• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/1998
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 54/1998/TTLT/GDĐT-TC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Lắk, ngày 31 tháng 8 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
H
ướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học

phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

 

Thi hành Quyết định số 70/1998-QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Liên bộ Giáo và Đào tạo - Tài chính hướng dẫn việc thu, chi, quản lý học phí trong các trường và cơ sở giáo dục - đào tạo công lập như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là khoản đóng góp của gia đình hoặc bản thân học sinh, sinh viên để cùng với Nhà nước đảm bảo các hoạt động giáo dục và đào tạo.

2. Đối tượng thu học phí là học sinh, sinh viên đang học ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trừ các đối tượng được miễn, giảm.

3. Mức thu học phí trong khung học phí do Chính phủ quy định, được cơ quan có thẩm quyền công bố công khai vào đầu năm học.

4. Ngoài học phí, các trường và cơ sở giáo dục và đạo tạo được phép thu lệ phí tuyển sinh theo các quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông được thu tiền tham gia xây dựng trường theo Quyết định số 248/TTg ngày 22/11/1973 của Thủ tướng Chính phủ, mức thu do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Ngoài những khoản thu được quy định trên đây, các cơ sở giáo dục đào tạo không được thu thêm khoản thu bắt buộc nào khác về giáo dục đào tạo.

5. Các trường và cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức thu học phí. Tiền học phí thu được phải nộp Kho bạc Nhà nước và được sử dụng toàn bộ theo quy định tại Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư này. Tiền học phí không trừ vào chỉ tiêu kế hoạch ngân sách giáo dục đào tạo hàng năm của các cơ sở giáo dục đào tạo.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

1. Khung học phí:

Khung học phí theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ áp dụng cho chính quy tập trung ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập quy định như sau:

1.1. Đối với các cơ sở giáo dục:

thành phố, thị xã, khu công nghiệp:

Mẫu giáo: - từ 15.000 đến 80.000 đồng/th mỗi h/s

Trung học cơ sở: - từ 4.000 đến 20.000 đồng/th mỗi h/s

Phổ thông trung học: - từ 8.000 đến 35.000 đồng/th mỗi h/s

nông thôn đồng bằng và trung du:

Mẫu giáo: - từ 7.000 đến 20.000 đồng/th mỗi h/s

Trung học cơ sở: - từ 3.000 đến 10.000 đồng/th mỗi h/s

Phổ thông trung học: - từ 6.000 đến 25.000 đồng/th mỗi h/s

nông thôn miền núi:

Mẫu giáo: - từ 5.000 đến 15.000 đồng/th mỗi h/s

Trung học cơ sở: - từ 2.000 đến 8.000 đồng/th mỗi h/s

Phổ thông trung học: - từ 4.000 đến 15.000 đồng/th mỗi h/s

Đối với cơ sở đào tạo:

Dạy nghề: - từ 20.000 đến 120.000 đồng/th mỗi h/s

Trung học chuyên nghiệp: - từ 15.000 đến 100.000 đồng/th mỗi h/s

Cao đẳng: - từ 40.000 đến 100.000 đồng/th mỗi h/s

Đại học: - từ 50.000 đến 180.000 đồng/th mỗi s/v

Đào tạo thạc sĩ: - từ 75.000 đến 200.000 đồng/th mỗi h/v

Đào tạo tiến sĩ: - từ 100.000 đến 250.000 đồng/th mỗi h/v

Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét tình hình thực tế, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh khung học phí.

2. Mức thu học phí:

2.1. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào nhu cầu phát triển giáo dục, mức sống của nhân dân địa phương mình và khung học phí nêu trên để quy định mức thu học phí áp dụng cho các đối tượng thuộc các hình thức giáo dục - đào tạo, kể cả nhà trẻ, các lớp bán trú, các hình thức giáo dục thường xuyên, học nghề tại các Trung tâm kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề và các hình thức giáo dục và đào tạo khác ở từng địa bàn, từng vùng, trong tỉnh hoặc thành phố.

2.2. Giám đốc các Đại học, Hiệu trưởng và Thủ trưởng các trường và cơ sở đào tạo thuộc Trung ương quản lý, căn cứ vào khung học phí nói trên, đặc điểm và yêu cầu phát triển của các ngành, nghề đào tạo, các hình thức đào tạo, hoàn cảnh của từng loại học sinh, sinh viên để quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng.

2.3. Học phí được thu theo định kỳ hàng tháng. Các trường lớp nhà trẻ mẫu giáo, dạy nghề ngắn hạn và các hình thức giáo dục khác thu theo số tháng thực học. Các trường trung học cơ sở và phổ thông trung học thu 9 tháng/năm. Đối với các cơ sở đào tạo chính quy thu 10 tháng/năm; các hệ đào tạo khác thu học phí theo số tháng thực học.

3. Đối tượng miễn, giảm học phí:

3.1. Miễn học phí cho các đối tượng sau:

3.1.1. Học sinh đang học bậc tiểu học

3.1.2. Học sinh, sinh viên là con của liệt sĩ

3.1.3. Học sinh, sinh viên là anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; thương binh.

3.1.4. Học sinh, sinh viên là con của thương binh, con của bệnh binh, con của những người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 61 đến 80%.

3.5.1. Học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại vùng cao miền núi (trừ thành phố, thị xã, thị trấn) và vùng sâu, hải đảo.

3.1.6. Học sinh, sinh viên bị tàn tật và có khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 21% trở lên do tàn tật và được Hội đồng giám định Y khoa xác nhận.

3.1.7. Học sinh, sinh viên hệ chính quy tập trung ngành sư phạm khi vào học có cam kết sau khi tốt nghiệp phục vụ trong ngành Giáo dục và đào tạo.

3.1.8. Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

3.1.9. Học sinh thuộc đối tượng tuyển chọn ở các trường dự bị đại học dân tộc, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường khuyết tật (thiểu năng).

3.1.10. Học sinh, sinh viên mà gia đình (gia đình, cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng) thuộc diện hộ đói theo quy định hiện hành của Nhà nước, có mức thu nhập quy đổi bình quân đầu người/tháng dưới 13 kg gạo.

3.2. Giảm 50% học phí cho các đối tượng:

3.2.1. Học sinh, sinh viên là con của thương binh; con của bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 21 đến 60%.

3.2.2. Học sinh, sinh viên là con cán bộ công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động được hưởng trợ cấp thường xuyên.

3.2.3. Học sinh, sinh viên có gia đình (gia đình, cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng) thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước. Hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng quy đổi ra gạo:

Dưới 25 kg gạo ở thành thị

Dưới 20 kg gạo ở nông thôn vùng đồng bằng và trung du

Dưới 15 kg gạo ở nông thôn miền núi.

4. Thủ tục miễn, giảm học phí:

4.1. Học sinh đang học bậc tiểu học; học sinh, sinh viên ngành sư phạm theo quy định tại điểm 3.1.1 và 3.1.7 - Mục 3 nêu trên không phải làm đơn xin miễn học phí.

4.2. Học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng miễn, giảm học phí phải làm đơn xin miễn, giảm học phí theo mẫu thống nhất do Giám đốc các Đại học, Hiệu trưởng các trường và thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo ban hành, có xác nhận nội dung kê khai của gia đình học sinh, sinh viên do cơ quan có thẩm quyền ở địa phương (như Phòng thương binh xã hội, Uỷ ban nhân dân xã, phường) ký tên và đóng dấu, có ý kiến đề nghị của giáo viên chủ nhiệm lớp.

4.3. Giám đốc các Đại học, Hiệu trưởng các trường, thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tại căn cứ vào các quy định chung tại Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quy định cụ thể tại Thông tư này, căn cứ vào ý kiến xác nhận của địa phương và ý kiến đề nghị của giáo viên chủ nhiệm lớp để quyết định việc miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên và lập danh sách báo cáo cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cấp trên trực tiếp.

4.4. Việc miễn, giảm học phí được thực hiện trong suốt thời gian học tập của học sinh tại trường và các cơ sở giáo dục - đào tạo, trừ trường hợp gia đình thuộc diện hộ đói, hộ nghèo được xem xét theo từng năm học.

4.5. Những trường hợp đột xuất khi có thiên tai lớn xảy ra trong khu vực, Liên sở Giáo dục - Đào tạo và Tài chính - Vật giá xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định miễn giảm học phí cho các đối tượng học sinh từng vùng, theo mức độ thiệt hại và trong thời hạn nhất định. Trường hợp cá biệt, gia đình hoặc bản thân học sinh, sinh viên có khó khăn đột xuất được địa phương xác nhận thì nhà trường xem xét cụ thể và quyết định việc miễn, giảm học phí trong thời hạn nhất định.

5. Thu và sử dụng quỹ học phí:

5.1. Thu và sử dụng quỹ học phí được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 4 Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/03/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

5.1.1. Cơ sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thu học phí và nộp vào Kho bạc Nhà nước. Biên lai thu học phí do cơ quan tài chính phát hành.

5.1.2. Cơ sở Giáo dục - đào tạo và cơ quan quản lý giáo dục địa phương được sử dụng toàn bộ học phí thu được vào các việc sau:

5.1.2.1. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy - học tập.

5.1.2.2. Bổ sung kinh phí cho hoạt động sự nghiệp giáo dục đào tạo kể cả hỗ trợ cho việc tổ chức thi tốt nghiệp.

5.1.2.3. Hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, phục vụ giảng dạy.

5.1.2.4. Hỗ trợ cho công tác quản lý và điều tiết chung thuộc ngành giáo dục - đào tạo địa phương.

5.1.3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc đại học, Hiệu trưởng và Thủ trưởng các trường, các cơ sở đào tạo thuộc các cơ quan Trung ương quy định tỷ lệ sử dụng học phí để chi cho các nội dung nêu tại khoản 2 điều này. Trong đó, tỷ lệ học phí dành để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy - học tập (khoản 2.1) không dưới 35% đối với khối giáo dục, không dưới 45% đối với khối đào tạo và tỷ lệ học phí dành cho hỗ trợ công tác quản lý và điều tiết chung (nếu có) thuộc ngành giáo dục - đào tạo ở địa phương (khoản 2.4) không quá 20%.

5.2. Phòng Tài vụ - Kế toán (đối với các cơ sở có Phòng Tài vụ - Kế toán), kế toán hoặc văn phòng nhà trường (đối với các cơ sở không có Phòng Tài vụ - Kế toán) trực tiếp thu học phí hàng tháng của học sinh, sinh viên. Khi thu phải cấp Biên lai thu tiền cho từng học sinh. (theo mẫu số C27-H ban hành kèm theo Quyết định số 999-TC-QĐ-CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính). Toàn bộ số học phí thu được phải nộp vào Kho bạc Nhà nước - nơi trường học đơn vị giao dịch theo một tài khoản riêng (ghi tại điểm 6.1 dưới đây).

5.3. Học phí được sử dụng toàn bộ cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, cụ thể như sau:

5.3.1. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập (như sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, xây dựng nhỏ các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, ký túc xá học sinh - sinh viên; mua sắm, thuê mướn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, quản lý chuyên môn, hành chính và các công việc khác có liên quan).

5.3.2. Bổ sung kinh phí cho các hoạt động của sự nghiệp giáo dục đào tạo, kể cả hỗ trợ thi tốt nghiệp (Bao gồm tất cả các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn và các khoản chi thường xuyên thuộc nội dung chi hoạt động sự nghiệp giáo dục đào tạo, kể cả chi cho thi tốt nghiệp ở các trường và cơ sở giáo dục - đào tạo, chi nghiệp vụ quản lý quỹ học phí tại cơ sở).

5.3.3. Hỗ trợ cho hoạt động trực tiếp giảng dạy, phục vụ giảng dạy. Bao gồm chi hỗ trợ cho lao động trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy của giáo viên, cán bộ nhân viên phục vụ giảng dạy và các bộ phận liên quan, chi khen thưởng và chi phúc lợi tập thể ở các trường và các cơ sở giáo dục đào tạo.

5.3.4. Riêng khoản hỗ trợ công tác quản lý và điều tiết chung thuộc ngành giáo dục đào tạo địa phương quy định không quá 20% theo khoản 2.4 Điều 4 Quyết định 70/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, liên bộ GD-ĐT và Tài chính sẽ có hướng dẫn sau.

6. Quản lý quỹ học phí:

6.1. Kho bạc Nhà nước Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục đào tạo mở tài khoản tiền gửi về Quỹ học phí tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

Kho bạc Nhà nước nơi cơ sở giáo dục đào tạo mở tài khoản Quỹ học phí có trách nhiệm cấp lại tiền cho các cơ sở giáo dục đào tạo theo quy định của Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg và những quy định tại Thông tư này.

6.2. Hàng năm, cùng với việc lập dự toán thu, chi từ nguồn Ngân sách Nhà nước, các cấp, các trường, các cơ sở giáo dục - đào tạo lập dự toán thu, chi quỹ học phí báo cáo cơ quan quản lý giáo dục đào tạo cấp trên trực tiếp phê duyệt tổng hợp gửi cơ quan tài chính đồng cấp và chuyển Kho bạc Nhà nước làm căn cứ cấp lại và kiểm soát chi tiêu. Các Sở giáo dục đào tạo lập dự toán thu, chi khoản kinh phí dành hỗ trợ công tác quản lý và điều tiết chung thuộc ngành giáo dục đào tạo ở địa phương do các trường thuộc địa phương nộp, gửi Sở Tài chính Vật giá để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Trường hợp Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đào tạo ở Trung ương quyết định mức thu học phí mới, các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo phải điều chỉnh dự toán thu, chi học phí và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định theo đúng quy định tại Thông tư này.

Việc quản lý thu, chi quỹ học phí ở các cơ sở giáo dục - đạo tạo được tập trung thực hiện tại Phòng Tài vụ - Kế toán, ở các cơ sở giáo dục đào tạo không có Phòng Tài vụ - Kế toán phải tập trung tại Văn phòng nhà trường, Nhà trường phải mở sổ sách kế toán theo dõi thu chi quỹ học phí, nghiêm cấm việc toạ chi và để ngoài sổ sách kế toán quỹ học phí.

6.3. Các cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm nộp số tiền thu học phí hàng tháng vào tài khoản tiền gửi Quỹ học phí tại Kho bạc Nhà nước, sau khi kết thúc năm báo cáo quyết toán thu, chi quỹ học phí và chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Quyết định thu chi quỹ học phí phải tổng hợp chung vào Quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm (ghi ở mục nguồn kinh phí khác). Các cơ sở giáo dục đào tạo phải báo cáo quyết toán thu chi quỹ học phí với cơ quan quản lý giáo dục đào tạo và cơ quan tài chính cùng cấp để các cơ quan này tổng hợp báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên.

6.4. Để tổng hợp báo cáo thu, chi học phí toàn ngành, hàng năm trước ngày 20 của tháng cuối quý I các Sở Giáo dục và đào tạo địa phương tổng hợp báo cáo quyết toán thu chi quỹ học phí của các đơn vị giáo dục - đào tạo tỉnh, thành phố quản lý gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Sở Tài chính vật giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với các cơ sở đào tạo do Trung ương quản lý thì các Bộ chủ quản có trường và cơ sở đào tạo tổng hợp báo cáo quyết toán thu chi quỹ học phí của các đơn vị trực thuộc mình, báo cáo Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính.

6.5. Công tác kế toán và quyết toán:

Các trường, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện công tác kế toán thống kê quy định tại Pháp lệnh Kế toán Thống kê ngày 10/5/1998; Nghị định số 25/HĐBT ngày 18/3/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều kệ tổ chức kế toán; Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; Quyết định số 999 TC/QĐ/CĐKT ngày 02/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống kế toán Hành chính Sự nghiệp và các văn bản hướng dẫn chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.

Để hoạch toán số thu, chi học phí, nhà trường phải mở sổ kế toán theo dõi riêng và hạch toán theo các quy định hiện hành.

7. Các khoản được thu khác:

7.1. Các cơ sở giáo dục - đào tạo được thu lệ phí tuyển sinh: Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo do địa phương quản lý thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; Đối với các trường và cơ sở đào tạo do Trung ương quản lý thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính.

7.2. Các trường và cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được thu tiền tham gia xây dựng trường theo Quyết định số 248/TTg ngày 22/11/1973 của Thủ tướng Chính phủ, mức thu do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

 

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/1998. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Liên bộ xem xét sửa đổi bổ sung phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Vũ Hùng

Nguyễn Thị Kim Ngân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.