• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 12/12/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 18/2006/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 10 tháng 2 năm 2006

 

NGHỊ ĐỊNH

Về xử lý tài sản chìm đắm ở biển

_____________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cụ thể về xử lý tài sản chìm đắm, bao gồm xác định chủ tài sản chìm đắm, trục vớt tài sản chìm đắm, bảo quản, giao nhận tài sản chìm đắm ở nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam hoặc trôi nổi trên biển hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến xử lý tài sản chìm đắm.

Chương II

XỬ LÝ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM

Mục 1

 XÁC ĐỊNH CHỦ TÀI SẢN CHÌM ĐẮM

Điều 3. Thông báo tài sản chìm đắm

1. Chủ tài sản chìm đắm, người ngẫu nhiên trục vớt được tài sản chìm đắm, người tìm thấy, cứu hoặc tham gia cứu được tài sản của người khác đang trôi nổi trên biển, dạt vào bờ biển phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm.

Chậm nhất 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trường hợp tài sản chìm đắm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải báo cho cơ quan hải quan nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật về hải quan.

2. Trường hợp tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự thì chủ tài sản chìm đắm, người ngẫu nhiên trục vớt được tài sản chìm đắm, người tìm thấy, cứu hoặc tham gia cứu được tài sản của người khác đang trôi nổi trên biển, dạt vào bờ biển phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự địa phương nơi gần nhất biết. Cơ quan quân sự địa phương trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo có trách nhiệm báo cáo cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp.

3. Chủ tài sản chìm đắm là chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu bị chìm đắm.

Điều 4. Thông báo tìm chủ tài sản chìm đắm

1. Trường hợp tài sản chìm đắm có giấy tờ, tài liệu hoặc ký, mã hiệu có thể xác định được tên và địa chỉ chủ tài sản chìm đắm thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo, Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện thông báo cho chủ tài sản chìm đắm theo địa chỉ đó.

2. Trường hợp tài sản chìm đắm chưa xác định được chủ tài sản thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày nhận được thông báo có tài sản chìm đắm, Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thông báo 03 (ba) lần liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương hoặc địa phương để tìm chủ tài sản chìm đắm.

3. Sau 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày thông báo lần cuối theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, chủ tài sản chìm đắm hoặc người đại diện hợp pháp phải liên lạc với cơ quan thông báo để làm thủ tục nhận lại tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ trục vớt tài sản.

4. Trường hợp chủ tài sản chìm đắm hoặc người đại diện hợp pháp không thông báo hoặc không trục vớt tài sản chìm đắm trong thời hạn theo quy định thì tài sản đó sẽ thuộc sở hữu của Nhà nước và được xử lý theo quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 5. Nội dung thông báo tìm chủ tài sản chìm đắm

Thông báo tìm chủ tài sản chìm đắm phải có các nội dung chính sau đây:

1. Mô tả đặc điểm của tài sản;

2. Thời gian, địa điểm phát hiện hoặc tìm thấy, trục vớt được tài sản;

3. Thời hạn, địa chỉ mà chủ tài sản chìm đắm hoặc người đại diện hợp pháp phải đến làm thủ tục nhận lại tài sản hoặc thực hiện nghĩa vụ trục vớt tài sản;

4. Tên, địa chỉ của cơ quan thông báo.

Điều 6. Chi phí cho việc tìm chủ tài sản chìm đắm

Chi phí cho việc tìm chủ tài sản chìm đắm được tính vào chi phí xử lý tài sản chìm đắm.

Điều 7. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm ở biển khi không xác định được chủ sở hữu

Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản chìm đắm ở biển khi không xác định được chủ sở hữu thực hiện theo quy định tại Điều 187, Điều 240 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Mục 2

 TRỤC VỚT TÀI SẢN CHÌM ĐẮM

Điều 8. Trục vớt tài sản chìm đắm

1. Trục vớt tài sản chìm đắm là việc làm nổi hoặc di dời, phá huỷ tài sản chìm đắm.

2. Chủ tài sản chìm đắm hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 của Nghị định này tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm.

Điều 9. Xây dựng, phê duyệt phương án và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm

1. Đối với tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, chủ tài sản chìm đắm phải xây dựng ngay phương án trục vớt, báo cáo Cảng vụ hàng hải và tổ chức trục vớt tài sản sau khi được Cảng vụ hàng hải chấp thuận. Trường hợp tài sản chìm đắm chưa xác định được chủ tài sản, Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm xây dựng phương án trục vớt trình Cục Hàng hải Việt Nam và tổ chức trục vớt tài sản sau khi được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt. Trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải là di sản văn hoá dưới nước hoặc liên quan đến quốc phòng, an ninh thì trước khi phê duyệt, phương án trục vớt phải có ý kiến của Bộ Văn hoá - Thông tin hoặc Bộ Quốc phòng.

2. Đối với tài sản chìm đắm là di sản văn hoá dưới nước thì việc trục vớt thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

3. Đối với tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng, an ninh và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự, cơ quan quân sự địa phương xây dựng phương án trình Bộ Quốc phòng phê duyệt, quyết định việc tổ chức trục vớt.

4. Đối với tài sản chìm đắm không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng phương án, phê duyệt và quyết định trục vớt.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này trong việc tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm.

Điều 10. Nội dung phương án trục vớt tài sản chìm đắm

Phương án trục vớt tài sản chìm đắm bao gồm những nội dung chính sau đây:

1. Tên và vị trí tài sản chìm đắm;

2. Cơ quan, đơn vị tiến hành;

3. Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc;

4. Phương tiện và biện pháp trục vớt;

5. Biện pháp bảo đảm an toàn hàng hải;

6. Biện pháp bảo quản tài sản;

7. Biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường;

8. Biện pháp phòng, chống cháy nổ (nếu cần);

9. Dự trù kinh phí trục vớt.

Điều 11. Quyền trục vớt tài sản chìm đắm

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam được quyền ưu tiên trong việc trục vớt tài sản chìm đắm tại nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam.

2. Trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam không đủ năng lực trục vớt thì căn cứ vào loại tài sản chìm đắm quy định tại Điều 9 của Nghị định này, Bộ trưởng các Bộ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan quyết định việc cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện việc trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định của Nghị định này và quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 12. Chi phí trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải

Trong trường hợp tài sản chìm đắm gây nguy hiểm cho hoạt động hàng hải, sau khi trục vớt và bán đấu giá tài sản, nếu số tiền thu được không đủ bù đắp chi phí và chủ sở hữu không có khả năng chi trả hoặc không xác định được chủ sở hữu tài sản chìm đắm thì số tiền còn thiếu được sử dụng từ phí bảo đảm hàng hải để bù đắp chi phí thiếu hụt đó; nếu chi phí trục vớt tài sản chìm đắm vượt quá khả năng chi trả của nguồn thu phí bảo đảm hàng hải thì sẽ được ngân sách nhà nước cấp bổ sung.

Mục 3

BẢO QUẢN, GIAO NHẬN TÀI SẢN CHÌM ĐẮM

Điều 13. Bảo quản tài sản chìm đắm

1. Chủ tài sản chìm đắm có trách nhiệm bảo quản tài sản của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Người ngẫu nhiên trục vớt được tài sản, người tìm thấy, cứu hoặc tham gia cứu được tài sản của người khác đang trôi nổi trên biển hoặc dạt vào bờ biển Việt Nam có trách nhiệm bảo quản các tài sản đó cho đến khi giao lại cho Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.

Cảng vụ hàng hải hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện có trách nhiệm chỉ định tổ chức, cá nhân bảo quản tài sản.

3. Trường hợp tài sản chìm đắm là di sản văn hoá dưới nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

4. Trường hợp tài sản chìm đắm liên quan đến quốc phòng, an ninh và tài sản chìm đắm trong khu vực quân sự thì cơ quan quân sự liên quan chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản.

Điều 14. Giao nhận tài sản chìm đắm

1. Việc giao nhận tài sản chìm đắm giữa các tổ chức, cá nhân phải được ghi nhận bằng biên bản.

2. Biên bản giao nhận tài sản chìm đắm bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân giao tài sản;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhận tài sản;

c) Thời gian, địa điểm phát hiện hoặc trục vớt tài sản;

d) Đặc điểm tài sản và các thông tin có liên quan cần thiết khác.

3. Biên bản giao nhận tài sản chìm đắm phải được đại diện hợp pháp của bên giao và bên nhận ký xác nhận, mỗi bên giữ một bản và gửi cơ quan có liên quan. 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 39/1998/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 1998 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng các Bộ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.