THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự,
theo dõi thi hành án hành chính liên ngành
__________________
Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 24 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về phối hợp trong việc lập, ký xác nhận, tổng hợp số liệu và kiểm tra trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành (sau đây gọi là thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với:
1. Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự); Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự), Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp.
2. Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện); Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3. Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện); Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 3. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Thống kê.
2. Thống nhất biểu mẫu, giải thích và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu, thời hạn và kỳ thống kê.
3. Thống nhất sử dụng số liệu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành trong các báo cáo của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trước các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 4. Biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành bao gồm:
a) Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS - Thống kê kết quả thi hành án dân sự;
b) Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS - Thống kê yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản, tuyên bố giao dịch vô hiệu; giải thích, sửa chữa hoặc xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và kết quả giải quyết của Tòa án;
c) Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS - Thống kê việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, kết quả theo dõi thi hành án hành chính;
d) Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS - Thống kê kết quả kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
2. Giải thích từ ngữ và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu được thực hiện theo bản giải thích và hướng dẫn ghi chép của từng biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Điều 5. Chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
Chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành bao gồm các chỉ tiêu quy định trong các Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS và Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS.
Điều 6. Kỳ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
Kỳ báo cáo thống kê năm trong thi hành án dân sự, hành chính liên ngành được bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước và kết thúc vào ngày 30/9 năm kế tiếp liền kề, bao gồm kỳ báo cáo 3 tháng, kỳ báo cáo 6 tháng, kỳ báo cáo 10 tháng và kỳ báo cáo năm (12 tháng), trong đó:
1. Kỳ báo cáo thống kê 3 tháng bắt đầu từ ngày 01/10, kết thúc vào ngày 31/12 năm báo cáo.
2. Kỳ báo cáo thống kê 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/10, kết thúc vào ngày 31/3 năm báo cáo.
3. Kỳ báo cáo thống kê 10 tháng bắt đầu từ ngày 01/10, kết thúc vào ngày 31/7 năm báo cáo.
4. Kỳ báo cáo thống kê 12 tháng bắt đầu từ ngày 01/10, kết thúc vào ngày hết 30/9 năm báo cáo.
Điều 7. Đơn vị tính và cách tính sử dụng trong báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
Đơn vị tính, cách tính được quy định cụ thể trong các biểu mẫu thống kê và giải thích, hướng dẫn ghi chép biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN THỐNG KÊ
THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH LIÊN NGÀNH
Điều 8. Lập, ký xác nhận báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Trách nhiệm lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
a) Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê theo Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS;
b) Chi cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê theo Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS;
c) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Chi cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cấp huyện; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự và Tòa án nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thống kê Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS;
d) Đối với các chỉ tiêu cơ quan THADS đề nghị giải thích, sửa chữa bản án, quyết định hoặc kiến nghị xem xét bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Chi cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự thống kê số liệu và lập danh sách bản án, quyết định thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của các Tòa án nhân dân cấp cao gửi Tổng cục Thi hành án dân sự.
Tổng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm tổng hợp và phối hợp với các Tòa án nhân dân cấp cao rà soát, đối chiếu số liệu, danh sách các bản án, quyết định cần giải thích, sửa chữa hoặc kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao.
Trường hợp không thống nhất về số liệu, thông tin danh sách, Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Tòa án nhân dân tối cao rà soát, đối chiếu.
Cách thức lập danh sách, thống kê số liệu được thực hiện theo bản giải thích và hướng dẫn ghi chép tại Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS ban hành kèm theo Thông tư này.
đ) Việc lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự liên ngành trong quân đội thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
2. Thời hạn lập báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
a) Chậm nhất 01 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo, Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự phải rà soát, chốt số liệu, lập Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rà soát, chốt số liệu, lập Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS.
b) Chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự, của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp lập thành báo cáo thống kê của địa phương mình.
3. Ký xác nhận báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
a) Chậm nhất 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập báo cáo thống kê liên ngành, đơn vị chủ trì lập báo cáo phải gửi báo cáo cho đơn vị phối hợp để ký xác nhận;
b) Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo, đơn vị phối hợp phải rà soát, ký xác nhận và gửi lại cho đơn vị chủ trì lập báo cáo;
c) Trường hợp số liệu có sự chênh lệch, Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS; phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp rà soát, đối chiếu, thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cùng cấp để rà soát, đối chiếu và thống nhất số liệu tại Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS.
Điều 9. Gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Thời hạn gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
a) Chậm nhất sau 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo có ký xác nhận của cơ quan phối hợp, Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi các Biểu mẫu thống kê liên ngành thuộc trách nhiệm của mình lên cơ quan cấp trên để tổng hợp thành báo cáo của địa phương theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch này.
b) Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải tổng hợp thành báo cáo của địa phương mình gửi Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự), Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp tổng hợp số liệu tại các Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS; các đơn vị chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp số liệu của Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS gửi cho các cơ quan có trách nhiệm phối hợp và gửi báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
2. Phương thức gửi báo cáo thống kê liên ngành.
Báo cáo thống kê liên ngành được gửi tới nơi nhận bằng một trong các phương thức sau đây: Gửi bằng đường bưu điện; Gửi trực tiếp; Gửi trực tiếp bằng văn bản điện tử có chữ ký số qua các phần mềm chuyên môn của mỗi ngành (nếu có).
Để đảm bảo việc lập, gửi báo cáo thống kê đúng thời hạn, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có thể gửi trước báo cáo thống kê bằng bản mềm hoặc bản scan có đủ chữ ký liên ngành đến nơi nhận qua thư điện tử bằng hộp thư điện tử được Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cấp.
Điều 10. Điều chỉnh, bổ sung số liệu trong báo cáo thống kê liên ngành
Trường hợp sau khi gửi số liệu phát hiện có sai sót, cơ quan phát hiện có văn bản gửi liên ngành cùng rà soát, báo cáo lên cấp trên trực tiếp. Việc điều chỉnh, bổ sung số liệu được thực hiện vào kỳ báo cáo kế tiếp của năm báo cáo, trước khi gửi tới cơ quan có thẩm quyền.
Điều 11. Kiểm tra thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
Định kỳ hàng năm, cơ quan quản lý Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân phối hợp kiểm tra liên ngành việc phối hợp thực hiện báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành đối với cấp dưới.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện Thông tư liên tịch này;
b) Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền;
c) Chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới thực hiện Thông tư liên tịch này;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
3. Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Tòa án nhân dân cấp dưới thực hiện Thông tư liên tịch này;
b) Phối hợp với Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, đối chiếu, tổng hợp số liệu thống kê báo cáo các cơ quan có thẩm quyền;
c) Chủ trì hoặc chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp dưới xem xét, giải quyết các kiến nghị, yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.
4. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giúp Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện các nội dung được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều này.
5. Tòa án nhân dân cấp cao căn cứ số liệu về các chỉ tiêu có liên quan trong Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, có trách nhiệm rà soát, trả lời đề nghị giải thích, sửa chữa bản án, quyết định, kiến nghị của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự.
6. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm kiểm sát Tòa án nhân dân cấp cao trong việc giải thích, sửa chữa bản án, quyết định, kiến nghị của Chi cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự.
7. Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch này;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi ngành mình thực hiện Thông tư liên tịch này.
8. Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định của Thông tư liên tịch này.
Điều 13. Kinh phí hoạt động thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
Kinh phí hoạt động thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành do Ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2022, thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao theo thẩm quyền để giải quyết./.