• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2024
BỘ NỘI VỤ
Số: 08/2007/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 1 tháng 10 năm 2007

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

b) Người đứng đầu các doanh nghiệp của Nhà nước, gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại công ty;

c) Người đứng đầu các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước;

d) Người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp nhà nước.

đ) Cấp phó của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước cũng phải xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách.

Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu sau đây gọi chung là người đứng đầu.

3. Doanh nghiệp của Nhà nước quy định tại Nghị định số 107/2006/NĐ-CP là các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, bao gồm: Công ty nhà nước (Tổng công ty nhà nước và Công ty nhà nước độc lập) và Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập; Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

II. XỬ LÝ KỶ LUẬT

1. Nguyên tắc xử lý kỷ luật:

a) Việc xử lý kỷ luật người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách được thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 6 Nghị định số 107/2006/NĐ-CP.

b) Việc xem xét xử lý kỷ luật người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách cần căn cứ vào quy định của pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của đơn vị.

2. Hình thức xử lý kỷ luật:

a) Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước khi để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong đơn vị mình thì tuỳ theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau:

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Cách chức.

b) Người đứng đầu các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước khi để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong tổ chức mình thì tuỳ theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại điều lệ của tổ chức đó. Trường hợp điều lệ của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp không quy định hình thức kỷ luật thì áp dụng theo các hình thức kỷ luật hướng dẫn tại điểm a khoản 2 mục II của Thông tư này.

3. Áp dụng hình thức kỷ luật:

Việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện như quy định tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 107/2006/NĐ-CP.

4. Việc loại trừ trách nhiệm, miễn, giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình thức kỷ luật thực hiện như quy định tại Điều 11 Nghị định số 107/2006/NĐ-CP.

5. Các quy định khác liên quan đến việc xử lý kỷ luật:

a) Các quy định liên quan đến việc xử lý kỷ luật người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của Nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước như quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2006/NĐ-CP.

b) Về thời hiệu xử lý kỷ luật; trách nhiệm của cơ quan cấp trên trong việc chưa xử lý kỷ luật trong thời hiệu quy định; tạm đình chỉ công tác; chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật; quản lý hồ sơ kỷ luật; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật và các quy định liên quan đến công chức bị kỷ luật được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức và Thông tư số 03/2006 TT-BNV ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.