Sign In
1129, ngày 22 tháng 6 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Về việc ban hành Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Bóng đá Hải Phòng

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

 Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 468/QĐ-UB ngày 26/3/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố về việc phân cấp công tác tổ chức bộ máy cán bộ và biên chế tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp Nhà nước thành phố Hải Phòng và Quyết định số 243/QĐ-UB ngày 30/12/1999 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc thành lập Trung tâm Bóng đá Hải Phòng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thể dục Thể thao và Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Bóng đá Hải Phòng.

Điều 2. Quy chế có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố; Giám đốc Sở Thể dục Thể thao; Thủ trưởng các ngành liên quan, Trung tâm Bóng đá Hải Phòng căn cứ Quyết định thi hành./.

 

QUY CHẾ

Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Bóng đá Hải Phòng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1129/QĐ-UB ngày 22/6/2000 của Uỷ ban nhân dân thành phố)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Trung tâm Bóng đá thành phố Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt động Thể dục Thể thao, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng theo mẫu quy định và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước thành phố Hải Phòng.

Điều 2: Nhiệm vụ của Trung tâm Bóng đá thành phố Hải Phòng:

Trung tâm có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

2.1- Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển sự nghiệp bóng đá Hải Phòng, đáp ứng nhiệm vụ thành phố giao và xu hướng phát triển của bóng đá Việt Nam và sự nghiệp Thể dục Thể thao của thành phố.

2.2- Đào tạo, huấn luyện vận động viên bóng đá để cung cấp cầu thủ cho các đội bóng đá của thành phố ở các độ tuổi tham dự giải toàn quốc.

2.3- Tham mưu cho thành phố trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch; trong công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng Huấn luyện viên, trọng tài và các cầu thủ bóng đá.

2.4- Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng huấn luyện, nâng cao kiến thức, nhận thức và đạo đức cho các vận động viên bóng đá trong tập luyện và thi đấu.

2.5- Tranh thủ sự đầu tư, ủng hộ và giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển bóng đá của thành phố.

2.6- Quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm; Quản lý về tài chính, tài sản của Trung tâm theo phân cấp và quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3: Về nguyên tắc hoạt động:

3.1- Trung tâm chịu sự là lãnh đạo, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Uỷ ban Thể dục Thể thao, của Liên đoàn bóng đá Việt Nam; chịu sự quản lý Nhà nước trực tiếp của Sở Thể dục Thể thao và của các cơ quan quản lý Nhà nước của thành phố có liên quan.

3.2- Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm, quyền hạn thủ trưởng kết hợp với trách nhiệm của Đảng uỷ, Ban Giám đốc, Công đoàn Sở Thể dục Thể thao, trách nhiệm phối hợp của Liên đoàn bóng đá Hải Phòng và của tập thể cán bộ, công chức cơ quan.

3.3- Trung tâm là đơn vị sự nghiệp được Uỷ ban nhân dân thành phố giao biên chế, tài sản, đầu tư điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm tổ chức hoạt động dịch vụ về sân bãi, cơ sở vật chất hiện có và tổ chức tư vấn kỹ thuật, đào tạo để tăng nguồn thu cho Trung tâm trên cơ sở thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Chương II

TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA TRUNG TÂM VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ VỚI CẤP TRÊN VÀ

CÁC SỞ, BAN, NGÀNH THÀNH PHỐ

Điều 4:

4.1- Tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm có:

Giám đốc Trung tâm;

1 đến 2 Phó Giám đốc;

Các phòng, ban bao gồm:

Phòng Nghiệp vụ chuyên môn;

Phòng Hành chính tổng hợp.

4.2- Biên chế của Trung tâm là biên chế sự nghiệp Thể dục Thể thao do Uỷ ban nhân dân thành phố giao hàng năm nằm trong tổng biên chế được giao của Sở Thể dục Thể thao. Tuỳ theo nhu cầu cụ thể từng giai đoạn, Trung tâm được sử dụng lao động hợp đồng trên cơ sở có sự thống nhất đề nghị của Giám đốc Sở Thể dục Thể thao và thoả thuận bằng văn bản của Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền thành phố. Trung tâm tự trả lương và bảo hiểm xã hội cho các lao động đó.

4.3- Mối quan hệ với các cơ quan là lãnh đạo Trung ương và thành phố:

Trung tâm chịu sự là lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban Thể dục Thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ công tác.

4.4- Quan hệ với các Sở, Ban, Ngành thành phố và Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã:

Chịu sự quản lý Nhà nước của các Sở, Ban, Ngành về lĩnh vực hoạt động có liên quan.

Phối hợp công tác chặt chẽ và thường xuyên để triển khai và thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển sự nghiệp bóng đá của thành phố, từ cơ sở huyện, quận, thị xã ...

Chỉ đạo, hướng dẫn việc đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu bóng đá ở cơ sở.

 

Chương III

CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM

Điều 5:

5.1- Giám đốc Trung tâm là người lãnh đạo quản lý các hoạt động của Trung tâm, đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch công tác; giải quyết các mối quan hệ công tác, chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố, Ban Cán sự Đảng và Ban Giám đốc Sở Thể dục Thể thao về mọi mặt hoạt động của Trung tâm.

Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm và có quyền hạn:

Quyết định về chương trình, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên bóng đá. Quan hệ phối hợp công tác; triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Trung tâm.

Quản lý đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm, phân công nhiệm vụ, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, các phòng, ban chuyên môn của Trung tâm theo phân cấp.

Quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, kinh phí được cấp từ nguồn ngân sách và các khoản thu do nguồn tài trợ, ủng hộ khác theo phân cấp và chế độ hiện hành.

Chịu trách nhiệm về nội dung và trực tiếp ký trình các văn bản gửi Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố, các cơ quan Trung ương và thành phố có liên quan về tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, chương trình, kế hoạch công tác, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ký duyệt chi thanh quyết toán, báo cáo tài chính theo quy định của Nhà nước.

5.2- Các Phó Giám đốc Trung tâm:

Giúp Giám đốc chỉ đạo, điều hành lĩnh vực công tác được phân công và cùng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố và Giám đốc Sở Thể dục Thể thao thành phố về kết quả công tác.

Phó Giám đốc phụ trách nghiệp vụ chuyên môn có trách nhiệm giúp Giám đốc xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tổ chức thi đấu và triển khai việc thực hiện khi chương trình, kế hoạch được phê duyệt. Ký thay Giám đốc các văn bản thông thường để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được Giám đốc phê duyệt hoặc những văn bản được Giám đốc uỷ quyền.

Phó Giám đốc phụ trách công tác hành chính tổng hợp giúp Giám đốc quản lý và điều hành nội dung công việc cụ thể thuộc lĩnh vực hành chính tổng hợp. Ký thay Giám đốc những văn bản thông thường để triển khai nhiệm vụ công tác đã được Giám đốc quyết định hoặc những văn bản được Giám đốc uỷ quyền.

5.3- Trưởng các phòng, ban, bộ phận và cán bộ, công chức Trung tâm chịu sự phân công của Giám đốc và có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, chủ động hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 6: Chế độ hội họp, báo cáo:

6.1- Ban Giám đốc và Trưởng các phòng, ban, bộ phận của Trung tâm họp giao ban công tác hàng tuần. Hàng tháng họp kiểm điểm kết quả công tác và xác định nhiệm vụ công tác tháng tới. Hàng quý, 6 tháng, cả năm tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả công tác, đúc kết bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của thành công và của những yếu kém, tồn tại; những mô hình tốt, tập thể, cá nhân tiêu biểu; phương hướng trong thời gian tới.

6.2- Đảm bảo tham dự các cuộc họp, các cuộc giao ban của Sở theo kế hoạch chung.

6.3- Khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và công tác tổ chức bộ máy, cán bộ Trung tâm phải báo cáo và được sự thống nhất bằng văn bản của Ban Cán sự Đảng, Ban Giám đốc Sở Thể dục Thể thao theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý công tác tổ chức bộ máy, cán bộ.

Điều 7: Trách nhiệm cán bộ, công chức:

7.1- Cán bộ, công chức Trung tâm có trách nhiệm thực hiện các quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức; chấp hành nội quy làm việc của Sở và của Trung tâm. Đảm bảo kỷ luật lao động và chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nếu nghỉ vì lý do việc riêng phải báo cáo và được sự đồng ý của người phụ trách.

7.2- Tất cả cán bộ, công chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của cơ quan theo quy định, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, gọn gàng, sạch, đẹp.

7.3- Đoàn kết nội bộ, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, đề cao yêu cầu dân chủ sinh hoạt trong cơ quan.

 

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8: Quy định về tài chính:

8.1- Về tài chính của Trung tâm bao gồm các nguồn thu:

Nguồn do Ngân sách Nhà nước cấp.

Nguồn thu do hoạt động khai thác, sử dụng sân bãi, cơ sở vật chất hiện có.

Nguồn thu do đầu tư, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ở nước ngoài.

8.2- Việc thu, chi đảm bảo nguyên tắc có kế hoạch, công khai, tiết kiệm, đảm bảo chế độ kế toán thống kê và các quy định hiện hành.

8.3- Các chế độ, chính sách đối với Huấn luyện viên, vận động viên ... trên cơ sở thực hiện các chế độ quy định hiện hành: Thông tư liên bộ số 86 ngày 24/10/1994 của Bộ Tài chính-Lao động, Thương binh và Xã hội-Tổng cục Thể dục Thể thao; Quyết định số 49/QĐ-CP của Chính phủ, chế độ đặc thù của bóng đá Hải Phòng do Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định.

Sở Tài chính - Vật giá, Sở Thể dục Thể thao chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành đề xuất những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện các chế độ, chính sách nói trên cho phù hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Điều 9: Giám đốc Sở Thể dục Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế. Tất cả cán bộ, công chức có trách nhiệm thực hiện các quy định của bản Quy chế. Tập thể và cá nhân thực hiện tốt sẽ được xem xét đề nghị khen thưởng. Nếu vi phạm, tuỳ mức độ sẽ bị kỷ luật theo quy định hiện hành.

Điều 10: Quá trình thực hiện Quy chế, nếu có những nội dung cần bổ sung cho phù hợp, Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố (qua Giám đốc Sở và Ban Tổ chức chính quyền thành phố để tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân thành phố) xem xét, quyết định./.

UBND thành phố Hải Phòng

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Huy Năng