• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/11/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 30/01/2017
UBND TỈNH CÀ MAU
Số: 16/2013/QD-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 6 tháng 11 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định tiếp nhận đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau

_____________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11 tháng 11 năm 2011;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại năm 2011;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 57/TTr-TTT ngày 13 tháng 8 năm 2013, Tờ trình số 78/TTr-TTT ngày 18 tháng 11 năm 2013 và Báo cáo thẩm định số 180/BC-STP ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiếp nhận, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy trình tiếp nhận đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

TIẾP NHẬN ĐƠN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

______________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc tiếp nhận đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiếp nhận đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Chương II

TIẾP NHẬN XỬ LÝ ĐƠN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI

Điều 3. Tiếp nhận và xử lý đơn tranh chấp đất đai

1. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã):

a) Tiếp nhận đơn tranh chấp về đất đai, ra biên nhận giao cho người có đơn tranh chấp.

b) Hòa giải tranh chấp đất đai được thực hiện theo Điều 135 Luật Đất đai năm 2003, Điều 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.

c) Vụ việc đã được hòa giải không thành:

- Trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án thì bàn giao hồ sơ cho các bên tranh chấp; đồng thời hướng dẫn các bên tranh chấp viết đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân.

- Trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau thì chuyển đến Tiếp dân cấp huyện.

2. Trách nhiệm của Tiếp dân cấp huyện:

a) Tiếp nhận hồ sơ tranh chấp do UBND cấp xã chuyển đến, liên hệ và hướng dẫn các bên tranh chấp bổ sung tài liệu, chứng cứ (trường hợp có).

b) Tiếp nhận hồ sơ tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện.

3. Trách nhiệm của Tiếp dân tỉnh:

a) Tiếp nhận đơn của cá nhân, tổ chức, cơ quan không đồng ý quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện.

b) Tiếp nhận đơn tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Xử lý đơn tranh chấp về đất đai:

Khi nhận đơn tranh chấp về đất đai thuộc thẩm quyền, Cơ quan tiếp dân tỉnh, Tiếp dân cấp huyện có trách nhiệm vào sổ theo dõi, lập phiếu nhận đơn và bảng kê tài liệu giao cho người tranh chấp một bản và lưu hồ sơ một bản.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Tiếp dân cấp huyện, tỉnh phải chuyển đơn cho Cơ quan chuyên môn cùng cấp và thông báo bằng văn bản cho người có đơn tranh chấp biết đơn đã chuyển đến cơ quan chuyên môn thụ lý.

Những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh thì Tiếp dân cấp huyện, cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất giao cơ quan chuyên môn theo quy định tại Điều 6 Quy định này.

Điều 4. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai

1. Các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 thì do Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh theo quy định tại Điều 264 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.

Điều 5. Tiếp nhận đơn và xử lý đơn khiếu nại về đất đai

1. Khi nhận đơn của người khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền, Cơ quan Tiếp dân cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm vào sổ theo dõi và lập phiếu nhận đơn, lập bảng kê tài liệu kèm theo đơn, có ký giao của người khiếu nại. Phiếu nhận và bản kê tài liệu giao cho người khiếu nại một bản và lưu vào hồ sơ tại cơ quan một bản.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Tiếp dân cấp huyện, cấp tỉnh phải lập phiếu chuyển đơn cho Cơ quan chuyên môn cùng cấp theo quy định tại Điều 6 Quy định này và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết vụ việc đã được chuyển.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan chuyên môn nhận được phiếu chuyển đơn do cơ quan Tiếp dân cùng cấp chuyển đến, người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan liên quan theo quy định tại Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011.

3. Các khiếu nại không được thụ lý, không thuộc thẩm quyền thì xử lý theo quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011; Điểm a, Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ.

Điều 6. Trách nhiệm của Cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai

1. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình do pháp luật quy định, tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết:

a) Các vụ việc tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.

b) Các vụ việc khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện.

2. Sở Xây dựng:

a) Các vụ việc liên quan đến nhà, đất ở tại thị trấn, thành phố Cà Mau thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Các vụ việc được UBND tỉnh giao.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Các vụ việc khiếu nại, tranh chấp về đất đai (trừ quy định tại Khoản 2 Điều này) thuộc thẩm quyền giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Các vụ việc khiếu nại về đất đai đã được Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết nhưng còn khiếu nại.

c) Các vụ việc khiếu nại về giải tỏa, bồi thường bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Thanh tra tỉnh:

a) Các vụ việc đã có quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng còn khiếu nại và được Chủ tịch UBND tỉnh giao.

b) Các vụ việc khác liên quan đến đất đai, nhà ở được Chủ tịch UBND tỉnh giao.

5. Trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan chuyên môn và cán bộ được giao thẩm tra, xác minh nội dung tranh chấp, khiếu nại:

a) Thủ trưởng Cơ quan được giao thẩm tra, xác minh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cùng cấp về tính pháp lý, khách quan tại báo cáo, kiến nghị giải quyết tranh chấp, khiếu nại.

b) Cán bộ được phân công thẩm tra, xác minh chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ trưởng cơ quan phân công.

Điều 7. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai

Đối với việc giải quyết khiếu nại lần đầu thực hiện xác minh nội dung khiếu nại, tổ chức đối thoại và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tuân thủ thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 28, 29, 30, 31 và 32 Luật Khiếu nại năm 2011. Đối với việc khiếu nại lần hai thực hiện theo thời hạn giải quyết khiếu nại, xác minh nội dung khiếu nại, tổ chức đối thoại và ban hành quyết định giải quyết theo quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40 và 41 Luật Khiếu nại năm 2011.

Đối với việc giải quyết tranh chấp lần đầu và lần hai thực hiện theo quy định của Điều 159, 160, 161 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ.

Điều 8. Công tác phối hợp để giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai

1. Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cấp xã hòa giải các tranh chấp về đất đai.

2. Tiếp dân cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn được giao trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết khiếu nại để:

a) Nắm vụ việc đã được cơ quan chuyên môn đã xác minh xong và đủ điều kiện báo cáo giải quyết.

b) Xin ý kiến Chủ tịch UBND cùng cấp tổ chức họp Hội đồng tư vấn khi cần thiết. Cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại phải báo cáo kết quả xác minh và đề xuất, kiến nghị biện pháp giải quyết đến Hội đồng tư vấn để tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cùng cấp giải quyết theo thẩm quyền.

3. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn có liên quan của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai.

Điều 9. Lưu hồ sơ giải quyết tranh chấp, khiếu nại

1. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh, cấp huyện thì vụ việc phải lập thành hồ sơ theo quy định tại Điều 34 Luật Khiếu nại năm 2011.

a) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì hồ sơ lưu giữ tại Văn phòng UBND cấp huyện theo quy định pháp luật;

b) Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì hồ sơ lưu giữ tại cơ quan thụ lý hồ sơ theo quy định tại Điều 43 Luật Khiếu nại năm 2011.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu còn khiếu nại và khi Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có yêu cầu chuyển hồ sơ thì UBND cấp huyện chuyển giao hồ sơ đó theo quy định.

Chương III

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT

Điều 10. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn và tổ chức, cá nhân được giao công bố quyết định giải quyết

1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ký quyết định giải quyết, Cơ quan và tổ chức được giao trách nhiệm công bố quyết định giải quyết đến các bên tranh chấp, khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

a) Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan và UBND cấp huyện tổ chức công bố quyết định giải quyết lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp huyện chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan và UBND cấp xã tổ chức công bố quyết định giải quyết do cấp mình ban hành và quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Địa điểm công bố quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại địa phương nơi có đất tranh chấp, khiếu nại.

3. Cán bộ được giao chủ trì công bố quyết định có nhiệm vụ đọc toàn văn nội dung của quyết định giải quyết. Đồng thời quyết định giải quyết được giao cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, các bên tranh chấp và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan (trường hợp các bên không nhận quyết định thì phải nêu rõ lý do). Việc công bố quyết định giải quyết phải được lập thành biên bản có đủ chữ ký hoặc điểm chỉ theo thành phần tham dự (đúng đối tượng).

Trường hợp cơ quan, tổ chức, người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan không đồng ý ký tên hoặc điểm chỉ vào biên bản thì cán bộ ghi biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản có sự chứng kiến của thành phần tham dự.

Điều 11. Niêm yết quyết định giải quyết tại Cơ quan Tiếp dân

1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết thì Cơ quan Tiếp dân tỉnh niêm yết công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND tỉnh; Cơ quan Tiếp dân cấp huyện niêm yết công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND cấp huyện và quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Thời gian niêm yết 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết.

3. Thời điểm bắt đầu và kết thúc niêm yết phải vào sổ theo dõi.

Điều 12. Thực hiện quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật

1. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà các bên không khiếu nại lần hai. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ban hành.

2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hay lần hai thì có quyền khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính ngày 24 tháng 11 năm 2010.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật. Theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức được giao thực hiện việc thi hành quyết định. Trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định để đảm bảo quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.

Điều 13. Xử lý trường hợp lấn, chiếm sau khi quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật

1. Sau khi tổ chức thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trường hợp có hành vi lấn, chiếm đất đai thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành trong lĩnh vực đất đai.

2. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm lập biên bản đối với hành vi lấn, chiếm đất đai và xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời bằng văn bản cho cấp có thẩm quyền xử lý.

Điều 14. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và thực hiện tốt Quy định này sẽ được xem xét, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có những hành vi trì hoãn, chậm trễ, làm sai lệch hồ sơ, can thiệp trái pháp luật hoặc lẫn tránh trách nhiệm đối với việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Thanh tra tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau báo cáo tình hình thực hiện giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, thi hành các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật gửi về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Trong quá trình thực hiện có phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ảnh kịp thời về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Dương Tiến Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.