• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/08/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 15/09/2006
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 22-LĐTBXH/TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đắk Nông, ngày 29 tháng 8 năm 1995

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Hướng dẫn về thủ tục lập

và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng

Thi hành Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ và công tác quản lý như sau:

A. Nguyên tắc và thủ tục lập hồ sơ xác nhận

I. Nguyên tắc chung:

1. Hồ sơ là những chứng từ pháp lý dùng làm căn cứ để xác nhận, quản lý và thực hiện chính sách chế độ đối với người có công với cách mạng, hồ sơ phải gồm đầy đủ các giấy tờ quy định do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý có thẩm quyền ký và ghi rõ họ tên, chức vụ người ký giấy. (Không dùng giấy sao lục, không ký thừa lệnh, không dùng dấu chữ ký sẵn...).

2. Các giấy tờ trong hồ sơ phải làm đúng biểu mẫu, qui cách thống nhất; ghi đầy đủ nội dung một cách rõ ràng không tẩy xoá, sửa chữa; không viết bằng nhiều thứ mực, nhiều loại chữ khác nhau. Để đảm bảo tính chính xác, các cơ quan đơn vị phải căn cứ vào giấy tờ gốc, vào những chứng cứ tin cậy và phải thẩm tra kỹ càng, xác minh sự việc cụ thể trước khi cấp giấy.

3. Những đối tượng đang hưởng chế độ ưu đãi đã được cơ quan chính sách quản lý đầy đủ hồ sơ thì không phải lập lại như quy định tại thông tư này.

4. Hồ sơ của người có công với cách mạng đang tại ngũ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ quy định cụ thể thêm sau khi thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

II. Thủ tục hồ sơ:

1. Hồ sơ người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:

Theo Điều 6 - Nghị định.

Việc lập hồ sơ người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

2. Đối với người hoạt động cách mạng từ 1 tháng 1 năm 1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 theo Điều 9 - Nghị định.

a- Bản khai cá nhân.

b- Giấy xác nhận của tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc Ban Cán sự Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương.

c- Quyết định phụ cấp và phiếu lập giấy chứng nhận do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi người hoạt động cách mạng cư trú cấp.

3. Hồ sơ liệt sĩ và gia đình liệt sĩ theo Điều 12 - Nghị định.

a- Giấy báo tử do cơ quan đơn vị người đó trước khi hy sinh cấp theo quy định như sau:

Đối với quân nhân: do Thủ trưởng cấp trung đoàn hoặc cấp tương đương trở lên cấp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Đối với công an nhân dân do Thủ trưởng ngành công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cấp tương đương trở lên cấp theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Đối với dân quân du kích, tự vệ, cán bộ xã, phường, nhân dân: do Uỷ ban nhân dân cấp huyện, quận và tương đương cấp.

Đối với công nhân viên chức: do Thủ trưởng cơ quan đoàn thể, xí nghiệp trực thuộc ngành ở Trung ương (Cục, Vụ, Viện, Tổng Công ty, Liên hiệp xí nghiệp...); thủ trưởng cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (như Sở, Ban, ngành...) hoặc Uỷ ban nhân dân quận, huyện hoặc tương đương trở lên cấp tuỳ theo đương sự thuộc sự phân cấp quản lý của cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp của Trung ương, của tỉnh, thành phố hay quận, huyện.

Đối với thanh niên xung phong, dân công: do thủ trưởng cơ quan, đơn vị, đoàn thể quản lý sử dụng người đó từ cấp tỉnh, thành phố, cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên hoặc Uỷ ban nhân dân quận, huyện cấp.

Đối với những trường hợp hy sinh hoặc mất tin từ lâu, nay cơ quan đơn vị cũ không còn thì giấy báo tử do cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan cũ cấp.

b- Giấy chứng nhận tình hình thân nhân liệt sĩ của Uỷ ban nhân dân xã, phường do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn.

c- Quyết định trợ cấp; phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.

d- Ngoài hồ sơ trên đây, tuỳ theo trường hợp hy sinh của liệt sĩ mà có các giấy tờ khác như:

Biên bản xảy ra sự việc nếu hy sinh vì làm công việc nguy cấp, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, hoặc đấu tranh chống các loại tội phạm do cơ quan đơn vị quản lý đương sự lập.

Giấy xác nhận phụ cấp lương đặc biệt 100%.

Bệnh án điều trị, biên bản tử vong của bệnh viện hoặc của y tế xã phường, hồ sơ thương binh nếu là thương binh chết do vết thương tái phát.

e- Đối với những trường hợp hy sinh, mất tin, mất tích từ trước ngày 31 tháng 12 năm 1994 quy định tại Điều 23 - Nghị định nay mới xem xét giải quyết theo diện tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, phải có:

Bản kê khai của gia đình liệt sĩ.

Biên bản xem xét và đề nghị của Hội đồng xác nhận xã, phường nơi gia đình liệt sĩ cư trú hoặc nơi liệt sĩ hoạt động rồi hy sinh, mất tin, mất tích.

Xác nhận đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện.

4. Hồ sơ Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động theo Điều 24 - Nghị định.

Bản sao giấy chứng nhận tặng danh hiệu anh hùng.

Quyết định trợ cấp; phiếu lập giấy chứng nhận trợ cấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp hoặc do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được uỷ quyền cấp.

5. Hồ sơ thương binh và người hưởng chính sách như thương binh theo Điều 26 - Nghị định.

a- Giấy chứng nhận bị thương (thẩm quyền cấp như quy định đối với cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử).

b- Biên bản giám định thương tật do các Hội đồng Giám định y khoa có thẩm quyền cấp.

c- Quyết định trợ cấp, phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp thương tật do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi đương sự cư trú cấp hoặc do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp, nếu được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố uỷ quyền.

d- Phiếu thương tật (đối với thương binh được xác nhận trong quân đội, công an khi xuất ngũ).

e- Ngoài hồ sơ trên đây, tuỳ từng trường hợp bị thương phải có các giấy tờ như:

Biên bản xảy ra sự việc do cơ quan quản lý đương sự lập đối với trường hợp bị thương vì dũng cảm làm những công việc nguy cấp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc đấu tranh chống các loại tội phạm.

Giấy xác nhận nơi hưởng phụ cấp lương đặc biệt 100%.

Những trường hợp vì hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến mà bị địch bắt tù đày, tra tấn thành thương tật (có tổn thương thực thể) thì kèm các giấy tờ như quy định về hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù ở điểm 7 dưới đây.

g- Người bị thương từ trước ngày 1 tháng 1 năm 1995 có vết thương thực thể được xem xét giải quyết theo diện tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, thì hồ sơ phải có thêm các giấy tờ:

+ Tờ khai của người bị thương về quá trình hoạt động và bị thương kèm theo ý kiến xác nhận và đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc cơ quan nơi công tác.

+ Quyết định phục viên, xuất ngũ hoặc chuyển ngành.

+ Các chứng từ như: giấy chứng nhận bị thương, phiếu chuyển thương, giấy ra viện, hồ sơ điều trị hoặc phiếu sức khoẻ.

Trường hợp không còn các chứng từ gốc:

+ Đối với quân nhân, công an nhân dân kể cả người đã xuất ngũ, do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hướng dẫn giải quyết.

+ Đối với lực lượng khác:

Giấy chứng nhận của hai người cùng chiến đấu, cùng làm nhiệm vụ hoặc chứng nhận của thủ trưởng đơn vị trực tiếp và được Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan đang quản lý căn cứ vào lý lịch, hồ sơ của người chứng nhận để xác nhận (không chỉ xác nhận chữ ký của người chứng nhận).

Biên bản xem xét và đề nghị của Hội đồng xác nhận cấp xã, phường nơi đương sự cư trú hoặc Hội đồng xác nhận của cơ quan nơi đương sự đang công tác.

6. Hồ sơ bệnh binh: theo Điều 43 - Nghị định.

Giấy chứng nhận bệnh tật do cơ quan quân y lập và thủ trưởng cấp trung đoàn, thủ trưởng ngành công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cấp tương đương trở lên cấp.

Biên bản giám định y khoa do Hội đồng giám định Y khoa quân đội, công an có thẩm quyền cấp.

Quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp do thủ trưởng quản lý quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ cấp.

7. Hồ sơ của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày: theo Điều 53 - Nghị định.

Bản khai cá nhân.

Bản sao lý lịch cán bộ hoặc hồ sơ hưu trí, mất sức lao động, hoặc lý lịch đảng viên (đối với người thoát ly hoặc đảng viên).

Bản kết luận của cấp có thẩm quyền về thời gian bị tù, đày (nếu có).

Xác nhận của Ban liên lạc nhà tù (đối với người không thoát ly hoặc chưa phải là Đảng viên).

Trường hợp không có Ban liên lạc nhà tù phải có chứng nhận của hai người cùng bị bắt giam giữ một nhà tù; chứng nhận này phải được cơ quan, đơn vị hay chính quyền nơi cư trú chứng thực căn cứ vào các giấy tờ, có xác minh của cơ quan an ninh về thái độ chính trị trong tù, lý lịch của người làm chứng, biên bản nhận xét của Hội đồng xác nhận nơi cứ trú, công tác sau khi ra tù.

Quyết định trợ cấp một lần do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp hoặc do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được uỷ quyền cấp.

8. Hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc: theo Điều 58 - Nghị định.

Bản khai cá nhân.

Bản khai đã được khen thưởng tổng kết kháng chiến hoặc trích lục danh sách khen thưởng kèm theo số quyết định khen thưởng do cơ quan thi đua khen thưởng cung cấp (đối với người không thoát ly, hoặc chưa phải là đảng viên).

Bản sao lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên có xác nhận của cơ quan hoặc cấp uỷ có thẩm quyền (đối với người hoạt động kháng chiến còn đang công tác, hoặc không thoát ly nhưng là đảng viên), hoặc bản sao hồ sơ hưu trí, mất sức lao động (đối với người hoạt động kháng chiến đã về nghỉ).

Bản chụp (thu nhỏ) Bằng huân chương, huy chương hoặc bản chụp giấy chứng nhận đeo huân chương, huy chương (nếu bị thất lạc hoặc chưa được khen thưởng thì ghi rõ trong bản khai cá nhân).

Đơn đề nghị hưởng trợ cấp một lần (nếu có).

Quyết định trợ cấp, phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp hoặc do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được quyền cấp.

9. Hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng: theo Điều 60 - Nghị định.

Bản khai quá trình hoạt động, thành tích giúp đỡ cách mạng.

Biên bản xác nhận và đề nghị của Hội đồng xác nhận xã, phường.

Bản sao khen thưởng "Bằng có công với nước" hoặc Huân chương kháng chiến.

Quyết định trợ cấp; phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp hoặc do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được uỷ quyền cấp.

10. Hồ sơ từ trần: theo Điều 6, Điều 14, Điều 39, Điều 51 của Nghị định.

Giấy chứng tử do bệnh viện hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường cấp.

Hồ sơ thương binh hoặc hồ sơ bệnh binh.

Giấy báo tử.

Giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình do Uỷ ban nhân dân xã, phường cấp (như giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ).

Quyết định trợ cấp; phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cấp.

B. Cấp giấy chứng nhận và quản lý hồ sơ

người có công với cách mạng

Từ trước đến nay việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận người hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công do nhiều cơ quan quản lý. Để việc đăng ký, quản lý và thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng được chính xác, thống nhất và phù hợp với tình hình mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định như sau:

I. Các loại giấy chứng nhận và quản lý số ghi trên giấy

chứng nhận người có công với cách mạng.

1. Các loại giấy chứng nhận:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất phát hành các loại giấy chứng nhận:

Giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.

Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Giấy chứng nhận thương binh.

Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh.

Giấy chứng nhận bệnh binh.

Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến.

Giấy chứng nhận người có công giúp đỡ cách mạng.

Giấy chứng nhận gia đình thương binh, bệnh binh từ trần.

2. Quản lý số ghi trên giấy chứng nhận:

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý số ghi trên các loại giấy chứng nhận người có công với cách mạng.

Đối với người có công với cách mạng đang tại ngũ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng giấy chứng nhận này.

II. Đăng ký quản lý hồ sơ đối với người có công với cách mạng.

1. Thủ tục tiếp nhận đăng ký quản lý hồ sơ người có công với cách mạng do quân đội, công an chuyển đến.

Khi quân nhân, công an nhân dân xuất ngũ, các đơn vị cấp cho đối tượng hai bộ hồ sơ (niêm phong) để nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. (Những trường hợp đã được xác nhận trước ngày ban hành thông tư này, nếu chỉ có một hồ sơ thì đơn vị sao bổ sung).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận, đăng ký quản lý hồ sơ, làm thủ tục để giải quyết quyền lợi đối với người có công với cách mạng do quân đội, công an giới thiệu về địa phương theo cách thức như sau:

Hoàn chỉnh các thủ tục đối với hồ sơ các đối tượng do quân đội và công an bàn giao; tổ chức đăng ký vào danh sách quản lý của huyện, quận và Sở theo mẫu thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Lưu giữ 01 hồ sơ còn gửi 01 hồ sơ (bản chính) về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong đó ghi rõ thời gian xuất ngũ, địa chỉ hiện tại và ngày hưởng trợ cấp tiếp.

Cấp cho đối tượng sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng.

Tổ chức quản lý và thực hiện các chế độ quy định của Nhà nước đối với đối tượng.

Mọi đề nghị hoặc khiếu nại về nội dung xác nhận, về nội dung hồ sơ do quân đội và công an cấp đều do Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ chỉ đạo giải quyết.

2. Thủ tục đăng ký quản lý hồ sơ người có công với cách mạng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách.

Theo phân cấp của Bộ và uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và trước Bộ về việc hướng dẫn chỉ đạo công tác xác nhận, kiểm tra hồ sơ, cấp giấy chứng nhận, đăng ký quản lý và giải quyết quyền lợi người có công với cách mạng trên địa bàn của địa phương.

Sau khi hoàn thành việc xác nhận đối tượng, nếu hồ sơ đã đúng quy định, đủ thủ tục thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm thủ tục đăng ký quản lý:

+ Ghi ký hiệu địa phương, ký hiệu loại hồ sơ, số quản lý của địa phương, viết phiếu đăng ký hồ sơ (theo mẫu).

+ Gửi 01 bộ hồ sơ về Bộ lưu giữ, gửi 01 quyết định, 01 phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp. Riêng đối với liệt sĩ thì gửi thêm 01 giấy báo tử.

Sau khi kiểm tra nếu hợp lệ thì Bộ cho số để ghi vào giấy chứng nhận và chuyển lại Sở quyết định, phiếu lập giấy chứng nhận, giấy báo tử (đối với liệt sĩ) để lưu giữ và thực hiện chế độ.

+ Sở cấp giấy chứng nhận cho đối tượng.

+ Đăng ký vào sổ danh sách quản lý của huyện, quận và Sở (theo mẫu thống nhất của Bộ).

+ Giải quyết quyền lợi cho đối tượng.

Những trường hợp còn vướng mắc trong việc xác nhận thì cần chỉ đạo, hướng dẫn Hội đồng xác nhận các cấp xem xét từng trường hợp cụ thể, nếu vẫn còn ý kiến không thống nhất thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản nêu rõ chính kiến và trình Uỷ ban nhân dân quyết định.

3. Công tác quản lý và trách nhiệm của các cấp:

Hồ sơ là cơ sở để quản lý và thực hiện chính sách đối với đối tượng hưởng chính sách người có công, là căn cứ để tổ chức khai thác phục vụ cho kế hoạch công tác của ngành, là văn bản pháp lý để giải quyết các khiếu nại của đối tượng. Vì vậy, hồ sơ phải được giữ gìn, bảo quản chu đáo, tránh để hư hỏng, mất mát.

Cơ quan quản lý và lưu giữ hồ sơ là cấp Bộ và cấp Sở (có thể là huyện nếu được Sở phân cấp).

Để đảm bảo việc quản lý đối tượng chặt chẽ chính xác, các địa phương cần có kế hoạch rà soát, bổ sung đầy đủ các yếu tố, giấy tờ để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ và việc quản lý.

Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhất thiết phải mở sổ đăng ký quản lý danh sách theo từng loại đối tượng Sổ đăng ký phải ghi đầy đủ các yếu tố cần thiết trong hồ sơ, thường xuyên theo dõi bổ sung sự biến động tăng giảm của đối tượng.

Chỉ đạo các quận, huyện, xã, phường lập sổ quản lý chặt chẽ các đối tượng hưởng chính sách trên địa bàn, báo cáo kịp thời biến động để Sở điều chỉnh được kịp thời.

Lập sổ thống kê số lượng đối tượng và tình hình cụ thể chi tiết từng đối tượng hưởng chính sách và định kỳ báo cáo về Bộ (theo biểu mẫu quy định).

4. Thủ tục di chuyển và tiếp nhận đối tượng:

Người có công với cách mạng được quản lý và hưởng chế độ ưu đãi ở địa phương cư trú chính thức.

Để đảm bảo việc di chuyển của đối tượng hưởng chính sách được thuận lợi, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cần chú ý những điểm sau đây:

Trường hợp đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng có nguyện vọng di chuyển đến tỉnh, thành phố khác thì đương sự phải có đơn đề nghị, trong đơn cần trình bày rõ lý do cần di chuyển có xác nhận của công an xã, phường và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện.

a- Nơi đi: Sau khi kiểm tra đủ thủ tục, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp:

+ Giấy giới thiệu di chuyển và trả trợ cấp: trong đó ghi loại trợ cấp, số tiền đang hưởng, đã trả trợ cấp đến tháng năm nào, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đương sự đến cấp tiếp từ tháng năm nào.

+ Kèm theo toàn bộ hồ sơ của đương sự mà Sở đang lưu giữ (đối với thân nhân liệt sĩ nếu còn người đang quản lý hưởng trợ cấp thì gửi bản sao hồ sơ).

Trường hợp đương sự thuộc diện địa phương đang quản lý có nguyện vọng di chuyển nhưng hồ sơ không có ở Sở thì Sở phải làm thủ tục đề nghị Bộ trích lục hồ sơ gửi về, sau đó mới làm thủ tục di chuyển (không giới thiệu đương sự đến Bộ xin trích lục hồ sơ).

Trước khi làm thủ tục di chuyển cần thanh toán trợ cấp cho đương sự xong mới giới thiệu đến địa phương mới (như trợ cấp 1 lần, các khoản truy lĩnh nếu có...).

+ Sau khi làm thủ tục di chuyển, Sở lập phiếu báo gửi về Bộ, (nội dung như một phiếu đăng ký hồ sơ để tiện việc theo dõi và quản lý).

b. Nơi đến:

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đương sự đến tiếp nhận ghi ký hiệu, số quản lý địa phương và lưu giữ hồ sơ.

Đăng ký vào danh sách quản lý đối tượng.

Thực hiện các chế độ theo quy định chung.

5. Quy định về ký hiệu hồ sơ và ký hiệu địa phương (phụ lục kèm theo) cách ghi cụ thể như sau:

Ký hiệu hồ sơ ghi ở góc trên bên phải, các chữ viết bằng chữ in hoa. Ký hiệu địa phương ghi trước, gạch chéo rồi ghi tiếp ký hiệu loại hồ sơ đối tượng, tiếp đến số quản lý của Bộ và ký hiệu thời kỳ, phía dưới là số quản lý của địa phương (số quản lý của địa phương là số đối tượng ở địa phương đã được xác nhận bắt đầu từ số 01).

Ví dụ: - Hồ sơ thương binh của Hà Nội.

12345:CM 1357.CP

HN/AQ ..............; HN/CK...............

01 02

Hồ sơ bệnh binh của Hà Tây:

1234:CM

HT/BB ..............

12

Hồ sơ tuất từ trần của tỉnh Hà Tĩnh:

123

HI/TB-TT ...............

11

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Những quy định về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bãi bỏ.

Quá trình tổ chức thực hiện nếu có gì vướng mắc các địa phương phản ánh về Bộ để xem xét hướng dẫn.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trịnh Tố Tâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.