• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 25/02/2013
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 62/TT-LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 23 tháng 7 năm 1993

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn việc tổ chức thu và quản lý, sử dụng tiền cước qua phà, cầu phao

________________________

 

Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 253/CP ngày 6/6/1981 cho phép ngành Giao thông vận tải tổ chức thu tiền cước qua phà, cầu phao, Liên Bộ Giao thông vận tải - Tài chính đã có Thông tư số 2699/TT-LB ngày 3/11/1982 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện quyết định nói trên. Qua một số năm thực hiện cho thấy chủ trương của Nhà nước thu tiền cước qua phà, cầu phao và lấy thu bù chi là đúng, đã giảm bớt sự bao cấp của Ngân sách và thúc đẩy các bến tích cực thu để chi trực tiếp cho công tác vượt sông. Nhìn chung trên các bến phà, cầu phao hiện nay đã được đầu tư, sửa chữa, thiết bị bến bãi, nhà chờ khang trang tốt hơn trước nhờ sử dụng bằng nguồn cước qua phà, cầu phao.

Hiện nay, Chính phủ có Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã có các Thông tư số 48/TC-TCT ngày 28/9/1992 và Thông tư số 63/TC-TCT ngày 28/10/1992 hướng dẫn tổ chức thực hiện thu, sử dụng các loại chứng từ thu phí và lệ phí. Tuy nhiên, do hoạt động thu để chi cho các bến phà, cầu phao có nhiều đặc thù khác với các khoản thu phí và lệ phí khác. Để thúc đẩy các bến tích cực thu, phục vụ sự đi lại của các phương tiện vận tải và nhân dân qua sông, Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn việc tổ chức thu, quản lý và sử dụng tiền cước qua phà, cầu phao như sau:

I/ NGUYÊN TẮC CHUNG.

- Tiền thu cước qua phà, cầu phao được coi như khoản thu của Ngân sách, dùng để chi kịp thời cho công tác tổ chức đưa đón người và phương tiện qua sông. Tiền thu cước qua phà, cầu phao được sử dụng để chi cho các khoản chi thường xuyên và không thường xuyên của các bến phà, cầu phao. Trường hợp:

+ Số thu không đủ chi theo kế hoạch thì được Ngân sách cấp hỗ trợ.

+ Số thu cao hơn số chi kế hoạch, số chênh lệch phải nộp Ngân sách.

Các đơn vị bến phà, cầu phao được miễn các loại thuế doanh thu, thuế vốn, thuế lợi tức.

II/ ĐỐI TƯỢNG THU VÀ MỨC THU CƯỚC QUA PHÀ, CẦU PHAO

1. Đối tượng thu:

Đối tượng thu vẫn theo quy định tại điểm 1 và điểm 2 điều 1 của Quyết định số 159/HĐBT ngày 14/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng.

2. Đối tượng miễn thu:

Đối tượng miễn thu, bao gồm:

- Thương bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi.

- Công an, quân đội.

- Xe của quân đội, công an, cảnh sát.

- Xe đi làm nhiệm vụ cứu thương, cứu hoả, chống bão lụt, xe dọn vệ sinh.

Khi qua phà, cầu phao đối tượng được miễn thu cước qua phà, cầu phao phải xuất trình các giấy tờ cần thiết để bến kiểm soát như:

- Thẻ thương binh hoặc giấy chứng nhận đối với thương bệnh binh.

- Thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.

- Bộ đội, công an, cảnh sát phải có phù hiệu hoặc các giấy tờ cần thiết.

Đối với phương tiện vận tải của lực lượng quân đội công an làm kinh tế mọi việc di chuyển, vận chuyển người và hàng hoá ngoài mục đích tác chiến và xây dựng doanh trại đều phải mua vé qua phà, cầu phao.

3. Về mức thu

Mức thu cước qua phà, cầu phao Liên Bộ uỷ nhiệm cho tỉnh, Thành phố quyết định (những bến chung 2 tỉnh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi đơn vị quản lý bến đóng trụ sở quyết định). Hiện tại, mức thu cước qua phà, cầu phao của các bến vẫn được giữ ở các mức thu đang áp dụng. Trường hợp giá cả tăng trên 20% so với thời điểm ban hành hoặc sửa đổi gần nhất mức cước qua phà, cầu phao thì khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải phải trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có bến phà, cầu phao xem xét ra quyết định điều chỉnh mức thu cước qua phà, cầu phao cho phù hợp với thời giá.

III/ QUẢN LÝ CHỨNG TỪ ẤN CHỈ VÀ THỂ THỨC THANH TOÁN

1. Về cước qua phà, cầu phao do các Cục thuế địa phương có bến phà cầu phao tổ chức in, cấp phát cho các bến sử dụng. Trường hợp cần thiết phải để cho các cơ quan chủ quản của bến in vé, thì các khu quản lý đường bộ (Bến Trung ương trực tiếp quản lý) Sở Giao thông vận tải (bến địa phương và bến Trung ương uỷ thác quản lý) phải trao đổi thống nhất với các Cục thuế địa phương để xác định mẫu vé in, thống nhất quy chế quản lý và sử dụng vé theo các quy định tại Thông tư số 63/TC-TCT ngày 28/10/1992 của Bộ Tài chính.

2. Các bến phà, cầu phao phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vé, định kỳ báo cáo quyết toán việc sử dụng vé gửi Cục thuế địa phương.

IV/ KẾ HOẠCH VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG TIỀN THU CƯỚC QUA PHÀ, CẦU PHAO

1. Kế hoạch thu, chi ở bến phà cầu phao

Nội dung thu, chi của hoạt động ở bến phà, cầu phao bao gồm:

a) Phần thu:

- Tiền thu về bán vé và bìa vé tháng cước phà, cầu phao.

- Các khoản thu khác (như tiền phạt trốn lậu vé, tiền bồi thường của các chủ phương tiện làm hư hỏng bến, thiệt hại cầu đường, chở quá tải theo quy định của bến phà, cầu phao....).

b) Phần chi:

+ Chi thường xuyên:

- Chi cho lực lượng tổ chức thu ở 2 đầu bến.

- Chi thường xuyên cho lực lượng tổ chức vượt sông (cho người và phương tiện thiết bị).

- Chi sửa chữa vừa và nhỏ các phương tiện bến bãi phao, phà....

- Chi phí quản lý bến phà, cầu phao (kể cả tiền mua vé, in vé, chi đại lý bán vé).

+ Chi không thường xuyên:

- Sửa chữa lớn (theo định kỳ) các phương tiện vượt sông, bến, bãi, nhà cửa, đường lên xuống bến, nạo vét.....

- Khắc phục các thiên tai bão lũ, địch họa gây hư hại đến công trình, cầu bến, phương tiện.

- Mua sắm phương tiện phao, phà, ca nô, thiết bị quản lý, xây dựng bến bãi, nhà chờ của hành khách (trừ những công trình XDCB trên hạn ngạch).

Hàng năm phân khu quản lý đường bộ, đoạn quản lý đường bộ, bến trực thuộc khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải căn cứ tình hình thực hiện năm trước và nhiệm vụ được giao trong năm kế hoạch tổ chức thu, chi cho công tác vượt sông bằng phà, cầu phao gửi khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải xem xét, điều chỉnh trình Bộ Giao thông vận tải (đối với các bến của Trung ương), trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với các bến của địa phương) xét duyệt.

Đối với các bến lớn như: Bãi Cháy, Phà Rừng, Bến Bính, bến sông Gianh, Mỹ Thuận, Hậu Giang (Cần Thơ) việc xét duyệt kế hoạch thu, chi phải có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính.

Nếu số chi kế hoạch cao hơn số thu kế hoạch sẽ được Ngân sách Nhà nước xét cấp hỗ trợ theo kế hoạch chi sự nghiệp kinh tế.

Nếu số chi kế hoạch nhỏ hơn số thu kế hoạch thì phần chênh lệch thu lớn hơn chi phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Khi kế hoạch thu chi của bến phà, cầu phao đã được Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố duyệt. Các khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải phải giao các chỉ tiêu kế hoạch thu, chi cho từng bến phà, cầu phao thực hiện, đồng thời phải gửi các kế hoạch thu chi của bến cho các cơ quan Cục thuế, Chi cục Kho bạc Nhà nước địa phương để phối hợp quản lý.

2. Sử dụng tiền thu cước qua phà, cầu phao

Các khu quản lý đường bộ hoặc Sở Giao thông vận tải được mở tài khoản tiền gửi thu cước phà, cầu phao tại Kho bạc Nhà nước nơi bến đóng trụ sở.

Số tiền thu cước qua phà, cầu phao hàng ngày phải nộp vào tài khoản này (đối với những bến cách xa Kho bạc Nhà nước có thể từ 2 đến 5 ngày) để sử dụng vào mục đích chi tiêu theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mỗi tháng một lần khu quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải căn cứ kế hoạch thanh toán, tạm ứng cho các đơn vị quản lý bến phà, cầu phao phần chi thường xuyên cho hoạt động của bến, đồng thời chuyển cho cơ quan quản lý công trình để thanh toán khối lượng công việc theo kế hoạch phần chi không thường xuyên mà khu, Sở giao cho Ban QLCT quản lý. Phần còn lại hàng tháng phải nộp kịp thời vào Ngân sách Nhà nước theo kế hoạch được duyệt.

3. Khen thưởng:

Các bến phà cầu phao được trích 4% số thu thực tế của bến để lập quỹ khen thuởng và phúc lợi nhưng mỗi quỹ không được quá 6 tháng lương cơ bản.

Ngoài ra, bến còn được trích 30% số tiền phạt của các đối tượng trốn lậu vé để thưởng trực tiếp cho những người có công trong công tác thu, quản lý và đầu tư cho bến 70%, số tiền phạt còn lại nộp Ngân sách Nhà nước.

4. Báo cáo quyết toán:

Các bến phà, cầu phao phải có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ báo cáo kết quả thu chi cho các cơ quan quản lý.

Chế độ ghi chép, hạch toán, quyết toán thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông vận tải tại Thông tư số 30/TCKT ngày 12/1/1993.

V/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Thông tư số 2699/TT-LB ngày 3/11/1983 của Liên Bộ Giao thông vận tải - Tài chính. Các bến phà, cầu phao và các đơn vị trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần phản ánh về Liên Bộ để xem xét sửa đổi cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Khả

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.