• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 30/05/1996
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 363/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 30 tháng 5 năm 1996

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 363/TTG NGÀY 30 THÁNG 05 NĂM 1996 PHÊ DUYỆT DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 5 NĂM 1996 - 2000

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại Tờ trình số 744/KHTC ngày 12 tháng 4 năm 1996,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Phê duyệt Danh mục các Chương trình khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm giai đoạn 5 năm 1996 - 2000, bao gồm:

1. Chương trình Điện tử - Tin học - Viễn thông; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Thiết lập và tổ chức khai thác mạng thông tin tổ hợp đa dịch vụ kỹ thuật số quốc gia (mạng Internet) và chuẩn bị phương án phóng vệ tinh viễn thông của Việt Nam.

b. Triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho quản lý điều hành Nhà nước và hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý Nhà nước.

c. Nghiên cứu bảo vệ thông tin; bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.

d. Các vấn đề về ngôn ngữ tiếng Việt trong ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin.

2. Chương trình công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông - lâm - ngư nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ con người, bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Công nghệ tế bào thực vật, công nghệ nhân nhanh và phục tráng các giống cây trồng.

b. Phát triển công nghệ sản xuất vacxin mới, các chế phẩm và phương pháp chẩn đoán bệnh.

c. Công nghệ sản xuất các loại phân vi sinh vật cố định nitơ và phân giải lân.

d. Công nghệ sản xuất các loại chế phẩm sinh học trừ sâu, bệnh hại cây trồng.

3. Chương trình công nghệ vật liệu; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Công nghệ chế tạo các vật liệu Polyme Composit tăng cường bằng sợi bazan, sợi cacbon, các loại bột vô cơ, sợi thực vật... có tính năng sử dụng cao nhằm thay thế vật liệu truyền thống.

b. Công nghệ chống ăn mòn cho các công trình biển và vật liệu sử dụng trong môi trường xâm thực mạnh.

c. Các công nghệ luyện kim hiện đại.

4. Chương trình công nghệ tự động hoá; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Thiết kế, chế tạo hệ thống tự động hoá đồng bộ, liên ngành, đa mục tiêu, linh hoạt phù hợp với điều kiện Việt Nam, ứng dụng công nghệ hiện đại (Phỏng sinh học, Robotic, điều khiển Micro).

b. Thiết kế, chế tạo các phương tiện, thiết bị và hệ thống thiết bị tự động hoá cho việc kiểm tra và bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.

c. Thiết kế, chế tạo các hệ thống điều khiển tự động các đối tượng di động.

5. Chương trình công nghệ chế tạo máy; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Các công nghệ tạo phôi tiên tiến: Công nghệ đúc, Công nghệ gia công biến dạng dẻo; Công nghệ hàn và vật liệu hàn.

b. Các kỹ thuật điều khiển số bằng máy tính (CNC), thiết kế có hỗ trợ của máy tính (CAD), chế tạo có hỗ trợ của máy tính (CAM) trong công nghiệp chế tạo máy.

6. Chương trình điều tra nghiên cứu biển; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Xây dựng ngân hàng tư liệu về biển, phục vụ cho xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền Quốc gia.

b. Xây dựng cơ sở khoa học làm luận cứ cho quản lý biển (lịch sử, pháp lý chủ quyền vùng biển, quần đảo, đảo, xác định ranh giới ngoài thềm lục địa...).

c. Các cơ sở khoa học cho việc xây dựng công trình biển.

7. Chương trình Sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn quá trình sa mạc hoá ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ.

b. Nghiên cứu biến động môi trường liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa bàn trọng yếu:

- Đồng bằng sông Cửu Long;

- Đồng bằng sông Hồng;

- Vùng Hạ Long - Quảng Ninh;

- Tây Nguyên.

c. Dự báo diễn biến môi trường vùng thuỷ điện Sơn La.

8. Chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng và từng bước hiện đại hoá; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Nghiên cứu công nghệ cao cho việc chọn tạo các giống năng suất cao (lúa thuần và lúa lai có tiềm năng năng suất 10 -14 tấn/ha vụ) có chất lượng tốt.

b. Các quy trình công nghệ hữu ích trong khai thác, bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp.

c. Cơ sở khoa học cho các giải pháp công nghệ về khai thác, bảo vệ nguồn lợi nước nông nghiệp phục vụ an toàn sản xuất nông nghiệp cho các vùng trọng điểm.

d. Nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến, thiết bị phù hợp để bảo quản và chế biến nông sản.

9. Chương trình xây dựng Chiến lược và Chính sách phát triển năng lượng bền vững; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Cập nhật, đánh giá lại tài nguyên năng lượng theo các tiêu chuẩn mới về kinh tế và môi trường.

b. Liên kết và trao đổi năng lượng với các nước trong khu vực.

c. Xác định các căn cứ khoa học, kinh tế xã hội cho việc phát triển năng lượng hạt nhân.

10. Chương trình Công nghệ hoá và hiện đại hoá Giao thông vận tải; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc thống nhất hoá các hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong ngành giao thông vận tải phù hợp với thông lệ quốc tế phục vụ công nghiệp hoá và hiện đại hoá.

b. Phát triển giao thông đô thị.

c. Nghiên cứu thiết kế và chế tạo tàu container, tàu thuỷ có trọng tải 10.000 - 30.000 DWt, tàu cao tốc trên 30 hải lý/giờ.

11. Chương trình bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cộng đồng; bao gồm các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm sau:

a. Biện pháp chiến lược để nâng cáo sức khoẻ nhân dân trên cơ sở khống chế và thanh toán một số bệnh dịch, bệnh xã hội có tính cấp bách, ngăn ngừa những bệnh xuất hiện trong quá trình công nghiệp hoá và phát triển xã hội.

b. Nghiên cứu ảnh hưởng của các hoá chất độc hại dùng trong nông nghiệp, công nghiệp tới con người và môi sinh và các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều 2.- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm:

- Hướng dẫn, chỉ đạo, tập hợp lực lượng cán bộ khoa học công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm nói trên. - Phân công và giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thường xuyên kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm được triển khai ở các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố theo đúng tinh thần Quyết định số 419/TTg ngày 21 tháng 7 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ.

Điều 3.- Các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí các nhiệm vụ khoa học công nghệ nói trên vào kế hoạch của Bộ, Tổng cục, Tỉnh, Thành phố; Tổ chức huy động và phân công lực lượng tham gia thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao theo hướng dẫn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Điều 4.- Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 5.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Trung tâm khoa học Quốc gia, Giám đốc các Đại học Quốc gia, và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.