NGHỊ QUYẾT
Về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
------------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH 10, ngày 28/8/2001;
Căn Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 39/2008/TT-BTC, ngày 19/5/2008 của Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn;
Xét Tờ trình số 35/TTr-UBND, ngày 04/6/2009 của UBND tỉnh về đề nghị ban hành mức thu Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; Lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 29/BC-HĐND, ngày 06/7/2009 của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua mức thu Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, như sau:
1. Phạm vi áp dụng:
a) Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29/11/2007 của Chính phủ và Thông tư số 39/2008/TT-BTC, ngày 19/5/2008 của Bộ Tài chính;
b) Không thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường phát thải trong sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình.
c) Đối tượng không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn bao gồm: Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nộp phí quy định tại điểm a, khoản 1, Điều này, nhưng tự xử lý hoặc ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Đối với trường hợp tự xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có thuyết minh rõ giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn; giải pháp công nghệ xử lý nước rác và nước thải từ hoạt động xử lý chất thải rắn; hiệu quả của công nghệ xử lý chất thải rắn; các biện pháp bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành; giải pháp xử lý các tình huống sự cố môi trường và các nội dung khác về xử lý chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.
- Đối với trường hợp ký hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải rắn đảm bảo tiêu chuẩn môi trường phải có hợp đồng dịch vụ xử lý (hoặc hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý) chất thải rắn với chủ xử lý chất thải rắn được phép hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn.
2. Quy định mức thu:
2.1. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường:
a) Đối với chất thải rắn thông thường phát thải từ hoạt động của cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cở sở sản xuất công nghiệp, làng nghề mức thu: bằng 10% mức thu Phí vệ sinh tại khoản 6, mục I, Điều 1, Nghị quyết số 15/2007/NQ-HĐND, ngày 13/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về các loại phí và lệ phí.
b) Đối với: Trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, trung tâm vui chơi giải trí, các điểm tham quan, du lịch mức thu: 200.000 đồng/tháng.
c) Đối với chất thải rắn thông thường phát thải tại các chợ:
- Đối với chợ Buôn Ma Thuột: Các hộ kinh doanh có cửa hàng, cửa hiệu, các sạp buôn bán cố định thường xuyên tại chợ mức thu: 18.000 đồng/tháng.
- Đối với hộ kinh doanh có cửa hàng, cửa hiệu, các sạp buôn bán cố định thường xuyên tại chợ thuộc các xã, phường (Hòa Thắng, Hòa Thuận, Hòa Khánh, Hòa Phú, Tân An, Tân Lợi, Tân Thành, Thành Công, Khánh Xuân, Tân Hòa, Ea Tam) mức thu: 12.000 đồng/tháng.
- Đối với hộ kinh doanh có cửa hàng, cửa hiệu, các sạp buôn bán cố định thường xuyên tại chợ các xã, phường còn lại trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, mức thu: 6.000 đồng/tháng.
- Đối với hộ kinh doanh có đặt cửa hàng, cửa hiệu, các sạp buôn bán cố định thường xuyên tại chợ thuộc các trung tâm thị xã Buôn Hồ, thị trấn các huyện: Krông Păk, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư M’gar, Krông Năng: mức thu: 12.000 đồng/tháng.
- Đối với các hộ kinh doanh có đặt cửa hàng, cửa hiệu, các sạp buôn bán cố định thường xuyên tại chợ trung tâm thị trấn các huyện còn lại, mức thu: 6.000 đồng/tháng.
- Đối với các hộ kinh doanh cố định thường xuyên tại chợ thuộc các xã trên địa bàn các huyện 3.000 đồng/tháng.
d) Các đối tượng khác: Mức thu là 12.000 đồng/tháng (ngoài các đối tượng đã quy định mức thu tại các điểm a, b, c mục 2.1, khoản 2 Điều này).
2.2. Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn nguy hại:
Mức thu: 6.000.000 đồng/tấn (áp dụng danh mục đối với chất thải rắn nguy hại quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 59/2007/NĐ- CP, ngày 09/4/2007 của Chính phủ).
3. Phân bổ số phí thu được:
a) Đơn vị thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường: Là các Hợp tác xã, Ban Quản lý chợ, Doanh nghiệp, Công ty vệ sinh - Môi trường và các đơn vị được giao nhiệm vụ thu; tỷ lệ trích để lại 20%, số còn lại 80% nộp Ngân sách Nhà nước.
b) Đơn vị thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn nguy hại: Là Sở Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ trích để lại 20%, số còn lại 80% nộp Ngân sách Nhà nước.
Số phí trích lại cho cơ quan đơn vị trực tiếp thu để trang trải chi phí cho việc thu phí thực hiện theo điểm a, mục 4, Phần II, Thông tư số 39/2008/TT-BTC, ngày 19/5/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn.
c) Các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối chất thải rắn, Thông tư số 39/2008/TT-BTC, ngày 19 tháng 5 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và các văn bản quy định khác có liên quan.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2009./.