Sign In

CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Quy định một số điểm về việc phối hợp giữa các

cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp

Thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế, xây dựng ý thức tuân theo pháp luật đối với các cấp, các ngành và trong nhân dân, đưa các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng. Tuy nhiên, kết quả còn bị hạn chế, do một trong những nguyên nhân là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc này.

Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng luật pháp, giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, kịp thời xử lý các tiêu cực, đồng thời khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài thời gian, gây phiền hà, khó khăn cho đối tượng được thanh tra. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị một số điều có tính qui định để các ngành, cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra (hệ thống thanh tra Nhà nước và công an) thực hiện, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát các cấp cùng phối hợp thực hiện như sau:

1. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại một doanh nghiệp, phải có quyết định của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước, Thủ trưởng các tổ chức thanh tra, kiểm tra có thẩm quyền đã được pháp luật qui định; quyết định phải ghi rõ nội dung và thời hạn tiến hành, phạm vi trách nhiệm của Đoàn thanh tra, kiểm tra (dưới đây gọi tắt là Đoàn thanh tra); trách nhiệm của đơn vị được thanh tra. Việc thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành gọn, dứt điểm từng vụ việc, nhất là đúng thời gian theo luật định không được kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng một doanh nghiệp chịu sự thanh tra, kiểm tra của nhiều đoàn trong cùng một thời gian, hoặc nhiều đoàn liên tiếp nhau vào thanh tra, kiểm tra một doanh nghiệp.

2. Đoàn thanh tra thực hiện những nội dung đã được ghi trong quyết định thanh tra theo đúng chức năng, khi kết thúc thanh tra phải có kết luận rõ ràng, chính xác đối với từng vụ, việc; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân, kiến nghị biện pháp xử lý cụ thể về kinh tế, kỷ luật hành chính hoặc quyết định xử lý theo qui định của pháp luật. Những vấn đề gì không kết luận được và ngoài thẩm quyền của mình, thì cơ quan tổ chức ra Đoàn thanh tra có thể yêu cầu cơ quan khác cùng phối hợp hoặc chuyển ngay cho cơ quan khác có chức năng làm tiếp những phần đó. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm, thì chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra, để cơ quan điều tra tiến hành xác minh, điều tra theo trình tự qui định của Luật Tố tụng.

3. Đối với các đơn vị kinh tế do Trung ương quản lý đóng tại địa phương, nếu cơ quan thanh tra địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra thì phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cấp trên theo ngành dọc, đồng thời cơ quan có thẩm quyền cấp trên đó thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị được thanh tra, kiểm tra biết để phối hợp. Riêng việc kiểm tra thuộc chức năng quản lý của chính quyền địa phương và thuộc nghiệp vụ của các cơ quan chức năng chuyên ngành đối với các doanh nghiệp vẫn được tiến hành bình thường theo qui chế hiện hành, nhưng cũng phải bố trí vào thời gian thích hợp, không chồng chéo với các cuộc thanh tra đang tiến hành.

4. Các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra hàng quí thông báo cho nhau biết kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất về nội dung, địa điểm và thời gian thanh tra trước khi triển khai. Nếu có trường hợp kế hoạch của hai hoặc nhiều cơ quan trùng nhau về nội dung, thời gian và đơn vị được thanh tra, thì các cơ quan này bàn bạc thống nhất, chỉ để một cơ quan vào thanh tra; hoặc nếu cần thiết có thể thành lập Đoàn thanh tra chung (liên ngành) để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Cơ quan ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành cần phải qui định cụ thể quyền hạn trách nhiệm giữa các lực lượng tham gia và thống nhất kế hoạch tiến hành.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị được thanh tra có những vi phạm khác ngoài nội dung ghi trong quyết định hoặc không đúng chức năng xử lý của mình, thì yêu cầu đơn vị được thanh tra giải trình và thông báo cho cơ quan chức năng khác để xem xét.

5. Nếu có yêu cầu của cấp trên hoặc kiến nghị của đơn vị được thanh tra, cơ quan làm nhiệm vụ phúc tra phải nghiên cứu sử dụng những kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra trước và chỉ phúc tra những điểm nào chưa rõ, khắc phục tình trạng đòi hỏi doanh nghiệp phải báo cáo, giải trình lại các nội dung đã báo cáo rõ ràng với Đoàn thanh tra trước đó.

6. Khi kết thúc thanh tra, cơ quan thanh tra phải thông báo kết luận, kết quả thanh tra cho các cơ quan có liên quan để biết và phối hợp theo dõi việc thực hiện của đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

7. Doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra phải nghiêm chỉnh thực hiện các việc được qui định trong quyết định thanh tra; nhưng có quyền kiến nghị chưa thực hiện sự thanh tra, kiểm tra khi không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Khi có quyết định thanh tra, kiểm tra đúng thẩm quyền nhưng nội dung không rõ ràng, trùng lắp, thì doanh nghiệp được thanh tra có quyền báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên quản lý trực tiếp và cơ quan ra quyết định thanh tra biết để kịp thời xử lý; trong khi chờ đợi ý kiến của các cơ quan đó, nếu cần thiết, việc thanh tra vẫn được tiến hành, nhưng cơ quan quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm nếu việc thanh tra là không đúng hoặc gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cấm mọi hành vi sách nhiễu gây khó khăn đối với các đơn vị được thanh tra của Đoàn thanh tra hoặc cá nhân thành viên của đoàn và mọi hành vi lôi kéo mua chuộc cán bộ thanh tra của đơn vị được thanh tra, kiểm tra nhằm cố ý làm sai lệch tính chính xác, khách quan của cuộc thanh tra.

8. Thanh tra Nhà nước, Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ đạo và hướng dẫn cấp dưới theo ngành dọc của mình thực hiện những điểm qui định trong Chỉ thị này.

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện Kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra cùng cấp để thực hiện Chỉ thị này.

Sáu tháng, Thủ trưởng các ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra thuộc Chính phủ có thể mời thêm các tổ chức kiểm tra đôn đốc thu nộp thuế, quản lý thị trường v.v... họp một lần do Tổng Thanh tra Nhà nước chủ trì có mời đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham dự để rút kinh nghiệm phối hợp và bàn biện pháp giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Nếu có những vấn đề vướng mắc không giải quyết được thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ban hành. Các Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương tổ chức thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai và những ý kiến đề xuất để việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đi vào nề nếp, đạt hiệu quả thiết thực.

 

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt