• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2022
CHÍNH PHỦ
Số: 56/2016/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 29 tháng 6 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP

ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng

biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

_____________________

  

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Sửa đổi, bổ sung các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4 như sau:

“c) Đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm này, thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên;

d) Đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, thì thời hiệu là 03 tháng, kể từ ngày đối tượng có hành vi sử dụng ma túy bị phát hiện.

Người nghiện ma túy đang tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng này được tiến hành đồng thời với việc cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

đ) Đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với lần vi phạm này, thì thời hiệu là 06 tháng, kể từ ngày thực hiện lần cuối một trong những hành vi vi phạm hành chính nêu trên.”

2. Sửa đổi khoản 4 Điều 9 như sau:

“4. Trong thời hạn tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra các thông tin về hành vi vi phạm và nhân thân người vi phạm; trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên, thì tham khảo ý kiến của công chức văn hóa - xã hội phụ trách công tác trẻ em hoặc cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em (nếu có) về đặc điểm và hoàn cảnh gia đình của người chưa thành niên.

Trưởng Công an cấp xã không chấp nhận đề nghị lập hồ sơ nếu thấy văn bản đề nghị không đúng đối tượng quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản 2 Điều 4 của Nghị định này hoặc sự việc đang trong quá trình hòa giải hoặc đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; nếu người đề nghị không đồng ý, thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Sau khi chấp nhận đề nghị lập hồ sơ, Trưởng Công an cấp xã lập hồ sơ đề nghị theo quy định tại các Điều 11, 12, 13 và 14 của Nghị định này.”

3. Sửa đổi, bổ sung các khoản 2 và 3 Điều 10 như sau:

“2. Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4 của Nghị định này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, sau đó chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 13 của Nghị định này.

3. Cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc theo quy định tại Khoản 2 Điều 97 Luật xử lý vi phạm hành chính lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này, sau đó chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 1a, điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 13 của Nghị định này.”

4. Sửa đổi khoản 5 Điều 11 như sau:

“5. Công chức văn hóa - xã hội, cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên công tác trẻ em (nếu có), cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, nhà trường, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu hoặc có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan công an trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị.”

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

Điều 13. Xác minh nơi cư trú và chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trong thời hạn tối đa là 07 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ, người có thẩm quyền lập hồ sơ quy định tại Điều 10 của Nghị định này có trách nhiệm xác minh nơi cư trú ổn định của đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đối với các địa bàn là vùng miền núi, hải đảo, vùng xa xôi, hẻo lánh mà việc đi lại gặp khó khăn thì thời hạn xác minh nơi cư trú có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 10 ngày làm việc, kể từ khi thụ lý hồ sơ.

Nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống hoặc phần lớn thời gian sinh sống.

Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi xác minh được nơi cư trú và hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định tại địa phương nơi họ thực hiện hành vi vi phạm, thì người có thẩm quyền lập hồ sơ xử lý như sau:

a) Trưởng Công an cấp xã đã lập hồ sơ đối với đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 4 của Nghị định này chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Cơ quan Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh đã lập hồ sơ đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định này chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi hoàn thành việc xác minh nơi cư trú và lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng không có nơi cư trú ổn định là người chưa thành niên, mà không xác minh được nơi cư trú, Trưởng Công an cấp xã nơi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Cơ quan Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh đang thụ lý vụ việc chuyển đối tượng và bản sao hồ sơ đến cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em theo Danh mục do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; đồng thời, chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em đó đóng trụ sở để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”

6. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 13 như sau:

“1a. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi xác minh được nơi cư trú và hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị, đối với đối tượng có nơi cư trú ổn định tại địa phương nơi họ thực hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền lập hồ sơ quy định tại Điều 10 của Nghị định này phải chuyển hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng vi phạm cư trú ổn định để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:

Điều 15. Xử lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ nơi khác gửi đến

Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được chuyển đến theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 13 của Nghị định này, trong thời hạn tối đa là 02 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú ổn định hoặc nơi cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em đóng trụ sở giao hồ sơ cho Trưởng Công an cùng cấp kiểm tra, bổ sung các thông tin, tài liệu, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này. Thời hạn kiểm tra, bổ sung các thông tin, tài liệu, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.”

8. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị hoặc sau khi kiểm tra, bổ sung hồ sơ quy định tại Điều 15 của Nghị định này, trong thời hạn 01 ngày làm việc, Trưởng Công an cấp xã phải gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời, thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp hoặc cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên.”

9. Sửa đổi Khoản 3 Điều 18 như sau:

“3. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến về việc áp dụng biện pháp. Cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên; người bị hại (nếu có) được mời tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Trường hợp cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên không tham dự được mà có lý do chính đáng, thì phải hoãn cuộc họp tư vấn. Số lần hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 03 ngày làm việc, thời gian hoãn không tính vào thời gian xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp này. Trường hợp cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên vẫn không thu xếp tham dự được cuộc họp trong thời gian nêu trên do không có mặt tại địa phương, điều kiện sức khỏe hoặc lý do chính đáng khác thì phải có trách nhiệm cử đại diện gia đình hoặc người thân thích khác tham dự và phát biểu tại cuộc họp.

Việc mời những người nêu trên tham gia cuộc họp phải được thể hiện bằng văn bản và phải được gửi trước khi tiến hành cuộc họp ít nhất 03 ngày làm việc. Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được, thì có thể gửi ý kiến bằng văn bản.”

10. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 18 như sau:

“3a. Trường hợp người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cố tình trốn tránh không tham dự cuộc họp tư vấn; người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không tham dự được cuộc họp tư vấn và cũng không gửi ý kiến bằng văn bản hoặc cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không thể tham dự được cuộc họp tư vấn do có lý do chính đáng, đã hoãn theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì vẫn tiếp tục tổ chức cuộc họp tư vấn.”

11. Sửa đổi điểm g khoản 5 Điều 18 như sau:

“g) Tùy vào thực tiễn của địa phương, người nghiện ma túy phải lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình hoặc cộng đồng hoặc tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo quy định của pháp luật. Người nghiện ma túy phải cam kết về việc tự nguyện cai nghiện, điều trị nghiện.”

12. Sửa đổi khoản 2 Điều 22 như sau:

“2. Quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong thời hạn tối đa là 02 ngày làm việc, kể từ ngày có hiệu lực, quyết định được gửi cho người được giáo dục, gia đình người được giáo dục, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức có liên quan.”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 29 như sau:

“4. Trừ trường hợp quy định tại Khoản 4a Điều này, trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục. Thành viên, nội dung cuộc họp gồm:

a) Thành viên cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã; Trưởng Công an cấp xã; công chức tư pháp - hộ tịch; người được phân công giúp đỡ và đại diện của cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục; đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở. Người được giáo dục, gia đình của người được giáo dục phải được mời tham dự cuộc họp. Trường hợp người được giáo dục không thể tham dự được mà có lý do chính đáng thì phải hoãn cuộc họp. Số lần hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 03 ngày làm việc.

Trường hợp người được giáo dục không thể tham dự được cuộc họp góp ý mà có lý do chính đáng, đã hoãn 02 lần hoặc cố tình trốn tránh không tham dự thì vẫn tiếp tục tổ chức cuộc họp góp ý.

Trường hợp người được giáo dục là người nghiện ma túy, ngoài những thành phần nêu trên còn phải có công chức văn hóa - xã hội, đại diện tổ công tác cai nghiện ma túy hoặc cơ sở điều trị nghiện.

b) Nội dung cuộc họp:

Người được phân công giúp đỡ báo cáo về quá trình quản lý, giáo dục và các vi phạm của người được giáo dục trong thời gian quản lý và đề xuất bổ sung, thay đổi biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp. Người được giáo dục trình bày nguyên nhân vi phạm cam kết và phương hướng khắc phục, đề xuất giúp đỡ nếu cần thiết. Trên cơ sở báo cáo của người được phân công giúp đỡ và trình bày của người được giáo dục, các thành viên tham gia cuộc họp phân tích, góp ý về những sai phạm của người được giáo dục, giúp đỡ người đó sửa chữa để tiến bộ; thảo luận và đưa ra biện pháp giáo dục đối với đối tượng.

Cuộc họp phải được lập thành biên bản và gửi cho người được giáo dục và gia đình của họ.”

14. Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 29 như sau:

“4a. Trường hợp người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 35a của Nghị định này.”

15. Sửa đổi, bổ sung Điều 35 như sau:

Điều 35. Xử lý trường hợp người đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1. Trường hợp phát hiện người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định, theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đang thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đối với người đó và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

2. Trường hợp có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc được Toà án tuyên không phạm tội thì người đó phải tiếp tục chấp hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định huỷ quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà mình đã ban hành.

3. Trường hợp người đó bị Toà án xử phạt tù thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Trường hợp bị Tòa án xử phạt không phải là hình phạt tù, thì người đó có thể phải tiếp tục chấp hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”

16. Bổ sung Điều 35a vào sau Điều 35 như sau:

Điều 35a. Xử lý trường hợp người đang trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm

Người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất một nửa thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn xử lý như sau:

1. Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

2. Nếu hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”

17. Sửa đổi Điều 37 như sau:

“Trong thời hạn tối đa là 02 ngày làm việc, kể từ ngày người được giáo dục chấp hành xong quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải cấp Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục, lưu hồ sơ, đồng thời gửi bản sao hợp lệ cho tổ chức được giao quản lý, giáo dục và gia đình người được giáo dục biết.”

18. Bổ sung các Điểm k1, k2 và k3 vào sau điểm k khoản 1 Điều 38 như sau:

“k1) Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định này (nếu có);

k2) Quyết định hủy quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 2 Điều 35 của Nghị định này (nếu có);

k3) Quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 35 và Điều 35a của Nghị định này (nếu có);”

19. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 43 như sau:

“3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em; hướng dẫn các cơ sở thực hiện quản lý đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em; hướng dẫn kỹ năng cho đội ngũ nhân viên công tác xã hội ở cơ sở và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy.”

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về các biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp thay thế xử lý hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.

2. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2016.

3. Bãi bỏ các quy định sau đây:

a) Bãi bỏ quy định về việc xem xét, quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương đối với trường hợp người nghiện ma túy vi phạm cam kết tự nguyện điều trị nghiện, cai nghiện tại điểm b khoản 4 Điều 29 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

b) Bãi bỏ quy định về việc không lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với trường hợp người nghiện ma túy đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn đang tham gia chương trình điều trị nghiện, cai nghiện ma túy tại Điều 37 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.