• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/01/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2009
BỘ Y TẾ
Số: 06/2005/CT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 29 tháng 12 năm 2005

CHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Về việc tăng cường công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện

Trong những năm qua, ngành Y tế nước ta đã có những bước phát triển lớn trong việc áp dụng khoa học công nghệ y học hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật y học hiện đại đã thực hiện thành công như kỹ thuật ghép thận, gan, mổ tim hở, nong động mạch vành, thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi, mổ pha-cô... Cùng với sự tiến bộ của kỹ thuật y học, công tác phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã có nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Ngày 19/09/1997, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ về việc ban hành Quy chế bệnh viện, trong đó có Quy chế chống nhiễm khuẩn bệnh viện và Quy chế công tác của khoa chống nhiễm khuẩn. Sau một thời gian thực hiện, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã đạt được những kết quả bước đầu. Về tổ chức, hệ thống khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện được thành lập và mạng lưới chống nhiễm khuẩn bệnh viện đã dần phát triển. Về chuyên môn, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình chống nhiễm khuẩn, tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo cán bộ về lĩnh vực này. Các bệnh viện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, thực hiện kiểm tra giám sát về chống nhiễm khuẩn bệnh viện,... Nhờ đó, đã bước đầu hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện, góp một phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn còn nhiều tồn tại. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện còn cao, Việc thực hiện chế độ chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện còn lỏng lẻo. Một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là HIV, viêm gan B, sốt rét và nhiều bệnh truyền nhiễm khác chưa được giám sát chặt chẽ ở nhiều bệnh viện. Chi phí cho điều trị nhiễm khuẩn mắc phải trong bệnh viện cao gấp hai đến ba lần so với điều trị không bị nhiễm khuẩn. Đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do các cấp lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn trong điều trị cho người bệnh, thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Về công tác tổ chức: Các Vụ, Cục có liên quan của Bộ Y tế, các Sở Y tế và Giám đốc các bệnh viện chú trọng phát triển mạng lưới chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Trước hết phải kiện toàn Hội đồng chống nhiễm khuẩn bệnh viện để chỉ đạo cụ thể và sâu sát công tác này; Đồng thời, củng cố khoa chống nhiễm khuẩn, phát triển và kiện toàn khoa vi sinh, phát huy cao vai trò nòng cốt về chuyên môn kỹ thuật của hai khoa này trong chống nhiễm khuẩn.

2. Về công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học: Các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế, các Sở y tế và các Giám đốc các bệnh viện cần tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng nội dung chương trình và giáo trình đào tạo phù hợp; thường kỳ tổ chức tập huấn cho các thày thuốc; điều dưỡng viên và nhân viên các khoa phòng về các qui định, quy trình kỹ thuật chống nhiễm khuẩn, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học nhằm phát triển khoa học chuyên ngành về chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

3. Về việc thực hiện các quy trình kỹ thuật chuyên môn: Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh phải cụ thể hoá những quy định, quy trình về những hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với đặc thù và điều kiện hiện tại của đơn vị trên cơ sở những văn bản, quy định do Bộ Y tế ban hành. Các thày thuốc, điều dưỡng viên, nhân viên, học sinh và sinh viên công tác và học tập tại các khoa phòng trong bệnh viện phải tuyệt đối tuân thủ thực hiện quy trình kỹ thuật chuyên môn, quy trình vô khuẩn, tiệt khuẩn và chống nhiễm khuẩn.

4. Về đầu tư trang thiết bị, vật tư và hoá chất: Lãnh đạo các đơn vị có trách nhiệm đảm bảo đầu tư, mua sắm đủ các trang thiết bị, vật tư và hoá chất để thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chuyên môn, đặc biệt là các quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện và vệ sinh môi trường bệnh viện, từng bước hiện đại hoá các trang thiết bị cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

5. Về công tác giám sát chống nhiễm khuẩn bệnh viện: Hội đồng Chống nhiễm khuẩn và khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện có trách nhiệm giám sát chặt chẽ các quy trình chống nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường và chất thải y tế trong toàn bệnh viện, xác định tần xuất mắc, vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, phát hiện và thông báo dịch kịp thời cho Lãnh đạo bệnh viện.

6. Về hợp tác quốc tế: Các sở y tế, các bệnh viện tích cực mở rộng quan hệ quốc tế nhằm phát triển chuyên ngành chống nhiễm khuẩn bệnh viện, cập nhật với trình độ khu vực và hội nhập quốc tế.

7. Về thanh tra, kiểm tra: Các bệnh viện cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất các quy định về chuyên môn kỹ thuật chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

8. Về công tác thi đua: Các bệnh viện cần đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuyên, liên tục, có sơ kết đánh giá và khen thưởng kịp thời.

9. Tổ chức thực hiện:

- Vụ Điều trị có trách nhiệm hướng dẫn và tiếp tục chỉ đạo xây dựng các văn bản pháp quy, chuyên môn kỹ thuật; tổng hợp và báo cáo Bộ trưởng về công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Điều trị chỉ đạo kiện toàn mạng lưới khoa chống nhiễm khuẩn bệnh viện và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp.

- Vụ Khoa học và đào tạo phối hợp với Vụ Điều trị xây dựng kế hoạch và chỉ đạo đào tạo phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học về chống nhiễm khuẩn bệnh viện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Vụ Kế hoạch - Tài chính bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Vụ Y học cổ truyền và Vụ Sức khoẻ sinh sản kết hợp với Vụ Điều trị để chỉ đạo thực hiện trong lĩnh vực chuyên ngành.

- Thanh tra Bộ Y tế kết hợp với Vụ Điều trị chỉ đạo và tổ chức triển khai thanh tra kiểm tra công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện chặt chẽ.

- Các Sở Y tế, Y tế các ngành có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện tốt công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

- Các bệnh viện, viện có giường bệnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả về công tác chống nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng y tế Ngành, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh có trách nhiệm triển khai thực hiện và báo cáo kết quả hàng năm về Bộ Y tế./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Thị Trung Chiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.