Sign In

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, chu kỳ, khung thời gian, thẩm quyền, tiêu chí, nội dung, thang điểm, mức xếp loại, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thuộc thành phố Cần Thơ.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cấp thành phố, cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã;

b) Người làm việc tại các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;

c) Cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc, mục đích và yêu cầu

1. Nguyên tắc

Thực hiện theo Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 90/2020/NĐ-CP) và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định số 48/2023/NĐ-CP).

2. Mục đích

a) Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức;

b) Chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Thông qua đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; là cơ sở để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Yêu cầu

a) Đánh giá kết quả (gắn với tiêu chuẩn khung năng lực vị trí việc làm) việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đối với cán bộ, công chức; kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đối với viên chức theo các sản phẩm đầu ra cụ thể tương ứng;

b) Khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ phải được thể hiện ở việc cụ thể hóa các tiêu chí “Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” và “Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách” (đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý). Ngoài ra, kết hợp với tiêu chí riêng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị (nếu có) để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

c) Kết quả đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức, viên chức theo tháng hoặc quý là cơ sở cho việc đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm;

d) Phải thực hiện đồng bộ quy trình đánh giá từ khâu xây dựng kế hoạch công tác hàng tháng, hàng quý, hàng năm; đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ tiến độ. Từng cá nhân phải cập nhật đầy đủ các công việc thường xuyên, đột xuất, phát sinh làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá.

Điều 3. Chu kỳ, khung thời gian thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng

1. Chu kỳ thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hàng tháng hoặc quý

a) Căn cứ điều kiện cụ thể của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức theo tháng hoặc quý.

b) Khung thời gian thực hiện

- Tùy theo điều kiện cụ thể, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định khung thời gian đánh giá phù hợp nhưng quy trình đánh giá phải kết thúc trước ngày 10 của tháng sau (đối với đánh giá tháng) hoặc ngày 10 của tháng đầu tiên của quý sau (đối với đánh giá quý).

- Đối với quy trình đánh giá theo tháng thì đánh giá của tháng 11 được kết hợp với đánh giá năm và phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 12. Đối với quy trình đánh giá theo quý thì đánh giá của quý 4 được kết hợp đánh giá năm và phải hoàn thành trước ngày 15 tháng 12.

2. Khung thời gian thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm được thực hiện theo khoản 2 Điều 20 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP. Riêng đối với các chức danh thuộc thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thì thời điểm thực hiện việc đánh giá, xếp loại được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.

Điều 4. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại chất lượng

1. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại hàng tháng hoặc quý

a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức quyết định đánh giá, xếp loại đối với cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận xét, đánh giá đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

2. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại hàng năm

Thực hiện theo Điều 16 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

Điều 5. Tiêu chí, nội dung, thang điểm đánh giá, xếp loại chất lượng

1. Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức:

a) Nhóm tiêu chí về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc và ý thức tổ chức kỷ luật: 30 (ba mươi) điểm;

b) Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao: 70 (bảy mươi) điểm.

2. Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đánh giá theo các phụ lục kèm theo tương ứng với các nhiệm vụ, tiêu chuẩn được phân công, theo đặc thù công việc của từng vị trí, chức danh, cụ thể:

a) Phụ lục 01-CBCC và Phụ lục 02-CBCC: Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể của cán bộ, công chức;

b) Phụ lục 03-VC và Phụ lục 04-VC: Tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ cụ thể của viên chức.

Điều 6. Các mức xếp loại sau đánh giá

1. Mức xếp loại chất lượng theo tháng hoặc quý

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Đạt từ 90 (chín mươi) điểm trở lên.

- Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và đáp ứng các tiêu chí tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức.

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Đạt từ 70 (bảy mươi) điểm đến dưới 90 (chín mươi) điểm.

- Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và các tiêu chí tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 13 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức.

c) Hoàn thành nhiệm vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Đạt từ 50 (năm mươi) điểm đến dưới 70 (bảy mươi) điểm.

- Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

- Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và các tiêu chí tại khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 14 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức.

d) Không hoàn thành nhiệm vụ khi có một trong các điều kiện sau:

- Đạt dưới 50 (năm mươi) điểm.

- Có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 7 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; Điều 11 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; Điều 15 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức.

2. Mức xếp loại chất lượng năm

a) Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: tất cả các tháng hoặc quý trong năm đều được đánh giá, xếp loại chất lượng mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt được tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; Điều 8 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; Điều 12 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức;

b) Hoàn thành tốt nhiệm vụ: tất cả các tháng hoặc quý trong năm đều được đánh giá, xếp loại chất lượng mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hoặc đạt được tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; Điều 9 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; Điều 13 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức;

c) Hoàn thành nhiệm vụ: tất cả các tháng hoặc quý trong năm đều được đánh giá, xếp loại chất lượng mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên hoặc đạt được tất cả các tiêu chí quy định tại Điều 6 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; Điều 10 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; Điều 14 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức;

d) Không hoàn thành nhiệm vụ: thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với cán bộ; Điều 11 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với công chức; Điều 15 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đối với viên chức.

Điều 7. Trình tự, thủ tục thực hiện đánh giá, xếp loại

1. Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại theo tháng hoặc quý

a) Bước 1: Cá nhân tự nhận xét, đánh giá

- Cán bộ, công chức, viên chức liệt kê kết quả công việc đã tiến hành từng tháng hoặc quý, thể hiện được số lượng, khối lượng công việc, tính chất mức độ, phạm vi ảnh hưởng của công việc, tỷ trọng thời gian thực hiện công việc.

- Thực hiện đánh giá kết quả công việc theo từng tiêu chí tại các biểu mẫu đánh giá.

(Điểm số tự chấm của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở tham khảo để cấp trên trực tiếp và cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá)

b) Bước 2: Đánh giá của cấp trên

Cấp nào, cá nhân nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc thì đồng thời cho ý kiến nhận xét, đánh giá.

c) Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ

Bộ phận tham mưu về công tác đánh giá tổng hợp ý kiến nhận xét, đánh giá quy định tại điểm a, điểm b khoản này và tài liệu có liên quan (nếu có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng.

d) Bước 4: Nhận xét, đánh giá

Tổ chức cuộc họp với thành phần tham dự gồm: tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị; đại diện cấp ủy đảng để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá.

đ) Bước 5: Quyết định kết quả đánh giá

- Bộ phận tham mưu về công tác đánh giá tổng hợp hồ sơ và ý kiến nhận xét, đánh giá quy định tại điểm a, điểm b, điểm d khoản này và tài liệu có liên quan (nếu có), đề xuất nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng.

- Cấp có thẩm quyền quyết định về điểm số, kết quả đánh giá.

e) Bước 6: Công khai kết quả

Kết quả đánh giá, xếp loại được thông báo công khai đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức.

2. Trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm được thực hiện theo Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP.

Điều 8. Giải quyết kiến nghị

Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tháng hoặc quý, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không nhất trí với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng thì có quyền kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị do cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại xem xét, giải quyết.

Điều 9. Trách nhiệm thực hiện

1. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ quy định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Nội dung Quy chế đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định số 48/2023/NĐ-CP).

2. Sở Nội vụ

a) Chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;

b) Hướng dẫn, điều chỉnh biểu mẫu đánh giá nhằm phù hợp với thực tế và góp ý của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện theo đặc thù của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu thực hiện xây dựng phần mềm đánh giá kết quả làm việc. Triển khai, hướng dẫn cụ thể nội dung các bước thực hiện, quản lý, khai thác và sử dụng phần mềm.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

UBND Thành phố Cần Thơ

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Việt Trường