Sign In

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc
vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

Nghị định:

Chương I
Những quy định chung

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

2. Việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh của lực lượng vũ trang, giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Việc vận tải chất phóng xạ, chất nổ, vật liệu nổ công nghiệp trên đường thủy nội địa, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chất nguy hiểm là những chất hoặc hợp chất ở dạng khí, dạng lỏng hoặc dạng rắn có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

2. Hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa chứa chất nguy hiểm có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia khi được vận tải trên đường thủy nội địa.

3. Người vận tải hàng hóa nguy hiểm là tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện để vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

4. Người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa với người vận tải.

5. Người gửi hàng hóa nguy hiểm là tổ chức, cá nhân có tên gửi hàng ghi trên giấy vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

6. Người nhận hàng hóa nguy hiểm là tổ chức, cá nhân có tên nhận hàng ghi trên giấy vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

7. Người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm là tổ chức, cá nhân thực hiện việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm tại cảng, bến thủy nội địa.

Chương II
Hàng hóa nguy hiểm

Điều 4. Phân loại hàng hóa nguy hiểm

1. Căn cứ tính chất hóa học, lý học, hàng hóa nguy hiểm được phân thành 09 loại và các nhóm sau đây:

Loại 1: Chất nổ.

Nhóm 1.1: Chất nổ.

Nhóm 1.2: Vật liệu nổ công nghiệp.

Loại 2: Chất khí dễ cháy, độc hại.

Nhóm 2.1: Khí ga dễ cháy.

Nhóm 2.2: Khí ga độc hại.

Loại 3: Chất lỏng dễ cháy.

Loại 4: Chất rắn dễ cháy.

Nhóm 4.1: Chất đặc dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ đặc khử nhậy.

Nhóm 4.2: Chất dễ tự bốc cháy.

Nhóm 4.3: Chất khi gặp nước tạo ra khí dễ cháy.

Loại 5: Chất oxy hóa.

Nhóm 5.1: Chất oxy hóa.

Nhóm 5.2: Hợp chất oxit hữu cơ.

Loại 6: Chất độc hại, lây nhiễm.

Nhóm 6.1: Chất độc hại.

Nhóm 6.2: Chất lây nhiễm.

Loại 7: Chất phóng xạ.

Loại 8: Chất ăn mòn.

Loại 9: Chất và hàng hóa nguy hiểm khác.

2. Bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm chưa được làm sạch bên trong và bên ngoài sau khi đã lấy hết hàng hóa nguy hiểm cũng được coi là hàng hóa nguy hiểm tương ứng.

Điều 5. Danh mục hàng hóa nguy hiểm

1. Danh mục hàng hóa nguy hiểm được phân theo loại, nhóm; kèm theo mã số và số hiệu nguy hiểm của Liên hợp quốc quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị định này.

2. Mức độ nguy hiểm của mỗi chất trong danh mục hàng hóa nguy hiểm được biểu thị bằng số hiệu nguy hiểm với một nhóm có từ 2 đến 3 chữ số quy định tại Phụ lục số 2 kèm theo Nghị định này.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm trên cơ sở đề nghị của các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 6. Đóng gói, bao bì, nhãn hàng, biểu trưng hàng hóa nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm

1. Hàng hóa nguy hiểm thuộc loại bắt buộc đóng gói thì phải được đóng gói trước khi vận tải trên đường thủy nội địa. Việc đóng gói hàng hóa nguy hiểm thực hiện theo tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm phải đúng tiêu chuẩn và dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Kích thước, ký hiệu, màu sắc biểu trưng hàng hóa nguy hiểm thực hiện theo quy định tại mục 1 Phụ lục số 3 kèm theo Nghị định này.

3. Việc ghi nhãn hàng hóa nguy hiểm thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ các biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên của phương tiện.

Báo hiệu nguy hiểm hình chữ nhật màu vàng cam, ở giữa có ghi số UN (mã số của Liên hợp quốc). Kích thước báo hiệu nguy hiểm quy định tại mục 2 Phụ lục số 3 kèm theo Nghị định này. Vị trí dán báo hiệu nguy hiểm ở bên dưới biểu trưng hàng hóa nguy hiểm.

Điều 7. Trách nhiệm xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về hàng hóa nguy hiểm

Các cơ quan sau đây có trách nhiệm xây dựng, sửa đổi, bổ sung trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành quy định về danh mục hàng hóa nguy hiểm, tiêu chuẩn đóng gói, bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

2. Bộ Y tế xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.

3. Bộ Thương mại xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về các loại xăng, dầu, khí đốt.

4. Bộ Công nghiệp xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về hóa chất nguy hiểm dùng trong sản xuất công nghiệp.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về chất phóng xạ.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

Chương III
Vận tải hàng hóa nguy hiểm

Điều 8. Điều kiện của người tham gia vận tải hàng hóa nguy hiểm

1. Thuyền viên làm việc trên phương tiện chuyên dùng vận tải xăng, dầu, khí hóa lỏng, hóa chất phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn về vận tải hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Thủ kho, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm tại cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn theo chương trình do Bộ Giao thông vận tải quy định.

3. Người áp tải, thủ kho, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm tại kho của chủ hàng trong cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn về hàng hóa nguy hiểm theo quy định của các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 9. Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm

1. Người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm theo quy định của các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định này.

2. Căn cứ quy định của cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định này và chỉ dẫn của người gửi hàng, thuyền trưởng quyết định sơ đồ xếp hàng hóa nguy hiểm.

Việc xếp hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện phải theo đúng sơ đồ do thuyền trưởng quyết định và được chèn lót, chằng buộc phù hợp tính chất của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau, làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một khoang hoặc một hầm hàng của phương tiện.

3. Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trong kho, bãi của cảng, bến thủy nội địa phải theo hướng dẫn của thủ kho. Căn cứ chỉ dẫn của người gửi hàng, thủ kho hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa trong kho, bãi và chịu trách nhiệm trong thời gian hàng hóa nguy hiểm lưu tại kho, bãi của cảng, bến thủy nội địa.

4. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại cầu cảng, bến riêng và lưu giữ ở nơi riêng biệt.

5. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

Điều 10. Điều kiện đối với phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của cơ quan đăng kiểm phù hợp với từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

2. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch theo quy trình và ở nơi quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan khác được nêu tại Điều 7 Nghị định này hướng dẫn quy trình và nơi làm sạch phương tiện sau khi vận tải hàng hóa nguy hiểm.

Điều 11. Trách nhiệm của người vận tải hàng hóa nguy hiểm

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định có liên quan trong Nghị định này, người vận tải hàng hóa nguy hiểm còn có trách nhiệm sau đây:

1. Chỉ chấp nhận vận tải khi có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm và việc đóng gói, bao bì, nhãn hàng, biểu trưng hàng hóa nguy hiểm được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định này.

2. Kiểm tra hàng hóa nguy hiểm, bảo đảm an toàn trong quá trình vận tải.

3. Thực hiện chỉ dẫn của người thuê vận tải và những quy định ghi trong giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm.

4. Hướng dẫn thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện về những quy định phải chấp hành khi vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Điều 12. Trách nhiệm của thuyền trưởng, người lái phương tiện

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, thuyền trưởng, người lái phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm còn có trách nhiệm sau đây:

1. Chấp hành các quy định ghi trong giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm.

2. Thực hiện các chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm và chỉ dẫn của người vận tải hàng hóa nguy hiểm.

3. Lập ít nhất 04 bộ hồ sơ hàng hóa nguy hiểm; ngoài các giấy tờ liên quan đến hàng hóa nguy hiểm do người thuê vận tải cung cấp, mỗi bộ hồ sơ phải có 01 giấy vận chuyển và 01 bản sơ đồ xếp hàng (01 bộ gửi người vận tải hàng hóa nguy hiểm, 01 bộ gửi người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm, 01 bộ gửi người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm và 01 bộ lưu tại phương tiện).

4. Phân công thuyền viên thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện; bảo quản hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận tải khi không có người áp tải hàng hóa.

5. Thực hiện các biện pháp loại trừ hoặc hạn chế khả năng gây hại của hàng hóa nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần nhất và các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời khi phát hiện hàng hóa nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa trong quá trình vận tải. Trường hợp vượt quá khả năng, phải báo ngay cho người vận tải và người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm để cùng phối hợp giải quyết kịp thời.

Điều 13. Trách nhiệm của người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm còn có trách nhiệm sau đây:

1. Có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với loại, nhóm, tên hàng hóa nguy hiểm quy định phải có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm.

2. Lập giấy gửi hàng hóa nguy hiểm theo quy định và giao cho người vận tải trước khi xếp hàng hóa xuống phương tiện, trong đó ghi rõ: tên hàng hóa nguy hiểm; mã số; loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm; khối lượng; loại bao bì; số lượng bao, gói; ngày, nơi sản xuất; họ và tên, địa chỉ người gửi hàng hóa nguy hiểm; họ và tên, địa chỉ người nhận hàng hóa nguy hiểm.

3. Thông báo bằng văn bản cho người vận tải hàng hóa nguy hiểm về những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận tải, hướng dẫn xử lý trong trường hợp có sự cố do hàng hóa nguy hiểm gây ra, kể cả trong trường hợp có người áp tải. Chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh do việc cung cấp chậm trễ, thiếu chính xác về các thông tin, tài liệu và chỉ dẫn.

4. Cử người áp tải hàng hóa nguy hiểm đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm mà các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định này quy định phải có người áp tải. Người áp tải hàng hóa nguy hiểm chịu trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện; cùng thuyền viên bảo quản hàng hóa nguy hiểm và xử lý khi có sự cố xảy ra trong quá trình vận tải.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân địa phương

Khi có sự cố xảy ra trong quá trình vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, Uỷ ban nhân dân nơi nhận được thông báo phải kịp thời huy động lực lượng tham gia để thực hiện các công việc sau đây:

1. Cứu người, phương tiện, hàng hóa nguy hiểm.

2. Đưa nạn nhân (nếu có) ra khỏi khu vực xảy ra sự cố và tổ chức cấp cứu nạn nhân.

3. Khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ô nhiễm, độc hại đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên để huy động các lực lượng phòng hỏa, phòng dịch, bảo vệ môi trường kịp thời xử lý sự cố và giải quyết hậu quả.

4. Tổ chức và bố trí lực lượng bảo vệ hiện trường, hàng hóa nguy hiểm, phương tiện để tiếp tục vận tải và phục vụ công tác điều tra, giải quyết hậu quả.

Điều 15. Thẩm quyền cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm

1. Căn cứ mức độ nguy hiểm của loại, nhóm, tên hàng hóa trong danh mục hàng hóa nguy hiểm quy định tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị định này, các cơ quan được nêu tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm quy định loại, nhóm, tên hàng hóa nguy hiểm bắt buộc phải có giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm khi vận tải trên đường thủy nội địa.

2. Thẩm quyền cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm được quy định như sau:

a) Bộ Công an quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm đối với hàng hóa thuộc loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9;

b) Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm đối với hàng hóa thuộc loại 5, loại 7 và loại 8;

c) Bộ Y tế quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm đối với hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm đối với các loại, nhóm, tên hàng hóa nguy hiểm còn lại.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa trong các trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa nguy hiểm phục vụ yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh, thiên tai;

b) Hàng hóa nguy hiểm quá cảnh của các nước, tổ chức quốc tế mà Việt Nam chưa ký kết hoặc gia nhập điều ước với các nước, tổ chức quốc tế đó.

Điều 16. Nội dung, thủ tục, thời hạn cấp giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm

1. Nội dung chủ yếu của giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm bao gồm:

a) Tên, số đăng ký, tổng trọng tải của phương tiện;

b) Tên, địa chỉ của chủ phương tiện;

c) Họ và tên thuyền trưởng; số, hạng bằng thuyền trưởng;

d) Tên, loại, nhóm, tổng số lượng hàng hóa nguy hiểm;

đ) Tên cảng, bến thủy nội địa nơi xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm;

e) Lịch trình và thời hạn vận tải hàng hóa nguy hiểm.

2. Các cơ quan được nêu tại Điều 15 Nghị định này quy định trình tự, thủ tục, thời hạn cấp và việc quản lý, phát hành giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm. Mẫu giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm phải có đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Giấy phép vận tải hàng hóa nguy hiểm được cấp theo từng chuyến vận tải hoặc từng thời kỳ nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Chương IV
Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

Điều 17. Thanh tra, kiểm tra vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa

1. Các cơ quan được nêu tại Điều 7 và Điều 15 Nghị định này căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này.

2. Thanh tra giao thông đường thủy nội địa, Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thủy nội địa trong phạm vi trách nhiệm theo quy định pháp luật thực hiện kiểm tra việc vận tải hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa.

Điều 18. Xử lý vi phạm

Người có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương V
Điều khoản thi hành

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Bộ trưởng các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Công nghiệp, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải