• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 13/04/2015
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 04/2013/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 21 tháng 2 năm 2013

THÔNG TƯ

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 9 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:

1. Đoạn 1 điểm d khoản 5 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“- Giám thị trong phòng thi:

+ Tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thí sinh trong phòng thi thực hiện đúng Quy chế, nội quy thi;

+ Nhận đề thi từ Chủ tịch Hội đồng coi thi và phát đề thi cho thí sinh tại phòng thi; ký tên vào giấy nháp và giấy làm bài của thí sinh;

+ Niêm phong và bàn giao đề thi thừa cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi uỷ quyền tại phòng thi;

+ Thu bài làm của thí sinh, kiểm tra đủ số bài, số tờ của từng bài, sắp xếp theo trình tự số báo danh, cho vào túi và nộp đầy đủ cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi uỷ quyền;

+ Lập biên bản và đề nghị xử lý kỷ luật những thí sinh vi phạm Quy chế thi.”

2. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 20. Các vật dụng được mang vào phòng thi

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có thẻ nhớ cắm thêm vào và không soạn thảo được văn bản, Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì), các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.”

3. Tên Chương V được sửa đổi, bổ sung như sau:

“CHẤM THI, CHẤM KIỂM TRA, CHẤM THẨM ĐỊNH VÀ PHÚC KHẢO”

4. Điểm b khoản 4 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi: Lãnh đạo phòng khảo thí, phòng giáo dục trung học, phòng giáo dục thường xuyên thuộc sở giáo dục và đào tạo hoặc lãnh đạo trường phổ thông. Chủ tịch Hội đồng chấm thi phân công các Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi phụ trách chấm các môn thi, chấm kiểm tra theo quy định tại Điều 25a của Quy chế này.”

5. Bổ sung Điều 25a vào sau Điều 25 như sau:

“Điều 25a. Chấm kiểm tra, chấm thẩm định

1. Chấm kiểm tra

a) Mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi.

b) Thành phần của tổ chấm kiểm tra:

- Tổ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng, nếu thấy cần thiết;

- Các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chấm kiểm tra:

- Thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi;

- Báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm;

- Trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).

2. Chấm thẩm định

a) Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận của các Hội đồng chấm thi;

b) Hội đồng chấm thẩm định chịu trách nhiệm cuối cùng và trình Bộ trưởng việc xử lý điểm chính thức của bài thi.”

6. Đoạn đầu tiên của điểm b khoản 1 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi thí nghiệm - thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông:”

7. Đoạn đầu tiên của điểm b khoản 1 Điều 34 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi thí nghiệm - thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật; viết thư quốc tế do ngành Giáo dục phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học phổ thông:”

8. Bổ sung Điều 42a vào sau Điều 42 như sau:

“Điều 42a. Xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi

1. Cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi;

b) Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 2 Điều này trong vòng 7 ngày, kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất cứ hình thức nào.

2. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố);

b) Thanh tra giáo dục các cấp.

3. Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý;

b) Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi.”

9. Đoạn đầu tiên của điểm a khoản 1 Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác thi nếu có hành vi vi phạm Quy chế thi thì tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức theo một trong các hình thức sau đây:”

10. Điểm b và điểm c khoản 2 Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:

- Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng trái với quy định tại Điều 20 của Quy chế này hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi;

- Nhận bài giải sẵn của người khác;

- Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác;

- Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc có bài thi giống nhau do chép bài của nhau.

c) Huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau:

- Hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo;

- Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi;

- Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ;

- Vi phạm các quy định tại điểm b khoản 1 Điều 42a.”

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 4 năm 2013.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Vinh Hiển

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.