NGHỊ QUYẾT
Quy định về nội dung chi và mức chi công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
___________________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
KHOÁ II, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4423/TTr-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua quy định nội dung chi và mức chi công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Báo cáo thẩm tra số 78/BC-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2012 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1: Quy định nội dung chi và mức chi cho công tác kiểm tra (bao gồm kiểm tra và tự kiểm tra), xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, như sau:
1. Đối tượng áp dụng
a) Cán bộ, công chức thực hiện công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp cấp huyện; công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
b) Cán bộ, công chức làm việc tại Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Pháp chế HĐND cấp huyện.
c) Cán bộ pháp chế thực hiện công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Nội dung chi và mức chi
a. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo Thông tư liên tịch số 122/TTLT-BTC-BTP quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
b. Ngoài ra, Nghị quyết này quy định chi tiết một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật như sau (có Phụ lục kèm theo).
Điều 2. Nguồn kinh phí, lập và quyết toán kinh phí
1. Nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản của cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Hàng năm, căn cứ vào yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản và căn cứ vào nội dung chi, mức chi quy định tại Điều 1 Nghị quyết này, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản tổng hợp chung vào dự toán ngân sách chi thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Đối với các tổ chức pháp chế của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào các nội dung chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy định tại Nghị quyết này và kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa được duyệt, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản gửi bộ phận tài chính của cơ quan mình để tổng hợp chung vào dự toán kinh phí của cơ quan theo quy định.
4. Quản lý, sử dụng và quyết toán: Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.
Điều 3: Tổ chức thực hiện.
1. Giao UBND tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng các quy định tại nghị quyết này.
2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa II, kỳ họp thứ 5 thông qua./.