NGHỊ QUYẾT
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 1
của Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012
của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch
tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
____________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ BA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật du lịch số 44/2005/QH11, ngày 14 tháng 6 năm 2005; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật du lịch;
Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2162/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét Tờ trình số 153/TTr-UBND ngày 15/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 73/BC-HĐND ngày 09/12/2016 của Ban Văn hoá - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND ngày 06/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:
1. Điểm b Khoản 3 được bổ sung như sau:
“b) Định hướng sản phẩm du lịch
- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với làng nghề; du lịch nông nghiệp, trang trại; du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh; du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; du lịch gắn với văn hóa và lịch sử; du lịch văn hóa, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.
- Phát triển thêm các sản phẩm du lịch thương mại, hội họp, khen thưởng, hội thảo, triển lãm để thu hút khách doanh nhân thu nhập cao lưu trú dài ngày; sản phẩm ẩm thực Tây Nguyên; sản phẩm du lịch sinh thái gắn với hệ sinh thái Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.
2. Điểm c Khoản 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Định hướng phát triển không gian du lịch
- Ưu tiên phát triển không gian trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, phát triển Buôn Ma Thuột trở thành thành phố xanh, văn hóa, lịch sử và là điểm đến du lịch hấp dẫn: văn minh, tiện ích, đặc sắc; vừa là trung tâm trung chuyển, dịch vụ và du lịch chính của tỉnh Đắk Lắk, vừa là điểm đến quan trọng của vùng Tây Nguyên.
- Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Bắc, trong đó huyện Buôn Đôn là trung tâm du lịch và dịch vụ chính có khu du lịch quốc gia Yok Đôn, hệ sinh thái rừng khộp, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội và công tác bảo tồn, phát triển voi nhà để duy trì sản phẩm đặc thù của du lịch Đắk Lắk.
- Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Nam, trong đó huyện Lắk là trung tâm dịch vụ và du lịch chính có điểm du lịch quốc gia hồ Lắk với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, tham quan di tích lịch sử cách mạng hang đá Đắk Tuar (huyện Krông Bông), cửa ngõ kết nối với trung tâm du lịch lớn của Tây Nguyên - thành phố Đà Lạt.
- Tập trung đầu tư phát triển không gian phía Đông, trong đó thị xã Buôn Hồ là trung tâm dịch vụ và du lịch chính với các sản du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, từng bước khai thác thế mạnh trang trại, đồng cỏ trên cao nguyên M’Drắk.”
3. Điểm d Khoản 3 được bổ sung như sau:
“d) Các khu, điểm du lịch quan trọng
- Tập trung đầu tư phát triển thêm khu du lịch quốc gia Yok Đôn, điểm du lịch quốc gia hồ Lắk, điểm du lịch hồ Ea Kao, điểm du lịch hồ thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo), điểm du lịch thác Thủy Tiên (huyện Krông Năng), điểm du lịch cáp treo Buôn Đôn, điểm du lịch cáp treo Krông Bông; các khu, điểm du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện: Lắk, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk.
- Tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng để tham quan, tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, như: Buôn Ako Dhong, Buôn Tour, Buôn Kmrơng Krông B - thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn M’Liêng, Buôn Triết - huyện Lắk, Buôn Ya - huyện Krông Bông, Buôn Tring - thị xã Buôn Hồ, Buôn Xê Đăng, Buôn Thái - huyện Cư M’gar, Buôn Yang Lành - huyện Buôn Đôn.
4. Tiết g.1 Điểm g Khoản 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Tiết g.1 Điểm g. Cơ sở lưu trú
- Ưu tiên phát triển hệ thống khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao tại thành phố Buôn Ma Thuột để phục vụ nhu cầu của loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, hội chợ, triễn lãm.
- Tập trung phát triển hệ thống cơ sở lưu trú theo hình thức nhà có phòng cho thuê (homestay), phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, đặc biệt tại một số buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.”
5. Điểm b Khoản 4 được sửa đổi như sau:
“b) Nhu cầu vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư
- Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 là 20.600 tỷ đồng, trong đó: giai đoạn 2012 - 2020 là 11.300 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2030 là 9.200 tỷ đồng.
- Phân kỳ đầu tư và cơ cấu nguồn vốn, giai đoạn 2012 - 2020: Ngân sách 10%; ngoài ngân sách 90%. Định hướng đến năm 2030, ngân sách 20%, ngoài ngân sách 65 - 70%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc liên doanh 10 - 15%.”
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khoá IX, Kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017./.