦU TỪ TÀU BIỂN

Điều 4. Yêu cầu đối với cảng biển và bến cảng

1. Cảng biển, bến cảng phải trang bị phương tiện tiếp nhận hoặc trạm xử lý chất thải lỏng có dầu nếu có các hoạt động như sau:

a) Tiếp nhận tàu nhận dầu thô mà ngay trước khi cập cảng đã thực hiện chuyến đi chạy dằn không quá 72 giờ hoặc không quá 1.200 hải lý;

b) Tiếp nhận tàu nhận dầu không phải dầu thô dạng xô với số lượng trung bình lớn hơn 1.000 tấn trong một ngày;

c) Có các xưởng sửa chữa tàu hoặc có thiết bị vệ sinh két;

d) Tiếp nhận các tàu biển có két dầu cặn;

e) Tiếp nhận các tàu biển khác có nước la canh lẫn dầu và cặn khác không được phép thải ra biển;

g) Nhận hàng dạng xô mà những cặn dầu từ các tàu chở hàng hỗn hợp không thể thải ra biển.

2. Đối với cảng biển, bến cảng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này chưa trang bị phương tiện tiếp nhận hoặc trạm xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển, phải có danh mục các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu do Cảng vụ hàng hải tại khu vực cung cấp.

Điều 5. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển

1. Các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển phải được cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12, 13 và Điều 14 của Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 (sau đây gọi là Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Quản lý chất thải nguy hại.

2. Sau mỗi lần thực hiện giao nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu:

a) Đối với tổ chức, cá nhân có phương tiện tiếp nhận và hệ thống xử lý chất thải lỏng có đầu tại khu vực cảng: có trách nhiệm báo cáo kết quả giao nhận và xử lý tới Cảng vụ hàng hải tại khu vực theo Mẫu số 02 kèm theo Thông tư này;

b) Đối với tổ chức, cá nhân không có hệ thống xử lý chất thải lỏng có dầu tại khu vực cảng biển, có trách nhiệm báo cáo kết quả giao nhận chất thải lỏng có dầu tới Cảng vụ hàng hải tại khu vực theo Mẫu số 02 kèm theo chứng từ chất thải nguy hại.

Điều 6. Đăng ký hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu tại cảng biển, bến cảng

1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu tại cảng biển, bến cảng Việt Nam nộp trực tiếp 01 (một) bộ hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu chính tới Cảng vụ hàng hải khu vực. Hồ sơ bao gồm:

a) Thông báo thực hiện hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển theo Mẫu số 03 kèm theo Thông tư này;

b) Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do cơ quan có thẩm quyền cấp phép (bản sao có chứng thực);

c) Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do cơ quan có thẩm quyền cấp phép (bản sao có chứng thực).

2. Trình tự tiếp nhận và xử lý:

Cảng vụ hàng hải tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra số lượng, thành phần hồ sơ, cấp giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả theo quy định:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Cảng vụ hàng hải tại khu vực hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bằng văn bản chậm nhất 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;

c) Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Cảng vụ hàng hải tại khu vực có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu tại cảng biển Việt Nam theo Mẫu số 04 kèm theo Thông tư này.

Điều 7. Yêu cầu đối với tàu biển

1. Tàu biển vào cập cảng phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu theo quy định tại các Điều 49, 50, 51, 52, 54 của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải (sau đây gọi là Nghị định số 21/2012/NĐ-CP).

2. Tàu biển vào cảng biển phải khai báo về lượng chất thải lỏng có dầu hiện có trên tàu vào mục 16 của Bản khai chung theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 21/2012/NĐ-CP, việc khai báo này được thức hiện đồng thời với quá trình làm thủ tục cho tàu thuyền vào cảng biển.

3. Tàu biển có yêu cầu về phương tiện tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu phải khai báo với Cảng vụ hàng hải tại khu vực tại Bản khai chung - Mẫu số 03, mục 21, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.

4. Kế hoạch giao nhận chất thải lỏng có dầu tại khu vực cảng biển, bến cảng nơi tàu đến phải được gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính cho Cảng vụ hàng hải tại khu vực theo Mẫu số 27, Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.

5. Đối với tàu dầu có tổng dung tích từ 150 GT trở lên và tàu bất kỳ khác có tổng dung tích từ 400 GT trở lên đều phải trang bị Nhật ký dầu phần I - hoạt động buồng máy; tàu dầu có tổng dung tích từ 150 GT trở lên phải trang bị Nhật ký dầu phần II - hoạt động hàng/dằn (theo quy định tại Phụ lục I của Công ước Marpol 73/78). Nhật ký này phải được ghi chép đầy đủ và trình cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

6. Nghiêm cấm việc chuyển giao chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tới phương tiện tiếp nhận khi chưa được đồng ý của Cảng vụ hàng hải tại khu vực.

7. Đối với tàu biển đến các cảng biển mà tại đó không có phương tiện tiếp nhận chất thải lỏng có dầu và không có danh mục đơn vị được phép thực hiện hoạt động tiếp nhận chất thải lỏng có dầu, phải giữ lại chất thải lỏng có dầu trên tàu và thực hiện theo hướng dẫn của Cảng vụ hàng hải tại khu vực.

 

 

Chương 3

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA QUẢN LÝ TIẾP NHẬN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI LỎNG CÓ DẦU TỪ TÀU BIỂN

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

1. Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tại khu vực tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát công tác quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển.

2. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này.

3. Tổng hợp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường định kỳ một lần một năm. Thời gian báo cáo trước ngày 31 tháng 12 hàng năm theo Mẫu số 06 kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải tại khu vực

1. Kiểm tra, giám sát trực tiếp việc tiếp nhận, xử lý chất thải lỏng có dầu đối với các cảng biển được quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Thông báo và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, tàu biển đáp ứng được đầy đủ yêu cầu tại Điều 5, Điều 7 của Thông tư này tham gia hoạt động tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển.

3. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương kiểm tra, giám sát theo chuyên ngành của mình việc thực hiện quy định trong Thông tư này đối với hoạt động quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển.

4. Tạo điều kiện cho các tàu biển có nhu cầu thải chất thải lỏng có dầu tiến hành xả thải theo quy định.

5. Lập Sổ theo dõi và hồ sơ lưu về tình hình quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu hàng năm. Hồ sơ phải thể hiện đầy đủ thông tin về thời gian, số lần tiếp nhận xử lý chất thải lỏng có dầu, khối lượng chất thải lỏng có dầu đã xử lý. Sổ theo dõi hoạt động quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu hàng năm thực hiện theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này.

a) Đối với cảng biển có hệ thống xử lý chất thải lỏng có dầu, hồ sơ lưu phải có hồ sơ quan trắc, hoặc phiếu phân tích chất lượng môi trường của cơ quan có thẩm quyền theo các quy định hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường;

b) Đối với cảng biển không có hệ thống xử lý chất thải lỏng có dầu, hồ sơ lưu phải có chứng từ chất thải nguy hại phù hợp theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT.

6. Sổ theo dõi tình hình quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu tại cảng biển phải trình cho các cơ quan quản lý khi kiểm tra và được lưu giữ tại Cảng vụ hàng hải tại khu vực tối thiểu 5 năm kể từ khi kết thúc vào sổ.

7. Tổng hợp và cập nhật danh mục các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có đầu từ tàu biển; cung cấp danh mục này cho các cảng biển, bến cảng và tàu biển lần đầu đến cảng.

8. Thông báo và hướng dẫn việc thải chất thải lỏng có dầu cho tàu biển đến cảng nêu tại khoản 7 Điều 7 của Thông tư này.

9. Báo cáo tình hình quản lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển thuộc khu vực mình quản lý tới Cục Hàng hải Việt Nam 6 tháng một lần. Thời gian báo cáo trước ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hàng năm theo Mẫu số 05 kèm theo Thông tư này.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2013

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.