Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội

trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

____________

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 của Quốc hội ngày 23 tháng 11 năm 2009 và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;

Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội; mức trợ giúp đột xuất cho cá nhân, hộ gia đình tại cộng đồng và hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chi trả như sau:

1. Mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội và mức trợ giúp đột xuất cho cá nhân, hộ gia đình tại cộng đồng do xã, phường quản lý (theo Phụ lục số 1 kèm theo Quyết định này).

2. Mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (theo Phụ lục số 2 kèm theo Quyết định này).

3. Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chi trả ở cấp xã, phường và công tác quản lý ở quận, huyện để thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội với mức hỗ trợ cho xã, phường là 0,4%; quận, huyện là 0,15% so với tổng số tiền trực tiếp chi trả. Nếu xã, phường nào thấp hơn 150.000 đồng/tháng thì chi đủ 150.000 đồng/tháng. Nếu xã, phường nào vượt quá 400.000 đồng/tháng thì chi 400.000 đồng/tháng.

Điều 2. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí hỗ trợ cho cán bộ chi trả ở xã, phường và công tác quản lý ở quận, huyện để thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 1 Quyết định này do ngân sách quận, huyện bảo đảm.

2. Kinh phí trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại khoản 2, Điều 1 Quyết định này do ngân sách thành phố đảm bảo.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1.Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các quận, huyện tổ chức quản lý, thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính trong việc lập dự toán và dự kiến kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội của các địa phương, đơn vị trên địa bàn, trình Uỷ ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ trước các ngày 15/01 và 15/7 hàng năm và báo cáo đột xuất về tình hình thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân thành phố.

2. Uỷ ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm:

a) Cân đối ngân sách, thực hiện chi trợ cấp đúng đối tượng, đúng chế độ và quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Có biện pháp quản lý tốt các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát cấp xã, phường trong việc xác định và quản lý đối tượng.

c) Tổ chức thực hiện chính sách trợ cấp, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội của cấp xã, phường.

d) Tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình và kết quả thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố.

e) Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách địa phương, UBND các quận, huyện lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, chuyển Sở Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, tổng hợp, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND thành phố theo đúng quy định.

Điều 4. Quyết  định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc sửa đổi, bổ sung mục I, khoản 1, Điều I Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND.

Điều 5. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Đà Nẵng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

UBND thành phố Đà Nẵng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Văn Hữu Chiến