• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/2021
CHÍNH PHỦ
Số: 24/2021/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 23 tháng 3 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non

và cơ sở giáo dục phổ thông công lập

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục), bao gồm: quản lý các hoạt động giáo dục; thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục; trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục và người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập, trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập, trường mầm non, lớp mầm non độc lập công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non); trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục phổ thông); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong cơ sở giáo dục.

2. Kế hoạch giáo dục của nhà trường là kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Điều 4. Yêu cầu quản lý trong cơ sở giáo dục

Việc quản lý trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Thực hiện dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch về chất lượng giáo dục và điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, phù hợp với loại hình nhà trường và quy định của pháp luật về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo quy định của pháp luật về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Chương II

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

 

Điều 5. Hoạt động tuyển sinh

1. Cơ sở giáo dục thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, yêu cầu phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định của pháp luật được tự chủ xác định phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh và địa bàn tuyển sinh.

Điều 6. Tổ chức hoạt động giáo dục

1. Cơ sở giáo dục được quyết định các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

2. Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự

1. Việc quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự trong cơ sở giáo dục đáp ứng quy định về tổ chức hoạt động giáo dục tại Nghị định này và thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự.

2. Cơ sở giáo dục được tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nhà trường bảo đảm rõ về mục đích tài trợ và sử dụng các nguồn tài trợ đúng mục đích, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

3. Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đáp ứng nhu cầu người học của cơ sở giáo dục được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 

Chương III

THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ

TRONG QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

 

Điều 8. Trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường

1. Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

2. Giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh, các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục.

3. Giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa dành cho cơ sở giáo dục, bảo đảm mục tiêu giáo dục, công khai, minh bạch và hiệu quả.

4. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục

1. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; trình Hội đồng trường phê duyệt các kế hoạch trước khi tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm đúng mục đích, công bằng, công khai, minh bạch.

3. Tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia đánh giá chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục.

4. Công khai mục tiêu chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả tuyển sinh, kết quả giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

5. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục

1. Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

2. Tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

3. Tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 11. Trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục

1. Tham gia xây dựng kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục.

2. Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

3. Phối hợp sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng bảo đảm đúng mục đích, chất lượng, hiệu quả theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG QUẢN LÝ

CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

 

Điều 12. Trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, học sinh, cơ quan quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật các nội dung sau:

1. Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục.

2. Hoạt động tuyển sinh, hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; bảo đảm sự tham gia của gia đình học sinh, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.

3. Quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng.

4. Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các nội dung khác theo quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 13. Trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ sở giáo dục

1. Xác định nội dung và thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật để áp dụng trong cơ sở giáo dục phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục.

2. Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm giải trình và xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm giải trình theo quy định tại Nghị định này và quy định khác của pháp luật.

3. Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các nội dung khác theo quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chương V

BẢO ĐẢM VIỆC THAM GIA CỦA HỌC SINH, GIA ĐÌNH

VÀ XÃ HỘI TRONG QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

 

Điều 14. Bảo đảm việc tham gia của học sinh

1. Tham gia xây dựng các nội quy, quy định của tổ, lớp, các hoạt động Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội khác trong cơ sở giáo dục.

2. Chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ học tập và rèn luyện theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục do cơ sở giáo dục tổ chức theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Điều 15. Trách nhiệm của gia đình

1. Tham gia góp ý mục tiêu giáo dục và kế hoạch giáo dục của nhà trường của cơ sở giáo dục thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

2. Tham gia góp ý nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục về các biện pháp giáo dục, khen thưởng, kỷ luật học sinh; nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh để phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

3. Phối hợp với cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, dạy học học sinh bảo đảm an toàn cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

4. Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục học sinh và đảm bảo an toàn cho học sinh theo quy định của pháp luật.

5. Giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm của đoàn thể, tổ chức xã hội ngoài cơ sở giáo dục

1. Phối hợp với cơ sở giáo dục và gia đình học sinh trong việc tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động xã hội, hoạt động vì cộng đồng và các hoạt động giáo dục khác theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2. Phối hợp quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa dành cho cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

3. Giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

 

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2021.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí của cơ sở giáo dục; có cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tại địa phương phối hợp với các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.