• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/07/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 83/2007/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 8 tháng 6 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt "Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo" giai đoạn 2006 – 2010

________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 91/2003/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 125/2003/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo;

Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo" giai đoạn 2006 - 2010 với nội dung chính sau đây:

I. Đối tượng, mục tiêu

1. Đối tượng:

- Cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác tôn giáo ở xã, phường, thị trấn;

- Cán bộ làm công tác tôn giáo thuộc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Ngoài ra, còn gồm cán bộ, giảng viên phụ trách, giảng dạy về tôn giáo ở các trường đại học, trường chính trị tỉnh, huyện và các trường nghiệp vụ của các tổ chức chính trị - xã hội.

2. Mục tiêu: trang bị đầy đủ kiến thức về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn cán bộ, công chức, từng bước hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo từng chức danh của cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các trường chính trị các cấp về hoạt động tôn giáo, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong nhận thức về tôn giáo và kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác tôn giáo của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung; đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có vấn đề tôn giáo mới phát sinh nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và khả năng xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

II. Các nhiệm vụ chủ yếu

1. Thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về ngạch và chức vụ theo chương trình quy định của Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng thời thực hiện nội dung đào tạo, bồi dưỡng về tôn giáo và công tác tôn giáo theo chương trình của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tôn giáo Chính phủ.

2. Căn cứ tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ, công chức ngành quản lý nhà nước về tôn giáo để thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đề án.

3. Hoàn thiện hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo.

4. Giai đoạn 2006 - 2010 công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau: thực hiện bồi dưỡng 21.811 lượt người, thuộc 02 đối tượng chủ yếu đã nêu tại Điều này.

a) Về đào tạo:

- Thực hiện 100% tuyển dụng qua thi tuyển được đào tạo chương trình tiền công vụ và 100% cán bộ, công chức ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, tôn giáo cấp huyện, tỉnh, Ban Tôn giáo Chính phủ được học chương trình lý luận chính trị chuyên ngành về tôn giáo; 

- Thực hiện đào tạo 15 - 20% cán bộ lãnh đạo đương chức cấp phòng, Trưởng, Phó Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh), cấp Vụ và tương đương thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ được đào tạo cử nhân chính trị chuyên ngành tôn giáo;

- Thực hiện 100% cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương được đào tạo về quản lý nhà nước (chương trình đào tạo theo chức danh); quy hoạch, đào tạo chuyên gia đầu ngành quản lý nhà nước về tôn giáo.

b) Về bồi dưỡng:

- Phấn đấu thực hiện 100% công chức các ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ được trang bị kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch và chức vụ;

- Thực hiện 100% cán bộ lãnh đạo cấp Vụ, Trưởng, Phó ban Tôn giáo cấp tỉnh được bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên ngành về tôn giáo hàng năm; 100% cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác tôn giáo ở xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tôn giáo;

- Thực hiện 100% cán bộ cấp trung ương, cấp tỉnh; 100% cán bộ cấp huyện và cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được bồi dưỡng về tôn giáo và công tác vận động quần chúng tôn giáo;

- Thực hiện 100% cán bộ giảng dạy về tôn giáo được bồi dưỡng về tôn giáo và công tác tôn giáo.

5. Tăng cường củng cố và kiện toàn Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ đủ sức đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo giai đoạn 2006 - 2010. Xây dựng Đề án nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo thành Trường Nghiệp vụ công tác tôn giáo để phù hợp với việc quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo, bồi dưỡng trong cả nước và đáp ứng yêu cầu trang bị kiến thức cho cán bộ công tác trong lĩnh vực tôn giáo đặc thù. Tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo.

6. Xây dựng, hoàn thiện một số chính sách, chế độ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; việc bố trí, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về tôn giáo.

III. Các giải pháp cơ bản

1. Tiến hành rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ, công chức. Ưu tiên hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo đối với các đối tượng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có vấn đề tôn giáo mới phát sinh.

2. Đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, xây dựng các nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng, vùng tôn giáo khác nhau.

3. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác tôn giáo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy.

4. Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

5. Xây dựng Đề án nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo thành Trường Nghiệp vụ công tác tôn giáo và đầu tư kinh phí cần thiết cho Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo.

6. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và xây dựng chính sách, sử dụng cán bộ.

7. Thực hiện phân công, phân cấp hợp lý công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác tôn giáo, vừa tuân thủ Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Chính phủ, vừa phù hợp với thực tiễn công tác bồi dưỡng của mỗi cấp, mỗi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.

8. Xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo.

IV. Nguồn kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban Tôn giáo Chính phủ có trách nhiệm:

a) Theo dõi, hướng dẫn và đánh giá quá trình thực hiện Đề án này để báo cáo Chính phủ và Bộ Nội vụ;

b) Xây dựng chương trình, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho các đối tượng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo;

c) Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;

d) Phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo nâng cao, biên soạn tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, tổ chức lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho đội ngũ giảng viên;

đ) Thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo trong toàn ngành quản lý nhà nước về tôn giáo và cán bộ làm công tác tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp tỉnh;

e) Lập dự toán kinh phí hàng năm và thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thuộc trách nhiệm của Ban Tôn giáo Chính phủ; tổng hợp dự toán bổ sung hỗ trợ địa phương có khó khăn từ ngân sách trung ương gửi Bộ Tài chính trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;

g) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo thành Trường Nghiệp vụ công tác tôn giáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Nội vụ

a) Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục rà soát quá trình thực hiện Nghị định số 22/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân các cấp; xây dựng tiêu chuẩn các chức danh công chức ngành quản lý nhà nước về tôn giáo;

b) Hướng dẫn Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm chức trong lĩnh vực tôn giáo.

3. Bộ Tài chính

Theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính phủ, kế hoạch của Bộ Nội vụ và khả năng ngân sách nhà nước, thẩm tra và tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

Phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng chương trình và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Đưa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vào công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố;

b) Chỉ đạo Ban Tôn giáo tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo hàng năm và 5 năm;

c) Chỉ đạo Ban Tôn giáo tỉnh, thành phố phối hợp với các trường Chính trị trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về công tác tôn giáo cho cán bộ làm công tác tôn giáo cấp huyện và cơ sở.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.