• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/04/1962
  • Ngày hết hiệu lực: 13/07/1981
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 12/LCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 16 tháng 4 năm 1962

 

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC

CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào điều 106 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15 tháng 7 năm 1960;

Để bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật, góp phần làm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững,

Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao như sau:

Điều 1

Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Viện trưởng các Phó viện trưởng, các kiểm sát viên và kiểm sát viên dự khuyết.

Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành lập Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó viện trưởng và một số kiểm sát viên.

Điều 2

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao lãnh đạo thống nhất Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và các Viện kiểm sát quân sự.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

a) Báo cáo công tác của ngành kiểm sát trước Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

b) Trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội những dự án luật, dự án pháp lệnh về những vấn đề thuộc phạm vi công tác chuyên môn của ngành kiểm sát; trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội những đề nghị giải thích pháp luật;

c) Thực hiện các công tác kiểm sát chung, điều tra và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử và kiểm sát giam giữ; chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời áp dụng những biện pháp do luật định để chống những việc vi phạm pháp luật;

d) Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của ngành kiểm sát;

đ) Chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân.

Điều 3

Các Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Viện trưởng làm nhiệm vụ.

Các kiểm sát viên và kiểm sát viên dự khuyết Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện công tác kiểm sát theo sự phân công và dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng.

Điều 4

Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao có từ bẩy đến chín Uỷ viên.

Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao thảo luận và giải quyết những vấn đề quan trọng sau đây trong công tác kiểm sát:

a) Những vấn đề thuộc về đường lối, phương châm công tác kiểm sát; chương trình công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Những dự án kháng nghị quan trọng đối với những nghị quyết, quyết đinh, thông tư, chỉ thị và biện pháp của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và của các cơ quan Nhà nước địa phương mà xét thấy không đúng pháp luật;

c) Những vấn đề thuộc về điều tra thẩm cứu, truy tố và kháng nghị bản án và quyết định của Toà án nhân dân trong những vụ án quan trọng;

d) Những dự án luật, dự án pháp lệnh và những đề nghị giải thích pháp luật mà Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm việc theo nguyên tắc tập thể và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Trong Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng có quyền quyết định cuối cùng. Khi Viện trưởng quyết định khác với ý kiến của đa số trong Uỷ ban kiểm sát thì Viện trưởng sẽ báo cáo lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội xét.

Điều 5

Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

- Vụ kiểm sát chung;

- Vụ điều tra thẩm cứu;

- Vụ kiểm sát điều tra;

- Vụ kiểm sát xét xử hình sự;

- Vụ kiểm sát xét xử dân sự;

- Vụ tổng hợp và kiểm tra;

- Vụ tổ chức và cán bộ;

- Văn phòng.

Ngoài các Vụ trên đây, có Phòng kiểm sát giam giữ trực thuộc Viện trưởng.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể thành lập một số Phòng khác trực thuộc Viện trưởng khi xét thấy cần thiết.

Tổ chức và nhiệm vụ cụ thể của các vụ, văn phòng và các phòng trên đây do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

Biên chế chung của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao định và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 6

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra và bãi miễn.

Các Phó viện trưởng, các kiểm sát viên và kiểm sát viên dự khuyết, các uỷ viên Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Uỷ ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm và bãi miễn.

Các vụ trưởng và vụ phó, Chánh văn phòng và Phó văn phòng, các trưởng phòng và phó phòng do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm và bãi miễn.

Điều 7

Để tăng cường hiệu lực của công tác kiểm sát, nay thành lập ngạch kiểm sát viên.

Pháp lệnh này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 4 năm 1962.

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hồ Chí Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.