• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/10/2024
UBND TỈNH CÀ MAU
Số: 10/2005/QĐ-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 27 tháng 1 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH CÀ MAU

Về việc ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau

__________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

- Căn cứ Quyết định số 142/2003/QĐ-TTg ngày 14/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi, tỉnh Cà Mau thành Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau;

- Xét Tờ trình số 82/TTg -VQG ngày 14/10/2004 của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Công văn số 234/CV-STP ngày 06/12/2004 của Sở Tư pháp về việc góp ý dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức, hoạt động của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

_______________________

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU

(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2005/QĐ-UB

ngày 27 tháng 01 năm 2005 của UBND tỉnh Cà Mau)

_________

 

CHƯƠNG I

VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG

 

 

Điều 1: Vị trí, chức năng:

1- Tổ chức điều hành thực hiện các chương trình hoạt động của Vườn Quốc gia và dự án Vùng đệm Vườn Quốc gia như đã quy định trong Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Dự án đầu tư xây dựng vùng đệm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

2- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, tham quan du lịch và phát triển nông thôn vùng đệm.

3- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và được mở tài khoản riêng để giao dịch và hoạt động.

 

CHƯƠNG II

NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ PHẠM VI QUẢN LÝ

 

Điều 2: Nhiệm vụ.

1- Bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở các giải pháp khoa học, kinh tế và xã hội để bảo vệ hệ sinh thái ngập nước vùng Đất Mũi đang trong quá trình diễn thế tự nhiên. Bảo vệ tài nguyên động, thực vật rừng quý hiếm, các sinh cảnh rừng tự nhiên gắn với việc phục hồi và phát triển độ che phủ của thảm thực vật rừng trên diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia.

2- Xây dựng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế. Xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái vùng đất ngập nước.

3- Đầu tư phát triển cơ sơ ha tầng Vườn Quốc gia đe làm nền tảng phát triển sản xuất va du lịch sinh thái, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư va xã hội.

4- Phát huy vai trò phòng hộ bảo vệ môi trường, hạn chế xói lở, thúc đẩy quá trình bồi tụ bờ biển để bảo vệ đời sống và sản xuất của nhân dân, tạo nền tảng cho quá trình phát triển bền vững vùng đất ven biển.

5- Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về các giá trị của rừng, giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên. Vận động nhân dân thực hiện tốt pháp luật quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

6- Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng bố trí, sắp xếp dân cư sống xung quanh Vườn Quốc gia một cách phù hợp, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý của Vườn Quốc gia.

7- Phối hợp các ngành, đơn vị chức năng có liên quan triển khai thực hiện tốt Dự án đầu tư xây dựng vùng đệm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau theo đúng nội dung dự án được duyệt.

8- Quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí nhà nước giao cho Vườn Quốc gia đúng mục đích và có hiệu quả.

9- Góp phần củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường sức mạnh cho tuyến phòng thủ vùng cực Nam của Tổ quốc.

Điều 3: Quyền hạn.

1- Tổ chức các chương trình hoạt động như: Quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phục hồi hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biển, tôn tạo cảnh quan, du lịch - dịch vụ, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường thiên nhiên trong phạm vi Vườn Quốc gia quản lý theo đúng quy định của ngành và của Nhà nước.

2- Kiểm tra, giám sát mọi hoạt động gây tác động đến Vườn Quốc gia và Vùng đệm của Vườn Quốc gia.

3- Đề xuất với UBND các cấp trong phạm vi tỉnh Cà Mau những biện pháp nhằm không ngừng bảo vệ và phát triển tài nguyên kinh tế - xã hội khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vùng đệm của Vườn Quốc gia.

Điều 4: Phạm vi quản lý.

Vườn Quốc gia trực tiếp quản lý diện tích 41.862 ha theo đúng Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, bao gồm phần đất liền 15.262 ha và phần trên biển 26.600 ha.

 

CHƯƠNG III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG

 

Điều 5: Cơ cấu tổ chức.

1- Cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia gồm 01 Giám đốc; Từ 02 đến 03 Phó Giám đốc và các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc. Vườn Quốc gia làm việc theo chế độ thủ trưởng.

2- Giám đốc là người đứng đầu Vườn Quốc gia do UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Vườn Quốc gia.

3- Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc phụ trách các lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được giao.

4- Các phòng, ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc Vườn Quốc gia bao gồm: Phòng Tổ chức - Hành chính; Phòng Lâm Sinh - Thủy sản; Phòng Kế hoạch - Tài vụ; Hạt kiểm lâm Mũi Cà Mau; Ban Quản lý Khu bảo tồn biển, Ban Quản lý các dự án Vườn Quốc gia.

Điều 6: Biên chế tiền lương.

Biên chế tiền lương Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau do UBND tỉnh Cà Mau quyết định giao trong tổng chỉ tiêu biên chế sự nghiệp của tỉnh hàng năm. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết do nhu cầu công việc Giám đốc Vườn Quốc gia được quyền hợp đồng thêm lao động thời vụ.

Điều 7: Chế độ tiền lương.

1- Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được áp dụng theo mã số ngạch, bậc, hệ số lương và hưởng các chế độ phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2- Chế độ tiền lương của cán bộ hợp đồng do Vườn Quốc gia tự trang trải, mức lương trả cho cán bộ hợp đồng phải căn cứ theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG IV

NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA PHÒNG CHUYÊN MÔN VÀ

CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC

 

Điều 8: Nhiệm vụ cụ thể của Phòng Tổ chức - Hành chính

1- Tham mưu giúp Ban Giám đốc Vườn Quốc gia trong việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, sử dụng cán bộ sau đào tạo, tổ chức xây dựng bộ máy; quản lý nhân sự; bố trí nhân sự tại các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trong Vườn Quốc gia theo biên chế định biên đã được UBND tỉnh phân bổ.

2- Tham mưu giúp Ban Giám đốc Vườn Quốc gia trong việc giải quyết các chế độ, chính sách như: tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,... đối với cán bộ, công chức và cán bộ hợp đồng của Vườn Quốc gia theo quy định của pháp luật.

3- Thực hiện và quản lý công tác văn thư lưu trữ của Vườn Quốc gia; Lập dự trù mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, văn phòng phẩm. Quản lý điều hành, kế hoạch bảo dưỡng phương tiện, tài sản. Tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khách đến làm việc theo đúng yêu cầu và nội quy của cơ quan.

4- Định kỳ hàng quý, năm báo cáo lên cấp trên về tình hình hoạt động của Vườn Quốc gia.

5- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

Điều 9: Nhiệm vụ cụ thể của Phòng Kế hoạch - Tài vụ.

1- Quản lý các loại quỹ, vốn, vật tư tài sản của Vườn Quốc gia; Xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn về lĩnh vực kinh tế - tài chính; lĩnh vực xây dựng cơ bản; lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Vườn Quốc gia, trình UBND tỉnh phê duyệt.

2- Kiểm tra, theo dõi tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch và báo cáo cấp trên theo đúng quy định.

3- Thực hiện chế độ tài chính, kế toàn và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy định nhà nước.

4- Tổng hợp hồ sơ thanh toán, lập các báo cáo tài chính để quyết toán với cơ quan quản lý cấp trên theo đúng quy định.

5- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

Điều 10: Nhiệm vụ của Phòng Lâm sinh - Thủy sản.

1- Lập chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản, theo dõi giám sát về tài nguyên rừng, về động vật rừng. Xây dựng và quản lý dữ liệu khoa học về sinh thái rừng của Vườn Quốc gia. Lập kế hoạch lâm sinh, tổ chức thực hiện các hạng mục lâm sinh được duyệt hàng năm như: Bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng, trồng và chăm sóc rừng, xây dựng vườn thực vật, vườn ươm, tạo cây con bản địa phục vụ trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và vùng đệm, chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã.

2- Hỗ trợ kỹ thuật phát triển vùng đệm. Tổ chức hướng dẫn đối tượng nghiên cứu khoa học và thực tập về lâm sinh, lâm nghiệp. Tổ chức và thực tập bồi dưỡng kiến thức liên quan đến Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển tài nguyên rừng cho cán bộ công chức của Vườn Quốc gia, cán bộ chu chốt các xã và nhân dân vùng đệm.

3- Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ở Vườn Quốc gia, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, tuyên truyền giáo dục cộng đồng dân cư về bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái.

4- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình điều tra, nghiên cứu về môi trường nước và tài nguyên thuỷ sản, các mô hình khuyến ngư. Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác đánh bắt tài nguyên thủy sản theo đúng quy định của pháp luật.

5- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

Điều 11: Nhiệm vụ cụ thể của Hạt Kiểm lâm.

1- Lập chương trình, phương án, biện pháp về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái của vườn và tổ chức thực hiện chương trình, phương án, biện pháp đã được cấp thẩm quyền duyệt. Chịu sự hướng dẫn về chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau.

2- Tham mưu cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia trong việc xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên động vật hoang dã.

3- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cho lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia. Báo cáo Giám đốc Vườn Quốc gia và cơ quan cấp trên về tình hình quản lý, bảo vệ rừng trong phạm vi Vườn Quốc gia theo quy định của pháp luật.

4- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

Điều 12: Nhiệm vụ cụ thể của Ban Quản lý Dự án Vườn Quốc gia:

1- Chịu trách nhiệm trước Giám đốc Vườn Quốc gia để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư, quản lý và triển khai thực hiện các hạng mục công trình thuộc Dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau; Dự án đầu tư xây dựng vùng đệm Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và các nguồn vốn đầu tư khác theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2- Thực hiện các nguyên tắc tài chính, quản lý tài sản, quản lý đầu tư và xây dựng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

3- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Giám đốc phân công.

Điều 13: Nhiệm vụ cụ thể của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển.

- Lập chương trình, phương án, biện pháp về Bảo vệ tài nguyên thủy sản và tổ chức thực hiện chương trình, phương án, biện pháp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Tổng hợp, phổ biến các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến bảo vệ tài nguyên thuỷ sản và tham mưu cho Ban Giám đốc Vườn Quốc gia trong việc xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến việc bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thủy sản của Vườn Quốc gia.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho lực lượng Bảo vệ thủy sản của vườn.

- Tổng hợp tình hình quản lý bảo vệ khu Bảo tồn Biển để báo cáo Giám đốc Vườn Quốc gia và các cơ quan cấp trên theo quy định hiện hành.

 

 

CHƯƠNG V

QUAN HỆ CÔNG TÁC

 

 

Điều 14. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản.

1- Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Thuỷ sản báo cáo, xin ý kiến những vấn đề liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ vượt quá thẩm quyền được - giao của Vườn Quốc gia.

2- Báo cáo định kỳ hàng quý, năm về tình hình hoạt động của đơn vị theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ thuỷ sản.

Điều l5. Đối với UBND tỉnh Cà Mau

1- Chịu sự quản lý Nhà nước trực tiếp của UBND tỉnh Cà Mau.

 

2- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm về tình hình công tác và hoạt động của Vườn Quốc gia theo đúng quy định. Báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh về những vấn đề vượt quá thẩm quyền được giao của đơn vị.

Điều 16: Đối với UBND các huyện Ngọc Hiển và Năm Căn

1- Chịu sự quản lý về mặt lãnh thổ của UBND các huyện Ngọc Hiển và Năm Căn.

2- Phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển, Năm Căn để tổ chức, sắp xếp, di dời, giải toả, tái định cư cho dân ở khu vực vùng dự án.

Điều 17: Đối với các cơ quan hữu quan đóng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Năm Căn.

Phối hợp, quan hệ chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và các cơ quan hữu quan đóng trên địa bàn huyện nhằm thực hiện tốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 18:

Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, UBND các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và các cơ quan chức năng liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo kịp thời về UBND tỉnh./.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Quốc Việt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.