Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015

------------------------

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮKLẮK

KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 3

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và  UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020.

Xét Tờ trình số 101/TTr-UBND ngày 02/11/2011 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2011- 2015; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-HĐND, ngày 13/12/2011 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,

 

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành thông qua Nghị quyết về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2011 - 2015, với các nội dung cụ thể sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung.

Nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng ổn định, bền vững, sản xuất hàng hoá với quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, cải thiện nhanh chóng trình độ của nền kinh tế theo hướng hiện đại, để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015.

Góp phần đạt các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015 đối với ngành nông nghiệp:

- Tăng trưởng GDP (giá so sánh 1994), nông - lâm - ngư nghiệp bình quân hàng năm tăng 5 - 6%.

- Cơ cấu kinh tế: nông-lâm-ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 32 - 33%.

- Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt tốc độ tăng bình quân hàng năm từ 5-6%; trong đó trồng trọt tăng 3 - 4%/năm, chăn nuôi tăng 11-12%/năm; dịch vụ nông nghiệp tăng từ 19 - 20%/năm.

II. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giai đoạn 2011 – 2015:

1. Đối tượng áp dụng:

a. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình  trực tiếp sử dụng đất, mặt nước trên địa bàn tỉnh có phương án, dự án (sau đây gọi tắt là phương án) đầu tư phát triển sản xuất  trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản phù hợp với mục tiêu của Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

b. Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống cây, con phù hợp với danh mục phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản giai đoạn 2011 - 2015.

2. Đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng chính sách này gồm:

a. Đối tượng đã được hưởng chính sách quy định tại Nghị quyết số 06/2009/NQ-HĐND ngày 10/7/2009, về một số chính sách phát triển kinh tế trang trại, giai đoạn 2010-2015; Nghị quyết số 07/2010/NQ-HĐND ngày 9/7/2010 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010-2015.

b. Đối tượng đã được hưởng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ lãi vay từ Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh.

3. Các chính sách cụ thể:

3.1. Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, cải tạo đồng ruộng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi:

a. Hỗ trợ lãi suất vay vốn:

- Các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng có phương án, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản bao gồm: Chuyển đổi diện tích cà phê không phù hợp quy hoạch, kém hiệu quả sang cây trồng khác, chuyển đổi  diện tích lúa ở vùng ruộng trũng, ngập nước không hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và một số diện tích cây trồng khác sang trồng cỏ chăn nuôi gia súc, cải tạo đồng ruộng, đào ao, cải tạo ao, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, công nghiệp, nhà lưới, nhà kính để trồng hoa được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi vay:

- Mức vay được hỗ trợ lãi vay:

+ Đối với chuyển đổi cây cà phê sang cây trồng khác: 20.000.000 đồng/ha

+ Đối với chuyển đổi lúa ở vùng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển chăn nuôi …: Tối đa 30.000.000 đồng/ha.

- Mức hỗ trợ lãi vay: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% lãi vay; lãi suất vay vốn áp dụng theo lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại quốc doanh.

- Thời hạn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi vay:

+ Đối với chuyển đổi sang cây công nghiệp dài ngày: Tối đa 03 năm/phương án.

+ Đối với chuyển đổi sang cây ngắn ngày: Tối đa 01 năm/phương án.

b. Hỗ trợ vốn đầu tư để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi:

- Hỗ trợ chuyển đổi cây cà phê sang cây trồng khác:

Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi diện tích đất đang trồng cà phê tại vùng không phù hợp quy hoạch phát triển cà phê chuyển sang cây trồng khác phù hợp quy hoạch.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ cây giống

Mức hỗ trợ: Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn hỗ trợ 100% trị giá cây giống, nhưng không quá 6 triệu đồng/ha; đối với các hộ còn lại hỗ trợ 50% trị giá cây giống, nhưng không quá 3 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ cho  tổ chức, cá nhân nuôi trồng thuỷ sản có phương án, dự án, để chuyển đổi diện tích lúa ở ruộng trũng, ngập nước kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.

Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ con giống

Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% trị giá con giống cá truyền thống cho lần nuôi đầu, nhưng không quá 6 triệu đồng trên 01(một) ha mặt nước đối với tổ chức, cá nhân khi thực hiện phương án chuyển đổi.

3.2. Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống mới:

- Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất giống, có phương án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi vay

- Mức vay được hỗ trợ lãi vay: Không vượt quá 500 triệu đồng trên một phương án và chỉ được hỗ trợ lãi suất duy nhất 01 lần vay.

- Mức hỗ trợ lãi vay: Ngân sách hỗ trợ 30% lãi suất tiền vay; lãi suất vay vốn áp dụng theo lãi suất cho vay của ngân hàng Thương mại quốc doanh

- Thời hạn hỗ trợ lãi vay: Tối đa không vượt quá 03 năm/ phương án

3.3. Chính sách cải tạo đàn gia súc, hỗ trợ chăn nuôi:

3.3.1. Hỗ trợ lãi suất vay vốn:

- Các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng có phương án, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, để cải tạo và xây dựng mới lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

- Mức vay được hỗ trợ lãi vay: Tối đa không vượt quá 200.000.000 đồng trên một cơ sở.

- Mức hỗ trợ lãi vay: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% lãi vay; lãi suất vay vốn áp dụng theo lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại quốc doanh.

- Thời hạn được ngân sách hỗ trợ lãi vay: Tối đa không vượt quá 3 (ba) năm trên một phương án.

3.3.2 Hỗ trợ vốn cải tạo đàn gia súc, phòng trừ dịch bệnh:

a. Cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu, bò.

- Thực hiện chương trình dùng bò đực lai nhóm giống Zê-Bu thay thế bò đực địa phương để cải tạo đàn bò (ngân sách Nhà nước đầu tư 50% giá trị con bò đực ngoại, người dân tự đầu tư 50%, trọng lượng bò đực Zê-Bu từ 250-300 kg/con)

- Hỗ trợ 70% chi phí tinh bò, vật tư phối giống và tiền công phối giống có chửa, đối với tạo giống bò lai Zê-Bu

b. Khuyến khích sản xuất  giống lợn ngoại hướng nạc.

- Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn nái sinh sản để phát triển giống lợn ngoại hướng nạc theo phương án, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt có đủ điều kiện sản xuất giống để lai tạo đàn lợn đảm bảo chất lượng cho các địa phương được Nhà nước hỗ trợ như sau:

- Nuôi 20-30 lợn nái sinh sản được bố trí 01 đực ngoại hậu bị, trên 30 lợn nái sinh sản trở lên được bố trí 02 đực ngoại hậu bị (ngân sách Nhà nước đầu tư 30% giá trị con lợn đực, người dân góp vốn đầu tư 70%; trọng lượng lợn đực hậu bị từ 60-70 kg/con).

c. Chính sách phòng trừ dịch bệnh:

- Hỗ trợ 50% kinh phí, khi tiêm các loại vắc xin như tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, dịch tả lợn cho các cơ sở chăn nuôi gia súc thuộc các đối tượng còn lại trên địa bàn khu vực III (riêng đối với doanh nghiệp chăn nuôi tư nhân không được hỗ trợ).

- Hỗ trợ 50% kinh phí xét nghiệm, khi thẩm định xét cơ sở an toàn dịch bệnh trong 3 năm đầu tiên đối với các cơ sở giống trâu, bò, heo, gia cầm.

- Hỗ trợ 100% kinh phí lấy mẫu huyết thanh định kỳ/tháng để kiểm tra đánh giá tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

3.4. Chính sách về thị trường, xúc tiến thương mại:

- Hỗ trợ phát triển thị trường, nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp khi tham dự hội chợ, triển lãm trong nước.

- Mức hỗ trợ thực hiện bằng 50% mức chi thực tế nhưng không quá 30.000.000 đồng đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp khi tham gia hội chợ, triển lãm.

- Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ Quỹ hỗ trợ xúc tiến thương mại được bố trí hàng năm cho Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh ĐắkLắk

Điều 2. Kinh phí thực hiện: Ngân sách hỗ trợ khoảng: 58.500 triệu đồng (năm mươi tám tỷ năm trăm triệu đồng); trong đó: Hỗ trợ lãi vay 19.447 triệu đồng; hỗ trợ đầu tư 39.053 triệu đồng; hàng năm UBND tỉnh lập dự toán trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí trong dự toán Ngân sách của tỉnh.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo kết quả tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Giao cho Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 3   thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2011./.

HĐND tỉnh Đắk Lắk

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Niê Thuật