NGHỊ QUYẾT
Về Phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2012 - 2015
---------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 3
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Hợp tác xã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 177/2004/NĐ-CP ngày 12/10/2004 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã; Thông tư số 02/2006/TT-BKH ngày 13/02/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ;
Theo đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 31/10/2011 về Phát triển kinh tế tập thể tỉnh giai đoạn 2012 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 59/BC-HĐND ngày 13/12/2011 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2012 - 2015, với những nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát.
Đẩy mạnh việc củng cố và phát triển các loại hình Kinh tế hợp tác, Hợp tác xã (HTX). Khắc phục những hạn chế, yếu kém, xử lý HTX tồn tại hình thức để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hợp tác, HTX, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. Tạo sự chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, góp phần xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của xã viên và cộng đồng dân cư.
b) Mục tiêu cụ thể.
- Cụ thể hóa và thực hiện các chính sách hỗ trợ tổ hợp tác và HTX, như: Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập HTX; chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; chính sách về đất đai; chính sách về thuế, đầu tư và tín dụng; chính sách về khoa học và công nghệ; chính sách về thị trường và xúc tiến thương mại; chính sách về phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách phát triển kinh tế hợp tác và HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến.
- Thành lập mới 100 HTX; nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi lên 60%, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%, số HTX làm ăn ổn định và có lãi từ 85 - 90%; thu nhập của xã viên tăng 15%/năm. Kinh tế tập thể thu hút khoảng 100.000 thành viên; trực tiếp và gián tiếp giải quyết việc làm cho trên 75.000 lao động.
- Phấn đấu đóng góp của Kinh tế tập thể hàng năm vào GDP của tỉnh bình quân từ 13% - 14% (kể cả đóng góp của kinh tế hộ xã viên).
- Đến năm 2015, có ít nhất 80% cán bộ quản lý của HTX trở lên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý, điều hành HTX.
- Mỗi năm xây dựng ít nhất 05 mô hình HTX điển hình tiên tiến và nhân điển hình trong phạm vi huyện, thành phố, thị xã và ngành.
- Từ năm 2012 về cơ bản ổn định hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về HTX từ tỉnh đến cơ sở.
2. Định hướng phát triển kinh tế tập thể:
a) Đinh hướng phát triển đối với loại hình kinh tế tập thể.
* Đối với Tổ hợp tác.
Phát triển mạnh tổ hợp tác trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, phù hợp với năng lực quản lý của các thành viên; chú ý phát triển tổ hợp tác ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để tổ hợp tác phát triển thành hợp tác xã, liên kết với hợp tác xã, tham gia các dự án và các tổ chức kinh tế khác.
* Đối với Hợp tác xã.
Tập trung củng cố, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các HTX hiện có, đảm bảo các nguyên tắc, giá trị HTX và các quy định của pháp luật. Tuyên truyền, vận động phát triển các loại hình HTX trên các địa bàn, trong đó chú trọng phát triển mô hình HTX mới, HTX trong vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với xây dựng nông thôn mới và xây dựng làng nghề.
b) Định hướng phát triển kinh tế tập thể theo địa bàn.
Phát triển kinh tế tập thể trên các địa bàn, ở vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở địa bàn thị trấn, thành phố, thị xã phát triển kinh tế tập thể trên các lĩnh vực khác nhau, với quy mô phù hợp với năng lực điều hành quản lý và nguồn vốn của các đối tượng tham gia HTX. Phát triển HTX theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.
c) Định hướng phát triển kinh tế Hợp tác xã theo ngành đến năm 2015.
- Ngành nông nghiệp: Tổng số: 150 Hợp tác xã, tổng số xã viên: 20.000 người; lợi nhuận bình quân/HTX/năm là 80 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 10.000 người.
- Ngành Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp: Tổng số: 95 Hợp tác xã, số xã viên: 15.000 người; lợi nhuận bình quân/HTX/năm là 150 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 10.000 người.
- Ngành Xây dựng: Tổng số: 50 Hợp tác xã; số xã viên: 1.000 người; lợi nhuận bình quân/HTX/năm là 150 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 1.500 người.
- Ngành Thương mại, du lịch: Tổng số: 45 Hợp tác xã; số xã viên: 500 người; lợi nhuận bình quân/HTX/năm là 100 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 500 người.
- Ngành giao thông vận tải: Tổng số: 50 Hợp tác xã; số xã viên: 2.000 người; lợi nhuận bình quân/HTX/năm là 250 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 2.000 người.
- Quỹ tín dụng nhân dân: Tổng số: 13 Quỹ; số xã viên 25.000 người; lợi nhuận bình quân/Qũy/năm là 600 triệu đồng; số lao động thu hút khoảng 220 người.
3. Các giải pháp thực hiện:
a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể.
Liên minh HTX tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể; làm rõ mô hình HTX kiểu mới, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể.
Các cơ quan Báo, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch cụ thể xây dựng chuyên đề, chuyên mục về kinh tế tập thể để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của HĐND tỉnh, chính sách của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2012 - 2015 là: 1.200 triệu đồng.
b) Giải pháp về củng cố các HTX hiện có.
- Đối với HTX khá, giỏi thì tiếp tục giúp đỡ về đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng đổi mới công nghệ, mở thêm ngành nghề mới, mở rộng quy mô để trở thành những mô hình HTX điển hình, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
- Đối với những HTX yếu, kém thì tập trung củng cố, tư vấn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, tín dụng, đất đai…để giúp HTX từng bước giải quyết được khó khăn trước mắt, tiến đến phát triển ổn định và vươn lên thành các HTX khá, giỏi.
- Đối với HTX tồn tại hình thức, HTX ngừng hoạt động không còn khả năng củng cố thì tiến hành rà soát để có hình thức xử lý thích hợp (giải thể bắt buộc, giải thể tự nguyện, tuyên bố phá sản).
c) Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.
* Chính sách hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, tổ hợp tác:
Hàng năm, UBND tỉnh đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ HTX, tổ hợp tác theo quy định tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP, ngày 11/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 66/2006/TT-BTC, ngày 17/07/2006 của Bộ Tài chính. Tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2012 - 2015 là: 5.100 triệu đồng
* Chính sách thu hút lao động có trình độ về quản lý, khoa học kỹ thuật đến làm việc tại HTX:
Khuyến khích sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đến công tác tại các HTX theo yêu cầu của cơ sở. Trước mắt thực hiện thí điểm từ 3 - 5 HTX theo phương thức: Mỗi HTX được tiếp nhận 1 - 2 cán bộ ứng cử vào bộ máy quản lý; trong thời gian 03 năm đầu làm việc tại HTX được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 50% tiền lương, đóng Bảo hiểm xã hội và các chế độ khác ngoài phần lương đã được HTX chi trả.
* Chính sách hỗ trợ về đất đai và thuế:
Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đất đai, chính sách thuế theo đúng quy định của Nhà nước.
Khuyến khích và tạo điều kiện ưu tiên cho các HTX, tổ hợp tác nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhận khoán đất của các công ty nông, lâm nghiệp (nơi còn quỹ đất) và nhận đất hoang hoá, đồi núi trọc để tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp theo quy hoạch và dự án được duyệt.
* Chính sách hỗ trợ tín dụng:
Ngân sách tỉnh bố trí 10.000 triệu đồng theo lộ trình 4 năm (2012 - 2015) cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, với hình thức cho vay lãi suất ưu đãi, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển nguồn vốn, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về vốn vay cho các HTX.
* Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến công, xúc tiến thương mại:
Hàng năm tỉnh bố trí, phân bổ kinh phí và tăng mức hỗ trợ cho mỗi Dự án (nguồn địa phương và Trung ương) thông qua chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chương trình xúc tiến thương mại, ứng dụng đổi mới công nghệ…để hỗ trợ trực tiếp cho các HTX. Hỗ trợ HTX trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo hộ tên gọi, xuất xứ hàng hoá.
Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2012 - 2015 là: 9.100 triệu đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến nông: 4.400 triệu đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại: 1.700 triệu đồng; ngân sách Trung ương: 3.000 triệu đồng)
* Chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật của Nhà nước đối với HTX vùng nông thôn:
Hàng năm, đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ HTX đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là những công trình thiết yếu phục vụ hỗ trợ cho xã viên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ xây dựng cụm công nghiệp, cụm làng nghề nông thôn để phát triển sản xuất và kinh doanh; ưu tiên hỗ trợ các HTX tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn, quản lý, vận hành công trình sau khi hoàn thành, kể cả các công trình hạ tầng phục vụ phát triển cụm công nghiệp và làng nghề ở nông thôn; các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn phù hợp với khả năng của HTX.
Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2012 - 2015 là: 8.700 triệu đồng.
* Chính sách hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điển hình, mô hình HTX mới:
Hàng năm, tỉnh bố trí ngân sách hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX mới, mô hình HTX điển hình tiên tiến. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2012 - 2015 là: 1.200 triệu đồng.
* Chính sách hỗ trợ HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số:
Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi và triển khai chính sách phát triển Kinh tế hợp tác và HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình và yêu cầu phát triển. Hàng năm, tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2012 - 2015 là: 2.310 triệu đồng.
4. Kinh phí thực hiện Nghị quyết: 37.610 triệu đồng; trong đó:
- Kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ: 16.800 triệu đồng (thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn: 5.100 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến nông: 3.000 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đối với HTX vùng nông thôn: 8.700 triệu đồng).
- Kinh phí do Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 20.810 triệu đồng (hỗ trợ công tác tuyên truyền: 1.200 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: 10.000 triệu đồng; xây dựng và nhân rộng mô hình: 1.200 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, khuyến công, khuyến nông: 4.400 triệu đồng; hỗ trợ xúc tiến thương mại: 1.700 triệu đồng; hỗ trợ HTX nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 2.310 triệu đồng).
(Kinh phí hỗ trợ theo từng năm ở phần Phụ lục đính kèm theo Nghị quyết)
Uỷ ban nhân dân tỉnh lập dự toán trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trong tổng dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, giao cho Liên minh HTX tỉnh, các sở, ngành có liên quan thực hiện.
5. Thời gian thực hiện Nghị quyết: Từ năm 2012 đến năm 2015.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp;
Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này .
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 34/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006 của HĐND tỉnh về phát triển Kinh tế hợp tác và HTX của tỉnh, giai đoạn 2006 - 2010.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2011./.