Sign In

Số:  18 /2016/NQ-HĐND

Đà Nẵng, ngày 11  tháng 8 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

____________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ và Nghị định số 120/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 tháng 2 năm 2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chuyển giao công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Xét Tờ trình số 6373/TTr-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cụ thể như sau:

 1.  Đối tượng được hỗ trợ

a) Các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ và thương mại trên địa bàn thành phố (bao gồm cả hợp tác xã, không bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có nghiên cứu tạo công nghệ hoặc thực hiện đổi mới, cải tiến công nghệ;

b) Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố có nghiên cứu ứng dụng, triển khai ứng dụng công nghệ, cải tiến công nghệ, giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ và có chuyển giao cho các doanh nghiệp kết quả nghiên cứu nêu trên.

2. Loại hình công nghệ được hỗ trợ  

a) Công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao.

b) Công nghệ nhằm nâng giá trị gia tăng, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm; Công nghệ giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động; Công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.

c) Tiếp nhận công nghệ tiên tiến; các phương pháp gia công mới, tiên tiến; công nghệ thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển.

d) Nghiên cứu tạo công nghệ mới, thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ mới thay thế thiết bị nhập ngoại, giải mã công nghệ, ươm tạo công nghệ.

đ) Nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn, áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến, tiêu chuẩn hóa và sở hữu trí tuệ.

e) Các trường hợp đặc biệt (hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của lĩnh vực, ngành, phát triển  khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

3. Hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ

a) Chuyển giao công nghệ độc lập

Hỗ trợ đến 70% giá trị hợp đồng mua công nghệ, giải pháp kỹ thuật, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, bí quyết công nghệ.

b) Chuyển giao công nghệ có kèm  thiết bị công nghệ (Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ không quá 2 dự án)

- Hỗ trợ đến 30% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công  nghệ cao;

- Hỗ trợ đến 15% chi phí mua thiết bị công nghệ có hàm chứa công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường;

c) Hỗ trợ đến 70% cho chi phí thực hiện nghiên cứu tạo công nghệ; giải mã công nghệ; ươm tạo công nghệ; thiết kế chế tạo thiết bị có hàm chứa công nghệ mới, tiên tiến; cải tiến công nghệ; đổi mới quy trình công nghệ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, tiết kiệm năng lượng.

d) Kinh phí hỗ trợ cho các dự án quy định tại mục a, b, c không vượt quá 3 (ba) tỷ đồng/doanh nghiệp trong một năm.

4. Hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ

a) Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn

- Hỗ trợ cho xây dựng, đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn (ISO 9000, ISO 14000, ISO 22000, ISO 2700..., các tiêu chuẩn hệ thống quản lý khác);

- Hỗ trợ khi tích hợp cùng một lúc nhiều tiêu chuẩn, các công cụ quản lý tiên tiến trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp;

- Hỗ trợ thực hiện tái chứng nhận hệ thống quản lý;

- Hỗ trợ khi doanh nghiệp tích hợp bổ sung tiêu chuẩn quản lý khác vào hệ thống quản lý của doanh nghiệp đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

b) Hỗ trợ thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở. Hỗ trợ không quá 2 tiêu chuẩn/năm cho một doanh nghiệp.

c) Hỗ trợ đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn và đánh giá chứng nhận hợp quy. Hỗ trợ không quá 2 sản phẩm/năm cho một doanh nghiệp.

d) Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phát minh hoặc sáng chế hoặc giải pháp hữu ích của doanh nghiệp.   

đ) Hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiển dáng công nghiệp trong nước. 

e) Hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài.

Tổng mức hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ quy định cho một doanh nghiệp không quá 500 (năm trăm) triệu đồng/năm. Giao Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng quy chế cụ thể về việc hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế và khả năng đáp ứng nguồn kinh phí hỗ trợ.

5. Nguồn kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ

Kinh phí thực hiện hỗ trợ đổi mới công nghệ được thực hiện từ các nguồn:

a) Sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ.

b) Kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hằng năm cân đối cho Sở Khoa học và Công nghệ.

 c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các ban, các tổ đại biểu và  đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Khóa IX, Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 11 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017./.

 

     CHỦ TỊCH

       Nguyễn Xuân Anh

 

HĐND thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Anh