NGHỊ QUYẾT
Về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đường giao thông
trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2011 - 2015
__________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 16/12/2002;
Xét Tờ trình số 117/TTr-UBND, ngày 12/11/2010 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết cơ cấu nguồn vốn đầu tư đường giao thông trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2011 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 46/BC-HĐND, ngày 02/12/2010 của Ban Kinh tế và Ngân sách của HĐND tỉnh và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua cơ cấu nguồn vốn đầu tư đường giao thông trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, giai đoạn 2011 - 2015, cụ thể như sau:
1. Đối tượng áp dụng:
Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết là cấp huyện), UBND xã, phường, thị trấn (sau đây viết là cấp xã) và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong vùng có dự án đầu tư giao thông.
2. Phạm vi áp dụng:
a) Theo loại đường: Nội dung Nghị quyết áp dụng cho các loại đường: Đường tỉnh lộ, đường huyện, đường xã và đường đô thị;
b) Theo nguồn vốn: Áp dụng đối với các dự án, công trình xây dựng giao thông bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện, cấp xã; công trình, dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư và khởi công mới trong giai đoạn 2011 - 2015. Các công trình, dự án chuyển tiếp được giao kế hoạch vốn khởi công trước năm 2011 vẫn áp dụng theo Nghị quyết số 50/2006/NQ-HĐND, ngày 14/12/2006 của HĐND tỉnh và Quyết định số 02/2007/QĐ-UBND, ngày 17/01/2007 của UBND tỉnh.
3. Phân nhóm cấp huyện:
a) Nhóm I: Thành phố Buôn Ma Thuột;
b) Nhóm II: Thị xã Buôn Hồ, các huyện: Ea Kar, Krông Păc, Cư M’gar, Ea H’leo;
c) Nhóm III: Các huyện: Cư Kiun, Krông Năng;
d) Nhóm IV: Các huyện Lăk, Krông Bông, M’Drăk, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana và Krông Buk.
4. Phân loại đường:
a) Đường tỉnh lộ: Là các đường tỉnh lộ hiện hành, bao gồm: Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 5, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 10, Tỉnh lộ 11, Tỉnh lộ 12, Tỉnh lộ 13, Tỉnh lộ 14, Tỉnh lộ 15,Tỉnh lộ 16…Đường Đắk Lắk - Phú Yên (đang đề nghị lên Quốc lộ) và các đường được quy hoạch là tỉnh lộ theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020.
b) Đường huyện: Là các đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã và các đường được quy hoạch là đường huyện theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020.
c) Đường xã: Là các đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, buôn hoặc đường nối giữa các xã và các đường được quy hoạch là đường xã theo qui hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020.
d) Đường đô thị: Là các đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị (bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn).
5. Qui định cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
a) Đường tỉnh lộ: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% tổng mức đầu tư.
b) Đường huyện:
- Phần xây lắp và chi phí khác: Ngân sách tỉnh đầu tư 100%;
- Phần chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng:
+ Huyện nhóm I: Ngân sách cấp huyện, huy động khác đầu tư 100%.
+ Huyện nhóm II: Ngân sách tỉnh đầu tư 40%; Ngân sách cấp huyện và huy động khác đầu tư 60%.
+ Huyện nhóm III: Ngân sách tỉnh đầu tư 70%; Ngân sách cấp huyện và huy động khác đầu tư 30%.
+ Huyện nhóm IV: Ngân sách tỉnh đầu tư 100%.
c) Đường xã:
- Huyện nhóm I: Ngân sách tỉnh đầu tư 80% chi phí xây lắp. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư 20% còn lại và chi phí khác, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Huyện nhóm II: Ngân sách tỉnh đầu tư 90% chi phí xây lắp. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư 10% còn lại và chi phí khác, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Huyện nhóm III: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% chi phí xây lắp; Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư chi phí khác và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.
- Huyện nhóm IV: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% tổng mức đầu tư.
6. Đường đô thị:
a) Huyện nhóm I: Ngân sách tỉnh đầu tư 80% xây lắp phần đường. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư 20% xây lắp còn lại + chi phí khác + vỉa hè + đền bù giải phóng mặt bằng.
b) Huyện nhóm II: Ngân sách tỉnh đầu tư 90% xây lắp phần đường. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư 10% xây lắp còn lại + chi phí khác + vỉa hè + đền bù giải phóng mặt bằng.
c) Huyện nhóm III: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% xây lắp phần đường. Ngân sách cấp huyện, cấp xã và huy động khác đầu tư phần chi phí khác + vỉa hè + đền bù giải phóng mặt bằng.
d) Huyện nhóm IV: Ngân sách tỉnh đầu tư 100% tổng mức đầu tư.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp. Giao cho Thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và thay thế Nghị quyết số 50/2006/NQ-HĐND, ngày 14/12/2006 của HĐND tỉnh về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đường giao thông trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk giai đoạn 2007 - 2010.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Lăk khoá VII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10/12/2010.