NGHỊ QUYẾT
Về việc Quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011,
thời kỳ ổn định 2011 - 2015
____________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
KHOÁ XIV KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 130/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện;
Xét Tờ trình số 1202/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Quy định, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011, thời kỳ ổn định 2011 - 2015;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí quy định định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2011, thời kỳ ổn định 2011 - 2015.
(có bản quy định chi tiết kèm theo)
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân tỉnh.
Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khoá XIV kỳ họp thứ 21 thông qua./.
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2010, thời kỳ ổn định ngân sách 2011 - 2015
trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
(Kèm theo Nghị quyết số 18/2010/NQ-HĐND ngày 09 tháng 7 năm 2010
của Hội đồng nhân dân tỉnh)
____________________
Phần thứ nhất
NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH
Kế thừa những kết quả đã đạt được của định mức phân bổ chi ngân sách giai đoạn 2007 - 2010 về hệ thống các tiêu chí phân bổ, hệ số ưu tiên các Sở, Ban, ngành và huyện, thị, có sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các huyện, thị và xã, phường, thị trấn.
Đối với các sở, ban, ngành và huyện, thị tiêu chí biên chế được giao làm căn cứ xác định mức phân bổ ngân sách. Đồng thời có xem xét đặc thù đối với các đơn vị, huyện, thị và xã, phường, thị trấn.
Đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước ban hành, nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ tiền lương theo Nghị định số 28/2010/NĐ- CP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu chung 730.000 đồng/tháng.
Định mức phân bổ chi ngân sách năm 2011, thời kỳ ổn định 2011 - 2015 làm căn cứ thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với sự nghiệp công lập; Quá trình tổ chức triển khai thực hiện định mức phân bổ dự toán toán chi thường xuyên ngân sách địa phương, hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách sẽ xem xét bổ sung kinh phí cho các đơn vị.
Phần thứ hai
ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ CHI NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ CHO TỪNG LĨNH VỰC
Định mức phân bổ chi ngân sách đối với các sở, ban, ngành, huyện, thị và xã, phường, thị trấn cho từng lĩnh vực như sau:
1. Sự nghiệp giáo dục
Đảm bảo theo cơ cấu chi đủ lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương và chi phục vụ hoạt động (chưa bao gồm chi chương trình mục tiêu) được xác định như sau:
a) Giáo dục Mầm non
- Chi lương và có tính chất lương 85%;
- Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 15%.
b) Giáo dục Tiểu học
- Chi lương và có tính chất lương 85%;
- Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 15%.
c) Giáo dục Trung học cơ sở
- Chi lương và có tính chất lương 80%;
- Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 20%.
d) Giáo dục Trung học phổ thông
- Chi lương và có tính chất lương 70%;
- Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 30%.
e) Đối với Trường Dân tộc nội trú
- Chi lương và có tính chất lương và chi khác ngoài lương tính theo định mức bậc học tương ứng;
- Ngoài định mức trên còn được tính thêm để chi học bổng học sinh, hỗ trợ nhà ăn tập thể và hỗ trợ khác trực tiếp cho học sinh: 7,8 triệu đồng/01 học sinh/năm.
g) Trường Trung học phổ thông chuyên
- Chi lương và có tính chất lương và chi khác ngoài lương tính theo định mức bậc học tương ứng; đối với chi khác ngoài lương được tính gấp đôi (đã bao gồm cả chi quỹ khen thưởng cho học sinh giỏi);
- Mức học bổng cho học sinh tính theo năm học 9 tháng/01 học sinh được tính bằng 1/2 mức Nhà nước quy định.
h) Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục hoà nhập trẻ em khuyết tật
- Chi lương, có tính chất lương và chi khác ngoài lương tính theo định mức bậc học trung học cơ sở;
- Chi trợ cấp cho học sinh trong các tháng học ở Trung tâm mức 300.000
đồng/01 học sinh/tháng.
i) Giáo dục Thường xuyên
- Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh: đảm bảo cơ cấu chi lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương 70%; chi hoạt động 30% (đơn vị phải đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đào tạo của cấp có thẩm quyền giao):
+ Ngân sách đảm bảo 70%;
+ Đơn vị tự đảm bảo từ nguồn thu được để lại 30%.
- Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tại huyện:
+ Chi lương và có tính chất lương 75%;
+ Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 25%.
k) Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề phổ thông
+ Chi lương và có tính chất lương 70%;
+ Chi khác ngoài lương tính theo cơ cấu lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi và thu hút của ngành theo quy định) 30%.
2. Sự nghiệp đào tạo và dạy nghề
Căn cứ vào tình hình thực hiện hàng năm đảm bảo chi lương, các khoản có tính chất lương và chi hoạt động, lấy tiêu trí học sinh bình quân để phân bổ, định mức (đã bao gồm cấp bù học phí cho học sinh).
a) Khối tổng hợp sư phạm
- Hệ Cao đẳng dài hạn tập trung: 10,35 triệu đồng/01 học sinh/năm;
- Hệ Trung học sư phạm: 7,8 triệu đồng/01 học sinh/năm.
b) Đào tạo Trung học khác
- Trung học nông lâm, thuỷ sản: 7,5 triệu đồng/01 học sinh/năm; - Trung học y tế, dược: 7,5 triệu đồng/01 học sinh/năm.
c) Đào tạo nghề
- Khối cơ khí luyện kim, kỹ thuật, nhiệt điện, xây dựng: 7,35 triệu đồng/01 học sinh/năm
- Kỹ thuật điện tử bưu chính viễn thông: 7,05 triệu đồng/01 học sinh/năm;
- Dạy nghề khác: 6,9 triệu đồng/01 học sinh/năm.
d) Đào tạo bồi dưỡng tại các trường thuộc cấp tỉnh quản lý tính mỗi xuất 10 tháng học: 7,2 triệu đồng/01 xuất học
đ) Đào tạo bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị huyện, thị quản lý tính mỗi xuất 10 tháng học: 6,7 triệu đồng/01 xuất học
e) Đào tạo bồi dưỡng xã đội trưởng, xã đội phó, trưởng công an, phó công an xã tính theo chế độ, chính sách quy định hiện hành
g) Đào tạo nhân lực trình độ đại học, sau đại học tại Trường Đại học Quảng Tây - Trung Quốc
- Chi hỗ trợ học sinh thuộc đối tượng đã thi đỗ vào một trường Đại học trong nước, hệ chính quy:
+ Ngân sách hỗ trợ mức 50% kinh phí đào tạo ở nước ngoài, (khi các mức hỗ trợ có thay đổi từ 20% trở lên so với mức quy định học phí, Uỷ ban nhân dân tỉnh trao đổi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh);
+ Cá nhân được đi học tự đảm bảo 50% kinh phí đào tạo.
- Cán bộ được cử đi đào tạo ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo.
h) Chi hỗ trợ đào tạo bác sỹ theo địa chỉ đối với học sinh phổ thông đi học
- Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí đi đào tạo;
- Cá nhân được cử đi học tự đảm bảo 50% kinh phí đào tạo.
i) Chi hỗ trợ đào tạo bác sỹ theo địa chỉ đối với cán bộ đang công tác được đi học Ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí đi đào tạo.
3. Sự nghiệp y tế
Phân bổ theo tiêu trí biên chế đối với phòng bệnh; căn cứ cơ cấu chi lương và các khoản có tính chất lương, khả năng thu viện phí của các tuyến khám, chữa bệnh lấy tiêu trí giường bệnh, biên chế đối với chữa bệnh; các trạm y tế xã, phường, thị trấn lấy các tiêu trí chính để phân bổ, mức chi như sau:
a) Cấp tỉnh
a1) Phòng bệnh
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động của đơn vị được tính định mức 13 triệu đồng/01 biên chế/năm.
- Ngoài định mức tính trên còn được bổ sung thêm kinh phí để mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế tính theo tiêu trí huyện, thị bình quân 400 triệu đồng/huyện/năm.
a2) Chữa bệnh
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh 55,05 triệu đồng/01giường bệnh/năm;
- Bệnh viện Y học cổ truyền 41,67 triệu đồng/01 giường bệnh/năm;
- Bệnh viện đa khoa các huyện, thị và Bệnh viện Tĩnh Túc huyện Nguyên Bình 50,35 triệu đồng/01 giường bệnh/năm;
- Ngoài định mức kinh phí tính theo giường bệnh còn được tính thêm kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế:
+ Bệnh viện đa khoa ở huyện, thị và Bệnh viện Tĩnh Túc huyện Nguyên Bình 500 triệu đồng/01 bệnh viện/năm;
+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh 900 triệu đồng/năm;
+ Bệnh viện Y học cổ truyền 600 triệu đồng/năm.
a3) Hoạt động y tế khác
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
-Chi phục vụ hoạt động của đơn vị được tính định mức 14 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Ngoài định mức tính trên còn được hỗ trợ thêm kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết phục vụ công tác 100 triệu đồng/01 đơn vị/năm.
b) Cấp huyện
- Chi y tế xã xác định nhu cầu kinh phí trên cơ sở đảm bảo chi lương và có tính chất lương cho cán bộ y tế xã và trợ cấp cho y tế thôn bản theo chế độ quy định hiện hành;
- Kinh phí phục vụ hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở trạm xá xã (tiền thuốc và dụng cụ y tế) 40 triệu đồng/01 trạm xá/năm.
c) Chi khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi thực hiện theo chế độ, chính sách quy định hiện hành
4. Chi quản lý hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể
Định mức phân bổ có tính đến hệ số vùng và hệ số cho hoạt động cơ quan quản lý Nhà nước, đảng, đoàn thể (các đoàn thể gồm: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh); xây dựng định mức phân bổ chi ngân sách được tính định mức chi theo biên chế như sau:
a) Cấp tỉnh
a1) Các cơ quan quản lý Nhà nước chi thường xuyên tính theo cơ cấu
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động tính định mức chi cho 01 biên chế /năm có phân loại nhóm từng đơn vị như sau:
+ Dưới 5 biên chế được tính 24 triệu đồng/01 biên chế/năm;
+ Từ 5 đến dưới 10 biên được tính 21 triệu đồng/01 biên chế/năm;
+ Từ 10 đến dưới 20 biên chế được tính 19 triệu đồng/01 biên chế/năm;
+ Từ 20 biên chế trở lên được tính 17 triệu đồng/01 biên chế/năm.
a2) Các cơ quan Đảng chi thường xuyên tính theo cơ cấu
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động được tính 26 triệu đồng/01 biên chế/năm.
a3) Các đoàn thể chi thường xuyên tính theo cơ cấu
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động được tính 19 triệu đồng/01 biên chế/năm.
a4) Các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tính theo cơ cấu
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương; - Chi phục vụ hoạt động được tính 12 triệu đồng/01 biên chế/năm.
a5) Đối với các cơ quan có tính chất chi chung cho toàn tỉnh như: Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Uỷ ban nhân tỉnh Cao Bằng và các cơ quan tổng hợp, theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm được xem xét bổ sung một phần kinh phí để đảm bảo hoạt động.
a6) Chi cho hoạt động đối ngoại: tuỳ theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm để xem xét bố trí kinh phí đảm bảo hoạt động.
a7) Phụ cấp đại biểu Hội đồng nhân dân tính theo quy định hiện hành.
a8) Hàng năm phân bổ ngân sách căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân quyết định dành một phần kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để mua sắm, sửa chữa lớn tài sản.
b) Cấp huyện
Chi quản lý hành chính Nhà nước, Đảng, Đoàn thể, chi thường xuyên theo cơ cấu như sau:
- Đảm bảo tính đủ chi lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động tính định mức chi cho 01 biên chế /năm có phân loại nhóm từng đơn vị như sau:
b1) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được tính 16 triệu đồng/01 biên chế/năm;
b2) Các phòng chuyên môn được tính 11 triệu đồng/01 biên chế/năm;
b3) Văn phòng Huyện uỷ, Thị uỷ được tính 16 triệu đồng/01 biên chế/năm;
b4) Các đoàn thể được tính 14 triệu đồng/01 biến chế/năm;
b5) Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được tính 7 triệu đồng/01 biên chế /năm;
b6) Ngoài định mức chi tính theo cơ cấu trên các huyện, thị được tính bổ sung kinh phí để phục vụ hoạt động nhiệm vụ chung trên địa bàn theo các mức sau:
- Huyện Bảo Lâm 1.400 triệu đồng/năm;
- Huyện Bảo Lạc 1.200 triệu đồng/01 huyện/năm;
- Các huyện: Hà Quảng, Thạch An, Trùng Khánh, Phục Hoà, Trà Lĩnh 1.000 triệu đồng/01 huyện/năm;
- Thị xã Cao Bằng và các huyện còn lại 800 triệu đồng/01 huyện/năm.
b7) Kinh phí hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại các huyện, thị: 8 triệu đồng/01 đại biểu/năm;
b8) Phụ cấp đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định hiện hành.
c) Cấp xã
- Chi lương, phụ cấp lương của cán bộ công chức xã và phụ cấp cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm và các khoản đóng góp tính theo chế độ hiện hành;
- Chi phục vụ hoạt động thực hiện nhiệm vụ giao theo phân cấp, mua sắm, sữa chữa thường xuyên được tính định mức chi 200 triệu đồng /01 xã/năm, trong đó:
+ Đối với xã thuộc khu vực vùng I được tính hệ số 1;
+ Đối với xã thuộc khu vực vùng II được tính hệ số 1,1;
+ Đối với xã thuộc khu vực vùng III và vùng II biên giới được tính hệ số 1,2; + Đối với xã thuộc khu vực vùng III biên giới được tính hệ số 1,3.
- Phụ cấp đại biểu Hội đồng nhân dân tính theo quy định hiện hành.
5. Định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao, sự nghiệp kinh tế, chi đảm bảo xã hội, sự nghiệp khác
a) Tính theo cơ cấu định mức
- Tính đủ lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương;
- Chi phục vụ hoạt động tính định mức chi cho 01 biên chế/năm có phân loại nhóm từng đơn vị như sau:
a1) Cấp tỉnh
- Đơn vị có biên chế dưới 5 được tính 18 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Đơn vị có biên chế từ 5 đến dưới 10 được tính 16 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Đơn vị có biên chế từ 10 đến dưới 20 được tính 14 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Đơn vị có biên chế từ 20 đến dưới 25 được tính 12 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Đơn vị có biên chế từ 25 trở lên được tính 10 triệu đồng/01 biên chế/năm.
a2) Cấp huyện
- Đơn vị có biên chế dưới 5 được tính 10 triệu đồng/01 biên chế/năm;
- Đơn vị có từ 5 biên chế trở lên được tính 8 triệu đồng/01 biên chế/năm.
b) Ngoài định mức trên các lĩnh vực được tính bổ sung thêm như sau
b1) Sự nghiệp văn hoá - thông tin
- Cấp tỉnh:
+ Bổ sung đầu sách thư viện: 150 triệu đồng/năm;
+ Hoạt động văn hoá thông tin tuyên truyền 300 triệu đồng/năm;
+ Hỗ trợ cung cấp báo cho điểm văn hoá xã theo giá cước thông báo của Bưu Điện.
- Cấp huyện:
+ Bổ sung đầu sách thư viện 25 triệu đồng/01 huyện/năm;
+ Hoạt động văn hoá thông tin tuyên truyền 100 triệu đồng/01 huyện/năm.
- Cấp xã: Được tính chi hoạt động văn hoá 10 triệu đồng/01 xã/năm. b2) Sự nghiệp Phát thanh - Truyền hình.
Đối với đài Phát thanh - Truyền hình (chưa tính nguồn thu từ quảng cáo truyền hình và nguồn khác), được tính bổ sung chi bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị phân bổ như sau:
- Cấp tỉnh: được tính thêm 2.000 triệu đồng/năm, trong đó:
+ Kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị truyền hình 800 triệu đồng/năm;
+ Hỗ trợ kinh phí hoạt động: tiền nhuận bút, tiền điện, thuê thiết bị truyền dẫn qua mạng của viễn thông, xăng dầu, ¼ 1.200 triệu đồng/năm.
- Trạm phát thanh, phát lại truyền hình huyện: 80 triệu đồng/01 trạm/năm;
- Các trạm phát lại truyền hình cụm xã: 60 triệu đồng /01 trạm/năm. b3) Sự nghiệp thể dục - thể thao.
- Cấp tỉnh: chi các hoạt động phong trào thể thao: 800 triệu đồng/năm;
- Cấp huyện: chi các hoạt động phong trào thể thao, được tính theo đầu xã trên địa bàn huyện: 6 triệu đồng/01 xã/năm;
- Cấp xã: chi hoạt động phong trào thể thao, được tính: 4 triệu đồng/1xã/năm.
b4) Chi đảm bảo xã hội.
Do tính chất đặc thù chi từ nguồn bảo đảm xã hội chủ yếu là các khoản chi về chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách như gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, già yếu không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, phụ cấp đối với cán bộ xã nghỉ việc, các đối tượng xã hội khác mức chi được tính như sau:
- Cấp tỉnh:
+ Chi thăm hỏi:
Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2 lần, mức chi: 300 ngàn đồng/01 lần;
Cán bộ lão thành cách mạng năm 2 lần, mức chi: 200 ngàn đồng/01 lần.
+ Trung tâm giáo dục lao động xã hội: hỗ trợ cho công tác trực 24/24 giờ và truy tìm đối tượng trốn ra ngoài trại: Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh 300 triệu đồng/năm; Trung tâm giáo dục lao động xã hội tại huyện 150 triệu đồng/năm.
+ Trung tâm bảo trợ xã hội: hỗ trợ để mua thuốc chữa bệnh thông thường, tiền điện, nước và chi khác 250 triệu đồng/năm; vận dụng định mức chế độ, chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội để tính hỗ trợ cho các đối tượng ở trung tâm;
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: ngoài định mức chi thường xuyên hàng năm được tính bổ sung thêm để chuẩn bị quà thăm hỏi các đối tượng chính sách xã hội nhân dịp ngày 27/7 và ngày lễ, tết nguyên đán (các đơn vị bộ đội, biên phòng, trung tâm điều dưỡng, gia đình chính sách, chi lỡ độ đường và các hoạt động xã hội khác) là 800 triệu đồng/năm;
+ Trợ cấp cho những người thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng đã hết tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn mức trợ cấp 1/3 mức lương tối thiểu; và được mua thẻ bảo hiểm y tế; khi chết được hưởng trợ cấp mai táng phí 1,5 triệu đồng;
+ Chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện 100 triệu đồng/năm.
- Cấp huyện:
+ Chi thăm hỏi: cán bộ lão thành cách mạng 01 lần/năm theo phân cấp của tỉnh mức chi 200 ngàn đồng/01 lần;
+ Thương binh nặng, gia đình anh hùng liệt sỹ, có ba con liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ già yếu cô đơn, con liệt sỹ mồ côi (năm 2 lần), mức chi 200 ngàn đồng/01 lần;
+ Gia đình có 2 con liệt sỹ, hai đời liệt sỹ, người thờ cúng bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người thờ cúng liệt sỹ (năm 2 lần), mức chi 100 ngàn đồng/01 lần;
+ Thương binh, bệnh binh, hộ thân nhân, người đang hưởng trợ cấp tuất thương bệnh binh (năm 1 lần) mức chi 1 lần 80 ngàn đồng;
+ Trợ cấp thường xuyên hàng tháng: thực hiện theo quy định Nghị định số 67 và Nghị định số 13 của Chính phủ;
+ Đảm bảo xã hội không xác định được (Nghiện hút, mại dâm, lang thang cơ nhỡ, các tệ nạn xã hội, cứu đói) phân bổ theo đặc thù của từng nhóm huyện, thị; trong quá trình thực hiện sau khi kiểm tra báo cáo quyết toán, nếu thiếu nguồn ngân sách tỉnh mới xét cấp bù ngân sách cho các huyện, thị, trong đó: Thị xã, Hoà an, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Thạch An, Phục Hoà được tính 200 triệu đồng/01 huyện/năm; Quảng Uyên, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Nguyên Bình được tính 150 triệu đồng/01 huyện/năm.
+ Chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện 50 triệu đồng/năm.
- Cấp xã:
+ Cán bộ già yếu nghỉ việc được tính theo chế độ hiện hành;
+ Chi cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư theo quy định của Trung ương.
b5) Sự nghiệp kinh tế
- Chi sự nghiệp giao thông duy tu, sửa chữa thường xuyên:
+ Đường tỉnh lộ, được tính 25 triệu đồng/01 km/năm; + Đường huyện, được tính 12 triệu đồng/01 km/năm;
+ Hỗ trợ vật tư và công kỹ thuật xây dựng làm đường giao thông nông thôn xã, liên thôn và xóm, tính theo đơn vị hành chính xã định mức 30 triệu đồng/01 xã/năm.
- Chi sửa chữa định kỳ đường tỉnh lộ hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách để bố trí kinh phí thực hiện;
- Chi sự nghiệp địa chính theo chỉ tiêu kế hoạch và khả năng ngân sách hàng năm;
- Chi sự nghiệp kiến thiết thị chính:
+ Thị Xã Cao Bằng là trung tâm chính trị, kinh tế xã hội toàn tỉnh mức chi được tính 2.000 triệu đồng/năm;
+ Các huyện được tính 500 triệu đồng/01 huyện/năm.
- Các khoản chi sự nghiệp khác chưa xác định được là các khoản chi không phát sinh thường xuyên như: các ổ dịch bệnh có tính chất phá hoại và lây lan với quy mô có khả năng gây thiệt hại lớn cho gia súc, cây trồng của nhân dân; các khoản chi khắc phục thiên tai, hoả hoạn gây ra như hỗ trợ giống cây con cho nhân dân, khắc phục khối lượng sụt lở các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và giao thông đi lại ở mức độ nhỏ cần khắc phục ngay như giao thông, thuỷ lợi mức chi theo thực tế phát sinh do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quyết định chi từ nguồn ngân sách dự phòng.
6. Chi quốc phòng, an ninh
Chi cho an ninh quốc phòng được tính không quá 3%/ tổng chi thường xuyên ngân sách hàng năm được coi là: 100%, phân bổ như sau:
a) Cấp tỉnh 60%, trong đó phân bổ như sau:
- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh 50%;
- Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng 25%;
- Công an tỉnh 25%.
b) Cấp huyện phân bổ cho 13 huyện, thị 15%; c) Cấp xã phân bổ cho 199 xã 25%.
d) Chi bảo vệ cột mốc biên giới đối với các xã biên giới tính theo quy định hiện hành của Chính phủ.
7. Định mức phân bổ chi hoạt động sự nghiệp về môi trường
- Sở Tài nguyên và Môi trường 800 triệu đồng/năm;
- Các huyện 500 triệu đồng/01 huyện/năm;
- Về xử lý rác thải, vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị thực hiện được xác định theo kế hoạch dự toán hàng năm;
- Các nhiệm vụ khác theo thực tế phát sinh và khả năng cân đối ngân sách địa phương.
8. Các lĩnh vực còn lại
a) Chi trợ cước, trợ giá các mặt hàng chính sách Hàng năm, khi lập phân bổ dự toán ngân sách Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn.
b) Chi sự nghiệp khoa học không phân cấp cho cấp huyện và cấp xã, Hội đồng khoa học báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh từng đề tài khoa học cụ thể.
c) Chi khác ngân sách của các cấp theo khả năng cân đối ngân sách Uỷ ban nhân dân tính toán trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định
d) Chi dự phòng ngân sách, tính bằng 2 - 5 % trên tổng chi ngân sách (không bao gồm chi các chương trình mục tiêu)
9. Các nhiệm vụ chi chưa quy định
Các nhiệm vụ chi chưa quy định tại các lĩnh vực trên giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ động trao đổi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và báo cáo tại kỳ họp gần nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh.