NGHỊ QUYẾT
Về việc quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015
----------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc Hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020;
Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/06/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Xét Tờ trình số 52/TTr-UBND ngày 08/6/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015; Báo cáo thẩm tra số 19/BC-HĐND ngày 29/6/2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành, thông qua Nghị quyết về quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2012 - 2015 với các nội dung sau:
1. Phân loại các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) để thực hiện việc hỗ trợ:
a) Loại I: Thành phố Buôn Ma Thuột;
b) Loại II: Thị xã Buôn Hồ và các huyện: Krông Pắc, Ea Kar, Cư M'gar, Ea H’leo;
c) Loại III: Các huyện: Krông Năng, Krông Ana, Cư Kuin;
d) Loại IV: Các huyện: Krông Búk, Krông Bông, M'Đrắk, Ea Súp, Buôn Đôn và Lắk.
2. Quy định mức hỗ trợ:
a) Đường giao thông thôn, buôn tại các xã điểm của tỉnh và của huyện:
Quy mô đường giao thông nông thôn loại B, nền đường rộng 4 m; mặt đường rộng 3 m, mặt bê tông xi măng (BTXM) đá 1*2 Mác 200 dày 14 cm; móng cấp phối đá dăm dày 10 cm. Ngân sách tỉnh hỗ trợ:
+ Huyện loại I: 50% chi phí vật tư và chi phí ca máy thi công trước thuế trên 1 km;
+ Huyện loại II: 70% chi phí vật tư và chi phí ca máy thi công trước thuế trên 1 km;
+ Huyện loại III: 80% chi phí vật tư và chi phí ca máy thi công trước thuế trên 1 km;
+ Huyện loại IV: 100% chi phí vật tư và chi phí ca máy thi công trước thuế trên 1 km.
(Phần chi phí vật tư và ca máy thi công trước thuế còn lại do ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ. Phần chi phí còn lại cho 1 km đường như: Chi phí nhân công; chi phí chung; thuế VAT..., vận động nhân dân đóng góp).
b) Nhà văn hóa xã tại các xã điểm của tỉnh và của huyện:
Quy mô 100 chỗ ngồi, diện tích đất được sử dụng 800 m2 với 02 phòng chức năng, phòng tập thể thao đơn giản 253 m2 (23 m x 11 m), có công trình phụ trợ và thiết bị theo quy định. Ngân sách tỉnh hỗ trợ:
+ Các xã điểm đặc biệt khó khăn: 100% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại I: 30% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại II: 50% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại III: 70% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại IV: 90% tổng mức đầu tư.
(Phần còn lại do ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ và vận động nhân dân đóng góp)
c) Sân thể thao xã tại các xã điểm của tỉnh và của huyện:
Quy mô 4.050 m2 sân đất san phẳng, đầm nện kỹ, làm rãnh tiêu nước xung quanh. Ngân sách tỉnh hỗ trợ:
+ Các xã điểm đặc biệt khó khăn: 100% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại I: 30% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại II: 50% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại III: 70% tổng mức đầu tư;
+ Các xã điểm thuộc huyện loại IV: 90% tổng mức đầu tư.
(Phần còn lại do ngân sách huyện, ngân sách xã hỗ trợ và vận động nhân dân đóng góp)
d) Hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, xa khu dân cư và phù hợp với quy hoạch cho toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh, mỗi xã tối đa không quá 02 cơ sở: Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 50 triệu đồng/1cơ sở; phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.
d) Hỗ trợ mua sắm xe công nông vận chuyển thu gom rác cho các xã điểm của huyện và của tỉnh, mỗi xã tối đa không quá 02 xe: Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 40 triệu đồng/1 xe; phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.
e) Hỗ trợ xây dựng khu tập trung rác cho các xã điểm của huyện và của tỉnh phù hợp với quy hoạch được duyệt, mỗi xã tối đa không quá 02 khu; Quy mô tối thiểu 80m2 có tường bao cao 2m: Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 40 triệu đồng/1 khu; phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư.
3. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2012 -2015: 778.000 triệu đồng, trong đó:
a) Nguồn vốn do ngân sách tỉnh quản lý: 329.000 triệu đồng (chiểm tỷ lệ: 42,28 %), gồm:
- Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn CTMTQGXD Nông thôn mới: 60.000 triệu đồng;
- Vốn chương MTQG Giảm nghèo bền vững cho 02 xã điểm đặc biệt khó khăn: 8.000 triệu đồng
- Vốn ĐTXD cơ bản tập trung ngân sách tỉnh: 90.000 triệu đồng
- Vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu: 50.000 triệu đồng
- Vốn ODA, NGO: 100.000 triệu đồng
- Vốn sự nghiệp môi trường của tỉnh: 21.000 triệu đồng.
b) Vốn ngân sách huyện, xã quản lý: 114.000 triệu đồng (chiếm tỷ lệ: 14,68 %)
c) Vận động nhân dân đóng góp và các nguồn hợp pháp khác: 335.000 triệu đồng (chiểm tỷ lệ: 43,04%).
4. Cơ chế quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới:
Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc thực hiện cơ chế huy động, lồng ghép các nguồn vốn và quản lý đầu tư xây dựng nông thôn mới theo các nguyên tắc sau đây:
a) Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa – xã hội và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Việc huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức huy động vốn đầu tư trực tiếp vào công trình hoặc huy động vốn đầu tư qua ngân sách địa phương và quản lý ngân sách huy động theo pháp luật hiện hành.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm: Các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và tiếp tục triển khai trong những năm tiếp theo và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để xây dựng kế họach trung hạn, kế hoạch hàng năm cho từng danh mục công trình, để phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
c) Về quản lý vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới thực hiện như sau:
- Đối với các dự án/công trình mà ngân sách nhà nước hỗ trợ chiếm từ 50% vốn trở lên thì thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
- Đối với các dự án/công trình mà ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn chiếm dưới 50% vốn thì cơ chế quản lý do Ban quản lý xã và nhà tài trợ (nếu có) tự quy định. Đối với đối tượng sử dụng vốn ODA thì thực hiện theo Hiệp định ký kết với đối tác cấp ODA.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện và báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp; giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Trong trường hợp có sự thay đổi về tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có liên quan đến danh mục công trình hỗ trợ được quy định trong Nghị quyết này thì giao cho UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Đắk Lắk khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 06 tháng 7 năm 2012./.