Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi

trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 21, Điểm b Khoản 3 Điều 24 và Điểm b Khoản 3 Điều 41 Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

 Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 328/TTr-SNN ngày 30 tháng 11 năm 2021; Công văn số 262/SNN-TL ngày 24 tháng 01 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện Quyết định này với Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2022 và thay thế Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ban hành kèm theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2014./.

 

Nơi nhận:

- Như Điều 3;

- Văn phòng Chính phủ;

- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;

- Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;

- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk;

- UBMTTQVN tỉnh;

- CT, PCT UBND tỉnh;

- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;

- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;

- Sở Tư pháp;

- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;

- Các phòng CM - VP. UBND tỉnh;

- Lưu: VT, NNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

(Đã ký)

 

 

 

 

Nguyễn Tuấn Hà

 

 

 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH ĐẮK LẮK

_______

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________________

 

 

 

QUY ĐỊNH

Phân cấp quản lý công trình thủy lợi

trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09/2022/QĐ-UBND  

Ngày 28/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

_______________________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quy định này quy định phân cấp quản lý công trình thủy lợi; phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi; phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

b) Đối với các công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn khác, việc tổ chức quản lý, vận hành và bảo vệ công trình do chủ sở hữu công trình thủy lợi (hoặc đại diện chủ sở hữu) quyết định theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, sử dụng có hiệu quả.

2. Đối tượng áp dụng

Các sở, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (Ủy ban nhân dân cấp huyện) được phân cấp; thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức và cá nhân được giao quản lý, khai thác và phê duyệt quy trình vận hành, phương án bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi.

2. Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (bao gồm cả đất gắn với công trình thủy lợi) do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công bao gồm: Đập (đập thủy lợi và các công trình phụ trợ gắn liền với đập thủy lợi), hồ chứa nước (gồm đập tạo hồ, tràn, cống, lòng hồ, cống lấy nước, cống xả đáy...), cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình phụ trợ phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi (Nhà, trạm, đường quản lý, thiết bị quan trắc, kho, bãi vật tư, cột mốc chỉ giới, biển báo).

3. Chủ sở hữu công trình thủy lợi là cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu đối với công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

4. Chủ quản lý công trình thủy lợi là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi thuộc Ủy ban nhân dân các cấp hoặc tổ chức được Nhà nước giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu; tổ chức thủy lợi cơ sở; tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng công trình thủy lợi.

5. Tổ chức thủy lợi cơ sở là tổ chức của những người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cùng hợp tác đầu tư xây dựng hoặc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng.

6. Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác.

7. Khai thác công trình thủy lợi là việc khai thác, sử dụng tiềm năng và lợi thế của công trình thủy lợi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

8. Quy trình vận hành công trình thủy lợi là văn bản quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, tổ chức thực hiện, trình tự vận hành và các thông số kỹ thuật công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác; đảm bảo các công trình làm việc đúng năng lực thiết kế và an toàn, hài hòa lợi ích giữa các nhu cầu dùng nước (sau đây gọi là Quy trình vận hành).

9. Sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là sản phẩm, dịch vụ được tạo ra do khai thác công trình thủy lợi.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 3. Phân loại công trình thủy lợi

Công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được phân loại theo quy định chi tiết tại Điều 4 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP, Điều 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ, gồm 03 loại: Công trình thủy lợi lớn, công trình thủy lợi vừa, công trình thủy lợi nhỏ (cụ thể như tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 kèm theo).

Điều 4. Phân cấp quản lý công trình thủy lợi

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công trình thủy lợi theo danh mục công trình tại Phụ lục 1 kèm theo.

2. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn theo danh mục công trình tại Phụ lục 2 kèm theo.

3. Đối với các công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước sau thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định quản lý hoặc phân cấp bổ sung theo quy định (bổ sung danh mục công trình trong Phụ lục 1, Phụ lục 2).

Điều 5. Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi.

1. Trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi được quy định tại Điều 21 Luật Thủy lợi.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý nhà nước về công trình thủy lợi được quy định tại Điều 57 Luật Thủy lợi.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công trình thủy lợi được phân cấp, gồm:

a) Đại diện chủ sở hữu công trình thủy lợi;

b) Quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi;

c) Quyết định giao cho tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy định này; phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành, phương án bảo vệ công trình thủy lợi;

d) Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 Luật Thủy lợi;

đ) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ quản lý và tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi

1. Chủ sở hữu, chủ quản lý công trình thủy lợi thực hiện các trách nhiệm quy định tại Khoản 1, 2 Điều 22 Luật Thủy lợi.

2. Doanh nghiệp, tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân được giao khai thác công trình thủy lợi có quyền, trách nhiệm theo quy định tại Điều 54 Luật Thủy lợi.

3. Doanh nghiệp được giao quản lý vốn hình thành từ công trình thủy lợi có trách nhiệm quản lý tài sản, quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành về thủy lợi và pháp luật có liên quan.

Điều 7. Tổ chức được giao khai thác công trình thủy lợi

1. Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được giao quản lý, khai thác các công trình thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ sở hữu vốn. Phương thức khai thác theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Thủy lợi.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện giao các công trình thủy lợi được phân cấp quản lý cho Tổ chức thủy lợi cơ sở và các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực khai thác theo quy định, phương thức khai thác theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 23 Luật Thủy lợi.

3. Đối với địa phương chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định tại Khoản 5 Điều 50 Luật Thủy lợi. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở để khai thác công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi

1. Điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi là vị trí chuyển giao sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giữa tổ chức, cá nhân khai thác công trình với tổ chức thủy lợi cơ sở; được xác định theo quy mô thủy lợi nội đồng như sau:

a) Đối với công trình có diện tích tưới lớn hơn 500 ha lúa: Điểm giao nhận tại vị trí diện tích được tưới nhỏ hơn 100 ha lúa.

b) Đối với công trình có diện tích tưới nhỏ hơn hoặc bằng 500 ha lúa: Điểm giao nhận tại vị trí diện tích được tưới nhỏ hơn 20 ha lúa.

c) Đối với diện tích tưới cho các loại cây trồng khác được quy đổi (2 ha cây trồng khác = 1 ha lúa; 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản = 1 ha lúa).

2. Trường hợp tổ chức thủy lợi cơ sở đáp ứng điều kiện năng lực, việc mở rộng quy mô thủy lợi nội đồng thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

3. Các trường hợp không xác định được vị trí cụ thể thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 16 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

Chương III

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, CÔNG BỐ CÔNG KHAI

QUY TRÌNH VẬN HÀNH CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 9. Thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định quy trình vận hành đối với những công trình thủy lợi Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp phê duyệt, công bố công khai.

Điều 10. Phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành đối với các công trình thủy lợi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quản lý, trừ công trình thủy lợi nhỏ.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành các công trình thủy lợi không phân cấp quản lý, trừ công trình thủy lợi nhỏ.

3. Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác phải lập quy trình vận hành và công bố công khai theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Luật Thủy lợi và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

Điều 11. Xây dựng, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi

Việc xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi (yêu cầu, nội dung quy trình; trình tự, thủ tục lập, trình thẩm định, phê duyệt, công bố, các biểu mẫu liên quan) và việc tổ chức thực hiện quy trình vận hành thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

Điều 12. Điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi

1. Khi nhu cầu dùng nước hoặc nguồn nước, quy mô, nhiệm vụ công trình thủy lợi thay đổi thì phải điều chỉnh quy trình vận hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

2. Định kỳ 5 năm hoặc khi quy trình vận hành công trình thủy lợi không còn phù hợp, tổ chức cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

3. Nội dung, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT và Điều 11, Điều 12 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Chương IV

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 13. Tiếp nhận hồ sơ, xem xét, có ý kiến bằng văn bản đối với phương án bảo vệ công trình thủy lợi trước khi trình phê duyệt

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xem xét, có ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Thủy lợi và tính khả thi, phù hợp của phương án bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi trình phê duyệt.

2. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xem xét, có ý kiến bằng văn bản đối với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Thủy lợi và tính khả thi, phù hợp của phương án bảo vệ công trình thủy lợi đối với những công trình Ủy ban nhân dân cấp huyện được phân cấp phê duyệt trước khi trình phê duyệt.

Điều 14. Phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi

1. Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ các công trình thủy lợi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp quản lý, trừ công trình thủy lợi nhỏ.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ các công trình thủy lợi không phân cấp quản lý, trừ công trình thủy lợi nhỏ.

3. Đối với công trình thủy lợi nhỏ, tổ chức, cá nhân khai thác quyết định phương án bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Thủy lợi.

Điều 15. Điều chỉnh phương án bảo vệ công trình thủy lợi

Khi phương án bảo vệ công trình thủy lợi không còn phù hợp, tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi quy định tại Điều 13 Quy định này cho chủ trương để điều chỉnh phương án đã được phê duyệt hoặc lập phương án mới và thực hiện các thủ tục trình phê duyệt phương án thay thế theo quy định.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với công trình thủy lợi quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 57 Luật Thủy lợi.

b) Trong quá trình thực hiện, trường hợp danh mục công trình thủy lợi theo phân cấp tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 kèm theo quy định này cần thiết điều chuyển hoặc bổ sung công trình mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, các sở và đơn vị có liên quan tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục công trình trong phụ lục để quản lý cho phù hợp với điều kiện thực tế, đúng quy định pháp luật.

c) Đôn đốc các địa phương tiến hành thành lập, củng cố, kiện toàn, bổ sung năng lực tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn; đôn đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định để khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.

d) Hàng năm, xây dựng kế hoạch để kiểm tra công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo kết quả kiểm tra về Ủy ban nhân dân tỉnh.

đ) Hàng năm, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân được giao trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Nhà nước đầu tư quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tài chính

a) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị, cá nhân đánh giá đúng giá trị tài sản từng công trình theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn sự nghiệp thủy lợi để sửa chữa các công trình khi gặp sự cố thiên tai lũ lụt, hạn hán.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh mục nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi theo đề xuất của các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan vào danh mục đầu tư công trung hạn theo từng giai đoạn; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn lực để thực hiện, đảm bảo an toàn và sử dụng có hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn các đơn vị khai thác lập hồ sơ xin khai thác, sử dụng nước mặt theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi theo quy định của pháp luật.

b) Giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với công trình thủy lợi quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 57 Luật Thủy lợi, áp dụng đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn được phân cấp cho địa phương quản lý.

c) Hàng năm, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế tham mưu, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với công trình thủy lợi được phân cấp quản lý gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 02 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP.

d) Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế và Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành thành lập, củng cố, kiện toàn, bổ sung năng lực tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định tại Chương III và Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

đ) Thực hiện chức năng quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khai thác quản lý tốt công trình thủy lợi trên địa bàn cũng như xem xét để trình cơ quan có thẩm quyền sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao quản lý vốn, khai thác công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.

b) Các trường hợp không xác định được vị trí điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cụ thể trong hệ thống công trình do Công ty khai thác thì Công ty và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi tự thỏa thuận điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

c) Hàng năm, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đối với công trình thủy lợi được giao khai thác gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 02 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định số 129/2017/NĐ-CP.

d) Thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định tại Chương III và Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

7. Các tổ chức, cá nhân khác

a) Tổ chức thủy lợi cơ sở, hộ gia đình, cá nhân được giao khai thác công trình thuỷ lợi có trách nhiệm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được giao đúng quy định của pháp luật.

b) Thực hiện việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo quy định tại Chương III, Khoản 3 Điều 37 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP và Chương V Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT.

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Quy định chuyển tiếp

1. Trường hợp phân cấp quản lý công trình thủy lợi tại Quy định này khác với phân cấp quản lý tại Quyết định số 21/2016/QĐ-UBND thì trong thời hạn 45 ngày, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đang quản lý, khai thác công trình đó phải điều chuyển công trình theo phân cấp tại Quy định này để thực hiện việc quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Đối với công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trường hợp được giao cho các tổ chức, cá nhân khác có năng lực khai thác công trình thủy lợi thì các tổ chức, cá nhân đang khai thác công trình có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến công trình cho tổ chức, cá nhân mới tiếp nhận trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày tổ chức, cá nhân mới được tiếp nhận khai thác công trình theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Các văn bản được viện dẫn thực hiện trong Quy định này khi bị sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc nội dung chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, thì các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung theo quy định./.