Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm

hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước

____________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Liên tịch Bộ Tài chính - Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước theo Điều 48 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25/3/2005 của Chính phủ như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước, bao gồm:

a) Các cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính:

- Thanh tra Chính phủ;

- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

b) Các cơ quan thanh tra được thành lập ở các cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực:

- Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ;

- Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực;

- Thanh tra sở.

2. Thông tư này không áp dụng đối với thanh tra Thuế và thanh tra Hải quan. Kinh phí bảo đảm hoạt động của thanh tra Thuế và thanh tra Hải quan được bố trí từ nguồn kinh phí khoán của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Quyết định số 107/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Thuế giai đoạn 2005-2007 và Quyết định số 109/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động của Tổng cục Hải quan  giai đoạn 2005-2007.

3. Kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước thuộc cấp nào quản lý do ngân sách cấp đó bảo đảm và được bổ sung từ các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

4. Các cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thực hiện báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của pháp luật.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước:

a) Các khoản chi thanh toán cho cá nhân: Tiền lương, tiền công, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn), tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.

b) Chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi vật tư văn phòng, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, chi phí thuê mướn, chi mua sách báo, tài liệu phục vụ công tác thanh tra.

c) Chi hội nghị, công tác phí trong nước, chi các đoàn đi công tác nước ngoài và đón các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

d) Các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn, gồm:

- Chi xăng dầu, tiền công tác phí cho các đoàn thanh tra.

- Chi trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

- Chi thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung thanh tra;

- Chi phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý;

- Chi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng ngừa, chống tham nhũng;

- Chi trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu cho thanh tra viên;

- Một số khoản chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác thanh tra chuyên ngành.

đ) Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn tài sản cố định.

2. Mức chi:

Các nội dung chi phục vụ cho hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước nêu trên thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu tài chính được cấp có thẩm quyền ban hành, cụ thể như sau:

a) Chi hội nghị, công tác phí theo quy định của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở cụ thể hoá quy định tại Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 08/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.

b) Chi thanh toán cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động thực hiện theo quy định tại Quyết định số 78/2001/QĐ-TTg ngày 16/5/2001, Quyết định số 179/2002/QĐ-TTg ngày 16/12/2002, Quyết định số 168/2005/QĐ-TTg ngày 07/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội và Thông tư số 29/2003/TT-BTC ngày 14/4/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 78/2001/QĐ-TTg và Quyết định số 179/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c) Chi khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và văn bản hướng dẫn Nghị định số 121/2005/NĐ-CP của Bộ Tài chính.

d) Chi trưng cầu giám định thực hiện theo mức chi của cơ quan có thẩm quyền quy định.

đ) Các khoản chi khác thực hiện theo mức chi tại quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Trường hợp đơn vị chưa xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thì thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước:

a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp;

b) Nguồn trích bổ sung từ các khoản tiền bị tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật qua công tác thanh tra phát hiện đã thực thu hồi nộp ngân sách nhà nước.

c) Nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định (nếu có)

d) Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

4. Nguyên tắc và mức trích bổ sung kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước từ kết quả thanh tra thu hồi nộp ngân sách nhà nước:

- Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền xử lý các khoản tiền bị tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật qua công tác thanh tra phát hiện nộp vào ngân sách nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện trích từ tài khoản tạm giữ để nộp ngân sách nhà nước theo đúng số phải nộp theo quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

- Cơ quan thanh tra nhà nước được trích bổ sung kinh phí hoạt động với mức trích 30% trên tổng số tiền thu hồi từ các khoản tiền tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra (không bao gồm các khoản truy thu số chậm nộp ngân sách, thu hồi nợ đọng...) thực nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền và đã hết thời gian khiếu nại nhưng tối đa không vượt quá 5.000 triệu đồng/năm đối với Thanh tra Chính phủ, không quá 1.000 triệu đồng/năm đối với thanh tra của các Bộ, ngành trung ương, không quá 500 triệu đồng/năm đối với thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và không quá 200 triệu đồng/năm đối với thanh tra các sở, thanh tra các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.

5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí:

Việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước từ nguồn ngân sách nhà nước cấp thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số điểm về nguồn trích bổ sung từ các khoản tiền bị tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật qua công tác thanh tra phát hiện đã thực thu hồi nộp ngân sách nhà nước bổ sung chi hoạt động của cơ quan thanh tra nhà nước như sau:

a) Lập dự toán và giao dự toán:

- Hàng năm, căn cứ vào kết quả thực thu hồi đã nộp vào ngân sách nhà nước từ các khoản tiền tham ô, chiếm đoạt trái pháp luật qua công tác thanh tra năm trước (tính trên cơ sở tại thời điểm lập dự toán năm kế hoạch); Căn cứ vào mức trích, nguyên tắc trích quy định tại khoản 4 mục II Thông tư này cơ quan thanh tra hoặc cơ quan chủ quản của cơ quan thanh tra (trường hợp cơ quan thanh tra không phải là đơn vị dự toán ngân sách- dưới đây gọi là cơ quan chủ quản) lập dự toán chi ngân sách bổ sung kinh phí hoạt động nghiệp vụ thanh tra tương ứng với mức được phép trích trên số thực thu nộp ngân sách nhà nước, tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách năm của cơ quan trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

- Dự toán chi kinh phí hoạt động nghiệp vụ thanh tra (được bổ sung từ một phần kết quả thu hồi qua công tác thanh tra), được giao cùng với giao dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của các cơ quan thanh tra nhà nước (hoặc cơ quan chủ quản).

b) Việc phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí được trích để lại chi hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thanh tra nhà nước từ một phần kết quả thu hồi qua công tác thanh tra thực hiện theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ Tài chính

Thanh tra Chính phủ

Thứ trưởng

Phó Tổng Thanh tra

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Trần Quốc Trượng