• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/12/1996
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 80/TC-TCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 21 tháng 12 năm 1996

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định điều kiện hành nghề và lệ phí cấp

giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác

____________________

Căn cứ Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý phí và lệ phí;

Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3830/KTTH ngày 10/8/1996 của Văn phòng Chính phủ về việc thu lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và các lâm sản khác, căn cứ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 3306 NN-TCKT/CV ngày 3/10/1996;
Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định điều kiện hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác và lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP

1. Tổ chức sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản khác, khi được cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến có sở sản xuất, chế biến để thẩm định các điều kiện hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác (dưới đây gọi chung là thẩm định) thì phải nộp phí thẩm định theo quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản khác khi được cơ quan có thẩm quyền nêu tại điểm 1, mục này cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác (dưới đây gọi chung là giấy phép hành nghề) thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

II. MỨC THU

1. Mức thu phí thẩm định: 500.000 đồng/một doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản khác (năm trăm nghìn đồng);

2. Mức thu lệ phí cấp giấy phép hành nghề (cấp mới, cấp lại hoặc đổi giấy phép): 100.000 đồng/giấy (một trăm nghìn đồng);

III. QUẢN LÝ PHÍ VÀ LỆ PHÍ

1. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản khác theo quy định tại Quyết định số 14/CT ngày 15/1/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm:

- Tổ chức thu, nộp và quản lý phí thẩm định điều kiện hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác và lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác theo đúng quy định tại Thông tư này.

- Khi thu tiền phí, lệ phí phải cấp cho người nộp tiền chứng từ thu phí, lệ phí (biên lai thu tiền) do Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) phát hành và nhận biên lai thu tại Cục thuế nơi cơ quan thu phí, lệ phí đóng trụ sở.

- Thực hiện mở sổ sách, chứng từ kế toán theo dõi riêng số thu, nộp và sử dụng tiền lệ phí theo đúng chế độ kế toán, thống kê hiện hành của Nhà nước.

Hàng năm lập dự toán và quyết toán số thu, nộp và sử dụng tiền thu phí, lệ phí, quyết toán chứng từ thu phí, lệ phí đồng thời với dự toán và quyết toán tài chính của đơn vị, gửi báo cáo cho cơ quan Thuế trực tiếp và cơ quan Tài chính cùng cấp.

2. Phí thẩm định và lệ phí cấp giấy phép hành nghề quy định tại Thông tư này là khoản thu của ngân sách nhà nước, tạm thời quản lý sử dụng như sau:

a) Cơ quan thu phí, lệ phí được tạm trích 50% tổng số tiền thu được để chi phí trực tiếp cho việc tổ chức thu phí, lệ phí, sử dụng vào mục đích sau:

- In (hoặc mua) mẫu đơn, tờ khai, hồ sơ liên quan và giấy phép hành nghề;

- Trả thù lao cho cán bộ công nhân viên chuyên trách việc thu phí, lệ phí phải làm việc ngoài giờ hành chính nhà nước (nếu có) theo chế độ Nhà nước quy định.

Trường hợp tổ chức được giao việc thu phí, lệ phí không đủ cán bộ công nhân viên chuyên trách, phải tuyển dụng thêm người để thực hiện việc thu phí, lệ phí thì được chi trả tiền lương và các khoản chi liên quan khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người lao động thuê ngoài theo chế độ của Nhà nước quy định.

Việc chi trả tiền thù lao cho cán bộ công nhân viên chuyên trách phải làm việc ngoài giờ và tiền thuê lao động ngoài biên chế nêu trên phải căn cứ vào hợp đồng lao động thuê ngoài, bảng chấm công làm thêm giờ hoặc lao động thuê ngoài, bảng kê thanh toán tiền lương, tiền thu lao và các khoản chi khác liên quan có ký nhận của người lao động, kèm theo chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của Nhà nước.

Toàn bộ số tiền được tạm trích để lại (50%) nêu tại tiết a điểm này đơn vị phải sử dụng đúng mục đích. Cuối năm quyết toán nếu chưa chi hết thì phải nộp số còn lại vào ngân sách nhà nước.

b) Số tiền phí, lệ phí đã thu được sau khi trừ (-) số tiền tiền tạm trích theo tỷ lệ quy định tại tiết a điểm này, số còn lại (50%) cơ quan thu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nộp ngay vào ngân sách trung ương theo chương, loại, khoản, hạng tương ứng. Thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Cục thuế tỉnh, thành phố nơi đơn vị đóng trụ sở, nhưng chậm nhất vào này 10 tháng sau phải nộp hết số phải nộp của tháng trước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan thuế nơi đơn vị thu phí, lệ phí đóng trụ sở có trách nhiệm cấp biên lai thu tiền phí, lệ phí cho cơ quan thu. Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thu phí, lệ phí thực hiện chế độ thu nộp, quản lý tiền phí, lệ phí; quản lý và sử dụng biên lai thu tiền; thực hiện sổ sách, chứng từ kế toán theo đúng chế độ quy định.

2. Hàng năm cơ quan tài chính cùng cấp phối hợp với cơ quan thuế địa phương duyệt dự toán và xét duyệt quyết toán thu chi của cơ quan thu phí, lệ phí.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Mọi quy định trước đây về phí thẩm định điều kiện hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác, lệ phí cấp giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản khác trái với quy định này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.