• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/01/2025
UBND TỈNH ĐẮK LẮK
Số: 62/2024/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 24 tháng 12 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”
đối với s​ản phẩm cà phê Robusta

_____________________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 78/TTr-SKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2024.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03 tháng 01 năm 2024 và thay thế Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

- Bộ KH&CN;

- Vụ Pháp chế - Bộ KH&CN;

- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;

- TT TU, TT HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;

- Đoàn ĐBQH tỉnh;

- Ủy ban MTTQVN tỉnh;

- LĐ VPUBND tỉnh;

- Sở Tư pháp;

- Như Điều 3;

- UBND các xã, phường, thị trấn trong

khu vực chỉ dẫn địa lý (do UBND các huyện, thị xã, thành phố sao gửi);

- Trung tâm Công nghệ và Cổng TTĐT tỉnh;

- Đài PT-TH tỉnh, Báo Đắk Lắk;

- Các Phòng: TH, NC, NNMT, KT;

- Lưu: VT, KGVX (HTN-30b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

(Đã ký)

 

 

Phạm Ngọc Nghị

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK

___________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________
 

 

QUY CHẾ
Quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta

(Kèm theo Quyết định số 62/2024/QĐ-UBND

ngày 24  tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)

 

C​hương I
QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi ​điều chỉnh

Quy chế này quy định về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; việc ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; cơ chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý chỉ dẫn địa lý; kinh phí cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý; biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đối với sản phẩm cà phê Robusta của tỉnh Đắk Lắk đã được Nhà nước bảo hộ (sau đây gọi là chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”).

Điều 2. Đối tượn​g áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” và các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến sử dụng, kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”: là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý cà phê Robusta của tỉnh Đắk Lắk, bao gồm các xã, phường, thị trấn tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

2. Sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”: là quyền được thực hiện các hành vi gắn chỉ dẫn địa lý được bảo hộ lên cà phê, bao bì cà phê, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông, chào bán, quảng cáo nhằm để bán, tàng trữ để bán cà phê có mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được bảo hộ.

3. Ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”: là hoạt động ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” của các tổ chức, cá nhân bằng văn bản do Sở Khoa học và Công nghệ ban hành, trong đó ghi nhận các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ, chủng loại, số lượng sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

 

Chương II
SẢN PHẨM MANG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BUÔN MA THUỘT”

 

Điều 4. Ch​ủng loại sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

Chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được sử dụng cho các sản phẩm cà phê Robusta, bao gồm:

1. Cà phê nhân.

2. Cà phê hạt rang.

3. Cà phê bột.

4. Cà phê hòa tan nguyên chất.

Điều 5. ​Tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột

1. Cà phê nhân

a) Chỉ tiêu cảm quan

- Màu sắc: xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt.

- Kích thước hạt: Dài từ 10 - 11 mm, rộng từ 6 - 7 mm và dày từ 3 - 4 mm.

b) Chỉ tiêu hóa học

Hàm lượng Cafein (%): 2,0 - 2,2.

2. Cà phê hạt rang, cà phê bột

a) Chỉ tiêu cảm quan

- Màu sắc: Nâu.

- Hậu vị: Ngọt thanh, không chát.

b) Chỉ tiêu hóa học

- Hàm lượng Cafein (%): 2,02 - 2,47.

- Hàm lượng đường tổng số (%): 1,16 - 3,28.

3. Cà phê hòa tan nguyên chất

a) Chỉ tiêu cảm quan

Màu sắc: Nâu.

b) Chỉ tiêu hóa học

Hàm lượng Cafein (%): 2,02 - 3,60.

Điều 6. Quy địn​h về trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Giống: Giống cà phê Robusta.

2. Tạo hình cắt cành: Tạo hình cắt cành 2 lần trong năm để cây cà phê phải ở dưới tán cây chắn gió và cây che bóng:

a) Lần 1: từ tháng 10 đến cuối tháng 01 năm sau (sau khi thu hoạch).

b) Lần 2: Từ tháng 7 đến tháng 8 (giữa mùa mưa).

3. Trồng cây chắn gió và cây che bóng

a) Trồng 2 hàng cây chắn gió xung quanh vườn cà phê theo kiểu nanh sấu (so le nhau). Giữa hai hàng cây chắn gió là lối đi của vườn cà phê;

b) Trồng cây che bóng cho cây cà phê với số lượng cây che bóng phải đạt ít nhất 20% tổng diện tích vườn cây cà phê.

4. Bón phân

a) Phân vô cơ: 4 lần vào các đợt tháng 02 - 3; tháng 5 - 6; tháng 7 - 8 và tháng 9 - 10.

b) Phân hữu cơ: 1 lần vào tháng 5 - 6.

5. Tưới nước cho cây

a) Đối với cây cà phê dưới 3 năm tuổi: Từ 20 - 25 ngày tưới 1 lần, mỗi lần khoảng từ 300 - 350 lít/cây vào mùa khô.

b) Đối với cà phê đã cho thu hoạch: Từ 20 - 25 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới trung bình khoảng từ 500 - 550 lít/cây vào mùa khô.

6. Thu hoạch

a) Thời gian: từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch.

b) Thu hoạch: Thu hoạch làm nhiều đợt để chọn quả cà phê có phần vỏ chín không nhỏ hơn 2/3 diện tích mặt quả. Tỷ lệ quả chín/mẻ chế biến từ 80%.

c) Vận chuyển, bảo quản quả tươi: Quả cà phê sau khi thu hoạch phải được chuyên chở kịp thời về cơ sở chế biến, không được để quá 24 giờ. Trường hợp không vận chuyển hay chế biến kịp, quả cà phê phải được để trên nền khô ráo, thoáng mát và không được đổ đống dày quá 40 cm.

Điều 7. Quy đ​ịnh sơ chế, đóng gói và bảo quản cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Phơi/sấy nguyên liệu: Quả cà phê (đối với phương pháp chế biến khô)/hạt cà phê nhân (đối với phương pháp chế biến ướt, phương pháp chế biến nửa ướt) được phơi trong thời tiết nắng nhẹ, trời lâm râm, không mưa, nhiệt độ không khí dưới 35°C và hoặc sấy ở nhiệt độ nhỏ hơn 75°C cho đến khi đạt độ ẩm khoảng từ 12 - 12,5%. Trong khi phơi, tiến hành đảo 2-3 giờ/lần. Dùng máy xát để loại bỏ vỏ quả cà phê sau khi phơi/sấy và tiến hành thu hạt cà phê nhân.

2. Bảo quản: Hạt cà phê nhân được đóng bao, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Điều 8. Kỹ thuật ch​ế biến, đóng gói và bảo quản cà phê chế biến mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Cà phê hạt rang: Hạt cà phê nhân được cho vào máy rang và rang ở nhiệt độ từ 195°C - 225°C. Sản phẩm được đóng túi, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

2. Cà phê bột: Cà phê hạt rang được cho vào máy xay thành cà phê bột. Sản phẩm được đóng túi, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

3. Cà phê hòa tan nguyên chất: Cà phê bột được cho vào máy trích ly, cô đặc và sấy thành cà phê hòa tan nguyên chất. Sản phấm được đóng túi, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Điều 9. Quy ​định về việc ghi nhãn hàng hóa sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Các tổ chức, cá nhân được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được phép sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đồng thời với dấu hiệu riêng của tổ chức, cá nhân.

2. Dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được sử dụng như sau:

a) Dấu hiệu phải được đặt ở mặt trước nhãn hàng hóa của sản phẩm có kích thước không nhỏ hơn kích thước dấu hiệu riêng của tổ chức, cá nhân sử dụng.

b) Đối với cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất việc gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” lên bao bì sản phẩm được phép khi đáp ứng tối thiểu 70% nguồn nguyên liệu từ cà phê có chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”, nguồn nguyên liệu cà phê còn lại phải có khả năng truy xuất về nguồn gốc.

3. Tuân thủ các quy định về ghi nhãn hàng hóa theo các quy định pháp luật hiện hành.

Điều 10. Điều ki​ện để sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

Sản phẩm cà phê được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Sản phẩm cà phê đáp ứng các yêu cầu về đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 5 Quy chế này.

2. Sản phẩm cà phê được sản xuất, chế biến bởi các tổ chức, cá nhân đã được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

3. Quả cà phê tươi dùng chế biến cà phê nhân phải được sản xuất trong phạm vi các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực địa lý được bảo hộ tại Phụ lục I kèm theo Quy chế này.

4. Cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất phải được chế biến từ cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

5. Sản phẩm cà phê phải được sơ chế, chế biến, đóng gói tại các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

6. Sản phẩm cà phê được kiểm tra, kiểm soát theo Quy chế trong quá trình sản xuất, chế biến và có khả năng truy xuất về nguồn gốc.

 

Chương III
GHI NHẬN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ BUÔN MA THUỘT

 

Điều 11. Yêu cầu ghi nhận sử dụ​ng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

Tổ chức, cá nhân trước khi sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” gửi thông báo yêu cầu ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” về Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định tại điểm a2.a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Điều 12. Ghi ​nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Sở Khoa học và Công nghệ là tổ chức ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Sở Khoa học và Công nghệ xem xét thông báo, kiểm tra và đánh giá tính xác thực của tài liệu, bao gồm cả việc tuân thủ bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (nếu cần thiết). Nếu thông báo đáp ứng quy định tại Điều 11 Quy chế này thì ghi nhận thông tin tổ chức, cá nhân vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

3. Sở Khoa học và Công nghệ lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” trên Cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ và phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào.

 

Chương IV
KIỂM TRA, KIỂM SOÁT VIỆC SỬ DỤNG
CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BUÔN MA THUỘT”

 

Điều 13. Quy định chung về kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”: là hoạt động về kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” của các tổ chức, cá nhân được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trong Quy chế này là các quy chế chuyên biệt theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, không bao gồm các hoạt động kiểm tra chuyên đề của các ngành, lĩnh vực liên quan như: an toàn thực phẩm, quản lý thị trường, hợp chuẩn, hợp quy,...

3. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải dựa trên Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”. Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ theo đúng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đã được ban hành.

4. Nguyên tắc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

a) Nguyên tắc đồng thuận: Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát dựa trên sự đồng thuận của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”, trên cơ sở tuân thủ hồ sơ đăng ký bảo hộ, phù hợp với đặc điểm tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại của tổ chức, cá nhân, đồng thời phải đảm bảo duy trì đặc tính đặc thù của sản phẩm.

b) Nguyên tắc công khai minh bạch: Tất cả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện công khai, đúng quy trình được quy định; kết quả kiểm tra, kiểm soát phải được công khai, minh bạch.

c) Nguyên tắc khả thi: Tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phù hợp với điều kiện sản xuất, chế biến của tổ chức, cá nhân. Chấp nhận những điểm sai khác thực hành sản xuất, hồ sơ ghi chép nhưng không làm sai lệch chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.

d) Nguyên tắc độc lập: Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát do tổ chức, cá nhân tự kiểm soát; kiểm tra, kiểm soát của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phải độc lập về tổ chức nhân sự, kinh phí triển khai thực hiện.

Điều 14. Nội dung kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

Nội dung kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được quy định cụ thể trong Phụ lục II kèm theo Quy chế này, bao gồm:

1. Kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ các quy định về về sản xuất, chế biến.

2. Kiểm tra, đánh giá về chất lượng sản phẩm cuối cùng mang chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại.

3. Kiểm tra, đánh giá việc sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý.

4. Kiểm tra, đánh giá về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và các nội dung khác có liên quan.

Điều 15. Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

            Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột là cơ quan ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”, nội dung của Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” bao gồm:

1. Yếu tố bắt buộc trong Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý bao gồm các yêu cầu liên quan đến giống, vùng sản xuất, quy trình kỹ thuật, nguyên liệu chế biến, chất lượng sản phẩm và sử dụng nhãn hàng hóa, dấu hiệu được quy định theo Điều 14 Quy chế này.

2. Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát phải chi tiết về phân công kiểm soát, ai kiểm soát yếu tố nào và tần suất kiểm soát ở mỗi mức độ kiểm soát.

Điều 16. Công cụ, phương pháp kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Công cụ sử dụng trong kiểm tra, kiểm soát

a) Tài liệu kiểm tra, kiểm soát về kỹ thuật

- Sổ nhật ký sản xuất, chế biến chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”: là sổ ghi chép tất cả các nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân về giống, vị trí khu vực sản xuất, hoạt động chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến, đóng gói và sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý.

- Sổ nhật ký sẽ do tổ chức, cá nhân sử dụng ghi chép và theo dõi theo từng vườn, lô chế biến, cũng là tài liệu để Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành kiểm tra và đánh giá.

- Tổ chức, cá nhân có thể lồng ghép sổ nhật ký vào các hồ sơ theo dõi quy trình sản xuất, chế biến có sẵn như: hồ sơ theo dõi VietGap, RA, Flo, ISO 22000, HACCP,…

b) Tài liệu kiểm tra, kiểm soát về chất lượng

- Đối với các chỉ tiêu lý, hóa: là phiếu kết quả phân tích chỉ tiêu lý, hóa của sản phẩm tại các tổ chức đủ điều kiện.

- Đối với chất lượng nước pha: là kết quả đánh giá chất lượng nước pha của chuyên gia có bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hoạt động đánh giá sản phẩm phù hợp.

2. Phương pháp kiểm tra, kiểm soát

a) Hoạt động kiểm tra, kiểm soát về quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến, chất lượng cảm quan, sử dụng dấu hiệu, nhãn hàng hóa được thực hiện thông qua hình thức nhật ký ghi chép và quan sát thực tế.

b) Phương pháp chuyên gia được áp dụng đối với chỉ tiêu chất lượng cảm quan, phương pháp phân tích chỉ tiêu lý, hóa được áp dụng đối với chỉ tiêu chất lượng lý, hóa.

Điều 17. Hệ thống kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

Cơ cấu tổ chức hệ thống kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được tổ chức thành hai cấp độ, cụ thể là:

1. Tự kiểm tra, kiểm soát (Kiểm tra, kiểm soát của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý): là hoạt động tự kiểm tra, đánh giá về hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ban hành và các quy định theo Điều 14 Quy chế này.

2. Kiểm tra, kiểm soát (Kiểm tra, kiểm soát của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột): là hoạt động kiểm tra, đánh giá việc tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” bảo đảm sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng phù hợp với bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

 

Chương V
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BUÔN MA THUỘT”

 

Điều 18. Quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Gắn dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên bao bì cho loại sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do mình sản xuất, chế biến, kinh doanh.

2. Được sử dụng chỉ dẫn địa lý kèm với nhãn hiệu riêng (nếu có).

3. Khai thác, sử dụng và thụ hưởng các lợi ích phát sinh từ chỉ dẫn địa lý.

4. Được tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển chỉ dẫn địa lý trên các phương tiện truyền thông.

5. Kiến nghị, khiếu nại hành vi vi phạm đến cơ quan có thẩm quyền. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi.

Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Phải sử dụng đúng và chính xác dấu hiệu chỉ dẫn địa lý được quy định tại Điều 9 Quy chế này.

2. Chỉ sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho các loại sản phẩm cà phê được quy định tại văn bản ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý.

3. Thực hiện đầy đủ các quy định của Quy chế này và các quy định khác có liên quan nhằm duy trì, bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý.

4. Không được thực hiện mọi hành vi sử dụng, hình thức sử dụng có hoặc không có chỉ dẫn địa lý làm sai lệch nhận thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của chỉ dẫn địa lý. Mọi hình thức đưa thông tin sai lệch về chỉ dẫn địa lý hoặc lạm dụng chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hồ sơ, tài liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

6. Thông báo cho Sở Khoa học và Công nghệ để được ghi nhận vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý trước khi sử dụng chỉ dẫn địa lý.

7. Hằng năm báo cáo tình hình sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” về Sở Khoa học và Công nghệ theo Quy chế này.

 

Chương VI
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN TRONG QUẢN LÝ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ “BUÔN MA THUỘT”

 

Điều 20. Quyền của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Ghi nhận tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác hồ sơ, tài liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh cà phê mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

3. Quyết định biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” khi vi phạm theo quy định tại Điều 25 Quy chế này.

4. Khiếu nại, bảo vệ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột không bị lạm dụng và sử dụng trái phép trên thị trường.

Điều 21. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan dự thảo ban hành mới, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

2. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

3. Lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” trên Cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ và phải được cập nhật khi có bất kỳ sự thay đổi nào.

  4. Báo cáo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình quản lý chỉ dẫn địa lý theo định kỳ hai năm một lần.

Điều 22. Quyền của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

1. Tổ chức bộ máy, quy định và tổ chức triển khai về hoạt động kiểm tra, kiểm soát đối với chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Quyết định biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” khi vi phạm theo quy định tại Điều 25 Quy chế này.

3. Yêu cầu, đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền, bảo vệ sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” không bị lạm dụng và sử dụng trái phép trên thị trường.

Điều 23. Trách nhiệm của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

1. Đề xuất chính sách phát triển chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” trên địa bàn thực hiện Quy chế này.

3. Quảng bá, giới thiệu nhằm phát triển chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

4. Xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” và tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” theo Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

5. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ) kết quả kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” định kỳ hàng năm.

 

Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 24. Kinh phí cho hoạt động quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”

1. Kinh phí phục vụ hoạt động quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn đóng góp, nguồn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quy chế này.

3. Việc quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí cho hoạt động quản lý và tổ chức kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” theo quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 25. Biện pháp xử lý trong trường hợp vi phạm Quy chế này

1. Hình thức xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc sử dụng chỉ dẫn địa lý bao gồm: nhắc nhở, tạm dừng, xóa tên khỏi danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

2. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

a) Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý vi phạm Quy chế này, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành nhắc nhở và yêu cầu khắc phục có thời hạn.

b) Hết thời hạn yêu cầu khắc phục hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý này không tiến hành khắc phục toàn bộ hành vi vi phạm, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tạm dừng quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” của tổ chức, cá nhân này tương ứng với thời hạn mà Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho phép tổ chức, cá nhân khắc phục.

c) Hết thời hạn tạm dừng quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này mà tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý không tiến hành khắc phục toàn bộ hành vi vi phạm, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xóa tên khỏi danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột”.

3. Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành tạm dừng, xóa tên khỏi danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

4. Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xóa tên khỏi danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” thì chỉ được ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sau 24 tháng kể từ ngày bị xóa tên.

Điều 26. Quy định chuyển tiếp

1. Sở Khoa học và Công nghệ lập và công khai danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột” trên cơ sở văn bản trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” đã trao cho các tổ chức, cá nhân còn thời hạn.

2. Tổ chức, cá nhân đã đề nghị trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” nhưng đến ngày Quyết định này có hiệu lực mà vẫn chưa được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” thì phải thực hiện theo quy định tại Quy chế này.

Điều 27. Điều khoản thi hành

1. Trường hợp các văn bản viện dẫn thực hiện tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

2. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.