• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/11/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 03/01/2025
UBND TỈNH ĐẮK LẮK
Số: 31/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 1 tháng 11 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”
đối với sản phẩm cà phê Robusta

__________________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp; Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số   78/TTr-SKHCN, ngày 21 tháng  9  năm 2021.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta.

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan theo dõi và hướng dẫn thực hiện theo đúng Quy chế này. Hàng năm, báo cáo tình hình thực hiện cho UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 11 năm 2021 và thay thế Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2010 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta; Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 17 tháng 12 năm 2015 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta ban hành kèm theo Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2010 của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

- Bộ KH&CN

- Vụ Pháp chế - Bộ KH&CN;

- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;

- TT TU, TT HĐND tỉnh;

 - Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;

- Ủy ban MTTQVN tỉnh;

- LĐ VPUBND tỉnh;

- Sở Tư pháp;

- Như Điều 4;

- UBND các xã, phường, thị trấn trong khu vực chỉ dẫn địa lý (do UBND các huyện, thị xã, thành phố sao gửi);

- Cổng TTĐT tỉnh, Công báo tỉnh;

- Đài PT-TH tỉnh, Báo Đắk Lắk;

- Các Phòng: TH, NC, NNMT, KT;

- Lưu: TH, KGVX (HTN_ 30b).    

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

 

 

Phạm Ngọc Nghị

 

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

__________

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

 

QUY CHẾ
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BUÔN MA THUỘT”
ĐỐI VỚI SẢN PHẨM CÀ PHÊ ROBUSTA

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 31/2021/QĐ-UBND

ngày 01 tháng  11 năm 2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

_________________________

 

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về trách nhiệm của các tổ chức quản lý; quyền, trách nhiệm của các bên liên quan quá trình sử dụng, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robuta của tỉnh Đắk Lắk đã được Nhà nước bảo hộ (sau đây gọi là chung là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột).

2. Những nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý không quy định trong Quy chế này thì áp dụng theo Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, các nhân có các hoạt động liên quan đến sử dụng, kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm cà phê có nguồn gốc xuất xứ từ một số khu vực địa lý của tỉnh Đắk Lắk và có danh tiếng, chất lượng đặc thù do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân quyết định. Các khu vực địa lý của tỉnh Đắk Lắk tương ứng với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bao gồm các xã, phường, thị trấn tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

2. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là quyền được thực hiện các hành vi gắn (in, dán, đúc, dập hoặc hình thức khác) chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì đựng sản phẩm cà phê, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê.

3. Văn bản trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là Quyết định và Giấy chứng nhận do Sở Khoa học và Công nghệ trao cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sử dụng, trong đó xác nhận các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý, thời hạn sử dụng, chủng loại sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

4. Logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là hình ảnh, biểu tượng chung của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, được phê duyệt và ban hành tại Phụ lục II kèm theo Quy chế này, dùng gắn lên sản phẩm cà phê đáp ứng được các điều kiện về chỉ dẫn địa lý.

5. Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột: Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột được thành lập ngày 10 tháng 9 năm 2010 theo Quyết định số 2018/QĐ-UBND ngày 11/8/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tuân theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột. Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột chịu sự quản lý nhà nước về chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ.

Điều 4. Sản phẩm chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột

Chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được sử dụng cho các sản phẩm cà phê Robusta gồm: cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan. Các sản phẩm phải đảm bảo các đặc tính sau:

1. Cà phê nhân

a) Chỉ tiêu cảm quan

- Màu sắc: xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt.

- Kích thước hạt: Dài từ 10 - 11 mm, rộng từ 6 -7 mm và dày từ 3 - 4 mm.

b) Chỉ tiêu hóa học

Hàm lượng Cafein (%): 2,0 - 2,2.

2. Cà phê hạt rang, cà phê bột

a) Chỉ tiêu cảm quan

- Màu sắc: Nâu.

- Hậu vị: Ngọt thanh, không chát.

b) Chỉ tiêu hóa học

- Hàm lượng Cafein (%): 2,02 - 2,47.

- Hàm lượng đường tổng số (%): 1,16 - 3,28.

3. Cà phê hòa tan nguyên chất

a) Chỉ tiêu cảm quan

Màu sắc: Nâu.

b) Chỉ tiêu hóa học

Hàm lượng Cafein (%): 2,02 - 3,60.

Điều 5. Điều kiện để sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý

Sản phẩm cà phê được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Sản phẩm cà phê đáp ứng các yêu cầu về đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 4 Quy chế này.

2. Sản phẩm cà phê được sản xuất, chế biến bởi các tổ chức, cá nhân đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

3. Quả cà phê tươi dùng chế biến cà phê nhân phải được sản xuất trong phạm vi các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực địa lý được bảo hộ tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

4. Cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất phải được chế biến từ cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

5. Sản phẩm cà phê phải được sơ chế, chế biến, đóng gói tại các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

6. Sản phẩm cà phê được kiểm soát theo quy chế trong quá trình sản xuất, chế biến và có khả năng truy xuất về nguồn gốc.

 

Chương II
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT TRONG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN
CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT

 

Điều 6. Quy định về trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê

1. Giống: Gồm các giống thuộc nhóm Robusta.

2. Tạo hình cắt cành: tạo hình cắt cành 2 lần /năm

a) Lần 1: từ tháng 12 đến cuối tháng 1 năm sau  (sau khi thu hoạch).

b) Lần 2: Từ tháng 7 đến tháng 8 (giữa mùa mưa).

3. Trồng cây chắn gió và cây che bóng

a) Trồng cây chắn gió sao cho cản được hướng gió chính trong mùa khô (gió Đông Bắc).

b) Trồng cây che bóng sao cho che được 20- 30% ánh sáng mặt trời.

c) Trồng cây che bóng lâu năm có thể đóng vai trò như cây chắn gió.

4. Bón phân

a) Phân vô cơ: 4 lần vào các đợt: tháng 2 - 3; tháng 5 - 6; tháng 7 - 8 và tháng 9 - 10.

b) Phân hữu cơ: 1 lần vào tháng 5 - 6.

c) Bón phân cân đối, bảo đảm cây cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt.

5. Tưới nước mùa khô

a) Đối với cây cà phê dưới 3 năm tuổi: 20 -25 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới trung bình khoảng 150 -300 lít/cây tùy vào tuổi cây cà phê.

b) Đối với cà phê đang cho thu hoạch: cứ 20 - 25 ngày tưới 1 lần, lượng nước tưới trung bình khoảng 350 - 450 lít/cây.

6. Thu hoạch

a) Thời gian: từ tháng 10 đến tháng 01 dương lịch năm sau.

b) Thu hoạch: Thu hoạch làm nhiều đợt để chọn quả cà phê có phần vỏ chín không nhỏ hơn 2/3 diện tích mặt quả. Tỷ lệ chín/mẻ chế biến từ 80% trở lên.

c) Vận chuyển, bảo quản quả tươi: Quả cà phê sau khi thu hoạch phải được chuyên chở kịp thời về cơ sở chế biến, không được để quá 24 giờ. Trường hợp không vận chuyển hay không kịp chế biến, quả cà phê phải được để trên nền khô ráo, thoáng mát và không được đổ đống dày quá 40 cm.

Điều 7. Quy định sơ chế, đóng gói và bảo quản cà phê nhân

Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được sơ chế bằng các phương pháp:

1. Phương pháp chế biến khô

a) Bước 1: Loại bỏ các tạp chất (quả khô, xanh, đất, đá, cành, lá,…).

b) Bước 2: Làm khô quả cà phê: theo một trong hai phương pháp: i) phơi dưới ánh nắng trực tiếp, trên nền sân sạch hoặc trên giàn phơi, độ dày quả không quá 5 cm. Những ngày đầu cứ 3 -4 giờ đảo 1 lần. Phơi đến khi độ ẩm nhân còn 12 - 12,5% là đạt yêu cầu; ii) sấy khô: Có thể dùng các loại thiết bị sấy để làm khô quả cà phê.

c) Bước 3: Xát quả cà phê đã được phơi khô bằng máy để tách bỏ vỏ, lấy phần nhân.

d) Bước 4: Loại bỏ tạp chất, phân loại hạt nhân cà phê.

đ) Bước 5: Đóng gói và bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời.

2. Phương pháp chế biến ướt

a) Bước 1: Rửa, loại bỏ quả cà phê khô, quả chưa chín hoặc bị sâu bệnh, cành, lá cà phê, đất, đá và các tạp chất khác lẫn trong lô cà phê.

b) Bước 2: Loại bỏ vỏ thịt quả: sử dụng máy xát vỏ để loại bỏ vỏ thịt quả ra khỏi quả cà phê.

c) Bước 3: Loại bỏ nhớt: đánh nhớt cơ học hoặc lên men.

d) Bước 4: Làm khô: làm khô bằng cách phơi tự nhiên hoặc sử dụng các thiết bị sấy, cho đến khi cà phê nhân có độ ẩm 12 - 12,5%.

đ) Bước 5: Bảo quản: Sản phẩm được đóng bao, cách ẩm, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.

3. Phương pháp chế biến nửa ướt

Chế biến tương tự phương pháp chế biến ướt nhưng bỏ qua giai đoạn loại bỏ nhớt.

Điều 8. Kỹ thuật chế biến, đóng gói và bảo quản cà phê chế biến

1. Cà phê hạt rang: Cà phê nhân phải được rang chín vừa, không được cháy để hạt cà phê rang giữ được mùi, vị đặc trưng của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

2. Cà phê bột: Là cà phê được xay từ cà phê hạt rang mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, kích thước to, nhỏ của cà phê bột tùy thuộc vào kỹ thuật và công nghệ pha chế khi sử dụng (pha máy hoặc pha phin).

3. Cà phê hòa tan nguyên chất: Được sản xuất từ cà phê bột mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

4. Cà phê chế biến mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

5. Đóng gói, bảo quản: Cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất được đóng gói trong các bao bì khô, sạch, không hút ẩm, chuyên dùng cho thực phẩm. Sản phẩm được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Điều 9. Quy định về việc ghi nhãn hàng hóa

1. Các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được phép sử dụng dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đồng thời với logo riêng của tổ chức, cá nhân.

2. Dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được sử dụng như sau:

a) Dấu hiệu “Buôn Ma Thuột” được sử dụng tùy theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Tùy thuộc vào thị trường, tổ chức, cá nhân có thể sử dụng dấu hiệu “Buôn Ma Thuột” có dấu hoặc không có dấu.

b) Logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột:

- Sử dụng logo theo đúng quy định về hình ảnh, Font chữ (hình dáng chữ), màu chữ và màu nền tại Phụ lục II kèm theo Quy chế này.

- Được phép phóng to, thu nhỏ logo phù hợp với bao bì đóng gói nhưng không được thay đổi bố cục, màu sắc, tỷ lệ hoặc bất kỳ dấu hiệu nào trên logo.

- Logo phải được đặt ở mặt trước nhãn hàng hóa của sản phẩm có kích thước không nhỏ hơn kích thước logo riêng của tổ chức và cá nhân sử dụng.

- Đối với cà phê hạt rang, cà phê bột, việc gắn logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì sản phẩm được phép khi đáp ứng tối thiểu 70% nguồn nguyên liệu từ cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, nguồn nguyên liệu cà phê còn lại phải có khả năng truy xuất về nguồn gốc.

3. Tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa theo các quy định pháp luật hiện hành.

Chương III
TRAO QUYỀN SỬ DỤNG
CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT

 

Điều 10. Điều kiện được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột

Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột khi có đủ các điều kiện sau:

1. Được thành lập hợp pháp theo quy định của Pháp luật (nếu là tổ chức).

2. Tự nguyện đăng ký sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk.

3. Có hoạt động sản xuất, chế biến và địa chỉ sản xuất, chế biến nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Chương II và đảm bảo chất lượng sản phẩm theo Điều 4 của Quy chế này.

4. Cam kết thực hiện đầy đủ các quy định tại Quy chế này và quy định pháp luật về Sở hữu trí tuệ.

5. Tổ chức, cá nhân cam kết không trong quá trình bị các cơ quan giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi khác liên quan đến các hoạt động sản xuất, chế biến cà phê.

6. Trường hợp tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột thì chỉ được tiếp tục trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sau 24 tháng kể từ ngày bị thu hồi.

Điều 11. Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột

1. Sở Khoa học và Công nghệ là tổ chức thống nhất quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

2. Trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện trao quyền bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 Quy chế này.

3. Sửa đổi, bổ sung, gia hạn và cấp lại văn bản trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

4 Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột có thời hạn 05 năm, được phép gia hạn, thời gian gia hạn là 05 năm.

 

Chương IV
QUY ĐỊNH VỀ KIỂM SOÁT
CHỈ DẪN ĐỊA LÝ CÀ PHÊ BUÔN MA THUỘT

 

Điều 12. Quy định chung về kiểm soát chỉ dẫn địa lý

1. Kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là hoạt động về kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

2. Nội dung kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bao gồm:

a) Kiểm soát sự tuân thủ các quy chế về sản xuất, chế biến;

b) Kiểm soát nguồn gốc sản phẩm;

c) Kiểm soát sử dụng dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý;

d) Kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng mang chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại và các nội dung khác có liên quan.

3. Hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột trong Quy chế này là các quy chế chuyên biệt theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, không bao gồm các hoạt động kiểm tra chuyên đề của các ngành, lĩnh vực liên quan như: an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, hợp chuẩn, hợp quy,...

4. Hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột phải dựa trên Kế hoạch kiểm soát. Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ theo đúng Kế hoạch kiểm soát đã được phê duyệt.

5. Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý và Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành xây dựng và thống nhất Kế hoạch kiểm soát trên cơ sở các yêu cầu của Quy chế này, Kế hoạch kiểm soát sẽ được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý phê duyệt hàng năm.

6. Nhân sự và kinh phí của hoạt động kiểm soát thực hiện theo điểm b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Quy chế này.

Điều 13. Nguyên tắc về kiểm soát chỉ dẫn địa lý

Kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột dựa trên các nguyên tắc sau:

1. Nguyên tắc đồng thuận: Kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý dựa trên sự đồng thuận của Sở Khoa học và Công nghệ và Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột trên cơ sở tuân thủ hồ sơ đăng ký bảo hộ, phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại của tổ chức, cá nhân, đồng thời phải đảm bảo duy trì đặc tính đặc thù của sản phẩm.

2. Nguyên tắc công khai minh bạch: Tất cả các hoạt động kiểm soát phải được thực hiện công khai, đúng quy trình được quy định; kết quả kiểm tra phải được công khai, minh bạch.

3. Nguyên tắc khả thi: Tổ chức các hoạt động kiểm soát phù hợp với điều kiện sản xuất, chế biến của tổ chức, cá nhân. Chấp nhận những điểm sai khác thực hành sản xuất, hồ sơ ghi chép nhưng không làm sai lệch chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.

4. Nguyên tắc độc lập: Các hoạt động kiểm soát do tổ chức, cá nhân tự kiểm soát, hệ thống kiểm soát của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và hoạt động kiểm soát của Sở Khoa học và Công nghệ phải độc lập về tổ chức nhân sự, kinh phí triển khai thực hiện.

Điều 14. Hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý

1. Cơ cấu tổ chức hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức thành ba cấp độ, cụ thể là:

a) Tự kiểm soát (Kiểm soát của tổ chức, cá nhân sử dụng): là hoạt động tự kiểm soát, giám sát, theo dõi về hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột theo quy chế kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nhằm đảm bảo điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bắt buộc phải tổ chức tự kiểm soát, bao gồm những yêu cầu chính:

- Tổ chức quản lý vườn cây cà phê theo ô thửa, tiến hành ghi chép, kiểm soát sự tuân thủ theo các điều kiện trong sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm cuối cùng;

- Kiểm soát sự tuân thủ theo các điều kiện sản xuất, chế biến.

- Kiểm soát việc sử dụng dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý trên nhãn hàng hóa theo đúng quy chế.

- Kiểm soát đặc trưng chất lượng sản phẩm.

b) Kiểm soát nội bộ (Kiểm soát của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột): là hệ thống quy chế các nội dung kiểm soát của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột nhằm đảm bảo uy tín, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm của các thành viên được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

- Căn cứ vào quy chế kiểm soát, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hoạt động kiểm soát theo quy chế;

- Kinh phí cho hoạt động kiểm soát nội bộ do Hiệp hội tự chịu trách nhiệm trên cơ sở thống nhất việc thu kinh phí kiểm soát của các thành viên; từ dịch vụ kiểm soát cho các tổ chức, cá nhân bên ngoài và kinh phí Nhà nước cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Quy chế này.

  c) Kiểm soát bên ngoài (Kiểm soát của Sở Khoa học và Công nghệ): Tùy vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý có thể mời đơn vị thứ 3 kiểm soát hoặc mời các chuyên gia đánh giá theo từng lĩnh vực nhằm kiểm soát, giám sát và quản lý các hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng.

2. Yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát cà phê Buôn Ma Thuột

a) Yêu cầu độc lập: Hoạt động kiểm soát được thực hiện dựa vào kế hoạch kiểm soát của cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý.

b) Đối với đơn vị thứ 3 được mời thực hiện kiểm soát phải có chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực được mời thực hiện (Phụ lục IV kèm theo Quy chế này).

c) Đối với các chuyên gia được mời đánh giá theo từng lĩnh vực phải có Sơ yếu lý lịch theo từng lĩnh vực giám sát, kiểm tra, đánh giá và đủ điều kiện thực hiện các hoạt động kiểm soát theo yêu cầu (Phụ lục V kèm theo Quy chế này).

Điều 15. Nội dung và phương pháp kiểm soát

1. Nội dung của Kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý

a) Yêu cầu về yếu tố kiểm soát chỉ dẫn địa lý

- Yếu tố bắt buộc trong kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý bao gồm các yêu cầu liên quan đến giống, vùng sản xuất, quy trình kỹ thuật, nguyên liệu chế biến, chất lượng sản phẩm và sử dụng nhãn hàng hóa, logo, dấu hiệu được quy định cụ thể trong Phụ lục III kèm theo Quy chế này.

- Kế hoạch kiểm soát phải chi tiết về phân cấp kiểm soát, ai kiểm soát yếu tố nào và tần suất kiểm soát ở mỗi mức độ kiểm soát.

b) Tài liệu sử dụng trong kiểm soát chỉ dẫn địa lý

- Tài liệu kiểm soát về kỹ thuật:

+ Sổ nhật ký sản xuất, chế biến chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột: là sổ ghi chép tất cả các nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân về giống, vị trí khu vực sản xuất, hoạt động chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, đóng gói và sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý;

+ Sổ nhật ký sẽ do tổ chức, cá nhân sử dụng ghi chép và theo dõi theo từng vườn, lô chế biến, cũng là tài liệu để Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý tiến hành kiểm tra và đánh giá. Nội dung sổ nhật ký sản xuất sẽ được quy định trong kế hoạch kiểm soát;

+ Tổ chức, cá nhân có thể lồng ghép sổ nhật ký vào các hồ sơ theo dõi quy trình sản xuất, chế biến có sẵn như: hồ sơ theo dõi VietGap, 4C, UTz,…

- Tài liệu kiểm soát về chất lượng:

+ Kiểm soát các chỉ tiêu lý, hóa: là phiếu kết quả phân tích chỉ tiêu lý, hóa của sản phẩm tại các cơ quan được nhà nước trao giấy phép hoặc các cơ sở phân tích được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý chỉ định khi phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý có sai phạm;

+ Kiểm soát chất lượng nước pha: chuyên gia đánh giá chất lượng, được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý mời để đánh giá chất lượng sản phẩm khi cần thiết. Yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên gia, nguyên tắc tổ chức và hình thức đánh giá sẽ được quy định cụ thể trong quy chế kiểm soát.

2. Phương pháp kiểm tra, đánh giá trong kiểm soát chỉ dẫn địa lý

a) Hoạt động kiểm soát về quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, chất lượng cảm quan, sử dụng mã số sản phẩm, nhãn hàng hóa được thực hiện thông qua hình thức nhật ký ghi chép và quan sát thực tế.

b) Trong trường hợp cần thiết, khi có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại thì hoạt động kiểm tra, đánh giá các yếu tố về chất lượng sẽ dùng phương pháp đánh giá chuyên gia (đối với chỉ tiêu chất lượng cảm quan), phân tích chỉ tiêu lý hóa (đối với chỉ tiêu chất lượng lý, hóa).

 

Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột trên địa bàn thực hiện Quy chế này.

2. Thường xuyên cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở; quản lý và tổ chức cung cấp thông tin về chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nhằm minh bạch hóa thông tin và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, uy tín của chỉ dẫn địa lý.

3. Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

4. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ có đủ trình độ, năng lực tham gia công tác quản lý chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

5. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột và tổ chức thực hiện các chính sách này.

6. Chủ trì tổ chức quản lý về các hoạt động trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

7. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột xây dựng, ban hành quy chế kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

8. Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, các cơ quan có liên quan xây dựng, sửa đổi và ban hành kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột hàng năm.

9. Tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột theo Kế hoạch kiểm soát đã được phê duyệt.

10. Quyết định các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Quy chế này và theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

11. Có trách nhiệm bảo mật số liệu, tài liệu theo quy định của Nhà nước. Chỉ được cung cấp số liệu, tài liệu cho những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản hoặc được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

12. Khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền, bảo vệ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột không bị lạm dụng và sử dụng trái phép trên thị trường.

Điều 17. Trách nhiệm của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột

1. Quyền của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột

a) Tổ chức bộ máy, quy định và tổ chức triển khai về hoạt động kiểm soát nội bộ đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

b) Khiếu nại đối với Sở Khoa học và Công nghệ hoặc các cơ quan chức năng về những hành vi vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý và kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm này.

c) Đề xuất chính sách phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

d) Được thu kinh phí kiểm soát nội bộ trên cơ sở đồng thuận của các thành viên trong Hiệp hội, hoặc theo thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ kiểm soát nội bộ của Hiệp hội.

2. Nghĩa vụ của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột

a) Chủ trì tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các thành viên trong Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột việc tuân thủ các quy định về sử dụng chỉ dẫn địa lý và triển khai các hoạt động nâng cao giá trị của chỉ dẫn địa lý.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để quảng bá, giới thiệu nhằm phát triển thị trường chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

c) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành quy chế kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

d) Chủ trì, xây dựng Kế hoạch kiểm soát nội bộ để thống nhất và đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào Kế hoạch kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột hàng năm.

đ) Định kỳ báo cáo hàng năm về hoạt động quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho Sở Khoa học và Công nghệ.

Điều 18. Trách nhiệm của các đơn vị liên quan khác

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột quản lý khu vực sản xuất sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ; cử cán bộ tham gia hoạt động kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ.

b) Nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp thuộc lĩnh vực Sở quản lý nhằm quản lý sản xuất (quy hoạch, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), nâng cao chất lượng,… nhằm duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

2. Sở Công thương

a) Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu, thương mại sản phẩm chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và quốc tế.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Quản lý vùng sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê Buôn Ma Thuột đảm bảo các quy định trong sản xuất, chế biến, sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột theo các nội dung trong Quy chế này.

b) Phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động sử dụng, xử lý vi phạm đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường.

Điều 19. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý

Tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi cũng như nghĩa vụ liên quan đến chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

1. Quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý

a) Gắn dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý trên bao bì cho loại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do mình sản xuất, chế biến, kinh doanh.

b) Được sử dụng chỉ dẫn địa lý kèm theo với nhãn hiệu riêng (nếu có).

c) Khai thác, sử dụng và thụ hưởng các lợi ích phát sinh từ chỉ dẫn địa lý.

d) Được tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển chỉ dẫn địa lý trên các phương tiện truyền thông.

đ) Kiến nghị, khiếu nại hành vi vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi.

2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý

a) Phải sử dụng đúng và chính xác dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 9 Quy chế này.

b) Chỉ sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho các loại sản phẩm cà phê  được quy định tại văn bản trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

c) Thực hiện đầy đủ các quy định nghĩa vụ của Quy chế này và các quy định khác có liên quan nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý.

d) Không được thực hiện mọi hành vi sử dụng, hình thức sử dụng có hoặc không có chỉ dẫn địa lý làm sai lệch nhận thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của chỉ dẫn địa lý. Mọi hình thức đưa thông tin sai lệch về chỉ dẫn địa lý hoặc lạm dụng chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

đ) Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hồ sơ, tài liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho các cơ quan kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

e) Tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý không còn nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý có trách nhiệm cùng với cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý để ký văn bản thanh lý hợp đồng quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

g) Hàng năm báo cáo tình hình sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đến Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý theo Quy chế này.

h) Đóng góp kinh phí về sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều lệ Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Điều 20. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Khen thưởng

a) Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý, gây suy thoái môi trường, điều kiện tự nhiên khu vực chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

b) Sở Khoa học và Công nghệ sẽ khen thưởng hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Hành vi vi phạm về chỉ dẫn địa lý

Hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là một trong những hành vi sau:

a) Không tuân thủ quy trình kỹ thuật quy định tại Chương II Quy chế này;

b) Sản phẩm của tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện bảo hộ;

c) Sản phẩm không tuân thủ các quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lý;

d) Sử dụng các dấu hiệu, logo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột không đúng Quy chế này;

đ) Tổ chức, cá nhân được trao quyền không sử dụng chỉ dẫn địa lý liên tục từ 02 năm trở lên;

e) Chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân khác;

g) Tổ chức có tư cách pháp nhân bị giải thể hoặc phá sản;

h) Tổ chức, cá nhân tự nguyện chấm dứt việc sử dụng chỉ dẫn địa lý;

i) Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi nghiêm trọng khác có liên quan.

3. Xử lý vi phạm

a) Hình thức xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý bao gồm: nhắc nhở, tạm dừng, thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.

b) Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đưa ra các hình thức xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Kinh phí cho hoạt động quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý

1. Kinh phí phục vụ hoạt động quản lý và tổ chức kiểm soát chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được bố trí từ ngân sách tỉnh theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này.

2. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí cho hoạt động quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 22. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân đã được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn hiệu lực của văn bản.

2. Tổ chức, cá nhân đã đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nhưng đến ngày Quyết định này có hiệu lực vẫn chưa được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột phải thực hiện theo quy định tại Quy chế này.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.