Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với

hoạt động hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh

------------------------

 

Trong những năm qua, hoạt động hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật và các tổ chức hành nghề luật sư, trung tâm tư vấn pháp luật được củng cố, kiện toàn, thành lập mới và đi vào hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật vẫn còn bộc lộ một số tồn tại: đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế; một bộ phận còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh và kỹ năng nghề nghiệp; công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn có những vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật trong hành nghề; việc thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý Nhà nước với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tư vấn pháp luật tuy đã có những chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục triển khai đồng bộ, sâu rộng Luật Luật sư, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động luật sư và tư vấn pháp luật cho cá nhân, cơ quan, tổ chức:

a. Đoàn luật sư chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là các tổ chức chủ quản) và các cơ quan thông tấn, báo chí để tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến các quy định của Luật Luật sư, Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò của hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

b. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, các tổ chức chủ quản phải có kế hoạch tạo nguồn để phát triển đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; nghiên cứu, quán triệt các văn bản pháp luật về hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, gắn với tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, nhằm xây dựng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp cao, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng việc hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật nhằm phá hoại các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kích động gây rối làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúi giục nhân dân khiếu kiện vượt cấp, đông người...

c. Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành liên quan và các tổ chức chủ quản căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý, giám sát hoặc phối hợp thực hiện và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức và quy định của pháp luật. Phối hợp với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, các tổ chức chủ quản đề xuất các biện pháp cụ thể để xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật của tỉnh đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng; tạo điều kiện và khuyến khích luật sư, tư vấn viên pháp luật tham gia công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và các công tác xã hội khác.

2. Tăng cường vai trò tự quản của Đoàn luật sư trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra đối với luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư:

a. Đoàn luật sư là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các luật sư, để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và nâng cao hoạt động quản lý, Đoàn luật sư phải tập trung nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo để Đoàn luật sư thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, thực hiện tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư theo các nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và Điều lệ của Đoàn luật sư; tăng cường quản lý đối với tổ chức và hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi hoạt động của luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư đều phải tuân thủ pháp luật, điều lệ hoạt động và quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của luật sư.

b. Đoàn luật sư phải tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra đối với luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp trong khi hành nghề luật sư. Khi phát hiện vi phạm, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư phải  kiểm tra, xác minh, kết luận và xử lý nghiêm minh đối với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vi phạm. Trong trường hợp hành vi vi phạm của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư vượt quá thẩm quyền thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm báo cáo và chuyển hồ sơ vi phạm cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

c. Các tổ chức hành nghề luật sư chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với toàn bộ hoạt động của tổ chức; thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và nêu cao ý thức trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội trong hoạt động hành nghề; đề cao tôn trọng sự thật và pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; đồng thời, phải có trách nhiệm bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Người đứng đầu của tổ chức hành nghề luật sư cần chú trọng và đề cao vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động hành nghề của tổ chức và luật sư hoạt động trong tổ chức; quản lý chặt chẽ hoạt động của luật sư và nhân viên của tổ chức; trong hoạt động hành nghề cần có biện pháp để nâng cao tính chuyên nghiệp, uy tín và hiệu quả hoạt động đối với khách hàng.

3. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chủ quản trong việc thành lập, quản lý tổ chức và hoạt động của các trung tâm tư vấn pháp luật:

a. Các tổ chức chủ quản có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc theo quy định tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật. Tạo điều kiện về trụ sở, nhân sự, kinh phí hoạt động và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của Trung tâm; thường xuyên kiểm tra về tổ chức, hoạt động, chế độ tài chính, việc thực hiện thù lao của Trung tâm tư vấn pháp luật; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật; xử lý vi phạm trong phạm vi thẩm quyền, đảm bảo hoạt động của Trung tâm theo đúng tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động của Trung tâm, Điều lệ của tổ chức chủ quản và quy định của pháp luật.

b. Trung tâm tư vấn pháp luật chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức chủ quản trực tiếp về toàn bộ hoạt động của Trung tâm; tăng cường các biện pháp để mở rộng phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản. Khuyến khích Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật:

Sở Tư pháp tham mưu thực hiện và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý Nhà nước về hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Luật sư, Điều 29 Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và Điều 25 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật, trọng tâm là các nhiệm vụ sau:

a. Thực hiện tốt công tác tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường quản lý Nhà nước về hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 30 tháng 3 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật; chủ trương cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, phục vụ kịp thời các yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

b. Chủ động phối hợp với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư, các tổ chức chủ quản đề ra các biện pháp đẩy mạnh công tác phát triển đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật của tỉnh; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp để xây dựng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp và kỹ năng tác nghiệp cao, đủ sức đáp ứng nhu cầu về tư vấn pháp luật, bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

c. Chủ trì hoặc phối hợp với các Sở, ngành liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, việc thực hiện Điều lệ của Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, nhằm kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm của Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp và các quy định khác của pháp luật.

d. Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời chế độ thông tin báo cáo, thống kê về tình hình tổ chức và hoạt động định kỳ theo quy định của pháp luật hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức chủ quản, các trung tâm tư vấn pháp luật khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao cho Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 08/2007/CT-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề luật sư và tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh./.

UBND tỉnh Đắk Lắk

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Y Dhăm Ênuôl