NGHỊ QUYẾT
Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND
ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung
chi và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí
khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
_____________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ CHÍN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
Căn cứ Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Thông tư số 84/2021/TT-BTC, ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 75/2019/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
Xét Tờ trình số 169/TTr-UBND ngày 21tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Báo cáo thẩm tra số 208/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ chín.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị quyết số 19/2020/NQ- HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 2 Điều 4 như sau:
“a) Đối tượng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học (không bao gồm tài liệu tham khảo); Đối với chỗ ở cho học viên, đơn vị tổ chức đào tạo bố trí chỗ ở cho các học viên thì đơn vị được hỗ trợ chi phí dịch vụ, gồm chi phí điện, nước, chi phí khác (nếu có); trường hợp thuê chỗ ở cho học viên được hỗ trợ 100% chi phí thuê chỗ ở nhưng tối đa không quá 450.000 đồng/người/ngày đối với các lớp học tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, không quá 350.000 đồng/người/ngày đối với các lớp học tổ chức tại thị xã thuộc tỉnh, 300.000 đồng/người/ngày đối với các vùng còn lại.
b) Đối tượng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nông nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu học (không bao gồm tài liệu tham khảo), chi hỗ trợ tiền ăn thực hiện theo Khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND ngày 11 tháng 10 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Người học cư trú xa nơi tổ chức học từ 15 km trở lên: Được hỗ trợ 100% chi phí thuê chỗ ở theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này.
Hỗ trợ tiền đi lại theo giá giao thông công cộng, những nơi không có giao thông công cộng hỗ trợ tiền xăng xe (tự túc phương tiện xe máy) 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách địa giới hành chính và giá xăng tại thời điểm với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, buôn thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:
“1. Nội dung hỗ trợ
a) Xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất và định hướng phát triển của ngành.
b) Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tiêu chuẩn mô hình ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phù hợp với quy định của Luật Công nghệ cao.
c) Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt, mô hình sản xuất có chứng nhận, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
d) Mô hình tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh tổng hợp nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững. Mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, dịch hại, bảo vệ môi trường.
đ) Mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững cho các đối tượng yếu thế ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn.
e) Tuyên truyền, giới thiệu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ
các mô hình trình diễn điển hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng.
g) Các mô hình khác theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của ngành, địa phương.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 như sau:
“c) Chi tập huấn kỹ thuật, sơ kết, tổng kết; Chi thông tin tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập nhân rộng mô hình:
Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 30/2017/NQ-HĐND; tại khoản 1; điểm c, điểm d khoản 2; khoản 4 Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND; tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và bổ sung khoản 5 Điều 9 như sau:
“4. Quản lý nhiệm vụ khuyến nông
a) Cơ quan quản lý khuyến nông được trích tối đa 3% nguồn kinh phí khuyến nông được cấp có thẩm quyền giao dự toán trong năm để phục vụ công tác quản lý khuyến nông, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nội dung và kinh phí trước khi thực hiện. Một số nội dung chi được quy định như sau:
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển khuyến nông, định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông; xây dựng, khảo sát đánh giá, kiểm tra giám sát, nghiệm thu, quyết toán, tổng kết, báo cáo và quản lý các chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông, gồm: Chi thuê chuyên gia, lao động (nếu có); chi làm thêm giờ theo chế độ quy định; văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước; chi công tác phí, xăng dầu, thuê phương tiện, vé máy bay và chi khác (nếu có) theo định mức, chế độ tài chính hiện hành;
Chi hội đồng tư vấn, thẩm định, xác định, đánh giá, nghiệm thu chương trình, dự án, nhiệm vụ khuyến nông. Các đơn vị căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ để quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thành các yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn, nội dung công việc và các mức chi cụ thể theo công lao động cho các thành viên tham gia hội đồng.
b) Tổ chức chủ trì và đơn vị triển khai thực hiện dự án, nhiệm vụ khuyến nông được trích tối đa 5% nguồn kinh phí khuyến nông được cấp có thẩm quyền giao dự toán trong năm để chi cho công tác tổ chức thực hiện, quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và chi khác. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành.
5. Các khoản chi khác phục vụ hoạt động khuyến nông theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền."
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa IX, Kỳ họp thứ Mười một thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Những quy định trước đây trái với Nghị quyết này đều được bãi bỏ.”
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa X, Kỳ họp thứ Chín thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 12 năm 2024./.
Nơi nhận:
Như Điều 2;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Chính phủ;
Ban Công tác đại biểu;
Bộ Tài chính; Bộ NN và PTNT;
Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
Vụ pháp chế - Bộ Tài chính;
Vụ pháp chế - Bộ NN và PTNT;
Thường trực Tỉnh ủy;
Đoàn ĐBQH tỉnh;
Ủy ban MTTQVN tỉnh;
Văn phòng: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
Văn phòng: ĐĐBQH và HĐND tỉnh;
Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh;
Thường trực HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
Báo Đắk Lắk, Đài PTTH tỉnh;
Trung tâm CN và Cổng TTĐT tỉnh;
Lưu: VT, CT HĐND.
|
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Huỳnh Thị Chiến Hòa
|