Sign In

CHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
V/v tổ chức Hội Khuyến học cấp tỉnh và cơ sở trong toàn tỉnh

-----------------

 

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh ta đã có những bước chuyển biến sâu sắc: Công tác xã hội hoá giáo dục- đào tạo trong tỉnh đã triển khai rộng khắp, đạt được nhiều tiến bộ về mọi mặt, thu hút sự quan tâm hưởng ứng mạnh mẽ trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo vào việc đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh phát triển lên một bước mới cả về chất lượng và số lượng; Kinh phí đầu tư cho giáo dục- đào tạo đã được tăng cường đáng kể, trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực, tự nguyện của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; ở một số địa phương đã sớm hình thành tổ chức khuyến học do đó đã góp phần động viên con em phấn đấu trơng học tập... Để tăng cường hơn nữa công tác xã hội hoá giáo dục- đào tạo, ngày 15-10-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/1999/CT-TTg, về việc phát huy vai trò của Hội Khuyến học Việt Nam trong phát triển sự nghiệp giáo dục.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh thực hiện các việc sau đây:

1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và Uỷ ban nhân dân các xã, phường cần phối hợp với Sở Giáo dục- Đào tạo, "Ban vận động Hội Khuyến học tỉnh" để chỉ đạo tổ chức tốt việc phát triển hội viên các cấp tiến tới thành lập Hội Khuyến học cấp xã, phường, trường (đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục- Đào tạo), các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn và cấp huyện, thành phố.

2. Các cơ quan thông tin, báo chí của địa phương cần chủ động phối hợp với "Ban vận động Hội Khuyến học tỉnh", Sở Giáo dục- Đào tạo trong việc tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền phổ biến về Luật Giáo dục, về các điển hình, tập thể, cá nhân tiên tiến trong phong trào khuyến học ở các cấp nhằm từng bước hình thành một "xã hội học tập", đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà lên ngang tầm và phục vụ đắc lựcc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thế kỷ XXI.

3. Giao cho SỞ Giáo dục- Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các ngành trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể với nội dung và các hình thức thích hợp để tổ chức và chỉ đạo, hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp có những hoạt động tích cực, thiết thực trong việc đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh; chủ động tham gia có hiệu quả vào công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt chú ý đến địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn và tiến tới từ nay đến năm 2005, thực hiện nhiệm vụ phổ cập trung học cơ sở ở các địa bàn có điều kiện.

4. Giao cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Tài chính- Vật giá và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Hội Khuyến học các cấp, hình thành và phát triển quỹ Khuyến học của tỉnh, huyện và cơ sở hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của quỹ và các quy định của nhà nước về tổ chức hoạt động các quỹ xã hội.

5. Hàng năm, Sở Giáo dục- Đào tạo và "Ban vận động thành lập Hội Khuyến học tỉnh" xây dựng và triển khai tốt kế hoạch phối hợp hành động chung nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ từng năm học, góp phần tiếp tục đưa sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì sự nghiệp "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"./.

UBND tỉnh Đắk Lắk

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Lạng