• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/09/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 27/11/1999
BỘ XÂY DỰNG
Số: 497/BXD-GĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 18 tháng 9 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy chế lập, thẩm định và

xét duyệt thiết kế công trình xây dựng

____________________

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế công trình xây dựng. Bản Quy chế này thay thế cho Quy chế lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định số 536/BXD-GĐ ngày 14/12/1994 của Bộ Xây dựng.

Điều 2.- Quyết định này được thực hiện thống nhất trong cả nước và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ XÂY DỰNG

Ngô Xuân Lộc

 

(Đã Ký)

 

 

QUY CHẾ

LẬP, THẨM ĐỊNH, XÉT DUYỆT THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 497 BXD/GĐ ngày 18/9/1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Quy chế này quy định nội dung, trình tự các bước thiết kế; trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn xây dựng, cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý xây dựng của các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác lập, thẩm định, xét duyệt thiết kế công trình xây dựng thuộc mọi nguồn vốn nhằm thực hiện quản lý thống nhất trong cả nước. Tất cả các công trình xây dựng đều phải được tổ chức lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế theo đúng quy định của Quy chế này.

Nội dung lập, thẩm định và xét duyệt thiết kế các công trình có vốn đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam có quy định riêng.

Điều 2.- Trình tự thiết kế: Tuỳ theo tính chất kỹ thuật phức tạp của công trình mà thực hiện thiết kế một bước hoặc hai bước theo văn bản quyết định đầu tư.

Đối với công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, xây dựng ở điều kiện địa chất công trình và môi trường phức tạp, đòi hỏi phải xử lý nền hoặc có giải pháp móng, kết cấu chịu lực chính phức tạp thì phải thiết kế hai bước: thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

Đối với công trình có kỹ thuật đơn giản hoặc đã có thiết kế mẫu, xử lý nền móng không phức tạp thì được thiết kế một bước: thiết kế kỹ thuật thi công.

Điều 3.- Căn cứ để thiết kế công trình:

- Dự án đầu tư được duyệt;

- Các tài liệu khảo sát kỹ thuật xây dựng, điều tra cơ bản, điều tra kinh tế xã hội do tổ chức chuyên môn có tư cách pháp nhân lập;

- Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, các định mức đơn giá, thiết kế mẫu được Nhà nước ban hành.

Trường hợp áp dụng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng của nước ngoài thì phải được Bộ Xây dựng chấp thuận.

Điều 4.- Công tác khảo sát xây dựng: nội dung, khối lượng khảo sát xây dựng phải phù hợp với yêu cầu từng bước thiết kế và đặc điểm công trình. Tổ chức thiết kế có trách nhiệm đề ra yêu cầu khảo sát. Tổ chức khảo sát chịu trách nhiệm về độ tin cậy, chất lượng tài liệu khảo sát đã làm trước chủ đầu tư và pháp luật.

Điều 5.- Thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán kèm theo thiết kế công trình phải do tổ chức tư vấn xây dựng, có tư cách pháp nhân và có chứng chỉ hành nghề thiết kế lập. Tổ chức tư vấn xây dựng lập thiết kế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng tài liệu thiết kế theo phân cấp công trình do mình lập trước chủ đầu tư và pháp luật.

Điều 6.- Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế chỉ phê duyệt sau khi thiết kế đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, cơ quan quản lý xây dựng trực thuộc thẩm định tổng dự toán, và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý thẩm định thiết kế và tổng dự toán phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định trước cấp phê duyệt thiết kế phần việc mình thực hiện.

Điều 7.- Các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành giao thông, thuỷ lợi, hầm mỏ, đường dây tải điện và trạm biến thế, dầu khí, bưu điện, nông lâm nghiệp, căn cứ Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các quy định tại Quy chế này để có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dụng lập thiết kế công trình thuộc chuyên ngành cho phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng chuyên ngành. Các văn bản hướng dẫn này phải được sự thống nhất với Bộ Xây dựng trước khi ban hành.

Chương 2:

LẬP THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 8.- Nội dung thiết kế kỹ thuật.

1. Phần thuyết minh:

1.1. Thuyết minh tổng quát.

- Căn cứ và cơ sở lập thiết kế kỹ thuật;

- Nội dung chủ yếu của quyết định đầu tư (đối với dự án sử dụng vốn nhà nước) hoặc giấy phép đầu tư (đối với dự án không sử dụng vốn nhà nước).

- Danh mục quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng, thiết kế mẫu được sử dụng;

- Tóm tắt nội dung thiết kế được chọn và các phương án thiết kế so sánh (quy hoạch, kiến trúc, nền móng, kết cấu...);

- Các thông số và chỉ tiêu cần đạt được của công trình theo phương án được chọn.

1.2. Tài liệu, thuyết minh về điều kiện tự nhiên và kỹ thuật chi phối thiết kế.

- Địa hình, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, thuỷ văn, khí tượng và động đất ở khu vực xây dựng;

- Tác động của môi trường;

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình (đối với công trình cũ cần sửa chữa, cải tạo);

- Các tài liệu khác.

1.3. Những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật:

- Năng lực, công suất thiết kế và các thông số của công trình; - Phương án, danh mục, chất lượng sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm;

- Những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của phương án.

1.4. Công nghệ, thiết bị:

- Dây chuyền công nghệ sản xuất, công năng sử dụng;

- Tính toán và lựa chọn thiết bị (chủng loại, nhãn hiệu, đặc tính kỹ thuật, nước và năm sản xuất...);

- Biện pháp an toàn lao động, an toàn sản xuất, phòng nổ, chống cháy, chống độc hại, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái.

1.5. Giải pháp kiến trúc, xây dựng:

- Tổng mặt bằng, diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng của công trình;

- Giải pháp về kiến trúc;

- Giải pháp kỹ thuật xây dựng: kết cấu chịu lực chính, nền, móng, có bản tính kèm theo nêu rõ phương pháp và kết quả tính toán (sơ đồ tính, diễn giải xác định tải trọng, kết quả nội lực, kết quả tính toán tiết diện, chuyển vị, biến dạng của cấu kiện, độ lún dự báo...);

- Trang thiết bị nội thất;

- Các hệ thống công trình kỹ thuật: cấp điện, cấp nhiệt, cấp hơi, cấp dầu, cấp nước, thoát nước, thông gió, chiếu sáng, âm thanh, thông tin tín hiệu, báo cháy và chữa cháy, điều khiển tự động, có bản tính kèm theo nêu rõ phương pháp và kết quả tính toán;

- Tổ chức giao thông và thiết bị vận tải;

- Xây dựng bên ngoài (trồng cây xanh, sân, đường, vỉa hè, chiếu sáng);

- Tổng hợp khối lượng các công tác xây lắp chủ yếu, vật tư chính và thiết bị công nghệ của từng hạng mục công trình và của toàn bộ công trình; so sánh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các phương án thiết kế.

1.6. Thiết kế tổ chức xây dựng:

Các chỉ dẫn chính về biện pháp thi công để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, thiết kế và an toàn trong quá trình xây dựng.

2. Phần bản vẽ:

2.1. Hiện trạng của mặt bằng (tuyến) và vị trí trên bản đồ của công trình được thiết kế;

2.2. Tổng mặt bằng bố trí chi tiết các hạng mục công trình;

2.3. Chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng (san nền, thoát nước mưa) và các công trình kỹ thuật hạ tầng ngoài nhà: đường, cấp điện, cấp nước, thải nước, xử lý nước thải, bảo vệ môi trường;

2.4. Dây chuyền công nghệ;

2.5. Mặt bằng kiến trúc các tầng, các mặt cắt ngang và mặt cắt dọc chính, các mặt đứng của các hạng mục công trình;

2.6. Bố trí trang thiết bị;

2.7. Chi tiết các kết cấu chịu lực chính (nền, móng, thân, mái...) và các bộ phận có cấu tạo phức tạp;

2.8. Trang trí nội thất;

2.9. Phối cảnh toàn bộ công trình;

2.10. Các hệ thống công trình kỹ thuật bên trong nhà: cấp điện, cấp nước, thải nước, thông gió, chiếu sáng, âm thanh, điều hoà nhiệt, thông tin, báo cháy và chữa cháy tức thời;

2.11. Lối thoát nạn và giải pháp chống cháy nổ công trình;

2.12. Xây dựng bên ngoài (hàng rào, cây xanh, sân, đường, chiếu sáng, biển báo);

2.13. Tổng mặt bằng tổ chức xây dựng và mặt bằng thi công các hạng mục đặc biệt;

2.14. Mô hình toàn bộ công trình hoặc từng bộ phận công trình (theo yêu cầu riêng của chủ đầu tư).

3. Phần tổng dự toán:

- Các căn cứ và cơ sở để lập tổng dự toán;

- Tài liệu diễn giải và tổng hợp khối lượng xây lắp công trình (tiên lượng);

- Tổng dự toán được lập theo khối lượng xây lắp công trình nêu trên và theo văn bản hướng dẫn lập giá và quản lý chi phí xây dựng công trình thuộc các dự án đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành.

Điều 9.- Nội dung thiết kế bản vẽ thi công:

1. Bản vẽ thi công:

- Chi tiết mặt bằng, mặt cắt của các hạng mục công trình, thể hiện đầy đủ vị trí và kích thước của các chi tiết kết cấu, thiết bị công nghệ, có biểu liệt kê khối lượng xây lắp và thiết bị của hạng mục công trình đó, chất lượng quy cách của từng loại vật liệu, cấu kiện điển hình được gia công sẵn, có thuyết minh hướng dẫn về trình tự thi công, các yêu cầu về kỹ thuật an toàn lao động trong thi công;

- Chi tiết cho các bộ phận công trình thể hiện đầy đủ vị trí, kích thước, quy cách và số lượng từng loại vật liệu, cấu kiện, có ghi chú cần thiết cho người thi công;

- Chi tiết về lắp đặt thiết bị công nghệ trong đó có thể hiện đầy đủ vị trí, kích thước, quy cách và số lượng của từng loại thiết bị, cấu kiện, linh kiện và vật liệu, những ghi chú cần thiết cho người thi công và hướng dẫn của nhà máy chế tạo thiết bị;

- Vị trí lắp đặt và chi tiết của các hệ thống kỹ thuật và công nghệ;

- Trang trí nội thất và ngoại thất chi tiết;

- Biểu tổng hợp khối lượng xây lắp, thiết bị, vật liệu của từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình, thể hiện đầy đủ quy cách, số lượng của từng loại vật liệu, cấu kiện, thiết bị.

2. Dự toán thiết kế bản vẽ thi công:

2.1. Các căn cứ và cơ sở để lập dự toán, có diễn giải tiên lượng, và các phụ lục cần thiết;

2.2. Bản tiên lượng - dự toán của từng hạng mục công trình và tổng hợp dự toán thiết kế bản vẽ thi công của tất cả các hạng mục công trình hoặc hạng mục thuộc tổ hợp từng đợt.

Điều 10.- Trường hợp thiết kế một bước: thiết kế kỹ thuật thi công nội dung bao gồm: phần thuyết minh và tổng dự toán theo các mục 1 và 3 của Điều 8; phần bản vẽ theo mục 1 của Điều 9.

Điều 11.- Hồ sơ thiết kế: hình thức thể hiện thuyết minh, tỷ lệ bản vẽ, quy cách thể hiện chi tiết từng loại bản vẽ phải phù hợp với tiêu chuẩn về quy định lập hồ sơ bản vẽ thiết kế.

1. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật bao gồm:

- Tập thuyết minh (theo Điều 8);

- Tập bản vẽ (theo Điều 8);

- Tập tiên lượng - tổng dự toán (theo Điều 8);

- Mô hình (khi cần thiết).

2. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của từng hạng mục công trình bao gồm:

- Tập bản vẽ (theo Điều 9);

- Tập tiên lượng - dự toán (theo Điều 9);

3. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công bao gồm:

- Tập bản vẽ của thiết kế bản vẽ thi công (theo Điều 9);

- Tập tiên lượng - dự toán (theo Điều 9);

- Tập thuyết minh thiết kế kỹ thuật kèm theo tổng dự toán (theo Điều 8).

4. Số lượng hồ sơ thiết kế và cơ quan nhận, quy định như sau:

4.1. Đối với thiết kế kỹ thuật: tổ chức thiết kế phải lập và giao cho chủ đầu tư 7 bộ có đủ nội dung như quy định tại Điều 8 để gửi đến:

- Cơ quan phê duyệt thiết kế;

- Chủ đầu tư (hai bộ);

- Cơ quan cấp phép xây dựng;

- Tổ chức nhận thầu xây lắp (hai bộ);

- Cơ quan lưu trữ theo phân cấp của nhà nước.

4.2. Đối với thiết kế kỹ thuật thi công: tổ chức thiết kế phải lập và giao cho chủ đầu tư 7 bộ có đủ nội dung quy định ở Điều 10 để gửi đến:

- Cơ quan duyệt thiết kế;

- Chủ đầu tư (hai bộ);

- Cơ quan cấp phép xây dựng;

- Tổ chức nhận thầu xây lắp (hai bộ);

- Cơ quan lưu trữ theo phân cấp của nhà nước.

4.3. Đối với thiết kế bản vẽ thi công: tổ chức thiết kế phải lập và giao cho chủ đầu tư 5 bộ có đủ nội dung quy định ở Điều 9 để gửi đến:

- Chủ đầu tư (hai bộ);

- Tổ chức nhận thầu xây lắp (ba bộ).

Số lượng hồ sơ nêu trên là bắt buộc và đã được tính trong giá thiết kế. Khi cần tăng số lượng chủ đầu tư có thể hợp đồng thêm ngoài giá thiết kế.

Điều 12.- Tổ chức tư vấn thiết kế có trách nhiệm:

1. Ký kết hợp đồng nhận thầu thiết kế với chủ đầu tư và phải cử chủ nhiệm đồ án thiết kế để chịu trách nhiệm toàn bộ về thiết kế công trình. Trường hợp giao thầu lại phần thiết kế chuyên ngành cho các tổ chức khác thì tổ chức thiết kế chuyên ngành đó phải có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm trước chủ nhiệm thiết kế công trình và pháp luật phần thiết kế của mình;

2. Đề ra yêu cầu, kiểm tra lại kết quả và nghiệm thu những tài liệu khảo sát đủ yêu cầu thiết kế;

3. Chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung và khối lượng của toàn bộ tài liệu thiết kế (kể cả việc sử dụng các tài liệu phục vụ thiết kế và sử dụng thiết kế mẫu);

4. Đảm bảo thực hiện tiến độ thiết kế theo hợp đồng, cung cấp các tài liệu thiết kế đúng hạn và chịu trách nhiệm bổ sung, sửa chữa hoặc lập lại khi thiết kế chưa được phê duyệt;

5. Thực hiện chế độ kiểm tra chất lượng sản phẩm và nghiệm thu nội bộ các tài liệu, số liệu trong quá trình thiết kế và trước khi giao thiết kế cho chủ đầu tư;

6. Trình bày và bảo vệ thiết kế trong quá trình thẩm định, xét duyệt và hoàn chỉnh thiết kế theo yêu cầu của cơ quan xét duyệt;

7. Giữ bản quyền tác giả của đồ án thiết kế (trừ thiết kế mẫu được Nhà nước ban hành), lưu trữ và quản lý các tài liệu gốc;

8. Thực hiện việc giám sát tác giả trong quá trình thi công xây lắp công trình;

9. Tham gia với chủ đầu tư nghiệm thu công trình theo quy định tại Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Điều 13.- Chủ đầu tư có trách nhiệm:

1. Ký hợp đồng giao thầu thiết kế với các tổ chức tư vấn xây dựng có tư cách pháp nhân thiết kế đúng ngành nghề theo chứng chỉ hành nghề được cấp, theo dõi đôn đốc việc thực hiện thiết kế đúng quy định của hợp đồng;

2. Cung cấp tài liệu, số liệu và các văn bản pháp lý cần thiết cho tổ chức tư vấn thiết kế làm căn cứ thiết kế công trình;

3. Lập hồ sơ yêu cầu thẩm định và trình duyệt thiết kế;

4. Yêu cầu tổ chức tư vấn thiết kế giải quyết những vấn đề phát sinh nếu có về thay đổi thiết kế trong quá trình thi công xây lắp;

5. Thanh toán kinh phí thiết kế phải trên cơ sở hợp đồng kinh tế giữa chủ đầu tư với tổ chức tư vấn thiết kế theo quy định hiện hành.

Điều 14.- Giá thiết kế công trình được xác định theo kết quả đấu thầu tuyển chọn tư vấn thiết kế, nhưng không được cao hơn mức giá thiết kế do Bộ Xây dựng ban hành.

Chương 3:

THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ

Điều 15.- Thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn nhà nước:

1. Thủ trưởng Bộ quản lý ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định về thiết kế kỹ thuật và Bộ Xây dựng thẩm định tổng dự toán;

2. Trường hợp công trình có kỹ thuật phức tạp, các tổ chức tư vấn trong nước không đủ khả năng thẩm tra thiết kế thì Thủ trưởng Bộ quản lý ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được phép chọn thầu tư vấn nước ngoài thẩm tra thiết kế. Các tổ chức tư vấn nước ngoài khi nhận thầu thẩm tra thiết kế công trình phải được Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu tư vấn xây dựng theo quy định hiện hành.

Điều 16. Thẩm định thiết kế các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn nhà nước:

Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán sau khi đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế và cơ quan quản lý xây dựng thẩm định đơn giá, dự toán, tổng dự toán.

Việc thẩm định thực hiện theo Thông tư Liên Bộ Xây dựng - Kế hoạch đầu tư - Tài chính số 04/TTLB ngày 10/9/1996 "Hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ".

Điều 17.- Thẩm định thiết kế các công trình thuộc dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước:

1. Không thẩm định tổng dự toán;

2. Thủ trưởng Bộ quản lý ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình thuộc nhóm A có mục tiêu sản xuất kinh doanh thuộc ngành do Bộ quản lý sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế;

3. Giám đốc Sở quản lý xây dựng chuyên ngành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình thuộc nhóm B, C sau khi được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế;

4. Trường hợp công trình phức tạp, các tổ chức tư vấn trong nước không đủ khả năng thẩm tra thiết kế thì Thủ trưởng Bộ quản lý ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được phép chọn tư vấn nước ngoài thẩm tra thiết kế. Các tổ chức tư vấn nước ngoài khi nhận thầu thẩm tra thiết kế phải được Bộ Xây dựng cấp giấy phép thầu tư vấn xây dựng theo quy định hiện hành.

5. Chủ đầu tư nhà ở của nhân dân có chiều cao từ 3 tầng trở xuống (một trệt, 2 lầu) và có diện tích sàn không quá 200 m2 không phải thẩm định thiết kế nhưng phải tự chịu trách nhiệm về an toàn, bền vững của bản thân công trình và các công trình lân cận do việc xây dựng nhà của mình gây nên.

Điều 18.- Nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán quy định như sau:

1. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước:

1.1. Tính hợp lệ của hồ sơ thiết kế: tư cách pháp nhân của tổ chức thiết kế; sự phù hợp của thiết kế với dự án đầu tư được duyệt trong quyết định đầu tư về quy hoạch, kiến trúc công trình;

1.2. Sự tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, các định mức, đơn giá và các chính sách hiện hành có liên quan của nhà nước;

1.3. Sự phù hợp và đúng đắn của đồ án thiết kế với dự án đầu tư được duyệt. Các nội dung chủ yếu cần xem xét gồm:

- Sự phù hợp giữa dây chuyền công nghệ hoặc yêu cầu sử dụng với tổng mặt bằng và không gian kiến trúc;

- Đánh giá mức độ ổn định và bền vững của công trình: nền, móng, kết cấu chịu lực chính;

- Đánh giá mức độ an toàn của hệ thống công trình kỹ thuật hạ tầng: cấp nhiệt, cấp hơi, cấp dầu, cấp nước, thoát nước, thông gió, thông tin tín hiệu, báo cháy và chữa cháy, an toàn khi cháy nổ;

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật so với dự án được duyệt.

1.4. Sự phù hợp của tổng dự toán so với thiết kế kỹ thuật được thẩm định và xác định tổng mức chi phí hợp lý bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư;

1.5. Các điều kiện và giải pháp kỹ thuật đảm bảo ổn định đối với công trình lân cận, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong khi thi công.

2. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước:

2.1. Tính hợp lệ của hồ sơ thiết kế: tư cách pháp nhân của tổ chức thiết kế; sự phù hợp của thiết kế với dự án đầu tư được duyệt về quy hoạch, kiến trúc công trình; sự tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng;

2.2. Đánh giá mức độ an toàn kết cấu công trình, bảo vệ môi trường, phòng cháy - nổ cho công trình trong thời kỳ xây dựng cũng như khi sử dụng; đảm bảo ổn định đối với công trình lân cận;

3. Đối với các công trình thuộc dự án lớn nhóm A, B có thể tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật từng phần của công trình thuộc dự án phù hợp với từng gói thầu hoặc từng đợt xây dựng: kiến trúc, nền móng kết cấu chịu lực chính, hệ thống các công trình kỹ thuật;

4. Kết thúc việc thẩm định, cơ quan chuyên môn quản lý xây dựng phải lập báo cáo kết quả thẩm định nêu rõ những sai sót của thiết kế và kết luận về việc sử dụng thiết kế, dự thảo văn bản gửi lên cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán.

Điều 19.- Thời hạn thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán:

Tuỳ theo quy mô và tính chất công trình, thời hạn thẩm định thiết kế và tổng dự toán quy định như sau:

- Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm A: không quá 40 ngày;

- Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm B, C: không quá 30 ngày;

- Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm C: không quá 20 ngày;

Điều 20.- Chi phí thẩm định thiết kế:

Chi phí thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán được tính trong tổng dự toán công trình theo quy định của Bộ Xây dựng.

Điều 21.- Trách nhiệm của tổ chức thẩm định thiết kế:

Cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, cơ quan quản lý xây dựng thẩm định đơn giá, tổng dự toán và tổ chức tư vấn xây dựng thẩm tra thiết kế phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư, người có thẩm quyền phê duyệt và trước pháp luật về kết quả công việc do mình thực hiện.

Chương 4:

XÉT DUYỆT THIẾT KẾ

Điều 22.- Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công phải dựa trên cơ sở dự án đầu tư được duyệt và kết quả thẩm định thiết kế.

Điều 23.- Hồ sơ trình duyệt thiết kế do chủ đầu tư nộp cho cơ quan xét duyệt thiết kế quy định như sau:

1. Tờ trình phê duyệt thiết kế;

2. Bản sao văn bản phê duyệt dự án đầu tư;

3. Hồ sơ thiết kế của bước thiết kế như quy định tại các điều 8, 9, 10 của bản Quy chế này.

Điều 24.- Cơ quan chức năng được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ trình duyệt, thực hiện thẩm định thiết kế và tổng dự toán, chuẩn bị văn bản phê duyệt để người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.

Điều 25.- Việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán quy định như sau:

1. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước:

1.1. Thủ trưởng Bộ quản lý phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình dự án thuộc nhóm A;

1.2. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán các công trình thuộc dự án nhóm B và C;

1.3. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các công trình thuộc dự án nhóm B và C do địa phương đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở quản lý xây dựng chuyên ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán các công trình của dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của các tỉnh, thành phố.

2. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước:

2.1. Thủ trưởng Bộ quản lý ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình thuộc dự án nhóm A.

2.2. Giám đốc Sở quản lý xây dựng chuyên ngành phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình thuộc dự án nhóm B, C.

2.3. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện phê duyệt thiết kế kỹ thuật các công trình nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân và các công trình nhỏ được quyền cấp giấy phép xây dựng, trừ quy định tại mục 5, Điều 17 của Quy chế này.

Điều 26.- Nội dung quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán bao gồm:

1. Căn cứ phê duyệt: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư đầu tư, văn bản trình duyệt, hồ sơ thiết kế, kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công, tổng dự toán...;

2. Nội dung phê duyệt:

2.1. Tên công trình;

2.2. Vị trí xây dựng;

2.3. Các thông số kỹ thuật chính: cấp công trình, bậc chịu lửa, tổng diện tích chiếm đất, quy mô các hạng mục công trình (diện tích sàn, số tầng, chiều cao các tầng)...;

2.4. Các giải pháp chính về kiến trúc, nền, móng, kết cấu, hệ thống kỹ thuật, công nghệ và trang thiết bị, bảo vệ môi trường, phòng cháy nổ, đảm bảo an toàn xây dựng và sử dụng bản thân công trình và các công trình lân cận...;

2.5. Tổng dự toán (đối với các công trình thuộc dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước): thời điểm xác định giá trị tổng dự toán, tổng dự toán và cơ cấu tổng dự toán được duyệt, sự phù hợp với tổng mức đầu tư ghi trong quyết định phê duyệt đầu tư;

2.6. Những vấn đề cần lưu ý hoặc tồn tại cần bổ sung điều chỉnh;

2.7. Các tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định.

Điều 27.- Thời hạn phê duyệt thiết kế từ sau khi nhận đủ hồ sơ ghi tại Điều 23.

- Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư thuộc nhóm A và B: không quá 15 ngày;

- Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm C: không quá 10 ngày.

Quá thời hạn trên mà công trình không được phê duyệt, cơ quan xét duyệt phải trả lời cho chủ đầu tư về lý do bằng văn bản và trả lời hồ sơ thiết kế.

Trường hợp phải sửa chữa, bổ sung hoặc lập lại hồ sơ trình duyệt thì thời hạn thẩm định, xét duyệt được tính từ khi nhận hồ sơ đã được điều chỉnh, bổ sung.

Điều 28.- Văn bản phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán công trình xây dựng phải gửi cho các cơ quan sau đây để giám sát và quản lý:

1. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm A, không phân biệt nguồn vốn: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ quản lý ngành, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xây dựng công trình và cơ quan cấp giấy phép xây dựng;

2. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn nhà nước: cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan kế hoạch và tài chính cùng cấp, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xây dựng công trình, Sở xây dựng, Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (đối với công trình chuyên ngành) và cơ quan cấp giấy phép xây dựng;

3. Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Sở xây dựng và Sở quản lý xây dựng chuyên ngành (đối với công trình xây dựng chuyên ngành) và cơ quan cấp giấy phép xây dựng.

Điều 29.- Thời hạn có hiệu lực của thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán các công trình được duyệt là 2 năm. Sau 2 năm mà công trình chưa triển khai xây dựng thì phải tiến hành xem xét và trình duyệt lại.

Điều 30.- Tài liệu thiết kế được duyệt phải nộp lưu trữ quốc gia, ngành hay lãnh thổ (theo phân cấp) và gửi cho các cơ quan có liên quan như quy định tại Điều 11 của Quy chế này.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31.- Bản Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định khác trái với Quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 32.- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thi hành bản Quy chế này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Xuân Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.