NGHỊ QUYẾT
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk
đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
------------------------
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VIII – KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;
Xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày 13/6/2014 của UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị ban hành Nghị quyết về rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 47/BC-HĐND ngày 11/7/2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm và mục tiêu phát triển quy hoạch giao thông vận tải:
1. Những quan điểm:
- Giao thông vận tải là bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phải được ưu tiên đầu tư trước một bước với tốc độ nhanh, làm tiền đề, động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển.
- Sử dụng tối đa năng lực cơ sở hạ tầng giao thông hiện có, coi trọng công tác bảo trì, nâng cấp các công trình hiện có. Các công trình làm mới phải được xem xét, lựa chọn với mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xóa đói giảm nghèo.
- Phát huy tối đa lợi thế về địa lý, tiềm năng thiên nhiên sẵn có để phát triển hệ thống giao thông vận tải nhất là đường bộ; phải gắn với phát triển các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, đồng thời gắn kết mạng giao thông khu vực Tây Nguyên, với cả nước và khu Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.
- Phát triển hệ thống giao thông vận tải một cách thống nhất, cân đối, đồng bộ, đảm bảo mọi phương tiện giao thông đi lại thuận tiện quanh năm, không bị gián đoạn bởi mưa bão, lũ lụt.
- Nguồn vốn đầu tư cho giao thông rất lớn nên cần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, các hình thức đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức như ODA, FDI, BOT,…đồng thời huy động mọi nguồn nội lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, trên cơ sở Quy chế dân chủ “Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra”.
- Những công trình cải tạo, nâng cấp cần đảm bảo quy trình, quy phạm mang tính hiện đại và hòa nhập với cộng đồng thế giới.
2. Mục tiêu:
- Giao thông đường bộ: Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo tính kế thừa, khả thi, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vận tải ở từng thời kỳ, trên khắp địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh. Từ nay đến năm 2020 tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng một số công trình có yêu cầu cấp thiết, đảm bảo mật độ mạng lưới đường trên 1,0 km/km2. Phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cứng hóa tối thiểu 70% số km đường xã, tối thiểu 50% số km đường thôn, buôn. Định hướng đến năm 2030 phấn đấu mật độ mạng lưới đường trên 1,3 km/km2; nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cứng hóa 100% số km đường xã, 75% số km đường thôn, buôn.
- Đường thủy: Phát triển các tuyến vận tải hàng hóa, tuyến vận tải hành khách trên một số đoạn sông có thể khai thác vận tải của tỉnh và các tuyến du lịch lòng hồ. Xây dựng các bến khách, bến hàng hóa và bến du lịch lòng hồ trên các tuyến vận tải. Phát triển và xây dựng các đội tàu vận tải hàng hóa và hành khách trên sông, đội tàu du lịch lòng hồ.
- Đường hàng không: Triển khai thực hiện theo Quy hoạch tổng thể cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn đến 2015 và định hướng đến 2025.
- Đường sắt: Triển khai những quy hoạch đường sắt đã được duyệt, chuẩn bị cho các dự án đã và đang nghiên cứu trên địa bàn tỉnh cũng như trong khu vực.
- Về vận tải: Quy hoạch số lượng phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa, số lượng ghế trên tổng số phương tiện, số tấn phương tiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đổi mới nâng cấp chất lượng phương tiện vận tải, tăng năng suất, giảm giá thành vận tải nhằm thoả mãn nhu cầu vận tải của tỉnh.
- Về cơ chế chính sách: Có các cơ chế, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển giao thông vận tải, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như bảo vệ cơ sở hạ tầng.
II. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030:
1. Quy hoạch phát triển vận tải:
1.1. Tổ chức vận chuyển trên một số hành lang chủ yếu:
a) Theo hướng Bắc - Nam:
Đến trước khi đường sắt Tây Nguyên đưa vào khai thác, vận chuyển hàng hóa, hành khách vẫn do đường bộ đảm nhận chủ yếu chiếm khoảng 95%, hàng không 5%. Sau khi đường sắt Tây Nguyên đưa vào khai thác, dự báo vận chuyển hàng hóa và hành khách do đường bộ đảm nhận chiếm khoảng 65%, đường sắt chiếm khoảng 25% và hàng không khoảng 10%. Vận chuyển đường bộ theo hướng Bắc - Nam chủ yếu dựa vào các tuyến: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 27, Quốc lộ 14 C và Đường Trường Sơn Đông.
b) Theo hướng Đông - Tây:
Đến trước khi đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đưa vào khai thác, vận chuyển hàng hóa, hành khách vẫn do đường bộ đảm nhận hoàn toàn. Sau khi đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột đưa vào khai thác, dự báo vận chuyển hàng hóa và hành khách do đường bộ đảm nhận chiếm khoảng 75%, đường sắt chiếm khoảng 25%. Vận chuyển đường bộ theo hướng Đông - Tây chủ yếu dựa vào các tuyến: Quốc lộ 26 xuống Nha Trang; Quốc lộ 29 nối từ cửa khẩu Đắk Ruê xuống Phú Yên.
1.2. Quy hoạch phát triển vận tải:
a) Hệ thống xe bus, taxi: Duy trì và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe bus và taxi đảm bảo kết nối trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột với trung tâm các huyện và các khu đầu mối giao thông lớn, các cụm xã, các xã và kết nối với các huyện, tỉnh liền kề.
b) Vận tải hàng hóa: Tập trung đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng các luồng tuyến vận tải liên tỉnh và nội tỉnh qua các hệ thống quốc lộ và đường tỉnh.
c) Vận tải hành khách: Duy trì và phát triển các tuyến hiện có, mở mới các tuyến vận tải có nhu cầu đảm bảo kinh doanh vận tải đúng tuyến, đón trả khách tại bến, đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách. Tăng cường các chuyến vận tải khách chất lượng cao.
1.3. Quy hoạch phát triển phương tiện vận tải:
a) Phương tiện vận tải đường bộ: Phát triển các phương tiện hiện đại, có các tính năng phù hợp yêu cầu thực tế và tải trọng cầu đường, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, tốc độ kỹ thuật cho phép và phù hợp với chủng loại hàng hoá và đối tượng hành khách.
b) Phương tiện vận tải đường thủy nội địa: Phát triển các phương tiệnvận tải đường thủy có trọng tải nhỏ khai thác phù hợp với đặc điểm sông nhỏ và hẹp độ dốc lớn.
2. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông:
2.1. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ:
2.1.1. Các tuyến Quốc lộ do Trung ương quản lý:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ trên địa bàn như: Quốc lộ 14, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông.
2.1.2. Quy hoạch các tuyến đường tỉnh:
Quy hoạch hệ thống đường tỉnh về cơ bản hình thành hai trục hành lang chạy dọc theo hướng Bắc-Nam ở phía Tây và phía Đông. Hai trục hành lang đường tỉnh chạy dọc theo hướng Bắc-Nam, kết hợp với các đường quốc lộ và đường tỉnh khác tạo mạng lưới đường tương đối hợp lý trong toàn tỉnh:
Quy hoạch đến năm 2030 trong toàn tỉnh có 22 tuyến, với tổng chiều dài 983 km, với qui mô đạt tối thiểu cấp III. Trong đó:
- Nâng cấp 5 tuyến đường tỉnh đã có với chiều dài 159 km (giai đoạn 2013-2015: Hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cấp IV, giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục hoàn thiện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV, giai đoạn 2021-2030: Nâng cấp và hoàn thiện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III).
- Nâng cấp và kéo dài 6 tuyến đường tỉnh đã có với chiều dài 359 km (giai đoạn 2013-2015: Nâng cấp cải tạo và hoàn thiện đạt đường cấp IV, giai đoạn 2016-2020: Xây dựng các đoạn tuyến kéo dài đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV, giai đoạn 2021-2030: Nâng cấp và hoàn thiện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III).
- Xây dựng mới 11 tuyến đường tỉnh với chiều dài 465 km (giai đoạn 2013-2015: Hoàn thành các dự án theo qui mô đã được phê duyệt, giai đoạn 2016-2020: Xây dựng hoàn chỉnh nền đường, hệ thống thoát nước và hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cấp IV, giai đoạn 2021-2030: Nâng cấp và hoàn thiện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV).
(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo)
2.1.3. Quy hoạch đường gom:
Quy hoạch xây dựng hệ thống đường gom vào các quốc lộ, tỉnh lộ theo Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; qui mô các tuyến đường gom đảm bảo mặt đường rộng tối thiểu 5m.
2.1.4. Quy hoạch các tuyến đường huyện:
Quy hoạch các tuyến đường huyện đến năm 2030 khoảng 2.020 km, qui mô các tuyến đường huyện đạt tối thiểu cấp IV.
- Giai đoạn 2013-2015: Nâng cấp cải tạo 50% các tuyến đường hiện hữu tối thiểu đạt cấp IV-V; xây dựng mới và nâng cấp khoảng 296 km đường xã lên thành đường huyện tối thiểu đạt cấp IV-V. Đến năm 2015 tổng số đường huyện khoảng 1.474 km.
- Giai đoạn 2016-2020: Nâng cấp cải tạo 100% đường huyện lên đạt tối thiểu cấp IV-V; xây dựng mới và nâng cấp khoảng 646 km đường xã lên thành đường huyện.
- Giai đoạn 2021-2030: Tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội xem xét nâng cấp cải tạo một số tuyến đường huyện lên tối thiểu đạt cấp IV.
2.1.5. Quy hoạch các tuyến đường hành lang biên giới và đường tuần tra biên giới:
Thực hiện theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 8/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống đường ra biên giới, đường hành lang biên giới và Quyết định 313/QĐ-TTg ngày 14/3/2007 phê duyệt Đề án quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 và các giai đoạn tiếp theo.
2.1.6. Quy hoạch các tuyến đường đô thị:
Quy hoạch hệ thống đường đô thị tuân theo Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 và quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết của các đô thị huyện, thị xã.
2.1.7. Quy hoạch đường nông thôn và đường chuyên dùng:
- Quy hoạch đến năm 2030 có tổng chiều dài đường xã khoảng 6.343 km, với qui mô đạt tối thiểu đường giao thông nông thôn loại A.
- Quy hoạch đến năm 2030 có tổng chiều dài đường thôn, buôn khoảng 5.000 km, với qui mô đạt tối thiểu đường giao thông nông thôn loại A.
- Quy hoạch đến năm 2030 có tổng chiều dài đường chuyên dùng nông, lâm nghiệp khoảng 896 km, với qui mô đạt tối thiểu cấp V.
2.2. Quy hoạch giao thông tĩnh: (chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo)
a) Quy hoạch các bến xe khách, bến xe bus, bãi đỗ xe tải và bãi đỗ xe con: Xây dựng hoàn chỉnh 28 bến xe khách, 16 bến xe bus, 17 bãi đỗ xe tải, 6 bãi đỗ xe con đạt tiêu chuẩn theo quy định.
b) Quy hoạch vị trí các điểm dừng đón trả khách trên các tuyến quốc lộ: Triển khai theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013.
c) Quy hoạch cơ sở dạy nghề: Duy trì và phát triển các trung tâm phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực điều khiển phương tiện vận tải bộ, thủy, bảo dưỡng sửa chữa các loại phương tiện cơ giới và đào tạo công nhân kỹ thuật cho xây dựng công trình giao thông đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
d) Quy hoạch Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ: Tập trung đầu tư và nâng cấp Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ hiện có, xây dựng mới một số Trung tâm lái xe cơ giới đường bộ đảm bảo đủ năng lực hoạt động phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện trên địa bàn.
e) Quy hoạch Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới và phương tiện thủy: Đảm bảo đủ năng lực hoạt động phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện trên địa bàn.
f) Quy hoạch mạng lưới cơ khí giao thông: Phát triển công nghiệp cơ khí giao thông theo hướng phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách, chuyên sản xuất và sửa chữa các loại máy móc thiết bị giao thông phục vụ trong tỉnh và trong khu vực Tây Nguyên. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới các cơ sở cơ khí với qui mô vừa và nhỏ trên các địa bàn tỉnh.
2.3. Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa:
Duy trì và phát triển các tuyến vận tải hàng hóa, tuyến vận tải hành khách trên một số đoạn sông có thể khai thác vận tải của tỉnh và các tuyến du lịch lòng hồ. Xây dựng các bến khách, bến hàng hóa và bến du lịch lòng hồ trên các tuyến vận tải. Phát triển và xây dựng các đội tàu vận tải hàng hóa và hành khách trên sông, đội tàu du lịch lòng hồ.
2.4. Mạng lưới giao thông đường sắt do Trung ương quản lý:
Kiến nghị Chính phủ triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Tuyến trục chính: Đà Nẵng - Kon Tum - Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột và tuyến nhánh Buôn Ma Thuột - Tuy Hoà.
2.5. Mạng lưới cảng hàng không, sân bay do Trung ương quản lý:
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đầu tư Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đến năm 2020 xây dựng xong nhà ga thứ 2 (nhóm B) phục vụ khoảng 1.200.000 hành khách/năm và vận chuyển khoảng 4.000 - 5.500 tấn hàng/năm; mở mới một số tuyến bay trong nước và các nước trong khu vực ASEAN.
III. Quỹ đất dành cho giao thông:
Dự kiến quỹ đất cho phát triển giao thông vận tải đến 2030 là 55.543 ha.
IV. Ước tính nhu cầu vốn và phân kỳ thực hiện:
1. Ước tính nhu cầu vốn do địa phương quản lý:
Số TT
|
Danh mục
|
Tổng kinh phí (tỷ đồng)
|
Kinh phí 2013 - 2015 (tỷ đồng)
|
Kinh phí 2016 - 2020 (tỷ đồng)
|
Kinh phí 2021 - 2030 (tỷ đồng)
|
|
Địa phương
|
63.472
|
2.037
|
7.228
|
54.207
|
1
|
Các đường tỉnh
|
13.382
|
1.392
|
2.285
|
9.705
|
2
|
Các đường gom
|
540
|
0
|
0
|
540
|
3
|
Các đường huyện
|
8.284
|
385
|
1.179
|
6.720
|
4
|
Đường đô thị
|
24.139
|
190
|
2.764
|
21.185
|
5
|
Đường xã, thôn, buôn
|
11.744
|
0
|
500
|
11.244
|
6
|
Đường chuyên dùng
|
3.544
|
0
|
0
|
3.544
|
7
|
Giao thông tĩnh
|
1.469
|
50
|
400
|
1.019
|
8
|
Trung tâm đăng kiểm
|
120
|
10
|
30
|
80
|
9
|
Giao thông thủy nội địa
|
250
|
10
|
70
|
170
|
2. Nguồn vốn đầu tư:
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn tín dụng phát triển của nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước khoảng 50%.
- Vốn doanh nghiệp ngoài quốc doanh và dân cư đầu tư khoảng 40%.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ODA, NGO và các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 10%.
V. Xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn:
1. Giai đoạn từ nay đến năm 2020:
- Về các quốc lộ qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk: Tiếp tục thực hiện theo các chương trình, kế hoạch, dự án của Trung ương quản lý.
- Về các tỉnh lộ: Tập trung triển khai cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đã xuống cấp, hư hỏng nặng như: ĐT.697 (TL1), ĐT.699 (TL3), ĐT.697E (TL5), ĐT.689 (TL9), ĐT.692 (TL12), ĐT.693 (TL13), ĐT.695 (TL15); cầu vượt sông Krông Ana (nối ĐT.687 (TL7) với ĐT.698 (TL2)) và xây dựng kéo dài, làm mới các tuyến đường tỉnh có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
- Đối với các đường khác: Tập trung triển thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình dở dang; thực hiện chuẩn bị đầu tư một số dự án, công trình cấp bách, trọng điểm có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng (Dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông khu vực phòng thủ biên giới đoạn từ Tiểu đoàn 303 nối với đường đi Đồn biên phòng 739; Cầu vượt sông Krông Bông, xã Vụ Bổn huyện Krông Păc; các tuyến đường tránh thị trấn Ea Kar, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột; đường vào các khu, điểm du lịch tại các huyện có tiềm năng du lịch; các trục đường đô thị …).
2. Giai đoạn sau năm 2020:
Tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình dở dang ở giai đoạn trước theo đúng tiến độ và tập trung xây dựng mới các dự án quan trọng, cấp bách theo đúng định hướng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn nhằm phát triển hạ tầng giao thông vận tải đồng bộ, liên hoàn, bền vững và theo đúng định hướng mô hình phát triển hình tháp như mục tiêu đã đề ra.
(Chi tiết tại Phụ lục số 03 kèm theo)
VI. Cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch:
1. Giải pháp, chính sách quản lý quy hoạch:
Căn cứ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tiến hành xác định và cắm mốc chỉ giới, giành quỹ đất để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông sau này.
2. Các giải pháp, chính sách về vốn:
Khuyến khích các thành phần kinh tế nhằm huy động tối đa các nguồn lực vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh việc huy động vốn từ khai thác quỹ đất dọc các công trình giao thông, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Phát triển phương tiện, các dịch vụ vận tải do doanh nghiệp và tư nhân đầu tư. Khai thác, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn nội lực gắn với cơ chế thu hút đầu tư thông qua các chương trình, dự án. Thực hiện phân cấp quản lý vốn trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
3. Các giải pháp, chính sách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông:
Tăng cường công tác quản lý đường bộ, bảo vệ hành lang an toàn giao thông. Quản lý tốt các hoạt động chở khách đường bộ và đường thủy; lập hệ thống cứu hộ, cứu nạn giao thông. Tăng cường kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiểu biết những quy định về trật tự, an toàn giao thông.
4. Giải pháp chính sách bảo trì đường bộ:
Bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo đúng quy trình, quy định. Nghiên cứu áp dụng hình thức khoán quản lý, bảo trì đường bộ theo mục tiêu chất lượng. Đối với giao thông nông thôn cần phân chia rõ trách nhiệm quản lý, bảo trì giữa các cấp; sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng dân cư địa phương để bảo trì theo quy trình kỹ thuật.
5. Giải pháp chính sách khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:
Khuyến khích sử dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong xây dựng, bảo trì các công trình giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Khuyến khích phát triển mặt đường bê tông xi măng với hệ thống đường xã, thôn, xóm và đường có tải trọng thấp.
6. Các giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực:
Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có chuyên môn giỏi, có phẩm chất chính trị và tinh thần trách nhiệm được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật và phương pháp quản lý tiên tiến. Tập trung đào tạo cho cán bộ làm công tác giao thông ở cấp huyện và xã. Hàng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ làm giao thông nông thôn những kiến thức cơ bản để chỉ đạo phong trào và tham mưu cho các cấp chính quyền trong công tác lập kế hoạch, công tác giám sát và quản lý chất lượng các công trình giao thông, quản lý vận tải ở địa phương. Có cơ chế chính sách thu hút nhân tài để phục vụ cho sự nghiệp Giao thông vận tải ở địa phương.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua./.