NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Về tăng cường quản lý công tác báo chí, xuất bản
Thời gian gần đây, hoạt động báo chí, xuất bản có nhiều cố gắng mới: đề tài và nội dung phong phú hơn, hình thức bước đầu được cải tiến, động viên cổ vũ được nhiều điển hình tốt; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực xã hội; đấu tranh chống những luận điệu phản tuyên truyền của các lực lượng thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân; góp phần nâng cao dân trí; tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, và Nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí, xuất bản còn một số khuyết điểm, nhược điểm:
Một số cơ quan báo chí, xuất bản, nhất là ở địa phương, được thành lập nhưng chưa bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn do Nhà nước ban hành, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ đã quy định. Một số báo chí, nhà xuất bản đã cho ra một số ấn phẩm xen lẫn nội dung xấu, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu, khuếch đại sai lầm. Một số cơ quan báo chí, nhà xuất bản có khuynh hướng thương mại, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc.
Nói dung cơ quan báo chí, xuất bản, nhà in phát triển thiếu quy hoạch, nhà xuất bản, nhà in phát triển quá mức; nhiều địa phương dùng nhà xuất bản như một cơ quan chuyên kinh doanh khoán thu cho ngân sách; ở một số cơ quan, đoàn thể Trung ương và địa phương, nhiều quận, huyện cũng phát triển kinh doanh ngành in, vừa lãng phí, vừa dẫn đến tình trạng tranh giành khách hàng, vi phạm luật lệ hiện hành.
Tổ chức phát hành sách báo còn phân tán. Sách, báo phần lớn tập trung ở đô thị, ít được đưa xuống các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Sách, báo trong hệ thống thư viện chỉ chiếm 1-3% khối lượng xuất bản. Hệ thống phát hành sách quốc doanh suy giảm, không đủ sức đưa sách đến tay người đọc.
Nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng việc chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên hoạt động của các đơn vị báo chí, xuất bản, in thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình, nhất là chưa chỉ đạo chặt chẽ các đơn vị ấy thực hiện đúng định hướng, chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích đã được quy định.
Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản ở Trung ương và địa phương buông lỏng nhiệm vụ quản lý, chậm đổi mới cơ chế quản lý cho phù hợp với tình hình mới; còn nhiều sơ hở thậm chí có tiêu cực trong quản lý; xử lý các xi phạm chưa nghiêm và kịp thời.
Để phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số vấn đề sau đây:
1- Cần nhận thức rõ báo chí, xuất bản có vị trí quan trọng đặc biệt trên mặt trận tư tưởng và văn hoá, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh với những quan điểm sai trái và các hoạt động phá hoại của các lực lượng thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản ở trung ương và địa phương phải tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và tạo những điều kiện cần thiết để báo chí, xuất bản, in, phát hành hoạt động đúng định hướng, đúng kế hoạch, đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu nâng cao kiến thức và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
2- Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ:
Quy hoạch lại mạng lưới báo chí, xuất bản, in và phát hành ở trung ương, địa phương;
Xét duyệt tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan báo chí, xuất bản trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ quản; cấp giấy phép hoạt động và kiểm tra việc thực hiện đúng nội dung giấy phép và luật lệ hiện hành;
Cho phép in và phát hành các loại sách dịch của nước ngoài, các loại sách đã phát hành trước năm 1945 và trước năm 1975 trong các vùng bị địch tạm chiếm;
Phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, xuất bản, in, phát hành để bảo đảm đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ.
3- Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể, tổ chức xã hội ở trung ương và địa phương, trên cơ sở định hướng của Đảng và Nhà nước, có trách nhiệm xác định tôn chỉ, mục đích, phương hướng nội dung hoạt động của các đơn vị báo chí, nhà xuất bản, nhà in thuộc phần mình phụ trách, chịu trách nhiệm về việc thành lập và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức ấy hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đúng đối tượng phục vụ đã được quy định trong giấy phép và nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ của Nhà nước.
4- Tổng biên tập các báo, Giám đốc nhà xuất bản, nhà in, tổ chức phát hành sách, báo chịu trách nhiệm trực tiếp về mọi mặt hoạt động của cơ quan mình trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật. 5- Sắp xếp lại hệ thống báo chí, xuất bản:
a) Trước mắt, Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể theo và Du lịch hướng dẫn và tổ chức đăng ký, cấp lại giấy phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, xuất bản trong cả nước theo các tiêu chuẩn dưới đây:
Có tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản.
Có đủ cán bộ lãnh đạo và các chức danh khác theo tiêu chuẩn cán bộ, viên chức Nhà nước về xuất bản, báo chí đã ban hành tại Quyết định số 120-LĐ/QĐ ngày 6 tháng 6 năm 1985 của Bộ Lao động, và theo sự hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch.
Có đủ điều kiện tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm cho báo chí, xuất bản hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, và phục vụ được đối tượng đã quy định.
b) Thủ trưởng các cơ quan chủ quản ở trung ương và địa phương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, căn cứ vào các tiêu chuẩn trên đây và hướng dẫn của Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch, phải rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống báo chí, xuất bản thuộc quyền quản lý của mình, đặc ký với Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch để cấp giấy phép lại. Việc sắp xếp, đăng ký cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, xuất bản phải tiến hành ngay trong quý IV năm 1990 và chậm nhất là hết quý I năm 1991 phải hoàn thành.
Không nhất thiết mỗi tỉnh phải có một nhà xuất bản. Những ngành, địa phương không có cơ quan xuất bản chuyên nghiệp mà có nhu cầu xuất bản thì xin phép xuất bản nhất thời.
Các quận, huyện không được lập nhà xuất bản; nếu cần xuất bản tài liệu nhất thời thì xin phép theo quy chế đã ấn định.
6- Về ngành in:
Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch hướng dẫn tiêu chuẩn và kế hoạch sắp xếp lại ngành in, tiến hành đăng ký và cấp lại giấy phép cho các nhà in hoạt động.
Các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cần tổ chức sắp xếp, quy hoạch lại ngành in theo hướng:
Thu gọn, không để quá phân tán như hiện nay.
Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng kỹ thuật một số trung tâm in ở các thành phố lớn nhằm đáp ứng yêu cầu in của trung ương và trong khu vực.
Những Bộ, ngành và địa phương có nhu cầu in, có cơ sở in riêng đã được đăng ký, có giấy phép hoạt động, phải chỉ đạo chặt chẽ để phục vụ đúng yêu cầu in của ngành và địa phương, không được sử dụng vào việc kinh doanh in trái phép.
7- Về phát hành sách, báo:
Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ hữu quan xây dựng chế độ phát hành sách báo (bao gồm quy chế tự phát hành của các cơ quan báo chí, nhà xuất bản); sắp xếp lại các tổ chức phát hành quốc doanh; tổ chức đăng ký, quản lý chặt chẽ các điểm bán sách báo ngoài quốc doanh.
Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) chịu trách nhiệm chính về phát hành báo chí, theo hợp đồng các cơ quan báo chí.
Tổng công ty phát hành sách (Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch) chịu trách nhiệm chính về phát hành sách trong nước thông qua hệ thống phát hành sách quốc doanh và các đại lý theo hợp đồng với các nhà xuất bản.
8- Thực hiện chính sách đầu tư, trợ giá cho báo chí, xuất bản, in, phát hành:
Các cơ quan chủ quản, báo chí, xuất bản, phát hành phải bảo đảm vốn hoạt động và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ tài chính của cơ quan báo chí, xuất bản, phát hành. Quản lý hết sức chặt chẽ việc thực hiện chính sách trợ giá đặt hàng đối với một số báo chí, nhà xuất bản theo tinh thần Quyết định 60-HĐBT ngày 8-6-1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
Cơ quan báo chí, xuất bản, phát hành phải hạch toán thu chi nhưng không vì vậy mà chạy theo khuynh hướng kiếm lời không lành mạnh, trái luật pháp.
Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch thống nhất quản lý việc xuất nhập khẩu sách báo, thiết bị, vật tư chuyên dùng ngành in.
Bộ Công nghiệp nhẹ, trước hết là Liên hiệp các Xí nghiệp giấy Việt Nam, phấn đấu nâng cao chất lượng giấy in sách báo để giảm dần việc nhập khẩu giấy in sách báo. Đồng thời, có trách nhiệm cân đối giữa nhu cầu và khả năng cung ứng giấy, điều hoà việc nhập khẩu và xuất khẩu giấy để bảo đảm nhu cầu sử dụng trong nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị quyết và kiểm tra việc thi hành.
Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo việc thi hành Nghị quyết trong các tổ chức báo chí, xuất bản, in và phát hành trực thuộc ngành và địa phương./.