• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2019
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 229/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 12 tháng 10 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp

________________________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 169/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 08 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức điều hành và hiện đại hoá công sở của hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn I (2003 - 2005);

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định những yêu cầu về quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp, gồm các đối tượng sau đây:

1. Công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ.

2. Công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh.

3. Công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện.

4. Công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã.

Điều 2. Yêu cầu chung về quy hoạch xây dựng

Quy hoạch công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp thực hiện theo nguyên tắc tập trung và phải đáp ứng được những yêu cầu sau:

1. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu sử dụng.

2. Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của mỗi vùng, miền  đất nước.

3. Khắc phục tình trạng phân tán, manh mún của công sở cơ quan hành chính nhà nước.

4. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, các cơ quan, tổ chức giao dịch và thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

5. Tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập của đất nước.

Điều 3. Yêu cầu về vị trí và diện tích khu đất xây dựng

1. Phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Diện tích đất xây dựng phù hợp với nhu cầu sử dụng và điều kiện đất đai của từng địa phương.

3. Giao thông thuận tiện.

4. Hạ tầng kỹ thuật khu vực đảm bảo, thông tin liên lạc hiện đại, đồng bộ.

5. Đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, môi trường.

6. Có khả năng mở rộng trong tương lai.

Điều 4. Yêu cầu về quy hoạch tổng mặt bằng

1. Quy hoạch tổng mặt bằng phải có bố cục không gian kiến trúc hiện đại, mật độ xây dựng hợp lý, tạo sự hài hoà với cảnh quan kiến trúc khu vực, đóng góp vào bộ mặt kiến trúc đô thị.

2. Công trình được bố trí có khoảng lùi.

3. Trong khuôn viên bố trí sân, đường nội bộ, nơi để xe, vườn hoa cây xanh hợp lý, tạo điều kiện để công trình tiếp cận với môi trường tự nhiên và thuận tiện cho xe cứu hoả ra vào khi có sự cố cháy nổ.

4. Công trình có hàng rào bao quanh, cổng và phòng trực để bảo đảm an ninh.

5. Quy hoạch các công trình theo hướng khuyến khích xây dựng nhiều tầng để tiết kiệm đất xây dựng.

Điều 5. Yêu cầu cụ thể về quy hoạch đối với công sở xây dựng mới

1. Đối với công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp Bộ:

a) Bố trí riêng biệt, hoặc tập trung thành khu gồm một số cơ quan có mối liên hệ chức năng;

b) Vị trí xây dựng phải được bố trí trên khu đất tiếp giáp với tuyến giao thông của đô thị.

2. Đối với công sở của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, tuỳ theo điều kiện cụ thể từng địa phương, việc quy hoạch xây dựng nhà công sở theo hướng:

a) Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân bố trí ở khu vực trung tâm, trong cùng một khuôn viên, bố trí sân vườn, cây xanh, ngoại thất, tạo sự gắn kết giữa các công trình thành một quần thể kiến trúc hài hoà với cảnh quan kiến trúc khu vực, tạo thành trung tâm hành chính của đô thị;

b) Khối cơ quan chuyên môn gồm hai hay nhiều cơ quan, có mối quan hệ chức năng, hợp khối thành liên cơ quan, bố trí trong cùng một khuôn viên hoặc ở các vị trí khác nhau trong đô thị, thành khu hành chính tập trung.

3. Đối với công sở cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện:

a) Bố trí ở khu vực trung tâm, gồm Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng các cơ quan chuyên môn khác trong một khuôn viên, theo hướng hợp khối thành liên cơ quan, tạo thành trung tâm hành chính của đô thị;

b) Các cơ quan chuyên môn trong một khối riêng, bố trí ở xung quanh, nhưng không cùng trong một khuôn viên với Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân;

c) Chú ý quy hoạch tổ hợp mặt bằng các công trình để tạo ra quảng trường là trung tâm của đô thị.

4. Đối với công sở của cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, trụ sở làm việc bao gồm cả nơi làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các đoàn thể được bố trí ở khu vực trung tâm, có vị thế thuận lợi trong công tác quản lý địa bàn của chính quyền sở tại:

a) Công sở của cơ quan hành chính xã được quy hoạch cùng với các công trình văn hoá và các không gian chức năng khác, tạo thuận lợi cho việc bố trí hạ tầng và tạo ra cụm công trình kiến trúc khang trang, là bộ mặt chính của xã;

b) Công sở của cơ quan hành chính phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân bố trí trong một khuôn viên, có sân, bãi đỗ xe thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc.

Điều 6. Yêu cầu cụ thể về quy hoạch đối với công sở hiện có

1. Công sở của cơ quan hành chính nhà nước hiện có ở các cấp, nếu ở vị trí thuận tiện, đủ diện tích và đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật thì giữ lại, tiến hành cải tạo, nâng cấp theo yêu cầu hiện đại hoá.

2. Công sở của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp là nhà tiếp quản sau năm 1954 và năm 1975 hoặc được xây dựng cuối những năm 1950 và trong những năm 1960 trở về sau, không đủ về diện tích đất xây dựng, bố trí rải rác, ở vị trí không thuận lợi, không đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, thì được đầu tư xây dựng mới thành khu hành chính tập trung, theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước ở cấp Bộ và hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương.

2. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện xây dựng, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá công sở theo yêu cầu quy hoạch, phục vụ hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

3. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí đủ nguồn kinh phí cho việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp, kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng vốn hàng năm và tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, phối hợp với các cơ quan liên quan có kế hoạch dành quỹ đất cho việc triển khai bố trí khu hành chính tập trung, phục vụ yêu cầu hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động bố trí nguồn vốn cho việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hiện đại hoá công sở cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm.

6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát nhà công sở hiện có thuộc phạm vi quản lý của mình, đối chiếu với yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đề xuất các giải pháp theo hướng xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp hiện đại hoá, báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2007.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.