Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Kế hoạch Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020

______________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định 56/2005/NĐ-CP, ngày 26 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về khuyến nông, khuyến ngư và Thông tư 60/2005/TT-BNN, ngày 10 tháng 10 năm 2005 Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 56/2005/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS, ngày 06 tháng 4 năm 2006 hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2006/NQ-HĐND ngày 25/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông, về việc thông qua Đề án “Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 16/TTr-SNN ngày 06 tháng 02 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch Phát triển khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Đăk Nông giai đọan 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Nội vụ, Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Đỗ Thế Nhữ

KẾ HOẠCH

Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đọan 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020

(Ban hành kèm theo quyết định số: 08/2007/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2007 của UBND tỉnh)

_____________________________

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2006/NQ-HĐND ngày 25/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc thông qua Đề án “Phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020”. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH

ĐỐI VỚI KHUYẾN NÔNG CƠ SỞ

1. Số lượng khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông.

- Mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh được bố trí 01 khuyến nông viên cơ sở.

- Mỗi thôn, buôn, bon trên địa bàn toàn tỉnh được bố trí 01 cộng tác viên khuyến nông.

2. Tiêu chuẩn tuyển chọn khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông.

- Là công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại xã.

- Là những người có trình độ tốt nghiệp PTCS trở lên, tại những vùng không có thì tuyển những người có trình độ cao nhất.

- Hiểu biết và có kinh nghiệm về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và có khả năng tiếp thu, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; có khả năng truyền đạt các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước (đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp) cho nông dân.

- Phải có uy tín với nhân dân tại địa phương; có tinh thần gương mẫu trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; thực hiện tốt các chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Có sức khỏe tốt, tự nguyện tham gia và phục vụ lâu dài tại địa phương.

Ưu tiên cho những người là đồng bào dân tộc hoặc những người thông thạo tiếng dân tộc.

3. Cách thức tuyển chọn.

- Việc tuyển chọn khuyến nông viên xã, phường, thị trấn do Trạm khuyến nông huyện phối hợp cùng với UBND xã thực hiện.

- Việc tuyển chọn cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon do đại diện các hộ nông dân trong thôn, buôn lựa chọn, giới thiệu cho Trạm khuyến nông huyện và UBND xã.

 Trạm khuyến nông huyện trình UBND huyện ra quyết định phê duyệt danh sách. Trên cơ sở danh sách được phê duyệt, Trạm khuyến nông trực tiếp ký hợp đồng với từng người.

4. Thời hạn hợp đồng.

- Đối với khuyến nông viên xã: Ký 3 năm 1 lần. Hàng năm cơ quan hợp đồng nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động của khuyến nông viên xã và xem xét lại hợp đồng. Nếu khuyến nông viên đó vẫn đủ tiêu chuẩn quy định và hòan thành tốt nhiệm vụ thì vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng, nếu vi phạm hợp đồng không thể khắc phục được thì thanh lý hợp đồng và tuyển chọn người khác thay thế.

- Đối với cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon: Ký 1 năm 1 lần. Hàng năm thông qua nhận xét của trưởng thôn, buôn và cán bộ khuyến nông xã, UBND xã nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động của khuyến nông viên thôn, buôn và đề nghị UBND huyện cho tiếp tục hoặc chấm dứt hợp đồng.

5. Quản lý và sử dụng.

- Khuyến nông viên thuộc huyện, thị nào thì huyện, thị đó quản lý và sử dụng vào việc triển khai các chương trình đưa tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp ở địa phương.

- Khuyến nông viên phải quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng thực hiện nhiệm vụ. UBND xã quản lý trực tiếp khuyến nông viên về hành chính, về công việc và nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động tại địa bàn.

- Khuyến nông viên xã trực tiếp điều hành khuyến nông viên thôn buôn về nhiệm vụ chuyên môn.

- Trạm khuyến nông huyện chi trả phụ cấp cho khuyến nông viên cơ sở và cộng tác viên khuyến nông theo hợp đồng cụ thể với từng khuyến nông viên.

6. Nhiệm vụ của khuyến nông viên xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với chính quyền, các đòan thể trong xã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp - nông thôn.

- Hướng dẫn các hộ gia đình lập kế hoạch sản xuất theo hướng sử dụng đất đai hợp lý, có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, chuyển đổi thời vụ gieo trồng thích hợp, tiếp nhận giống mới có năng suất cao, phương pháp canh tác tiên tiến, các biện pháp bảo vệ cây trồng vật nuôi, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với Trạm khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cây trồng, vật nuôi.

- Trực tiếp xây dựng mô hình trình diễn làm mẫu cho nông dân thôn, buôn, xã, phường học tập làm theo, thông qua việc vận động các hộ cùng cán bộ khuyến nông làm hoặc cán bộ khuyến nông ký hợp đồng với hộ để thực hiện. Hướng dẫn cho nông dân thực hiện các mô hình trình diễn của khuyến nông thực hiện trên địa bàn mình quản lý.

- Giúp chính quyền xã, phường tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm nghiệp hàng vụ, hàng năm và các nhiệm vụ sản xuất nông lâm nghiệp khác do huyện, thị xã giao cho xã, phường, thị trấn hoặc do yêu cầu phát triển của địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan đoàn thể của tỉnh, huyện, thị tổ chức thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp triển khai tại địa phương.

- Thực hiện các quy định về báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ, báo cáo giao ban và các báo cáo khác.

- Tham gia đầy đủ các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn do Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm khuyến nông huyện tổ chức nhằm bồi dưỡng kiến thức và nâng cao tay nghề.

7. Nhiệm vụ của cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon.

- Giúp các hộ nông dân trong thôn, buôn tổ chức thực hiện nhiệm vụ khuyến nông, khuyến ngư và các họat động khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

- Giúp trưởng thôn, buôn và phối hợp với các hội, đoàn thể trong thôn, buôn tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

- Hướng dẫn các hộ gia đình biết lập kế hoạch và tổ chức sản xuất đạt hiệu quả, hướng dẫn nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật.

- Trực tiếp xây dựng mô hình trình diễn làm mẫu cho nông dân thôn, buôn, học tập làm theo.

- Phối hợp khuyến nông viên xã, Trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho nông dân.

- Thực hiện các quy định về báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ, báo cáo giao ban và các báo cáo khác.

8. Quyền hạn của khuyến nông viên xã, phường, thị trấn

- Được tham dự các hội nghị của xã, phường, thị trấn bàn về phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt bàn về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn.

- Được truyền đạt các ý kiến chỉ đạo của UBND huyện, Trạm khuyến nông huyện với chính quyền xã, phường, thị trấn, thôn, buôn về lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và cùng chính quyền bàn biện pháp tổ chức thực hiện các ý kiến chỉ đạo đó.

- Được tham mưu cho xã, phường, thị trấn về việc tổ chức thực hiện kế họach sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và cùng với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện kế họach có hiệu quả.

- Được báo cáo và đề xuất với UBND huyện, Trạm khuyến nông những biện pháp nhằm giúp xã, phường, thị trấn thực hiện kế hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, khắc phục thiên tai.

9. Quyền hạn của cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon.

- Được đề xuất với UBND xã, phường, thị trấn, thôn, buôn các biện pháp tổ chức thực hiện công tác phát triển nông nghiệp nông thôn của thôn, buôn mình.

- Phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng các loại cây giống, con giống ngoài danh mục xuất hiện trên địa bàn.

- Được đề nghị trưởng thôn, buôn tổ chức các cuộc họp thôn, buôn để triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp tại thôn, buôn.

10. Một số chính sách đối với cán bộ khuyến nông cơ sở.

- Cán bộ khuyến nông cơ sở công tác tại xã, phường, thị trấn được Chính quyền nơi công tác tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.

- Được hưởng phụ cấp từ nguồn ngân sách của Tỉnh giao về cho Trạm khuyến nông huyện chi trả hàng tháng theo hợp đồng.

+ Phụ cấp cho KNV xã:                                                 300.000đ/người/tháng.

+ Phụ cấp cho CTV KN thôn, buôn:                    140.000đ/người/tháng.

* Đối với các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa:

+ Phụ cấp cho CTV KN thôn, buôn:                    155.000đ/người/tháng.

- Được hưởng phụ cấp khi đã được đào tạo cấp chứng chỉ và sau khi ký hợp đồng.

- Được cung cấp tài liệu kỹ thuật Khuyến nông phục vụ cho công tác tuyên truyền phổ biến khoa học kỹ thuật.

- Được tham gia các khóa đào tạo, tham quan, hội thảo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ … do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm khuyến nông huyện tổ chức.

- Được ưu tiên tiếp nhận mô hình trình diễn trong các chương trình khuyến nông hàng năm của huyện.

- Được nghỉ các ngày lễ tết, ngày chủ nhật theo quy định chung của Nhà nước. Trường hợp nghỉ ốm đau, nghỉ việc riêng phải báo cáo cho UBND xã, phường, thị trấn; ban tự quản thôn, buôn, bon biết.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI

I. Xây dựng chiến lược về giống cây trồng, vật nuôi.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Thời gian hoàn thành: Trong năm 2007.

II. Kiện toàn tổ chức hệ thống khuyến nông, khuyến ngư.

1. Đối với Trung tâm khuyến nông.

Trung tâm khuyến nông rà soát lại chất lượng đội ngũ cán bộ, bố trí cán bộ đảm nhận các công việc đúng với chuyên ngành được đào tạo.

Thời gian hoàn thành: Trước tháng 3/2007.

2. Đối với Trạm khuyến nông huyện, thị xã.                                                                                   

Trung tâm khuyến nông phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, sắp xếp bố trí cán bộ phù hợp với năng lực chuyên môn, không điều chuyển cán bộ không có chuyên môn phù hợp từ các phòng ban của huyện sang Trạm khuyến nông.

Thời gian hoàn thành: Trước tháng 3/2007.

3. Đối với hệ thống khuyến nông cơ sở.

a) Lựa chọn và tuyển dụng:

Trung tâm khuyến nông, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo Trạm khuyến nông phối hợp cùng UBND xã lựa chọn và tuyển dụng khuyến nông viên cấp xã; hướng dẫn tổ chức họp thôn, bon, buôn để đại diện các hộ nông dân trong thôn, buôn, bon lựa chọn, giới thiệu cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon.

* Năm 2007 tập trung lựa chọn và tuyển dụng:

- Toàn bộ khuyến nông viên cấp xã, phường, thị trấn.

- Cộng tác viên khuyến nông thôn, bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thời gian hoàn thành: Trước tháng 12/2007.

* Năm 2008 lựa chọn và tuyển dụng số cộng tác viên khuyến nông còn lại.

Bảng tổng hợp số lượng khuyến nông cơ sở theo các huyện:

Stt

Huyện

Số lượng KNV xã

Số lượng CTV KN thôn, buôn, bon

Tuyển chọn 2007

Tuyển chọn 2007

Tuyển chọn 2008

1

Thị xã Gia Nghĩa

08

08

18

2

Huyện Đăk Glong

06

34

13

3

Huyện Đăk R'Lấp

10

16

75

4

Huyện Tuy Đức

06

28

21

5

Huyện Đăk Song

07

24

62

6

Huyện Đăk Mil

10

11

105

7

Huyện Cư Jút

08

15

92

8

Huyện Krông Nô

11

23

70

Tổng cộng

66

159

456

b) Đào tạo cơ bản cho khuyến nông cơ sở:

Sau khi lựa chọn và tuyển dụng, tổ chức đào tạo cơ bản cho tất cả khuyến nông viên cơ sở, thời gian đào tạo 1 tháng, hình thức đào tạo tập trung, đơn vị thực hiện là Trung tâm khuyến nông tỉnh phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan trong tỉnh.

Nội dung đào tạo: Kỹ năng nghiệp vụ khuyến nông, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.

Việc kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở (lựa chọn, tuyển dụng) thực hiện xong trước tháng 6/2008.

III. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, đào tạo và thông tin tuyên truyền.

- Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, khuyến ngư.

- Chú trọng tập huấn những nội dung phù hợp với yêu cầu, trình độ nhận thức của nông dân, phù hợp với thị trường và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các điểm kết nối Internet, thư viện điện tử, lồng ghép với các điểm bưu điện văn hóa xã để chuyển tải thường xuyên, rộng rãi đến nông dân những kiến thức kỹ thuật, mô hình sản xuất giỏi, cách làm hay để mọi người có thể tham khảo, học tập và áp dụng.

- Chú trọng việc xây dựng, in ấn tài liệu kỹ thuật có nội dung và hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với trình độ của nông dân để có thể hiểu và áp dụng, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số.

Bảng tổng hợp kế hoạch huấn luyện đào tạo và thông tin tuyên truyền:

Stt

Nội dung

ĐVT

2007

2008

2009

2010

Tổng

I

Huấn luyện đào tạo

 

 

 

 

 

 

1

Đào tạo cơ bản cho khuyến nông viên

Người

225

226

230

 

 

2

Đào tạo lại hàng năm cho khuyến nông viên cơ sở

Lớp

 

 

 

6

6

3

Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện

Lớp

2

2

2

2

8

4

Tham quan học tập cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện

Cuộc

1

1

1

1

4

5

Tập huấn kỹ thuật cho nông dân

Lớp

400

400

400

400

1.600

6

Hội thảo tổng kết mô hình

Cuộc

30

30

30

30

120

II

Thông tin tuyên truyền

 

 

 

 

 

 

1

Xây dựng chuyên mục khuyến nông trên báo Đăk Nông

C/mục

24

24

24

24

96

2

Xây dựng chuyên mục khuyến nông trên Đài phát thanh truyền hình Đăk Nông

C/mục

12

12

12

12

48

3

Xuất bản Tập san khuyến nông

Số

4

4

4

4

16

4

Xuất bản tài liệu bướm kỹ thuật

1.000 Tờ

40

40

40

40

160

IV. Nâng cao hiệu quả xây dựng mô hình trình diễn:

Chú trọng xây dựng các chương trình trọng điểm phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế xã hội của địa phương, của từng vùng sản xuất; ưu tiên các chương trình đến với người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, từng địa bàn. Xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp trong quá trình triển khai phương án giao, khoán rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số; đầu tư tập trung các chương trình nhằm thay đổi cơ bản tập quán canh tác để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bảng tổng hợp kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn:

STT

Nội dung

ĐVT

Qui mô

Tổng

2007

2008

2009

2010

1

Lúa

Ha

130

30

30

35

35

2

Điều

Ha

38

9

9

10

10

3

Cà phê

Ha

35

7

8

10

10

4

Cacao

Ha

17

3

4

5

5

5

Tiêu

Ha

10

2

2

3

3

6

Rau củ sạch

 

 

 

 

 

 

 

Mướp đắng

Ha

11,5

2

2,5

3

4

 

Dưa chuột

Ha

11,5

2

2,5

3

4

 

Cải các loại

Ha

11,5

2

2,5

3

4

7

Cải tạo đàn bò

Con

250

60

60

60

70

8

VBB

Con

310

70

80

80

80

9

Trồng cỏ

Ha

16

3

4

4

5

10

Lợn sinh sản

Con

130

25

30

35

40

11

Gia cầm

Con

5.500

1.000

1.500

1.500

1.500

12

Cá nước ngọt

Ha

4

1

1

1

1

12

Thâm canh rừng kinh tế

Ha

52

10

12

15

15

13

Trồng rừng

Ha

50

5

10

15

20

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp & PTNT chịu trách nhiệm.

- Chỉ đạo Trung tâm khuyến nông triển khai thực hiện các nội dung trong bản kế hoạch này.

- Thống nhất với Sở Tài chính về kinh phí để đưa vào dự toán chi ngân sách hàng năm.

- Kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cấp thực hiện kế hoạch này, tổng hợp báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh để xem xét, xử lý các vấn đề vướng mắc.

2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các huyện, thị xã để hướng dẫn Trung tâm khuyến nông, các xã, phường, thị trấn lập dự toán chi hàng năm.

- Lập kế hoạch tài chính cấp phát kinh phí cho các chương trình, kinh phí chi trả thù lao cho cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông theo nội dung của kế hoạch này và quản lý theo đúng chế độ hiện hành.

3. Sở Nội vụ chịu trách nhiệm.

- Theo dõi việc tổ chức thực hiện cùng Sở nông nghiệp & PTNT, đề xuất các chế độ chính sách cho cán bộ khuyến nông cơ sở phù hợp với từng thời kỳ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác khuyến nông, khuyến ngư.

4. UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm.

 - Quản lý trực tiếp, toàn diện số khuyến nông viên cơ sở xã, phường, thị trấn; cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn, bon trên địa bàn và thi hành kế hoạch này.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm.

- Các cơ quan thông tin đại chúng (Báo Đăk Nông, Đài phát thanh, Đài truyền hình tỉnh, huyện) và các tổ chức đoàn thể (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên,...) phối hợp cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo về công tác khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đỗ Thế Nhữ