Sign In

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH DAK LAK

V/v đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004

nhằm tăng cường công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Dak Lak

-----------------------

 

Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo thống nhất, tập trung, sâu sát của UBND các cấp, cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã có nhiều cố gắng, khắc phục mọi khó khăn trong công tác Thi hành án dân sự, do đó đã đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ số việc và số tiền phải thi hành đã được thi hành dứt điểm không ngừng được nâng cao, đã góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể, tổ chức và công dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác Thi hành án dân sự vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập như: Nhiều bản án, quyết định của Toà án các cấp có hiệu lực pháp luật và có điều kiện thi hành nhưng chưa được thi hành kịp thời hoặc thi hành chưa dứt điểm, đã dẫn đến tình trạng số lượng án còn tồn đọng khá nhiều; Bên cạnh đó, công tác chuyển giao án cho UBND cấp xã đôn đốc thi hành trong thời gian qua đạt được kết quả còn rất thấp…Nguyên nhân chủ yếu là: Nhiều cơ quan, tổ chức - nhất là các tổ chức kinh tế và công dân là người phải Thi hành án còn chưa tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; Sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan Thi hành án chưa đồng bộ, thống nhất, đôi lúc còn không nhất quán; Chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác Thi hành án dân sự ở địa phương mình, chưa có sự quan tâm đầu tư thoả đáng trong chỉ đạo đối với công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn, địa phương mình quản lý; Đội ngũ cán bộ, chấp hành viên Thi hành án còn thiếu về số lượng và một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ…

Để khắp phục, chấn chỉnh tình trạng trên, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 nhằm nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột quán triệt và tổ chức thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Các cấp, các ngành có liên quan phải quán triệt và xác định rõ nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự là một trong những nhiệm quan trọng của cơ quan, đơn vị mình và các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện và cơ sở.

2. Sở Tư Pháp, UBND các huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành án đến từng thôn, buôn, tổ dân phố, cụm dân cư, trong các cơ quan, đơn vị. địa phương mình quản lý nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội và mọi công dân trong việc chấp hành pháp luật về Thi hành án dân sự để tự giác thi hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

3. Giám đốc Sở Tư Pháp chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự các cấp tiếp tục triển khai thực hiện, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp lệnh này. Tập trung rà soát, phân loại án có điều kiện và chưa có điều kiện còn tồn đọng để báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án cùng cấp xem xét để có biện pháp chỉ đạo, xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với án có điều kiện nhưng người phải Thi hành án không tự giác, cố tình chây ỳ, lẫn tránh việc Thi hành án thì kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành dứt điểm. Trong quá trình tổ chức Thi hành án, cơ quan Thi hành án cần lựa chọn những việc có tính điển hình thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, tập trung chỉ đạo cưỡng chế có hiệu quả để nâng cao tác dụng giáo dục, răn đe đối với các đối tượng phải Thi hành án ở địa phương.

Đối với những vụ việc số tiền và tài sản phải thi hành có giá trị lớn hoặc có liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, phức tạp thì phải báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương để chỉ đạo thống nhất các biện pháp và các lực lượng phối hợp, nhằm đảm bảo Thi hành án có hiệu qủa; đồng thời kịp thời hỗ trợ tài chính để đảm bảo thi hành án theo điều 33 Pháp lệnh thi hành án năm 2004. Đối với các vụ việc có đơn khiếu nại về Thi hành án thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Thi hành án thì thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; không để đương sự khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện vượt cấp do không được giải quyết kịp thời, giải quyết không khách quan. Trong quá trình giải quyết nếu phát hiện có sai sót trong tác nghiệp phải được khắc phục, sữa chữa, nếu có thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Tập trung củng cố và kiện toàn các cơ quan Thi hành án từ tỉnh đến huyện, thành phố mà trọng tâm là củng cố, xây dựng đội ngũ chấp hành viên và cán bộ các Đội Thi hành án, đảm bảo đủ về số lượng. mạnh về chất lượng. Đồng thời, thường xuyên có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển để nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và khả năng tác nghiệp của chấp hành viên và cán bộ Thi hành án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan Thi hành án dân sự.

5. Cơ quan Thi hành án các cấp phối hợp cùng các các ngành có liên quan, tập trung giải quyết án tồn đọng, đặc biệt là án có điều kiện nhưng chưa được thi hành dứt điểm, phấn đấu năm 2005 và các năm tiếp theo phải tổ chức Thi hành án đạt từ 80% trở lên số việc và số tiền có điều kiện thi hành để từng bước hạn chế đi đến chấm dứt tình trạng bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật và có điều kiện thi hành nhưng không được thi hành dứt điểm để kéo dài gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

6. UBND các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột và Ban chỉ đạo Thi hành án cấp huyện phải tăng cường chỉ đạo đối với Phòng Tư pháp, cơ quan Thi hành án cấp huyện tích cực phân loại án, đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả thi hành, giải quyết dứt điểm những việc có điều kiện thi hành. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn quán triệt và xác định rõ nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, mà cụ thể là UBND cấp xã trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác Thi hành án dân sự, là một nhiệm vụ chính trị không thể tách rời với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của UBND cấp xã đã được quy định trong Luật tổ chức HĐND và UBND ( Điều 117) và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan khác, nhằm nâng cao hiệu quả công tác Thi hành án của UBND cấp xã ngay trong năm 2005 và các năm tiếp theo, tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư số 05/2002/TT-BTP, ngày 27tháng 02 năm 2002 của Bộ Tư pháp và Thông tư Liên tịch số 15/2002/TTLT-BTC-BTP, ngày 08 tháng 03 năm 2002 của Bộ tài chính - Bộ Tư pháp, bảo đảm án chuyển giao đến đâu được thi hành dứt điểm đến đó.

7. Thủ thưởng cơ quan, ban ngành, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã  hội từ tỉnh đến huyện và cơ sở cần có biện pháp giáo dục người phải Thi hành án thuộc cơ quan, tổ chức mình chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghĩa vụ được quy định trong bản án, quyết định của Toà án; đồng thời có trạch nhiệm hỗ trợ, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Thi hành án thi hành nhiệm vụ khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

8. Đề nghị uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Sở Tư Pháp và chỉ đạo các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các cấp của mình phổ biến sâu rộng đến toàn thể hội viên, đoàn viên trong từng tổ chức, đoàn thể về Pháp lệnh Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhằm nâng cao nhận thức trong từng hội viên, đoàn viên về lĩnh vực pháp luật này. Động viên những người trong tổ chức của mình phải Thi hành án, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh mọi nghĩa vụ quy định trong bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

9. Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc các Sở, ngành, đơn vị, tổ chức, địa phương và cơ quan Thi hành án thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Đồng thời tổng hợp kết quả thực hiện công tác Thi hành án trong phạm vi toàn tỉnh báo cáo cho UBND tỉnh theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng và cả năm.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột khẩn trương triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh ( thông qua Sở Tư pháp) biết để chỉ đạo giải quyết.

UBND tỉnh Đắk Lắk

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Lạng