CHỈ THỊ
Về việc tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại xã, phường, thị trấn
_____________________
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông trong cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. 6 tháng đầu năm 2007, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 247 vụ tai nạn giao thông, làm chết 245 người, bị thương 237 người; so với cùng kỳ năm 2006, tăng 80 vụ, tăng 85 người chết và tăng 62 người bị thương; trong đó số vụ tai nạn giao thông xẩy ra ở các tuyến đường liên thôn, liên xã chiếm gần 30%. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là số phương tiện giao thông cơ giới tăng nhanh; trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chậm, chất lượng không đảm bảo; công tác quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông còn nhiều thiếu sót, có nơi bị buông lỏng; ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người dân chưa cao.
Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt về trật tự, an toàn giao thông; các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong tỉnh đã có những kế hoạch và biện pháp triển khai, thực hiện cụ thể, đồng bộ góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật an toàn giao thông của nhân dân trong tỉnh. Tuy nhiên những chuyển biến nêu trên chưa thật sự vững chắc, một số địa phương triển khai thực hiện còn chậm, chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết nên tình hình an toàn giao thông và tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp và ở mức độ cao.
Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 5/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường lãnh đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế gia tăng và hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh”; Công văn số 2977/UBND-NC ngày 14/8/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Giao trách nhiệm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại địa bàn cơ sở cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) trong đó nòng cốt thực hiện là lực lượng Công an cấp xã, với nhiệm vụ cụ thể như sau:
a. Tổ chức hoạt động tuyên truyền: Công an cấp xã tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện triệt để các biện pháp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
b. Phối hợp to chức kiếm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông: Công an cấp xã trong khi thi hành nhiệm vụ được xử lý các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật như:
- Các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường nội xã, phường, thị trấn, đường liên thôn, liên khối phố, với những vi phạm như: Điều khiển mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định, hàng hoá cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy theo quy định; xe không có gương chiếu hậu; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện xe cơ giới, được dừng phương tiện để xử lý theo quy định. Khi kiểm tra giấy tờ phát hiện không có đăng ký xe, không có giấy phép lái xe thì tiến hành lập biên bản xử lý.
- Các vi phạm về hành lang an toàn giao thông và điểm giao thông tĩnh mất an toàn trên các tuyến giao thông (thuỷ, bộ) ở địa bàn cấp xã như: Họp chợ dưới lòng đường; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; ném đất, đá lên xe đang chạy trên đường; khai thác cát, sỏi trái phép dưới lòng sông.
- Khi phát hiện vi phạm, Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã (được cấp trưởng uỷ quyền) lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm theo tham quyền pháp luật quy định; trường hợp hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý, thì phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển vụ việc lên Công an huyện, thành phố để xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp Công an viên lập biên bản thì Trưởng Công an xã hoặc Phó trưởng Công an xã (được uỷ quyền) phải ký tên vào biên bản; Công an viên không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
- Nghiêm cấm lực lượng Công an cấp xã tổ chức dừng, kiểm soát xe đang lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hoặc tự đặt ra các quy định của địa phương trái pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để xử phạt, thu lệ phí, gây cản trở, sách nhiễu người và phương tiện lưu thông đi qua địa bàn cấp xã. Mọi trường hợp Công an cấp xã lợi dụng, hoặc có sai phạm trong khi thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật quy định và thông báo công khai để nhân dân xã, phường, thị trấn biết.
c. Tham gia giải quyết tai nạn giao thông: Khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn quản lý, Công an cấp xã phải tổ chức bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn, tạm giữ đối tượng gây tai nạn theo đúng quy định của pháp luật; ghi lại họ tên, địa chỉ người làm chứng và đặc điểm phương tiện gây tai nạn (nếu phương tiện có liên quan bỏ chạy); đồng thời bằng biện pháp nhanh nhất báo cáo lên Công an cấp trên; trường hợp người bị nạn có nguy cơ tử vong, phải kịp thời lấy lời khai. Khi lực lượng chức năng đến hiện trường, phối hợp bảo vệ hiện trường và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu.
2. Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an huyện, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác kiếm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, công tác bảo vệ hiện trường tai nạn giao thông; trình tự, thủ tục các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện theo đúng chức năng tham quyền pháp luật giao cho Công an cấp xã. Đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an cấp xã (Công an tỉnh lập dự trù, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt) thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường ở địa bàn cấp xã. Đay mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong nhân dân..
3. Giám đốc Sở Tư pháp có văn bản chỉ đạo các Phòng Tư pháp phối hợp với Công an huyện, thành phố, chính quyền cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục Luật giao thông đường bộ, đường thuỷ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thuỷ đến địa bàn dân cư xã, phường, thị trấn. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ động lập dự án xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, đường nội bộ buôn, thôn thuộc phạm vi quản lý đảm bảo thông thoáng, an toàn; có kế hoạch huy động các nguồn vốn đế cải tạo, nâng cấp và sửa chữa hệ thống đường nông thôn của địa phương.
4. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong tỉnh, khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Công văn số 2977/UBND- NC ngày 14/8/2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chỉ thị này; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh