NGHỊ QUYẾT
Về Chương trình việc làm và dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015
------------------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về việc làm;
Căn cứ Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015;
Xét Tờ trình số 121/TTr-UBND, ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị bàn hành Nghị quyết về Việc làm và Dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 -2015; Báo cáo thẩm tra số 60/BC-HĐND, ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về Chương trình Việc làm và Dạy nghề tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2012 - 2015 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu chung: Hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường có các nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề nhằm nâng cao năng lực đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, đủ về số lượng, từng bước hợp lý về cơ cấu nghề và cấp trình độ, tạo sự đột phá về chất lượng dạy nghề; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50%, đào tạo nghề 40%.
- Đào tạo nghề cho 96.000 người.
- Đào tạo, bồi dưỡng cho 3.600 lượt cán bộ, công chức cấp xã.
- Nâng cao năng lực cho 1.060 lượt cán bộ làm công tác việc làm, dạy nghề các cấp.
- Hỗ trợ tạo việc làm cho 3.500 lao động thông qua hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm.
- Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 700 lao động và hỗ trợ cho 500 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động tìm việc làm qua Trung tâm giới thiệu việc làm trên 30%.
2. Thời gian và phạm vi thực hiện:
a) Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến 2015;
b) Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Các hoạt động của chương trình:
a) Hoạt động đổi mới và phát triển dạy nghề.
b) Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn. c) Hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm.
d) Hoạt động hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
đ) Hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động. e) Hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức.
g) Hoạt động kiểm tra giám sát, đánh giá.
4. Tổng kinh phí thực hiện chương trình:
a) Tổng kinh phí giai đoạn 2012 – 2015: 658.507 triệu đồng
- Vốn cho vay giải quyết việc làm năm 2011 chuyển qua: 63.952 triệu đồng.
- Vốn cấp mới cho các hoạt động giai đoạn 2012-2015: 594.555 triệu đồng.
Chia ra:
+ Ngân sách Trung ương: 400.670 triệu đồng;
+ Ngân sách tỉnh: 189.485 triệu đồng;
+ Ngân sách cấp huyện: 4.400 triệu đồng.
b) Sử dụng nguồn vốn (vốn cấp mới cho các hoạt động):
- Hoạt động đổi mới và phát triển dạy nghề:
|
292.200 triệu đồng;
|
- Dạy nghề cho lao động nông thôn:
|
167.565 triệu đồng;
|
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã:
|
5.350 triệu đồng;
|
- Điều tra nhu cầu học nghề:
|
3.000 triệu đồng;
|
- Vốn cho vay giải quyết việc làm:
|
29.500 triệu đồng;
|
- Vốn cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
|
6.000 triệu đồng;
|
- Hỗ trợ dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
|
4.900 triệu đồng;
|
- Vốn đầu tư nâng cao năng lực Trung tâm giới thiệu việc làm
|
4.900 triệu đồng;
|
- Chi tổ chức Ngày việc làm, điểm tư vấn việc làm, dạy nghề:
|
700 triệu đồng;
|
- Điều tra, cập nhật biến động thông tin cung, cầu lao động:
|
11.370 triệu đồng;
|
- Hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động việc làm, dạy nghề các cấp, cho cán bộ quản lý cơ sở dạy nghề:
|
960 triệu đồng;
|
- Thông tin tuyên truyền về Chương trình:
|
1.170 triệu đồng;
|
- Hoạt động kiểm tra giám sát, đánh giá:
|
1.840 triệu đồng.
|
5. Giải pháp thực hiện:
a) Một số giải pháp chung:
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tư vấn về việc làm, nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về dạy nghề, giải quyết việc làm; từ đó huy động mọi nguồn lực đầu tư cho dạy nghề, tạo việc làm, đồng thời, nâng cao ý thức tự giác của mỗi người, tích cực, chủ động tham gia dạy nghề, học nghề, giải quyết việc làm.
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; tổ chức kiểm định cơ sở dạy nghề, chương trình dạy nghề; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề, người sử dụng lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, hiệu quả; phát triển mạnh hệ thống dạy nghề với đa cấp trình độ, đa dạng các hình thức đào tạo, thực hiện chính sách bình đẳng giữa các cơ sở dạy nghề.
- Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác quản lý đào tạo; rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng chương trình, giáo trình mới cho các nhóm ngành nghề mũi nhọn, tiến hành xây dựng chương trình, giáo trình theo phương pháp môđun đào tạo độc lập;
- Tăng cường chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ; chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng cụm, khu công nghiệp để thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, tạo nhiều chỗ làm việc mới. Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn, nông nghiệp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; chuyển giao công nghệ và kỹ thuật tiên tiến cho nông dân, cho người lao động, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng chậm phát triển. Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; đầu tư nâng cao năng lực Trung tâm giới thiệu việc làm, phát triển sàn giao dịch việc làm; điều tra khảo sát cung, cầu lao động để có cơ sở hoạch định, định hướng đúng về công tác giải quyết việc làm. Hoàn thiện hệ thống các kênh giao dịch trên thị trường lao động.
b) Về cơ chế chính sách:
- Xây dựng chính sách thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho dạy nghề; thực hiện đúng, đủ, nhất quán các chính sách liên quan đến việc làm, dạy nghề do Trung ương ban hành; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh để khuyến khích, huy động các nguồn lực trong tỉnh và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh và đầu tư cho dạy nghề.
- Ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị sử dụng vốn đạt hiệu quả cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng bị thu hồi đất nông nghiệp lớn; tạo thuận lợi cho sự phối hợp, tham gia của người dân và các tổ chức đoàn thể trong mọi hoạt động của Chương trình; thực hiện lồng ghép các hoạt động của Chương trình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm giúp người lao động có việc làm tốt hơn, ổn định hơn; tăng cường thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra.
c) Điều hành, quản lý: Thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 14, Điều 6, Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường năng lực quản lý, điều hành các hoạt động Chương trình của cơ quan thường trực.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các Kỳ họp.
Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2012./.